D. Hoạt động đầu tư
7. KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NỀN KINH TẾ SAU GẦN 4 NĂM GIA NHẬP WTO (2007-2010)
(2007-2010)
Tham gia WTO đã mở ra cho nền kinh tế Việt Nam nhiều lợi ích và cơ hội thuận lợi có thể khai thác phục vụ phát triển kinh tế. Trong thời gian qua, Việt Nam đã tận dụng và khai thác khá thành công các lợi ích và cơ hội, nhờ đó Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, đặc biệt là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và đứng trong số ít nước duy trì được mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới (8,5% năm 2007, 6,2 % năm 2008), thậm chí mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu vừa qua và trong khi phần lớn các nền kinh tế trên thế giới rơi vào suy thoái thì nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng 5,2 %.
Tiếp tục phát triển toàn diện, tăng trưởng khá và chuyển dịch theo hướng hàng hóa. Số lượng sản phẩm tăng nhanh, chủng loại sản phẩm đa dạng, chất lượng ngày càng cao, cơ cấu sản phẩm có nhiều thay đổi, điều kiện và tính chất của các yếu tố sản xuất cũng có nhiều điểm mới so với trước. Tốc độ tăng trưởng của khu vực này theo GDP năm 2007 tăng 3,76%, năm 2008 tăng 4,07%. Nông sản hàng hóa Việt Nam vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như mía đường, rau quả, lúa gạo, chè. Lượng gạo xuất khẩu năm 2008 đạt trên 4,7 triệu tấn; kim ngạch đạt trên 2,9 tỉ USD, tăng 94,8% so với năm 2007. Năm 2009, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cả nước đạt 219.887,18 tỷ đồng, tăng 2,98% so với năm 2008.
• Sản xuất công nghiệp:
Tuy gặp khó khan về thị trường, nhưng theo đánh giá chung là từ khi gia nhập WTO vấn tăng trưởng khá cao. Năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,1%, cao hơn năm 2006 (17,0%). Trong đó, khu vực ngoài nhà nước tăng 26,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,2%. Năm 2008, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá là 13,9%. Trong đó khu vực ngoài nhà nước tăng 18,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,0%. Cơ cấu sản xuất công nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Ngành công nghiệp chế biến đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, năm 2007 tăng 19,1%, năm 2008 tăng 15,3% và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 696.577 tỷ đồng, tăng 7,6% so với năm trước. Sang năm 2010, tính đến tháng 11, giá trị đạt 717,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2009, bao gồm khu vực kinh tế Nhà nước tăng 7,5%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 14,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,9% (dầu mỏ và khí đốt giảm 2,7%, các ngành khác tăng 19,4%).
Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên.
• Về thương mại:
Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế - Bộ Công Thương cho rằng: Từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO, thương mại Việt Nam phát triển mạnh mẽ trên cả 2 hướng xuất nhập khẩu và thương mại nội địa.
Xuất nhập khẩu tăng mạnh và đóng vai trò then chốt đối với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Thuận lợi hết sức quan trọng là ngay sau khi gia nhập WTO, Việt Nam lập tức được hưởng sự đối xử bình đẳng trong thương mại và mở cửa thị trường của 150 nước thành viên. Các hàng rào thuế quan phi WTO mà hàng hoá Việt Nam bị áp đặt một cách bất lợi bị bãi bỏ, nhờ đó Việt Nam có thể tăng khả năng xuất khẩu hàng hoá của mình sang thị trường các nước thành viên. Mặt khác, với việc thực hiện các cam kết mở cửa thị trường Việt Nam và do yêu cầu đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam cũng tăng rất mạnh.
Số liệu từ Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra đầu tháng 4/2011 cho thấy năm 2007 xuất khẩu của Việt Nam đạt 48,6 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2006. Tiếp đó năm 2008 xuất khẩu đạt 62,7 tỷ USD, tăng 29,1% so với năm 2007. Năm 2009, chịu tác động từ khủng hoảng tài chính thế giới, xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,1 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm 2008 nhưng vẫn cao hơn năm 2006 khi Việt Nam chưa vào WTO là 45,8% và năm 2010 nhờ giá nhiều nhóm mặt hàng và nhu cầu thế giới tăng trở lại nên xuất khẩu của Việt Nam lại tiếp tục tăng trưởng 26,4%. Tuy nhiên, kết quả này chưa được như những mong muốn và kỳ vọng trước đó, vì nhập siêu vẫn là vấn đề "nóng" cần được quan tâm. Cụ thể, cũng theo số liệu từ Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đưa cho thấy, nếu như năm 2006 Việt Nam chỉ nhập siêu 5,5 tỷ USD thì đến năm 2007 (sau hơn 1 năm gia nhập WTO) nhập siêu của Việt Nam là 14,2 tỷ USD và năm 2008 con số này đã là 18 tỷ USD, năm 2009 và 2010 mặc dù đã có nhiều biện pháp kiềm chế nhập siêu nhưng kết quả nhập siêu vẫn lần lượt là 12,8 và 12,6 tỷ USD.
Điểm tích cực đáng kể nữa là cơ cấu xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tiếp tục thay đổi theo hướng giảm dần các mặt hàng nguyên liệu thô, nông sản chưa chế biến và tăng dần số lượng cũng như giá trị các mặt hàng hàng chế biến, hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Tích cực hơn so với xuất nhập khẩu là sự phát triển nhanh của thị trường nội địa. Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương: Kể từ sau khi gia nhập WTO, dịch vụ phân phối tại Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng đáng kể. Phân phối bán lẻ đóng góp khoảng 14% GDP, sử dụng hơn 5 triệu lao động, cao nhất trong các ngành dịch vụ. Mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ của Việt Nam từ năm 2006-2008 đã tăng 25%/ năm, cao hơn mức 18,3%/ năm của giai đoạn 2001-2005. Năm 2009 và 2010 là 2 năm có nhiều khó khăn do tác động khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng theo số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) doanh số bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam vẫn tăng lần lượt là 18,6% và 24,5% (nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 12% vào năm 2009 và 14% vào năm 2010). Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất trên thế giới. Cùng với nó, sau khi gia nhập WTO, nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới đã đặt chân đến Việt Nam mang theo những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, tạo ra một nguồn cung hàng hóa phong phú, đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm của người dân. Thương mại tiêu dùng có sự chuyển dịch cơ cấu truyền thống sang hiện đại, chuyển dịch từ đơn lựa chọn sang đa lựa chọn.
• Về đầu tư:
Theo TS Nguyễn Trí Thành - Viện phó Viện Quản lý Kinh tế Trung ương tại Hội thảo công bố Tác động Hội nhập kinh tế quốc tế vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh: Từ khi gia nhập WTO, thế giới nhìn Việt Nam như một "miền đất hứa". Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam rất nhiều, tiêu biểu nhất là năm 2007 đạt 20,3 tỷ USD, gấp 2 lần mức hơn 10 tỷ của năm 2006 và năm 2008 với con số kỷ lục 64 tỷ USD. Mặc dù năm 2009 có nhiều khó khăn do hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm đến quan trọng của FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 21,3 tỷ USD. Như vậy tổng số FDI đăng ký trong 3 năm qua đã vượt 1,3 lần
tổng số FDI thu hút được của tất cả các năm trước đó cộng lại. Đóng góp của khu vực FDI vào GDP đạt mức trung bình trên dưới 40% trong khoảng 1 chục năm gần đây. Bên cạnh nguồn FDI, ODA vào Việt Nam cũng liên tục tăng mạnh. Những năm gần đây, chúng ta thu hút bình quân 5-6 tỷ USD từ nguồn này cho các dự án phát triển hạ tầng và quốc kế dân sinh. Riêng năm 2009, tổng số ODA cam kết cho Việt Nam đạt trên 8 tỷ USD. Ngoài ra, thông qua kênh đầu tư gián tiếp của thị trường chứng khoán, nguồn vốn đổ vào Việt Nam cũng không ngừng tăng lên từ 2,1 tỷ USD năm 2006 lên 8,9 tỷ USD năm 2007.
Sau 4 năm gia nhập WTO, với hình ảnh một Việt Nam phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng GDP nhiều năm liền luôn ở mức cao, thu nhập GDP bình quân theo đầu người của người dân Việt Nam cũng đã có những sự cải thiện đáng kể từ 704,37 USD/ người vào năm 2006 đến năm 2010 đã là 1.133,79 USD/ người. Việt Nam đã cơ bản thoát khỏi nước có thu nhập thấp và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về tốc độ xóa đói giảm nghèo.
• Chuyển dịch cơ cấu kinh tế có tiến bộ:
Hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc gia nhập WTO, cũng đồng thời đưa Việt Nam vào một quá trình phân công lao động quốc tế trên cơ sở phát huy các lợi thế của từng nước. Quá trình này tất yếu thúc đẩy việc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Thực tế cho thấy, cơ cấu nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đã có những chuyển dịch đáng kể theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng và tỷ trọng nông lâm nghiệp giảm dần. Trong những năm đầu của thập niên 2000, tỷ lệ các khu vực công nghiệp, dịch vụ và nông lâm nghiệp trong tổng giá trị nền kinh tế quốc dân còn ở mức lần lượt là 38%, 39% và 23%, thì đến nay (2008-2009) tỷ lệ tương ứng là 40%, 39,5% và 20,5%. Những chuyển dịch này là hệ quả tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Những ngành, lĩnh vực có khả năng tiêu thụ nhiều sản phẩm được phát triển mạnh. Một số ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, dày da, điện tử có xuất khẩu mạnh và tiêu thụ nhiều ở trong nước đã phát triển rất nhanh trong mấy năm gần đây.
• Cải thiện kinh tế vĩ mô:
Trong những năm gần đây, các mặt quan trọng của kinh tế vĩ mô (tài chính, ngân hàng, tiền tệ) ở Việt Nam phát triển tương đối nhanh và cơ bản được duy trì trong giới hạn ổn định, hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù chịu tác động mạnh của thiếu hụt mạnh trong cán cân thương mại và thanh toán quốc tế, của giá cả tăng cao và bội chi ngân sách thường xuyên, song lạm phát đã được kiểm soát và duy trì cơ bản ở mức dưới hai con số, do vậy nhìn chung không gây nhiều tác động tiêu cực lớn cho các hoạt động kinh tế và xã hội.