D. Hoạt động đầu tư
8. NHỮNG GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY VIỆT NAM HỘI NHẬP CÓ HIỆU QUẢ
Để tiếp tục thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế một cách hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam, chúng ta cần:
• Sớm tiến hành tổng kết toàn diện công tác hội nhập những năm qua ở cả cấp trung ương lẫn địa phương, qua đó rà soát lại toàn bộ các chủ trương, biện pháp, các lộ trình hội nhập từ các khuôn khổ đơn phương, song phương, tiểu vùng, khu vực, liên khu vực đến toàn cầu (WTO) và các chương trình hành động, việc thực thi các cam kết, đánh giá đúng những cái được và chưa được, những mặt mạnh và mặt yếu kém, hạn chế, nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra những điều chỉnh, bổ sung về chủ trương, phương hướng, biện pháp, lộ trình hội nhập và các cam kết trong tương lai. Điều quan trọng là phải sớm xây dựng được một lộ trình tổng thể bao quát toàn bộ các tiến trình hội nhập hiện nay và trong tương lai đến 2020 của Việt Nam.
• Khắc phục các hạn chế và khiếm khuyết hiện nay của công tác hội nhập kinh tế quốc tế, coi đây nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm đúng mức và sớm giải quyết một cách tốt nhất.
• Tăng cường phát huy vai trò chủ thể và tính năng động của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh quá trình đổi mới từ tư duy đến phong cách quản lý và đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, giảm chi phí gia nhập thị trường và chi phí đầu vào. Xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư, phát triển thị trường mới, sản phẩm mới và thương hiệu mới. Khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài và mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Cải cách và nâng cao năng lực của các doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để có thể nâng cao khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế. Thực hiện triệt để và kiên quyết Nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ 3 khóa IX về sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh việc thay đổi, điều chỉnh nhận thức, tư duy về vai trò của thành phần kinh tế nhà nước, cần kiên quyết giải thể các doanh nghiệp kém hiệu quả. Sớm hấm dứt tình trạng bảo hộ bất hợp lý, bù lỗ, khoanh nợ, giãn nợ. Chấm dứt tình trạng cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào họat động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần được tiến hành công khai, dân chủ, tránh tình trạng biến cổ phần hóa thành việc “chia chác” công sản cho một số người.
• Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cơ sở phát huy lợi thế của ta, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Nâng cao chất lượng phát triển, đặc biệt tăng cường nội dung tri thức và tính bền vững của phát triển.
• Đổi mới công tác xây dựng pháp luật để sớm có được một hệ thống pháp luật tương đối đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo hành lang pháp lý để thực hiện các cam kết quốc tế. Các bộ/ngành, địa phương cần rà soát lại, sửa đổi bổ sung và ban hành mới các văn bản dưới luật theo thẩm quyền phù hợp với những cam kết quốc tế của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là sau khi chúng ta gia nhập WTO và đi vào thực hiện các cam kết gia nhập.
• Tăng cường phổ biến tuyên truyền, thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm cả kiến thức về các quy tắc, luật lệ quốc tế, các cam kết, lộ trình mở cửa của Việt Nam và các thông tin về thị trường tới địa phương và doanh nghiệp.
• Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, trong đó đặc biệt quan tâm tới việc nâng cao năng lực của cán bộ, công chức, nhà quản lý doanh nghiệp và thẩm phán, luật sư.