Giải pháp về khoa học, kỹ thuật, công nghệ.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế tư nhân ở Đăk Lăk (Trang 89)

25 Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đăk Lăk lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005-2010.

3.2.4. Giải pháp về khoa học, kỹ thuật, công nghệ.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, phát triển và ứng dụng khoa học – kỹ thuật – công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh là điều kiện tiên quyết cho sự thành công hay thất bại của mỗi doanh nghiệp.

Khuyến khích và tạo điều kiện để các doanh nghiệp áp dụng, ứng dụng nhanh những thành tựu của kinh tế tri thức, khoa học công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Có những chính sách thu hút và phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Thực hiện chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống, hướng dẫn việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thay đổi giống mới phục vụ cho công tác khuyến nông, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, đặc biệt quan tâm áp dụng các công nghệ thu hoạch và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch phù hợp với khả năng đầu tư của nông thôn. Từng bước nâng cao công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

Ưu tiên chi ngân sách cho đào tạo đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia, công nhân kỹ thuật có chất lượng và trình độ chuyên nghiệp cao để vận hành và sử dụng khoa học - công nghệ mới. Bồi dưỡng, cấp học bổng toàn

phần cho học sinh giỏi của tỉnh nhà đi học đại học, cao học với điều kiện sau khi học xong sẽ quay trở về làm việc tại tỉnh nhà trong một thời gian nhất định; khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ hoặc cấp học bổng cho sinh viên giỏi theo học các khoá học phù hợp với nhu cầu của sinh viên và doanh nghiệp, sau khi ra trường doanh nghiệp sẽ nhận sinh viên đó về làm việc với mức lương thoả đáng.

Tỉnh cần xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ đào tạo và sử dụng nhân tài, chính sách đãi ngộ đối với nhà khoa học có công trình khoa học có giá trị cao, cán bộ khó học – kỹ thuật về công tác ở vùng sâu, vùng xa nhất là lĩnh vực nông – lâm nghiệp. Đặc biệt chú ý khuyến khích việc nghiên cứu ứng dụng các công nghệ của tiến bộ sinh học vào sản xuất, đời sống nhằm nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, chế biến nông – lâm sản. Đối với tỉnh Đăk Lăk, nhà nước cần đầu tư mạnh cho các công trình nghiên cứu về phát triển cây cà phê, cao su, cây bông, tiêu, điều...

Đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư vào khâu chế biến sản phẩm theo hướng công nghiệp hoá nhằm làm tăng giá trị của sản phẩm. Cụ thể, cần đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư những dây chuyền công nghệ chế biến cà phê theo tiêu chuẩn quốc tế và đặt tại những vùng nguyên liệu tại địa bàn các huyện để chế biến cà phê ngay khi vừa thu hoạch xong đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu loại cao nhất; đầu tư xây dựng những nhà máy chế biến nông sản phẩm như ngô, sắn, điều... đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, người dân vẫn quen chế biến nông sản phẩm theo kiểu truyền thống nên chất lượng sản phẩm không cao, giá trị xuất khẩu thấp (ví dụ cà phê nhân xuất khẩu của Việt Nam luôn có giá thấp hơn các nước khác rất nhiều, không những gây thiệt hại cho người dân mà còn cho cả nền kinh tế).

Hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến thông qua các chính sách thuế, đơn giản hoá thủ tục hành chính; đồng thời cần tuyên truyền, giới thiệu công nghệ mới bằng những cuộc hội

thảo khoa học. Thành lập trung tâm tư vấn chuyển giao công nghệ để trợ giúp các doanh nghiệp trong vấn đề nhập khẩu máy móc thiết bị và chuyển giao công nghệ, tránh tổn thất cho doanh nghiệp trong trường hợp nhận chuyển giao nhưng công nghệ đã lạc hậu của thế giới.

Chính phủ cần xem xét, thay đổi biểu thuế nhập khẩu đối với các trang thiết bị rời nhập khẩu với những loại trong nước sản xuất được có khả năng cạnh tranh (nhập khẩu nguyên chiếc thì thuế suất là 0%), nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trang thiết bị công nghệ.

KẾT LUẬN

Cùng với kinh tế tư nhân cả nước, kinh tế tư nhân ở Đăk Lăk qua 20 năm đổi mới đã có những bước phát triển đáng kể từ chưa có gì đến nay đã bao phủ rộng khắp toàn tỉnh với gần 3.000 doanh nghiệp và hơn 23.000 hộ kinh doanh cá thể, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Có thể nói kinh tế tư nhân đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội của tỉnh Đăk Lăk nói riêng và trên cả nước nói chung. Tại Đăk Lăk, kinh tế tư nhân đóng góp một tỷ lệ lớn GDP, những năm gần đây là trên dưới 70%; cụ thể năm 2000 đóng góp 74,8% GDP, năm 2004 là 72,5%, năm 2005 là 69,8% và năm 2006 là 71%. Điều đó cho thấy kinh tế tư nhân đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong quá trình phát triển nền kinh tế mà Đảng ta đã nhận ra ngay từ Đại hội VI. Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân phát triển thì quan trọng nhất là Nhà nước (Trung ương và địa phương) phải tạo ra một hành lang pháp lý đối với kinh tế tư nhân, tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, ổn định, công bằng; đồng thời phải phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ (như giao thông, thuỷ lợi, hệ thống thông tin liên lạc, nguồn năng lượng...; phát triển con người thông qua giáo dục, đào tạo...

Kinh tế tư nhân ở Đăk Lăk đã đóng góp mạnh vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động góp phần vào việc xoá đói, giảm nghèo, hàng năm đóng góp từ 17 – 27% tổng thu ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho gần 70 ngàn lao động.

Tuy đã có đóng góp đáng kể cho phát triển nền kinh tế, nhưng kinh tế tư nhân ở Đăk Lăk vẫn còn những hạn chế nhất định như quy mô nhỏ, thiếu vốn đầu tư, trình độ của cán bộ quản lý và lực lượng lao động còn thấp, khả năng huy động vốn còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp mang tính chất gia đình, trình độ khoa học – công nghệ còn kém, máy móc, thiết bị lạc hậu, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn hạn hẹp; trong quá trình cạnh tranh còn thiếu lành

mạnh, sức cạnh tranh còn thấp; sự hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trong đầu tư còn thấp, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp.

Thực tế, kinh tế tư nhân ở Đăk Lăk vẫn chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, các doanh nghiệp vẫn chưa đặt hết niềm tin do tình hình chính trị trong vùng mấy năm qua chưa thực sự ổn định. Trong những năm vừa qua, kinh tế tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong vấn đề phân biệt đối xử, vẫn còn sự thua kém so với kinh tế nhà nước trong vấn đề về đất đai, nguồn vốn và tín dụng, trong vấn đề về quản lý nhà nước. Mặt khác, do các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hoà bình” liên tục tại Tây Nguyên nên những năm gần đây xảy ra tình trạng thiếu ổn định về chính trị làm cho các nhà đầu tư tư nhân chưa thực sự yên tâm.

Mặc dù Nhà nước đã tạo môi trường pháp lý cho kinh tế tư nhân phát triển, nhưng vẫn còn chưa thực sự hoàn thiện, các văn bản hướng dẫn Luật chưa ban hành kịp thời dẫn đến khó khăn cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, nhiều quy định còn chồng chéo, chưa rõ ràng và thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành; vần còn tồn tại nhiều hình thức giấy phép “con” của các bộ, ngành, địa phương gây cản trở lớn đối với các doanh nghiệp.

Trong công tác quản lý, mặc dù chủ trương phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước đã được đưa vào các Nghị quyết nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế, một phần do ảnh hưởng của tư duy cũ không chịu chấp nhận cái mới tiến bộ hơn, một phần do chủ trương, chính sách đổi mới làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một bộ phận cán bộ, công chức có chức quyền nên họ bảo thủ, không muốn chấp nhận sự đổi mới. Điều này làm hạn chế quá trình phát triển kinh tế tư nhân của nước ta nói chung và của tỉnh Đăk Lăk nói riêng. Để kinh tế tư nhân phát triển theo đúng quy luật của nó, chúng ta cần phải mạnh dạn thay đổi tư duy cũ về kinh tế tư nhân, loại bỏ những đối tượng cản trở kinh tế tư nhân phát triển theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà

nước ra khỏi bộ máy công quyền, có những chính sách nhằm định hướng kinh tế tư nhân phát triển theo đúng quy luật khách quan.

Nhìn chung kinh tế tư nhân ở Đăk Lăk trong 20 năm đổi mới đã có sự phát triển vượt bậc mà chúng ta không thể phủ nhận thành tựu của nó, đó là nhờ đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định. Để kinh tế tư nhân ở Đăk Lăk phát triển hơn nữa đúng với tiềm năng của nó, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại như vấn đề vốn, đất đai, mặt bằng sản xuất - kinh doanh, thị trường tiêu thụ sản phẩm, các chính sách về thuế, nguồn nhân lực... Mặt khác, các doanh nghiệp thuộc thành phần này cũng phải cố gắng tự thân vận động, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư, mở rộng thị trường, liên doanh, liên kết thành những tập đoàn kinh tế lớn mạnh để có thể cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Với sự phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp một cách hợp lý, chắc chắn rằng kinh tế tư nhân ở Đăk Lăk nói riêng và cả nước nói chung chắc chắn sẽ có những bước phát triển nhanh, mạnh và vững chắc hơn nữa, đưa nền kinh tế nước ta vươn lên thành một nước phát triển.

Với phạm vi nghiên cứu của bài viết còn hạn hẹp, thời gian nghiên cứu không nhiều, trình độ của tác giả còn hạn chế, do đó chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót, tác giả mong nhận được sự góp ý đóng góp nhiệt tình của các thầy, cô, các nhà nghiên cứu và các độc giả khác để nếu có điều kiện tác giả sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp về lĩnh vực này./.

Một phần của tài liệu Phát triển kinh tế tư nhân ở Đăk Lăk (Trang 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)