Thời gian từ trồng đến đậu quả được tính từ khi trồng đến khi 70% số cây trên ô thí nghiệm đậu quả ở chùm 1 và chùm 2. Đây là giai đoạn có ý nghĩa cơ bản quyết định tới năng suất cuối cùng của cây. Cà chua là cây tự thụ phấn điển hình, trong điều kiện thuận lợi tỷ lệ giao phấn chỉ có 4%. Theo Kuo và CS (1998), sự thụ phấn có thể xảy ra từ 2-3 ngày trước nở hoa đến 2-4 ngày sau khi nở hoa. Trong điều kiện thuận lợi thì sau thụ phấn 2-3 ngày sẽ xảy ra quá trình thụ tinh và bầu noãn sẽ hình thành quả non [25]. Giai đoạn này không những bị chi phối bởi yếu tố
di truyền mà còn chịu sự chi phối của điều kiện ngoại cảnh đặc biệt là yếu tố nhiệt độ. Nhiệt độ thích hợp để hạt phấn phát triển là 21-240C. Khi nhiệt độ <150C và >35 0C thì hạt phấn sẽ bị ức chế gây ra hiện tượng thụ phấn thụ tinh không đầy đủ, quả không hình thành hoặc dị dạng. Vì vậy giai đoạn này cần theo dõi thường xuyên và chăm sóc cẩn thận để cây đậu quả thuận lợi, và đậu quả được nhiều nhất.
Qua bảng 4.1 và 4.2 cho thấy: Các tổ hợp lai khác nhau phản ứng với các yếu tố ngoại cảnh khác nhau. Trong cùng một thời vụ, các tổ hợp lai khác nhau có thời gian từ trồng đến đậu quả cũng khác nhau. Khoảng thời gian này biến động từ 35 – 43 ngày ở vụ Thu Đông và 30 – 36 ngày ở vụ Xuân Hè.
- Vụ Thu Đông: Tổ hợp lai có khả năng đậu quả sớm nhất là T10 (35 ngày), tổ hợp lai có thời gian đậu quả muộn nhất là T18 (43 ngày), giống đối chứng là 42 ngày.
- Vụ Xuân Hè: Tổ hợp lai có khả năng đậu quả sớm nhất là T11 (30 ngày), T14 có thời gian đậu quả muộn nhất là 36 ngày. Bên cạnh đó giống đối chứng cũng có thời gian đậu quả tương đối muộn (34 ngày).