Qua 9 tháng của năm 2014, các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong quan hệ buôn bán hàng hoá với nước ngoài của Việt Nam, thặng dư thương mại, cộng với lượng ngoại tệ từ các nguồn đạt khá, góp phần đưa dự trữ ngoại
hối tăng cao, đạt kỷ lục mới (35 tỷ USD), tăng khả năng thanh khoản, an toàn tài chính, ổn định tỷ giá, hạn chế tình trạng đô la hóa…Lạm phát được kiềm chế, khi CPI 9 tháng tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong 11 năm qua, là tín hiệu khả quan để cả năm chỉ tăng khoảng 4%, thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (7%) và có thể tăng thấp nhất so với các năm từ 2004 đến nay.
Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 5,62%. Đáng chú ý, tăng trưởng cao hơn đạt được trong điều kiện lạm phát được kiềm chế thấp hơn cùng kỳ năm trước. Có thể nói, đến lúc này NHNN khá thành công trong điều hành lãi suất, tỷ giá trong năm 2014, vừa ổn định tỷ giá và có thể thực hiện yếu tố kích thích xuất khẩu tăng trưởng kinh tế. Và cho dù đã phá giá 1%, tỷ giá cũng chưa thể hiện được vai trò hỗ trợ xuất khẩu bao nhiêu do xuất khẩu vẫn còn mang nặng tính gia công lắp ráp và chủ yếu do khu vực FDI tăng cao, chiếm tỷ trọng lớn, khu vực kinh tế trong nước vẫn nhập siêu lớn.Ổn định trong linh hoạt, NHNN ngày càng chú trọng đến nhiệm vụ chức năng hàng đầu: ổn định giá trị đồng tiền. Phía sau những tác động, hơn hết là một sự ổn định tương đối của tỷ giá để góp phần cho mục tiêu ổn định vĩ mô. Nền kinh tế tăng trưởng thực chất và bền vững sẽ giúp cho VND ổn định. Ổn định tỷ giá về dài hạn sẽ có lợi cho tổng thể nền kinh tế. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, để kích thích xuất khẩu, NHNN nên điều chỉnh tỷ giá theo hướng tăng. Ổn định tỷ giá không có nghĩa là “neo” tỷ giá quá lâu mà cần phải có sự linh hoạt để khuyến khích xuất khẩu. Dĩ nhiên, với giới kinh doanh hay đầu cơ ngoại tệ, quá ổn định khiến thị trường trầm lắng. Còn với doanh nghiệp, qua đợt biến động và quyết định điều chỉnh này, một lần nữa cũng để lưu ý hơn các biện pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá, theo sát việc NHNN đưa ra chủ trương từ nay đến cuối năm điều chỉnh tỷ giá ở mức tăng 2% để có kênh đầu tư hợp lý.
KẾT LUẬN
Trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, cung cầu ngoại tệ vẫn được đảm bảo, ngày 18/06/2014, NHNN đã công bố quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%
để góp phần hỗ trợ xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đề ra. Động thái này được đánh giá là giải pháp phù hợp và đúng thời điểm, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu phần nào tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên để đạt được mục tiêu đề ra, NHNN sẽ phải kết hợp thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối trên mặt bằng giá mới. Cho tới thời điểm hiện tại, tỷ giá mới mới chỉ áp dụng được hơn 3 tháng, tác động của nó đến nền kinh tế chưa thể đánh giá hết được song chúng ta có thể nhìn nhận những thành công trong hoạt động điều hành tỷ giá của NHNN hai năm vừa qua. Về dài hạn, ổn định tỷ giá sẽ có lợi cho tổng thể nền kinh tế còn trong ngắn hạn để đẩy mạnh xuất khẩu NHNN nên điều chỉnh tỷ giá theo hướng tăng.
Nói tóm lại, chúng ta cần nhìn nhận những tác động của việc phá giá tiền đồng trên bình diện toàn nền kinh tế để có cái nhìn đa chiều hơn. Có thể nói, lợi ích của việc phá giá mạnh VND ở thời điểm này sẽ thấp hơn nhiều so với hậu quả mà quyết định này mang lại.