chiếu:
So sánh văn học là một phương cách hữu hiệu để rèn luyện, bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ cho học sinh. So sánh được dùng để làm nổi bật một vài chi tiết nào đó của tác phẩm đồng thời để thấy chỗ giống nhau, khác nhau nhằm soi sáng sự kế thừa truyền thống và những đổi mới của tác giả trong các tác phẩm hoặc đánh giá những chuyển biến cũng như tài năng biến hóa phong phú của một số cây bút trong những tác
phẩm viết chung một đề tài, hay chọn lựa chung một hình ảnh ở nhiều góc độ khác nhau. Mặt khác, việc hướng dẫn và luyện cho học sinh so sánh khi dạy học tác phẩm văn chương cũng góp phần rèn luyện tư duy văn học cho các em, làm cho sự đánh giá tác phẩm của các em ngày càng trở nên tinh tế, nhạy bén, sắc sảo.Có hai loại so sánh thường dùng: so sánh tương đồng và so sánh đối lập. Tuy nhiên, việc so sánh luôn được xác định trên cơ sở những nguyên tắc khách quan, chặt chẽ.
Chẳng hạn, khi dạy bài "Vội vàng" của Xuân Diệu, giáo viên có thể yêu cầu học sinh so sánh cảm xúc của thi sĩ với bài thơ "Xuân" của Chế Lan Viên để khám phá sự độc đáo của hai hồn thơ. Học sinh sẽ dễ dàng nhận thấy bức tranh mùa xuân trong bài "Vội vàng" tràn ngập màu sắc âm thanh, ánh sáng và hương thơm như một "thiên đường trên mặt đất" đang chào đón, mời gọi con người chiêm ngưỡng, hưởng thụ. Điệp từ "này đây" cùng với hệ thống động từ và tính từ mạnh nằm trong kiểu cấu trúc trùng điệp diễn tả cảm xúc sung sướng đến ngất ngây, chếnh choáng thậm chí biểu lộ thành thái độ cuống quýt, vội vàng của Xuân Diệu trước vẻ đẹp bất tận của mùa xuân, của cuộc sống trần gian. Cảm xúc ấy là biểu hiện cụ thể, sắc nét nhất của lòng yêu đời, ham sống đầy sôi nổi, bồng bột của thi sĩ. Trong khi đó, với Chế Lan Viên, mùa xuân đến như chất chứa thêm nỗi sầu của thi nhân. Nỗi sầu không biểu hiện gián tiếp qua bức tranh thiên nhiên mà biểu hiện trực tiếp qua nỗi niềm hoài vọng quá khứ, qua ước muốn níu kéo bước đi của thời gian để ngăn cản mùa xuân. Hàng loạt câu hỏi tu từ và câu cảm thán khẳng định thái độ quyết liệt, gay gắt, từ chối thực tại. Nó bắt nguồn từ tâm trạng đầy chán nản, tuyệt vọng của thi sĩ. Đó là tâm trạng chung của các thi sĩ lãng mạn lúc bấy giờ nhưng đến "Điêu tàn" của Chế Lan Viên nó trở nên não nề hơn hết. Như vậy, chính lăng kính chủ quan đã quyết định cái nhìn độc đáo và cách xử lý đề tài khác nhau của các nhà thơ, tạo nên những giọng điệu trữ tình khác nhau trong bản hoà âm chung của thời đại.
Ta có thể lấy một ví dụ khác. Dạy bài "Tương tư" của Nguyễn Bính, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh so sánh với bài "Tương tư chiều" của Xuân Diệu trong cách biểu hiện cảm xúc. Ở "Tương tư chiều", cảm xúc của cái tôi trữ tình được biểu hiện một cách trực tiếp, mạnh mẽ, đắm say, mãnh liệt trong những điệp khúc nhớ mong dồn dập, dâng trào. Đó là tiếng nói của cái tôi lãng mạn thời đại mới đòi giải phóng cảm xúc, giải phóng cá tính- tiếng nói của cái tôi đã được Âu hoá:
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi!
Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi, Nhớ đôi mắt đương nhìn anh đăm đắm.
Khác với Xuân Diệu, khúc dạo "Tương tư" của Nguyễn Bính e thẹn và bâng quơ hơn nhiều. Nó gửi gắm qua những địa danh vu vơ, phiếm chỉ mà hết sức quen thuộc, gần gũi: "Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông" để rồi được bao bọc trong cảnh quê, tình quê đằm thắm mà dung dị. Nhớ thương thì đầy ăm ắp nhưng chỉ lặng lẽ, âm thầm trong trăn trở, băn khoăn: "Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này; Biết cho ai hỏi ai người biết cho?". Cuối cùng, nỗi tương tư được khép lại bằng khát khao về hạnh phúc lứa đôi qua hình ảnh trầu cau. Nhưng cách bỏ lửng trong việc tổ chức lời thơ: "Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào" lại hé mở cho người đọc thấy một tương tư tưởng tượng, một mong hão, mơ hờ. Nếu quên ghi tên tác giả, người đọc dễ lẫn đây là một bài ca dao bởi giọng quê, chất quê thuần phác, chan chứa nghĩa tình mà hết sức rụt rè, ý nhị.
Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng kiểu so sánh đối lập khi tiến hành bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ cho học sinh qua các tác phẩm văn chương. Kiểu so sánh này được áp dụng đối với các tác phẩm cùng đề tài nhưng khác giai đoạn, khác cách thể hiện cảm xúc để giúp học sinh nhận ra đặc trưng thi pháp của những thời đại khác nhau, nhất là những dấu hiệu bản chất của văn học trung đại và văn học hiện đại.
Ví dụ:
So sánh cảnh thu và tình thu trong bài thơ "Đây mùa thu tới" của Xuân Diệu và bài "Thu vịnh" của Nguyễn Khuyến.
Cả hai bài thơ đều sử dụng những thi liệu quên thuộc để vẽ lên bức tranh thu: bầu trời, vầng trăng, chùm hoa, cánh chim…nhưng cách xử lý đề tài, cách miêu tả cảnh vật hoàn toàn khác nhau, phản chiếu cái nhìn của hai thời đại: trung đại và hiện đại. Cảnh trong bài "Thu vịnh" được vẽ ra theo lối đăng đối: cần trúc- bé nhỏ/ bầu trời- cao rộng; nước biếc/ song thưa; hoa năm ngoái/ ngỗng nước nào. Bút pháp của tác giả là bút pháp lấy động tả tĩnh: năm câu đầu tả tĩnh, câu sáu có tiếng động nhưng tiếng động xa xăm, mơ hồ gợi chút bâng khuâng , nghi vấn của lòng người càng khắc sâu thêm cái yên tĩnh, êm đềm của cảnh. Bài thơ không cốt tả mà cốt gợi, gợi cái thần, cái hồn của cảnh thu vùng đồng bằng Bắc Bộ: "cái thanh, cái trong, cái nhẹ, cái cao"(Xuân Diệu). Vì thế, mọi sự vật đều ở trạng thái bất biến, phổ biến, mang tính khái quát. Giọng điệu trong thơ là giọng điệu siêu cá thể, vừa là của mình, vừa không phải là của mình. Trong khi đó, cảnh trong bài thơ "Đây mùa thu tới" được quan sát trong những biến thái tinh vi nhất, nó hiện lên cụ thể, sống động, toàn vẹn. Từ rặng liễu hoá thân thành nàng liễu với dáng vẻ yêu kiều, buồn bã trong mái tóc dài buồn buông hoá thành muôn giọt lệ và tấm áo màu "mơ phai" trong sáng, thanh nhẹ; từ sự biến đổi của sắc màu hoa lá khi thu về: "trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh"; từ cái run rẩy, rung rinh đầy gợi cảm của "đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh"; từ nàng trăng "tự ngẩn ngơ" đến cái giấu mình, ẩn thân đầy gợi cảm của gió lạnh sắp về: "Đã nghe rét mướt luồn trong gió". Nhà thơ đã cảm nhận mùa thu bằng tất cả các giác quan, bằng cả tâm hồn hay mộng mơ, giàu cảm xúc, dễ run rẩy trước sự thay đổi của tạo vật và lòng người. Cái nhìn sự vật trong những thuộc tính khách quan, tĩnh tại, bất biến bị phá bỏ, thay vào đó là cái nhìn độc đáo của cái tôi cá nhân, cá thể. Vì thế, "Đây mùa thu tới từ chối lối kết cấu đăng đối của thơ cổ để chọn cho mình lối kết cấu theo mạch cảm xúc của nhân vật trữ
tình. Nhờ vậy, bài thơ đi đến tận cùng sự vật. Xét cho cùng, cả bài thơ là bước đi của thời gian, là bước chân của mùa thu mỗi lúc một đến gần, một rõ nét.
Không những thế, tình thu trong hai bài thơ cũng phản ánh nhãn quan của hai thời đại. Đọc "Thu vịnh", người đọc thấy sự thống nhất, hài hoà đến mức tuyệt đối giữa cảnh và tình. Giữa con người và vũ trụ có sự liên thông, thấu hiểu. Bởi thế mà cánh cửa sổ để giao hoà với thiên nhiên hết sức sơ sài: "Song thưa để mặc bóng trăng vào". Bài thơ bắt đầu từ tả cảnh để cuối cùng kí thác tâm sự, tỏ lòng, nói chí theo kiểu cổ điển:
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.
"Thẹn "về tài thơ hay "thẹn" vì mình không dũng cảm như Đào Tiềm: từ quan ở ẩn để lánh đục về trong? Đây là cái "thẹn" của bậc chính nhân quân tử thời xưa, cái "thẹn" tôn vinh thêm cái đẹp của nhân cách. Trong khi đó, "Đây mùa thu tới" phá vỡ sự hài hoà, thống nhất giữa chủ thể và khách thể để nhìn sự vật như một khách thể với những đặc điểm riêng biệt của nó. Bài thơ đặt ở bình diện thứ nhất cảm xúc trực tiếp của cái tôi trữ tình. Do đó, sự hài hoà ở đây chính là sự ăn khớp nhịp nhàng giữa nội dung cảm xúc và hình thức thể hiện. Cái xao động của cảnh chính là cái run rẩy, xúc động của tâm hồn con người để rồi cuối cùng, tất cả cái hồn cốt của mùa thu, cái đẹp quyến rũ mà vắng lặng, buồn bã cuả cảnh thâu dồn vào cõi lòng mình, tạo nên từ trường cảm xúc của toàn bài:
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì.
Chọn hình ảnh thiếu nữ làm điểm kết của bài thơ, thi sĩ đã gửi gắm vào đó nhãn quan của thời đại mới. Ở đây không còn con người chung chung, trừu tượng mà là con người cụ thể đang tồn tại với bao nỗi niềm, tâm trạng, con người "trẻ tuổi", "trẻ lòng"
mà Xuân Diệu thường nhắc đến với bao dấu yêu, trìu mến trong những sáng tác của mình.
Do khuôn khổ thời gian ở trên lớp, giáo viên chỉ có thể vận dụng biện pháp so sánh, đối chiếu đối với một đề tài, một chi tiết, hình ảnh nào đó của bài thơ. Thông thường, yêu cầu so sánh toàn bài nên thực hiện sau giờ học trên lớp, khi học sinh đã cơ bản nắm được nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. Lúc này, giáo viên ra bài tập về nhà, yêu cầu so sánh với tác phẩm khác để khắc sâu thêm nhận thức của các em về tác phẩm đã học đồng thời phát huy tính sáng tạo, khả năng độc lập suy nghĩ của các em trong cuộc hành trình đến với chân lý của tác phẩm vốn không có hồi kết.