5. Kết quả thực hiện cải tiến
5.4. Đánh giá chung
Việc cải tiến hiệu suất hoạt động tại điểm thắt cổ chai giúp nâng cao hiệu suất chung của chuỗi. Có thể minh chứng trong thực tế khi khắc phục được phần lớn tình trạng giao hàng trễ hẹn tại Fuji Denso thì độ tin cậy trong giao hàng của Koda đối với khách hàng được cải thiện rõ ràng, số lần phàn nàn của khách hàng giảm xuống. Fuji Denso là điểm thắt cổ chai cục bộ, hiệu suất thấp tại đây ảnh hưởng đến cả mạng lưới cung cấp và nhất là đối với khách hàng trực tiếp của nó - Koda. Do không thể thay đổi được nhà cung cấp này nên Koda phải bù vào hiệu suất thiếu hụt này bằng các nguồn lực của mình và những nhà thầu phụ khác. Để đối phó với rủi ro, Koda yêu cầu thời gian giao hàng về xưởng (dự trữ) trước 3 tuần (việc này làm tăng chi phí tồn kho và chi phí do phải kiểm tra 100% lô hàng).
Việc phân tích và cải tiến tình hình chất lượng tại Fuji Denso là một trường hợp bất thường không giống như các nhà thầu phụ khác đã có thời gian hợp tác lâu dài với Koda. Sự tham gia của Fuji Denso (trong thời gian ngắn đã trở thành một nhà thầu phụ chính) trong mạng lưới cung cấp đã ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình chất lượng chung. Vì vậy, đối với nhà cung cấp này, trước tiên, Koda phải giúp họ ổn định chất lượng bằng cách kiểm soát chặt chẽ tình hình sản suất, hạn chế tối thiểu mức sai hỏng, hỗ trợ kịp thời các sự cố phát sinh. Koda cũng phải giúp Fuji Denso trong việc đào tạo và huấn luyện nhân viên để có thể tiếp cận và thực hiện theo các tiêu chuẩn chất lượng mà Koda yêu cầu. Từ tháng 4-6, các hoạt động tại Fuji Denso có những bước cải thiện hơn nhưng nhìn chung vẫn còn tương đối thấp so với các nhà thầu phụ khác và hiện nay, Fuji Denso vẫn còn nằm trong chế độ kiểm soát đặc biệt của Koda.
Qua việc đo lường hiệu suất của chuỗi cung ứng thông qua các tiêu chí về chất lượng, ta thấy rằng chất lượng cần được duy trì và tăng cường khi đi dòng sản phẩm được chảy qua các lớp khác nhau trong chuỗi. Nếu năng lực đưa chất lượng vào sản phẩm của các thành viên giữa các lớp không đồng nhất với nhau thì lớp yếu nhất sẽ làm cho mọi nỗ lực của các lớp trước nó trở thành vô nghĩa. Vì vậy, chất lượng phải được quan tâm tạo ra từ tất cả các bộ phận liên quan trên mọi công đoạn trong quá trình sản xuất lẫn phân phối.
KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu này, nhóm đã dần hình thành bức tranh chung của chuỗi cung ứng và khái niệm về quản trị chuỗi cung ứng, nhất là ở công ty Koda, nó giúp công ty xác định vị thế của mình và có sự chuẩn bị cần thiết cho chiến lược sản xuất mới.
Mỗi công ty có vị trí và vai trò khác nhau trong chuỗi nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đối với các thành viên khác. Hiệu suất lớn nhất đạt được trong chuỗi khi mỗi thành viên được chia sẻ mục tiêu và hoàn thành tốt vai trò của mình. Điều này rất có ý nghĩa trong thực tế Việt Nam hiện nay. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Koda đã và đang gặp nhiều sự cạnh tranh gay gắt ở thị trường cung cấp vì bị chia sẻ nguồn nguyên liệu vì hiện nay ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam đang phát triển mạnh. Thời gian gần đây, một loạt các nhà máy gia công cho Koda đã phải đóng cửa vì không chịu nổi trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. Điều này buộc Koda phải có các chuẩn bị và dự phòng thích hợp để bảo đảm mạng lưới cung cấp của mình. Nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp để phát triển chuỗi cung ứng chính là hướng đi đúng đắn dành cho công ty.
Tuy nhiên, đề tài này vẫn còn nhiều thiếu sót. Do hạn chế về mặt số liệu, nên phạm vi khảo sát trong chuỗi là rất hẹp, có nhiều vấn đề mà học viên không thể nghiên cứu và phân tích do không đủ số liệu. Vì vậy thiếu sự đánh giá hiệu suất trên toàn chuỗi. Các nguồn số liệu từ các nhà thầu phụ được tiếp cần chủ yếu qua báo cáo của các Q.C ngoài và các nhân viên kỹ thuật của Koda nên ít nhiều sai lệch do cách thức ghi nhận số liệu của họ.
PHỤ LỤC 1. Một số thuật ngữ trong chuỗi cung ứng
• Kênh phân phối (Distribution Chanel): là đường đi từ nhà sản xuất qua nhà phân phối và đến khách hàng.
• Khách hàng cuối cùng (End customer): là thực thể duy nhất đưa dòng tiền vào trong chuỗi cung ứng.
• Khách hàng bên trong (Internal customer): là những người hoặc bộ phận được nhận những sản phẩm, dịch vụ, thông tin từ những người hoặc bộ phận khác trong cùng một tổ chức.
• Nhà cung cấp (Supplier): là công ty cung cấp hàng hoá hay dịch vụ là một phần của sản phẩm cuối cùng được sản xuất bởi công ty khác.
• Quản lý nhà cung cấp là cách thức mà công ty sử dụng để làm việc với nhà cung cấp để thu mua nguyên liệu và bán thành phẩm.
• Nhà cung cấp thứ nhất (tier one supplier): là nhà cung cấp nguyên liệu hoặc dịch vụ trực tiếp đến nhà máy sản xuất.
• Nhà cung cấp thứ hai/ ba (tier two/ three supplier): là nhà cung cấp nguyên liệu hoặc dịch vụ đến nhà cung cấp thứ nhất/ thứ hai.
• Tự sản xuất (Insource): các quy trình và hoạt động hoàn thành bởi bên trong các nhà máy.
• Thuê ngoài (outsource): các quy trình và hoạt động được hoàn thành các nhà cung cấp. • Hợp tác (Partnering): là một quá trình phát triển các mối quan hệ lâu dài với các đối tác dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau, cùng chia sẻ thông tin và rủi ro.
• Liên kết dọc (Vertical Integration): là sự đo lường bao nhiêu phần trong chuỗi cung ứng thực sự được sở hữu bởi một nhà máy sản xuất.
• Tích hợp về phía sau (Backward intergration): sở hữu và kiểm soát các nguồn lực mà trước đó nó là của các nhà cung cấp bên ngoài.
• Tích hợp về phía trước (Forwar Intergration): sở hữu và kiểm soát các kênh phân phối mà trước đó nó là của các nhà phân phối bên ngoài.
• Lịch sản xuất chính (MPS - Master production Schedule): lịch sản xuất được thiết lập nhằm phân công các nhiệm vụ sản xuất. Nó bao gồm lịch sản xuất, các kế hoạch hoạch định nguồn nguyên liệu theo yêu cầu. Nó thể hiện kế hoạch sản xuất của công ty, truyền đạt các thông tin về đặc điểm kỹ thuật, số lượng và điểm mốc thời gian.
• Sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing): là quá trình liên tục phát triển được thực hiện bằng các bước nhỏ. Nó cải tiến quá trình bằng cách giới hạn sai hỏng, chuẩn hoá công việc và sản xuất linh hoạt.
• Điểm thắt cổ chai (Bottle Neck): một bộ phận, một cơ sở, thành phần hoặc nguồn lực mà dung lượng của nó thấp hơn cái nó được yêu cầu.
• Thông lượng (throughput): là tốc độ mà hệ thống tạo ra tiền thông qua doanh số. • Thông lượng (Throughput): là số tiền thu được do bán sản phẩm.
• Tồn kho (Inventory): là toàn bộ số tiền mà hệ thống đã đầu tư vào việc mua những thứ mà nó dự định bán.
• Chi phí hoạt động (Operating Expense): là toàn bộ số tiền mà hệ thống chi tiêu để biến hàng tồn kho thành thông lượng.
• Hậu cần (Logistics): Là quá trình mang tính quản lý chiến lược từ việc thu mua, vận chuyển và lưu trữ vật liệu .
• Crossdocking: hạn chế chức năng tồn kho của kho phân phối trong khi vẫn thực hiện chức năng nhận và xuất hàng. Xe nhận hàng sẽ đến lấy hàng (đã được chuẩn bị), cùng với những sản phẩm khác và được chuyển đến bến (dây chuyền, hoặc công đoạn sản xuất) bên ngoài mà không lưu kho.
• JIT (Just In Time): được biết tới như một triết lý hơn là một công cụ. Một trong những cách tiếp cận là giới hạn tồn kho thông qua việc quản lý thời gian vận chuyển của vật liệu ở mỗi trạm làm việc vừa đúng lúc với cái họ cần cho công đoạn tiếp theo.
• TQM (Total Quality management): Là hệ thống cải tiến liên tục các quá trình, sản phẩm và dịch vụ nhằm tăng sự thỏa mãn trong sự thay đổi nhanh chóng của thế giới.