Hoạt động nghiệp vụ của một số đơn vị của NHNN

Một phần của tài liệu Kho dữ liệu và ứng dụng xây dựng hệ thống dữ liệu trợ giúp quyết định về chính sách tiền tệ quốc gia (Trang 44)

Các đơn vị của NHNN là các đơn vị có nhu cầu sử dụng thường xuyên các dữ liệu có được từ các báo cáo thống kê. Nhiệm vụ và chức năng của các vụ tiêu biểu được mô tả sau đây:

a. Vụ Chính sách tiền tệ

Vụ Chính sách tiền tệ là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước, có chức năng tham mưu giúp Thống đốc xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ quốc gia; thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tín dụng, thông tin thống kê và cán cân thanh toán quốc tế.

Nghiên cứu, phân tích tình hình tài chính, tiền tệ, tín dụng của ngân hàng các nước và khu vực, diễn biến lãi suất, tỉ giá trên các thị trường tiền tệ chủ chốt cũng như các động thái tài chính, tiền tệ quốc tế và khu vực làm cơ sở hoạch định chính sách tiền tệ. Do vậy hàng tháng Vụ Chính sách tiền tệ phải lập các bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, của tổ chức tín dụng và toàn ngành; Lập các báo cáo về dư nợ tín dụng theo ngành kinh tế, theo loại hình kinh tế để báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, báo cáo Chính phủ và gửi các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan, các tổ chức quốc tế theo quy định của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

b. Vụ Dự báo thống kê tiền tệ

Vụ Dự báo thống kê tiền tệ có chức năng tham mưu, giúp Thống đốc thực hiện công tác dự báo, thống kê tiền tệ theo quy định của pháp luật.

Các nhiệm vụ và quyền hạn chính của vụ bao gồm: tham mưu, giúp Thống đốc trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự báo, thống kê tiền tệ; xây dựng, trình Thống đốc phê duyệt phương pháp dự báo diễn biến tiền tệ, lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; phương pháp luận về thống kê tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam; thu thập, tổng hợp các thông tin, số liệu về tiền tệ để lập bảng cân đối tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước...Do vậy Vụ Dự báo thống kê tiền tệ cần số liệu về tình hình dư nợ, đặc biệt là nợ xấu, các chỉ tiêu về tiền gửi, tiền vay, các báo cáo so sánh với cùng kỳ năm trước, quý trước, tháng trước,…

c. Vụ Quản lý ngoại hối

Vụ Quản lý ngoại hối là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nuớc, có chức năng tham mưu giúp Thống đốc thực hiện chức năng quản lý nhà nuớc trong việc vay, trả nợ nước ngoài của các doanh nghiệp, hoạt động ngoại

hối và hoạt động xuất, nhập khẩu vàng theo quy định của pháp luật. Do vậy Vụ Quản lý ngoại hối phải có được các số liệu về số lượng tiền nhập, tiền xuất theo định kỳ. So sánh số lượng giữa các vùng miền, giữa các năm,…

d. Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng

Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng là cơ quan trực thuộc NHNN, thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát chuyên ngành về ngân hàng trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN; tham mưu, giúp Thống đốc NHNN quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), tổ chức tài chính quy mô nhỏ, hoạt động ngân hàng của các tổ chức khác; thực hiện phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật. Do vậy Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng cần các số liệu về các chỉ tiêu tín dụng như các khoản thu nợ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn theo loại hình kinh tế; Tình hình cam kết thanh toán LC trả chậm của các tổ chức tín dụng; thông tin về các khách hàng có tài sản bảo đảm; Dư nợ của các ngân hàng nước ngoài, các công ty cho thuê tài chính,…

e. Cục phát hành và kho quỹ

Cục phát hành và kho quỹ có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất để Thống đốc trình Thủ tướng Chính phủ về:

− Cơ cấu, mệnh giá các loại tiền mới phát hành;

− Thời điểm công bố phát hành, hình thức phát hành, thu hồi, thay thế các loại tiền đình chỉ lưu hành.

Do đó vụ này cần các số liệu về tình hình ngân quỹ như thông tin về việc nhập xuất quỹ dự trữ phát hành, số lượng thu, chi tiền đối với các ngân hàng,…

Một phần của tài liệu Kho dữ liệu và ứng dụng xây dựng hệ thống dữ liệu trợ giúp quyết định về chính sách tiền tệ quốc gia (Trang 44)