Đẩy mạnh dân chủ hóa và giữ nghiêm kỷ cương xã hội

Một phần của tài liệu Trách nhiệm xã hội và vấn đề nâng cao trách nhiệm xã hội ở nước ta hiện nay (Trang 62)

Được nhìn nhận với tư cách là nhân tố quy định sự hình thành trách nhiệm xã hội về khía cạnh quyền tự do, nên dân chủ xã hội chủ nghĩa không chỉ là điều kiện để mọi người dân, mọi tổ chức thực hiện quyền làm chủ của mình mà còn là phương thức qua đó kích thích tính tích cực xã hội trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Nhà nước là đại diện quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức và thực hiện đường lối chính trị của Đảng. Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân” [36;tr.125].

Để phát huy dân chủ trong thời kỳ mới, một yêu cầu cấp thiết đặt ra đó là: cần xây dựng, hoàn thiện và tăng cường hiệu lực của Nhà nước pháp

62

quyền xã hội chủ nghĩa. Đó là mô hình nhà nước đòi hỏi có một cơ sở kinh tế và một mặt bằng dân trí phát triển đến một trình độ nhất định. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vừa thực hiện chức năng điều tiết các lợi ích kinh tế của các chủ thể tham gia quan hệ thị trường, vừa có chức năng điều tiết lợi ích nói chung của mọi công dân trên phạm vi toàn xã hội. Nhà nước điều chỉnh các lợi ích thông qua luật pháp, chính sách của mình, đặc biệt là các chính sách về thuế, chính sách đầu tư, chính sách xã hội… Nhà nước thông qua luật pháp, đặc biệt là các thể chế kinh tế tạo ra một trật tự pháp lý, hình thành nền kinh tế thị trường văn minh, giúp cho các chủ thể kinh tế cạnh tranh lành mạnh, khắc phục tối đa những bất bình đẳng trong kinh tế, hạn chế việc lợi dụng các kẽ hở của pháp luật để vi phạm các quy tắc thị trường, thông qua đó làm cho lợi ích cá nhân không tách rời mà gắn liền với lợi ích xã hội, tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa các hệ thống lợi ích. Khi đó, sự hoàn thiện của cơ chế thị trường sẽ đi liền với việc tạo lập được mối quan hệ gắn bó giữa con người và con người trong xã hội, tình cảm đạo đức, ý thức công dân, nghĩa vụ đạo đức, lương tâm, và sự gia tăng của trách nhiệm xã hội.

Để đảm bảo thực hiện nghiêm minh pháp luật của nhà nước chính là đòi hỏi của việc giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương xã hội. Như vậy, gắn liền với phát huy dân chủ trong đời sống xã hội, thì việc giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương xã hội cũng là một yêu cầu cấp bách để tạo lập môi trường xã hội thuận lợi cho việc xây dựng lối sống có trách nhiệm. Sự thống nhất giữa phát huy quyền làm chủ của nhân dân, của các tổ chức xã hội và giữ nghiêm kỷ cương xã hội chính là tạo ra cơ sở chính trị - xã hội cho việc chuyển hóa những yêu cầu, những đòi hỏi mang tính tất yếu của xã hội thành nhu cầu tự giác bên trong con người.

Đối với nước ta, việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không chỉ là đòi hỏi tất yếu của cơ chế thị trường mà đồng thời

63

còn là đòi hỏi của việc xây dựng những chuẩn mực, những nguyên tắc trách nhiệm đạo đức vừa tiến bộ vừa phù hợp với truyền thống văn hóa, đạo đức của dân tộc. Chính vì thế, để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa xã hội và giữ nghiêm kỷ cương xã hội, một số giải pháp cần thiết phải tiến hành đó là:

1) Xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động của đời sống xã hội, đồng thời công tác pháp chế xã hội chủ nghĩa cũng phải được tăng cường - nó chính là cơ sở định hình của xã hội dân chủ. Điều này cần phải dựa trên các nguyên tắc hoạt động cụ thể:

- Pháp luật phải cụ thể hoá được những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc xây dựng và bảo vệ sự tồn tại và phát triển của xã hội.

- Phải phù hợp với thực tế cuộc sống. Luật pháp phải bắt đầu từ cuộc sống và có sự tham gia đóng góp ý kiến rộng rãi của xã hội.

- Đồng thời với việc xây dựng, phải có hệ thống những giải pháp hợp lý, khả thi trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của xã hội để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.

Một nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo, nhà nước mà từ pháp luật, cơ chế, chính sách đến những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nó đều thể hiện tư tưởng, quan điểm giai cấp công nhân, nhằm từng bước thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo lợi ích căn bản và lâu dài của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc sẽ là cơ sở thực sự vững chắc để mỗi người dân, mỗi tổ chức xã hội tin tưởng và tự nguyện hoàn thành tốt trách nhiệm của bản thân đối với xã hội.

2) Thúc đẩy đa dạng hóa các hình thức dân chủ (bao gồm cả nội dung mở rộng dân chủ ở cơ sở) - đây là yêu cầu cấp bách và cần thiết, đồng thời cũng là nội dung quan trọng của quá trình dân chủ hóa xã hội trong điều kiện ngày nay. Khi có dân chủ, mỗi người đều được biết, được bàn, được kiểm tra

64

mọi vấn đề liên quan trực tiếp đến chính cuộc sống của bản thân mình. Đồng thời, những hành vi phạm pháp cũng sẽ phải chịu sự trừng trị của pháp luật và sự phê phán của dư luận xã hội.

3) Để quá trình dân chủ hóa xã hội và giữ nghiêm kỷ cương xã hội được thực hiện thì bản thân Nhà nước cần làm tốt chức năng quản lý, điều hành và điều tiết đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Do vậy, Nhà nước cần phải đổi mới, điều chỉnh cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động một cách kịp thời.

Bên cạnh việc xây dựng môi trường kinh tế - xã hội, chính trị lành mạnh, chúng ta cũng cần quan tâm tới việc tạo lập một môi trường văn hóa mới làm cơ sở, tiền đề giúp cho mỗi cá nhân giác ngộ ý thức chính trị, giác ngộ được trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm đạo đức trong các hoạt động của bản thân. Trong môi trường văn hóa mới, việc đảm bảo sự thống nhất biện chứng giữa truyền thống và hiện đại, kế thừa và đổi mới sẽ giúp cho những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc được lưu giữ và phát huy, có tác dụng định hướng và điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong xã hội. Được sống trong môi trường văn hóa lành mạnh, đời sống tinh thần của mỗi cá nhân được nâng cao, từ đó sẽ giúp cho họ nhận thức rõ ràng hơn vị trí và tầm quan trọng của mỗi hành động mà mình thực hiện. Mỗi cá nhân do đó mà biết tự điều chỉnh, tự hoàn thiện bản thân theo những chuẩn mực cho phép của xã hội, tự giác và có trách nhiệm hơn trong ý thức và trong hoạt động tác động đến những người khác, đến cộng đồng, xã hội.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm xã hội và vấn đề nâng cao trách nhiệm xã hội ở nước ta hiện nay (Trang 62)