7. Kết cấu của luận văn
2.1.4. Lĩnh vực ngoại giao độc lập, tự chủ
Tư tưởng ngoại giao là một trong những nội dung quan trọng của tư tưởng chính trị - xã hội thời Lý - Trần. Nó phản ánh nhiệm vụ và những chính sách đối ngoại của Nhà nước phong kiến đương thời. Đồng thời nó
cũng thể hiện sự trưởng thành về ý thức chính trị của giai cấp phong kiến đương quyền trong quan hệ bang giao với các nước láng giềng. Tiếp thu Nho giáo thể hiện tính chủ động sáng tạo trong tư tưởng đối ngoại thời Lý - Trần nhằm khẳng định nền độc lập, tự chủ và chủ quyền của dân tộc, nâng cao thể diện quốc gia và đặc biệt, nó góp phần vào việc đấu tranh chống âm mưu xâm lược của kẻ thù từ bên ngoài.
Đặc điểm nổi bật trong tư tưởng ngoại giao thời kỳ này là dựa vào các nguyên lý phổ biến trong Nho giáo, Phật giáo để khẳng định tinh thần độc lập, tự chủ, ý thức về một nước Đại Việt có chủ quyền, có cương vực riêng, có phong tục tập quán riêng. Đó cũng là tinh thần đấu tranh bất khuất kiên cường để giữ gìn quốc thể, giữ gìn danh dự của triều đình, trước áp chế và sự đe doạ của ngoại bang. Những tư tưởng đó được phản ánh thông qua hoạt động bang giao sôi nổi thời kỳ này. Chính trong cuộc đấu tranh ấy, hào khí về một nền văn minh lâu đời của dân tộc, ý chí độc lập tự chủ sâu sắc, vững mạnh không gì lay chuyển nổi, cùng truyền thống quật cường bất khuất nhằm chống lại mọi biểu hiện của chủ nghĩa bành trướng bá quyền đại Hán đã được bộc lộ vô cùng mãnh liệt qua sự thông minh tuyệt vời của các sứ thần Đại Việt.
Một ngôi sao sáng trong hành trình đi sứ phải kể đến Mạc Đĩnh Chi ở thời Trần. Khi đi sứ nhà Nguyên, ông đã sử dụng chính những tín điều của đạo Nho để phê phán nhà Nguyên. Ông nói: “Tôi nghe người xưa có vẽ mai tước (tước đậu cành mai) chưa thấy vẽ trúc tước (tước đậu cành trúc) bao giờ. Nay trong trướng của tể tướng lại thêu chim tước đậu cành trúc, trúc là quân tử, tước là tiểu nhân, tể tướng đem trúc tước mà thêu vào trướng, thế là để tiểu nhân lên trên quân tử, tôi sợ đạo của tiểu nhân ngày lớn thịnh lên, đạo của quân tử ngày mòn mỏi đi, cho nên tôi trừ giúp bọn tiểu nhân cho thánh triều” [54, 572]. Qua bức tranh, một mặt, Mạc Đĩnh Chi phê phán sự
không hiểu biết của tướng nhà Nguyên, mặt khác sâu xa hơn là phê phán đạo của nhà Nguyên đang bị suy, bởi vì xung quanh họ “đạo của tiểu nhân ngày lớn thịnh lên, đạo của quân tử ngày mòn mỏi đi”. Vì vậy cần phải trừ bỏ bọn tiểu nhân đi, để cho đạo của thánh hiền được sáng tỏ. Điều này không chỉ thể hiện tài ứng đối của Mạc Đĩnh Chi, mà nó còn khẳng định, nền văn hoá của dân tộc ta phát triển ngang hàng với dân tộc Trung Hoa.
Trong học thuyết Nho giáo, quan hệ giữa nước lớn với các nước nhỏ chung quanh vốn đã là một quan hệ bất bình đẳng; nước lớn có quyền áp đặt mọi thứ đối với nước nhỏ, nếu nước nhỏ không phục tùng thì bị trừng phạt. Vì vậy, trong lĩnh vực ngoại giao, bằng bút mực, lời lẽ, chúng ta phải cố gắng vừa mềm dẻo, vừa giữ vững quyền độc lập tự chủ, giữ vững thể diện quốc gia, làm sao để chuyện sắc phong, “phiên thần” chỉ dừng trong phạm vi hình thức, chữ nghĩa mà thôi. Trước hết, sự mềm dẻo và linh hoạt trong quan hệ ngoại giao thời Lý - Trần, đặc biệt là vào thời Trần, được thể hiện ở việc vận dụng chính những phạm trù, mệnh đề của Nho giáo và của Bắc sử để đấu lý với giặc, giải thích chúng theo nội dung tích cực để bác bỏ phương diện tiêu cực mà phía giặc khai thác, qua đó từ chối một cách khôn khéo việc thực hiện những yêu sách của chúng.
Trong tờ chiếu năm 1261, một phần vì nội bộ lục đục, một phần còn lo đánh Tống, Hốt Tất Liệt tỏ vẻ dễ dãi với nước ta: “Phàm các việc thuộc về điển lễ, phong tục, nhất nhất y theo tục lệ cũ của bản quốc, không cần thay đổi…Ta đã răn bảo các biên tướng vùng Vân Nam không được tự tiện đem quân lấn cướp biên cương, nhiễu loạn dân chúng” [83, 16]. Nhưng ngay khi đã tạm rảnh tay, y liền bộc lộ dã tâm xâm lược của mình. Trong tờ chiếu năm 1277, y tuyên bố sáu điều “tổ tông” y đã quy định cho chư hầu, buộc nhà Trần phải theo: “Theo chế độ của tổ tông ta đã định, phàm nước nội phụ thì quân trưởng phải thân vào chầu, con em phải làm con tin, lại phải kê số
hộ khẩu, thu nộp thuế má, tuyển dân giúp việc binh, cứ vẫn đặt quan Đạt-lỗ- hoa-xích để thống trị” [83, 17]. Chúng muốn lờ đi tờ chiếu năm 1261, cố tình nhắc lại sáu quy định của “tiên đế”, trách An Nam không “thật lòng quy phụ” và nhất là thúc bách việc quốc chủ phải thân vào chầu. Hống hách vặn lý không được thì chúng đe doạ. Trái lại, các vua Trần hết sức đề cao tờ chiếu năm 1261, coi đó là cơ sở pháp lý để đấu tranh, buộc Hốt Tất Liệt phải tôn trọng điển lễ cũ của nước mình: “Nước tôi đã nhận được chiếu bảo cứ theo tục cũ. Phàm nhận chiếu cứ để nơi chính điện, còn mình thì lui tránh ở nhà riêng, đó là điển lễ của nước tôi” [83, 17]. Các vua Trần cũng kiên quyết mượn cớ từ chối việc sang chầu, khi thì “cha vừa mất”, khi thì “sức yếu, đường xa, sợ chết”, khi thì lại viện dẫn đến lời lẽ trong kinh điển của đạo Nho: “Khắp cả gầm trời chẳng đâu không phải đất nhà vua; khắp các bến bờ trên cõi đất, chẳng ai không phải bề tôi của nhà vua”, “Thiên tử coi bốn bể là nhà, nước tôi tuy không sang chầu được thì cũng vẫn ở trong lãnh vực ấy, vẫn là bề tôi của xã tắc”…[104, 551]. Dưới hình thức những lời lẽ nhún nhường, mềm mỏng, lại dựa trên cơ sở những điều nhân nghĩa phổ biến đã được nói đến trong các sách vở của Nho giáo, các vua Trần vẫn tỏ rõ một thái độ trước sau như một: thái độ cứng cỏi, vững vàng trước mọi lời đe doạ, thách thức, biểu hiện một quyết tâm chống âm mưu xâm lược, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc đến cùng.
Dùng những lời lẽ mềm mỏng, những lời chúc tụng, ca ngợi “lòng nhân” của bậc “thánh thiên tử”, điều đó cốt để xoa dịu kẻ thù đang mạnh, nhưng các vua Trần vẫn không quên vận dụng linh hoạt phương châm “cương nhu tịnh dụng”. Một mặt phải giữ vững quyền độc lập tự chủ, mặt khác phải làm thế nào cho kẻ địch không thể vin vào lời lẽ sơ hở của ta để gây cuộc binh đao. Muốn chặn âm mưu xâm lược của vua Nguyên, thì lại phải vạch mặt kẻ thừa hành. Nhiều lần nhà Trần đã thẳng tay vạch rõ bộ mặt
thật của tay chân “thiên triều” qua việc tố cáo những kẻ đại diện, tố cáo tội ác đẫm máu của quân tướng nhà Nguyên: “Năm Chí Nguyên thứ 23 (1286), bình chương A-lý-hải-nha tham công ngoài biên giới, làm trái thánh chiếu, vì thế mà sinh linh một phương nước nhỏ chúng tôi phải chịu lầm than…Mùa đông năm Chí Nguyên thứ 24 (1287) lại thấy đội quân thuỷ bộ tiến đánh, cướp giết dân chúng già trẻ, phá tán sản nghiệp trăm họ, không sót điều tàn ác gì không làm…Đến khi nhờ được thái tử thương xót nghe theo lời kêu xin của nước chúng tôi rút đại quân về, tham chính Ô Mã Nhi lại đem quân thuyền đi riêng ra ngoài biển, bắt hết nhân dân ven biển, lớn thì giết, bé thì cướp đi, cho đến cả treo trói mổ cắt vứt mình một nơi, đầu một ngả. Trăm họ bị bức đến chỗ chết, mới nổi lên cái hoạ chim cùng thú quẫn” [83, 19]. Những bài biểu như vậy càng khẳng định tinh thần đấu tranh kiên quyết của nhà Trần chống lại việc sử dụng vũ lực trong quan hệ với nước ta của nhà Nguyên. Nó thể hiện ý chí kiên cường và lòng quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự chủ của nhân dân ta.
Trong công cuộc ngoại giao thời kỳ này, bên cạnh việc đấu tranh trực tiếp với nhà Nguyên bằng biểu chương, thì việc đón tiếp sứ giả cũng mang một nội dung quan trọng không kém. Sứ giả sang ta hồi ấy đều hống hách lên mặt tới mức “đi lại nghênh ngang ngoài đường. Uốn lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ” [44, 92]. Song đối với ta, những người tiếp xúc với bên Nguyên, từ vua chí quan, từ quan văn, tướng võ đến chân thư lại và loại “ngựa kéo xe muối”, do lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thấm nhuần đường lối “dĩ đoản chế trường” đều có thái độ ung dung, bình tĩnh, linh hoạt, khôn khéo, kiên quyết, dũng cảm trong những tình huống hết sức khó khăn, có khi nguy hiểm đến tính mạng, khiến cho kẻ thù cũng phải kính nể: “Người ấy đang lúc bị uy lực áp chế mà lời nói sắc mặt vẫn tự nhiên, không hạ thấp chủ họ làm Chích, không nịnh hót ta
làm Nghiêu. Nước họ có người giỏi, chưa dễ đánh lấy được” [83, 20]. Các bài thơ tặng đáp đều là tác phẩm của những nhà nho uyên bác. Mặc dầu là loại thơ thù đáp sáng tác “ứng khẩu thành chương” nhưng vẫn mang nội dung đậm đà tinh thần yêu nước, khí phách hào hùng và niềm tin tưởng lạc quan, đồng thời cũng không kém trau truốt, chứng tỏ trình độ Nho học, tài năng, trí thông minh, nhạy bén của các tác giả.
Tóm lại, vận dụng chính những lời lẽ rút ra từ Kinh, Truyện thánh hiền, từ những luận đề của Nho giáo, vua quan và nho sĩ thời kỳ Lý - Trần đã đấu tranh chống lại âm mưu áp đặt của ngoại bang, ngăn chặn chiến tranh xâm lược của chúng, bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Hoạt động ngoại giao thời kỳ này tuy được tiến hành dưới hình thức và lễ nghi của mối quan hệ giữa một phiên thần và một thiên tử, nhưng đằng sau cái nghi thức bề ngoài ấy, hoạt động đối ngoại của dân tộc ta đã diễn ra một cách tích cực nhưng mềm dẻo và linh hoạt dưới ánh sáng của lòng yêu nước, tinh thần quyết tâm giữ vững độc lập chủ quyền của đất nước, đồng thời nâng cao thể diện quốc gia. Thời kỳ Lý - Trần, với tư cách là một bộ phận hệ tư tưởng cơ bản của các vương triều có tinh thần dân tộc và có tính chất tiến bộ, Nho giáo đã được khai thác, phát huy ở những phương diện nhân bản, thân dân, góp phần quan trọng trong việc tạo nên xã hội thịnh trị; đối nội thì dẹp yên các cuộc bạo loạn, đối ngoại thì giữ vững biên cương và khiến cho phương Bắc phải “nguội cái lòng nhòm ngó phương Nam”.
2.2. Nho giáo thời kỳ ý - Trần đề cao phạm trù đạo đức “trung nghĩa”
Với tư cách là một bộ phận cơ bản của hệ tư tưởng, Nho giáo đã được tiếp nhân một cách chủ động, sáng tạo. Xuất phát từ thực tiễn của công cuộc dựng nước và giữ nước, triều đình phong kiến Lý - Trần đặc biệt coi trọng việc giáo dục những phẩm chất đạo đức cho đông đảo nhân dân nói chung và cho các tướng sĩ nói riêng. Bởi vì, trong những cuộc chiến tranh cứu nước
lúc ấy, muốn động viên được sức dân thì không thể không đánh thức dậy ở họ những tình cảm đạo đức trong sáng có tác dụng thôi thúc họ chiến đấu. Vả lại, đạo trị nước yên dân của nước ta trong suốt hai triều đại Lý - Trần ít nhiều cũng mang tính chất của một nền đức trị. Các phạm trù chính trị - đạo đức của Nho giáo như trung, hiếu, nhân, nghĩa…đã được vận dụng vào lĩnh vực chính trị và ngày càng trở thành chuẩn mực đạo đức cho hành vi của con người trong xã hội. Đặc biệt, phù hợp với yêu cầu khách quan của lịch sử và đáp ứng những nhiệm vụ đặt ra cho việc xây dựng, củng cố chế độ phong kiến trung ương tập quyền, các nhà Nho và các triều đại phong kiến Lý - Trần đều đề cao phạm trù trung tâm là trung nghĩa. Trung là trung với vua, còn cái nghĩa lớn nhất của mọi thần dân là trung thành với nhà vua, với triều đại phong kiến. Đề cao trung nghĩa cũng là nhằm đề cao địa vị, vai trò và uy quyền tuyệt đối của nhà vua. Do vậy, trung nghĩa có tác dụng nhất định trong việc xây dựng, củng cố nền quân chủ chuyên chế, kéo dài sự tồn tại của một vương triều, đồng thời còn là phương thức hướng dẫn suy nghĩ và hành động của mọi người dân.
Trong thời Lý cũng như thời Trần, đều có tục các quan trong triều đến ngày 4 tháng 4 tới đền thờ thần núi Đồng Cổ làm lễ uống máu ăn thề hết lòng trung với vua. Và trên thực tế, nhà vua là đại biểu về tư tưởng của tập đoàn phong kiến thống trị đã hết sức biểu dương và cổ vũ những tấm gương trung dũng của bề tôi. Vua Lý Thái Tông không tiếc lời ca ngợi Lê Phụng Hiểu: “Ta thường xem sử nhà Đường thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ là bề tôi đời sau không ai sánh được. Ngày nay gặp biến, mới biết Phụng Hiểu còn trung dũng hơn Kính Đức nhiều” [54, 275]. Tô Hiến Thành bằng những hành vi và lời nói của mình đã tạo ra một tấm gương mẫu mực về sự trung nghĩa mà các Nho sĩ đời sau vẫn lấy đó để noi theo. Quyền lợi và sự mua chuộc không hề làm lay chuyển được lòng trung nghĩa của ông trong khi ông vâng di chiếu của tiên đế mà phò ấu chúa. Ông nói rằng: “Làm việc
bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ có vui làm đâu” [54, 406]. Khi vua Lý Thái Tổ mới băng hà, xảy ra loạn Ba vương, Đông Chính, Dực Thánh và Vũ Đức đem quân vào phủ Long Thành đòi tranh ngôi với anh là Lý Thái Tông. Trong tình hình ấy, chữ chính trung đã được các quan quân đặt ra một cách quyết liệt:
Tình thế đã đến như vậy, thì ta còn mặt mũi nào trông thấy ba vương nữa. Ta đành chỉ làm lễ thành phục, đứng hầu bên cạnh linh cữu tiên đế, ngoài ra mọi việc đều uỷ thác cho các khanh cả. Bọn Nhân Nghĩa đều lạy và đáp: Chết vì hoạn nạn của vua là chức phận của kẻ làm tôi. Nay đã được chết đúng nơi đáng chết, thì còn từ chối gì nữa. Thế rồi hạ lệnh cho vệ sĩ trong cung mở cửa ra đánh, ai cũng vui lòng xông pha nguy hiểm, không người nào không mang khí thế một địch trăm người... Quan quân đuổi theo chém giết hầu như không còn sót một ai. Chỉ riêng hai vương Đông Chính và Dực Thánh là thoát được [103, 251]
Bước sang thời Trần, đức “trung” tiếp tục được đề cao, nhấn mạnh. Bề tôi của vua và quan chức của triều đình thì phải một lòng trung thành với vua, tận lực khi thi hành những nhiệm vụ mà vua sai khiến, đem ân đức của nhà vua tới mọi nơi mọi chốn, mọi tầng lớp người trong xã hội. Vua Trần Nhân Tông rất chú ý biểu dương đức trung hiếu của kẻ trượng phu. Ông nói: “Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đôi mới trượng phu trung hiếu”.
Thời này, sự trung nghĩa còn được nhấn mạnh như một yêu cầu quan trọng đối với các binh, tướng trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, bảo vệ an nguy cho triều đình. Trần Quốc Tuấn, trong bài Hịch tướng sĩ, đã hết lời ca ngợi những tấm gương trung liệt của lịch sử Trung Quốc, như những tấm gương chết thay vì vua của Kỷ Tín, Do Vu, Dự Nhượng, những bậc
trung thần, nghĩa sĩ bỏ mình vì nước như Thân Khoái, Kính Đức, Cảo Khanh:
Ta thường nghe: Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao đế; Do Vu chìa lưng chịu giáo, che chở cho Chiêu vương; Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay cứu