Một hệ thống thỏa mãn các ràng buộc thời gian và tuần tự hóa với các giao tác có thời hạn mềm hoặc xốp bảo đảm tính nhất quán tuyệt đối. Một cách khác để bảo đảm tính nhất quán là sử dụng các ràng buộc tương đối. Ràng buộc tương đối bảo đảm các giao tác vào hệ thống cùng thời điểm như một nhóm.
Một phương pháp tránh xung đột khác được sử dụng trong hệ thống thời gian thực, ngoài cách sử dụng thời hạn, là áp dụng chính sách đợi (wait policy). Chính sách đợi tránh xung đột bằng cách đặt tất cả các khối dữ liệu không được yêu cầu đợi cho đến khi các khối thiết yếu đã được xử lý xong. Các nghiên cứu cho thấy chính sách đợi có thể làm tăng hiệu năng thực hiện của hệ thống lên tới 50%. Chính sách đợi có thể yêu cầu các giao tác có độ ưu tiên thấp đợi những giao tác có độ ưu tiên cao hơn thực hiện trước nhằm tránh hiện tượng khóa chết (deadlock).
Chúng ta xét kỹ hơn về thời hạn. Thời hạn là một ràng buộc thời gian chỉ thời điểm cuối cùng dữ liệu/giao tác còn giá trị. Thời hạn có thể theo quan sát hoặc đoán trước. Trong một hệ thống sử dụng thời hạn theo quan sát, tất cả các giao tác chưa kết thúc được bộ xử lý xem xét và xác định xem nó đã đến thời hạn hay chưa. Các hạn chế nảy sinh trong phương pháp này vì những biến đổi thời gian làm cho việc xác định không chính xác. Một phương pháp ổn định hơn là sử dụng thời hạn đoán trước. Theo phương pháp này, một lịch biểu được lập trước và bộ xử lý sử dụng lịch biểu để biết giao tác hết hạn hay chưa.
Xử lý các giao tác quá hạn phụ thuộc vào liệu thời hạn là cứng, mềm hay xốp. Một thời hạn cứng yêu cầu tất cả các gói dữ liệu phải đến đích trước khi nó hết hạn, nếu không giao tác sẽ bị hủy bỏ. Thời hạn cứng rất khó được thỏa mãn vì những sự cố bất thường có thể xảy ra làm gói tin chậm lại. Với thời hạn mềm hoặc xốp (soft or firm), vi phạm thời hạn không làm hủy bỏ giao tác và chỉ làm giảm hiệu năng thực hiện của hệ thống. Tuy nhiên, không có gì đảm bảo hệ thống sẽ thỏa mãn tất cả thời hạn, bởi vậy yêu cầu đưa ra chỉ là hệ thống vi phạm ít thời hạn đến mức có thể.