Quan niệm về xây dựng thể chế nhà nước phong kiến

Một phần của tài liệu Những đặc điểm của Nho giáo Việt Nam thời Lý Trần (Trang 65)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.2. Quan niệm về xây dựng thể chế nhà nước phong kiến

Sau khi chuyển giao vương quyền từ họ Tiền Lê sang họ Lý rồi từ họ Lý sang họ Trần, vấn đề xây dựng chính quyền và tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến là một vấn đề quan trọng hàng đầu trong tư tưởng chính trị - xã hội đương thời. Bởi vì, vấn đề chính quyền luôn luôn là vấn đề nóng hổi đối với tầng lớp cầm quyền ở bất cứ lúc nào. Nếu không có một chính quyền vững mạnh, thì tầng lớp thống trị mới không thể thiết lập được quyền lực chính trị của họ đối với xã hội, không thể kiểm soát được các hoạt động của xã hội và không đủ sức mạnh để đối phó hữu hiệu với các cuộc xâm lược từ bên ngoài. Chính vì vậy việc xây dựng chính quyền là vấn đề được các nhà tư tưởng thời Lý - Trần hết sức quan tâm.

Sau khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng (năm 938), dân tộc Việt Nam phải xây dựng và củng cố quốc gia của mình và chưa thể xây dựng một chế độ nào khác ngoài chế độ phong kiến. Trong lĩnh vực này, Nho giáo có nhiều quan điểm mang giá trị tiến bộ đáp ứng nhu cầu thực tiễn lúc bấy giờ. Học tập cách quản lý xã hội tổ chức bộ máy Nhà nước theo tư tưởng của Nho giáo là một điều hoàn toàn có thể chấp nhận, phù hợp với tiến trình vận động và phát triển của xã hội Việt Nam đương thời. Ngay từ thời tiền Lê, Lê Long Đĩnh đã lấy vương triều Tống làm mẫu mực. Đến nhà Lý và nhà Trần, tất cả những di thảo thành văn ít nhiều đều

cho biết sự chủ động tiếp thu của giai cấp phong kiến Việt Nam đối với những kinh nghiệm và nguyên tắc tổ chức nhà nước phong kiến tập quyền Trung Quốc cùng với Nho giáo là cơ sở lý luận của nhà nước ấy.

* Trước nguy cơ bị xâm lược, vấn đề độc lập dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu. Nhưng khi đã giành được độc lập, ngoài vấn đề khẳng định chủ quyền, lợi ích dân tộc, còn có vấn đề quyền lợi tông tộc của triều đại trị vì. Cùng với sự phát triển của chế độ phong kiến thời Lý - Trần thì ý thức tôn quân cũng được khẳng định rõ dần. Trong quan niệm của Nho giáo Trung Quốc, vị quân vương là đại diện cho một nước, nói đến “nước” là nói đến “vua”, nước là của vua: “Phổ chi thiên hạ, mạc phi vương thổ. Suất thổ chi tân, mạc phi vương thần” (Khắp trong thiên hạ, không có đất đai nào không phải của vua. Trên mặt đất, không có người nào không phải thần dân của vua). Vì vậy, ngôi vua bao giờ cũng được đề cao và trong việc giáo dục thần dân, đức tính “trung” với vua được coi trọng nhất. Nó đòi hỏi một tinh thần hết lòng trung thành đối với ngai vàng. Vua ở đây là con trời chứ không phải là một con người bình thường. Một con người bình thường khi đã lên ngai vàng thì ngay cha mẹ, anh em ruột thịt cũng đều trở thành thần dân của vua cả, nhất là khi vua đã đủ tuổi trưởng thành. Trong lịch sử Trung Quốc đầy rẫy những việc thiên tử để bảo toàn ngôi vị tối cao của mình mà sẵn sàng trừng trị những người ruột thịt của mình; và những người được trao gươm phụ chính hay buông rèm nhiếp chính khi vua còn nhỏ tuổi đã phải trả giá bằng cuộc sống của họ khi vua trưởng thành. Trong Tứ thư, Ngũ kinh, phẩm chất mà mọi nhà Nho đều thuộc nhập tâm là: “quân sử thần tử thần bất tử bất trung”. Thế nhưng ở Việt Nam thời Lý - Trần lại khác, chẳng hạn việc vua Lý Thái Tông, Trần Thái Tông khoan hồng cho những hoàng tử có hành động cướp ngôi. Đặc biệt, ở thời Lý - Trần có một số tù trưởng địa phương có hành động phản nghịch, tiếm hiệu, mở nước, đặt quan thuộc đều bị đánh

dẹp. Tuy nhiên, họ không những không bị giết mà sau khi thu phục tha bổng nhất loạt còn được vua đem về kinh, gả con gái cho, rồi thả về với một chức tước cao hơn. Việc làm tưởng chừng “nhu nhược” đó khiến các sử gia Nho giáo thời sau không hài lòng, trách cứ vua Lý, vua Trần quá “say đắm cái nhân nhỏ của nhà phật, mà quên mất cái nghĩa lớn của người làm vua” [54, 306]. Nhưng rõ ràng, các sử gia đó đã bỏ qua không chịu xét tới điều kiện lịch sử, yêu cầu đoàn kết dân tộc lúc bấy giờ. Đó không phải chỉ có vì lòng nhân của đạo Phật chi phối mà là một chiến lược đại đoàn kết đối với các dân tộc ít người muốn hoà thân hơn là đánh giết, trừng trị của nhà Lý, Trần. Trước yêu cầu tập hợp mọi tộc người thành một khối rộng khắp và vững mạnh để đối phó với mọi kẻ thù xảo quyệt, tàn bạo, luôn luôn có ý đồ xâm lược nước ta thì việc làm của vua Lý - Trần là phù hợp với lợi ích lâu dài của đất nước để lại bài học cho đời sau. Ở đây, đức thương người của con người Việt Nam đã trở thành sợi dây nhân ái liên hệ cộng đồng anh em trong quốc gia nhân lên thành sức mạnh cố kết dân tộc vững bền.

Đặc điểm này còn thể hiện ở nhà Trần, thể chế kép: thượng hoàng + vua tại vị đã tạo ra một đặc điểm riêng biệt mà chúng ta không thấy ở bất kỳ nước nào trên thế giới trong thời Trung cổ, kể cả Trung Hoa. Khác với tư tưởng tôn quân tuyệt đối của Nho giáo đã nêu bên trên, thể chế thời Trần còn được mở rộng bởi chế độ phân quyền cho quý tộc trong dòng họ cùng nắm giữ để bảo đảm phát huy sức mạnh. Ở ngôi tối cao chính quyền, Thượng hoàng là người hướng dẫn kèm cặp vua, nhưng không chỉ có thế mà còn là người cùng xử lý việc nước với vua. Không phải hễ vua khôn lớn thì thượng hoàng để cho vua độc lập hoạt động. Trên thực tế, vua chỉ hoạt động độc lập một thời gian rất ngắn rồi nhường ngôi để lui về làm thượng hoàng. Rõ ràng, mối quan tâm của nhà Trần không phải là tập trung tôn quân, độc quyền làm vua, mà là giữ cho nước nhà có thế vững vàng ổn định. Điều đó cũng cho thấy

tinh thần tập thể thể hiện qua ý thức về tổ tông, tức tông tộc khá mạnh. Sử còn chép sự kiện vua Trần Thánh Tông cùng với quan chức trong hoàng tộc sinh hoạt vui vẻ với nhau “cùng nhau ăn uống”, “cùng ca hát vui vẻ”, “cùng ngủ liền giường”. Vua nói:

Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông, người nối nghiệp của tổ tông nên cùng với anh em trong họ cùng hưởng phú quý; tuy bên ngoài thì là cả thiên hạ phụng một người tôn quý, nhưng bên trong thì ta cùng với các khanh là đồng bào ruột thịt, lo thì cùng lo, vui thì cùng vui, các khanh nên lấy câu nói ấy mà truyền cho con cháu để nhớ lâu đừng quên, thế là phúc muôn năm của tôn miếu xã tắc vậy [54, 483].

Ở đây quyền lợi của nhà vua chuyên chế “cả thiên hạ phụng một người tôn quý”, đồng thuận gắn liền với quyền lợi của quý tộc đồng tộc và quyền lợi của toàn bộ quốc gia. Rõ ràng, sự vận dụng tư tưởng Nho giáo không loại trừ mà hợp chiều với tư tưởng dân chủ nông thôn trong quản lý xã hội của các cộng đồng nông thôn mang màu sắc dân chủ truyền thống đã được vận dụng vào mô hình bộ máy tối cao của nhà Trần. Tư tưởng dân chủ sơ khai này gần như đối lập với tư tưởng coi vua luôn ở địa vị chí thượng thuộc hệ tư tưởng Nho giáo Trung Hoa cổ đại. Vì vậy, khi ảnh hưởng của Nho giáo đậm đặc, các nhà Nho viết sử sau này như Ngô Sĩ Liên không ngớt lời chê bai nhiều điều nhà Trần làm không đúng “khuôn vàng thước ngọc” Nho giáo Trung Hoa cổ đại là họ bị nhãn quan Nho giáo tác động.

Thời kỳ nhà Lý - Trần, chế độ phong kiến đang trên đà phát triển, bộ máy quan liêu chưa đến nỗi quá cồng kềnh và ý thức về việc cai trị bằng lễ, danh của Nho giáo chưa thực sự trở thành thống trị tư tưởng của nhà vua, quý tộc và quần chúng nhân dân. Hơn nữa, trong thời kỳ này ý thức về

quyền độc lập dân tộc, truyền thống yêu nước thương dân và ảnh hưởng của truyền thống công xã nông thôn đã có tác động tích cực mạnh mẽ đến tư tưởng cũng như hành động của các ông vua. Vì vậy họ chưa trở thành “thần thánh”, những kẻ độc quyền chuyên chế, sống tách biệt ra khỏi cộng đồng, mà ngược lại họ sống gần gũi với quần chúng, quan tâm đến đời sống và nguyện vọng của nhân dân. Trần Thái Tông tự xưng là Quốc gia, một danh hiệu không có trong kinh điển cũng như sử sách Trung Quốc cổ đại. Ở thời kỳ này, từ cung điện của nhà vua tới làng mạc nông dân chưa có những đường hào tường thành kiên cố ngăn cách một cách quá ngặt nghèo như sau này, những luật lệ gang sắt với một kỷ cương trật tự chặt chẽ chưa được dựng nên. Các vua Lý - Trần thường xuyên có các cuộc du ngoạn tới các địa phương và tham gia sinh hoạt vui vẻ với dân chúng như tham dự những ngày tế lễ, ngày tết hàng năm. Đó là dịp tiếp xúc thân mật với quần chúng. Vua Trần Thái Tông tỏ ý luôn muốn ra ngoài chơi để nghe tiếng nói của dân, xem xét lòng dân…

Một điều cũng rất khác biệt giữa tư tưởng tôn quân của Nho giáo thời kỳ Lý - Trần so với tư tưởng tôn quân của Nho giáo Trung Hoa cũng như trong lịch sử chế độ phong kiến Trung Quốc đó là vấn đề quan hệ giữa vua và nước. Như đã trình bày ở phần trên, ở Trung Quốc ta không thấy có một tên nước chung qua các triều đại, người ta lấy tên triều đại để gọi tên nước. Điều đó rất nhất quán với tinh thần tôn quân Nho giáo, đồng nhất vua với nước, coi nước là của một ông vua, một dòng họ. Còn ở Đại Việt thời Lý - Trần, mặc dù hệ tư tưởng phong kiến chịu ảnh hưởng của Nho giáo, mọi người vẫn thừa nhận nước là của vua, nhưng đã không đặt vua lên trên nước mà coi nước là ở trên vua, các triều đại mới thay thế triều đại cũ đều do vì lợi ích dân tộc nên mới được tôn quý. Đây là cơ sở tư tưởng, lý luận rất quan

trọng, có ý nghĩa cơ bản chỉ đạo cho việc thống nhất lợi ích của dân tộc với lợi ích của tông tộc cầm quyền khi triều đại có tinh thần dân tộc. Mặt khác, người Việt Nam đã đạt tới nhận thức yêu nước Việt Nam tách rời lợi ích tối cao của dân tộc với lợi ích riêng của triều đại khi triều đại ấy phản bội lại lợi ích của dân tộc.

* Trong bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền, vị trí quan trọng đứng hàng thứ hai sau ngôi vua là các quần thần trong triều đình - bề tôi của nhà vua, là bộ máy quan liêu từ trung ương đến các làng xã. Điều này được phản ánh trong Nho giáo tư tưởng về vị trí chính trị quan trọng của trăm quan, về nguyên tắc khoa cử để tuyển chọn, sử dụng và đối đãi với bề tôi. Khổng Tử đã từng nói: “Muốn cai trị cho bình yên, thịnh vượng, nhà cầm quyền nên tuyển chọn những người ngay thẳng và có đức hạnh và dẹp trừ những kẻ siểm nịnh, tà khúc” [112, 69]. Ở nước ta thời Lý, sư Viên Thông đã nói: “Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan; được người thì nước trị, mất người thì nước loạn. Thần trải xem các bậc đế vương đời trước, chưa từng có ai không dùng quân tử mà hưng được nghiệp, không dùng tiểu nhân mà bị tiêu vong” [103, 462]. Đến thời Trần, các nhà tư tưởng đã thể hiện một nhận thức hết sức sâu sắc về vai trò quan trọng của đội ngũ quan lại trong bộ máy chính quyền phong kiến. Trần Thái Tông đã từng nói với Lê Phụ Trần: “Trẫm không có khanh thì làm gì được có ngày nay. Khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc sau này” [54, 471]. Còn Trần Quốc Tuấn khi tổng kết kinh nghiệm trị nước thời Đinh, Lê đã rút ra một bài học hết sức quan trọng, đó là việc sử dụng người hiền tài trong trị nước. Ông viết: “Đến thời Đinh Lê, dùng được người hiền lương, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mỏi mệt suy yếu” [54, 548].

Ý thức được tầm quan trọng của bề tôi như vậy nên triều đình phong kiến lúc này rất quan tâm đến việc tuyển chọn nhân tài. Phương thức để

tuyển chọn quan lại là thông qua hình thức nhiệm tử, tuyển cử và khoa cử. Đáp ứng những yêu cầu của công cuộc phát triển đất nước cũng như sự lớn mạnh của chế độ phong kiến, việc tuyển lựa quan lại dựa vào chế độ khoa cử Nho học ngày càng chiếm ưu thế, tầng lớp nho sĩ quan liêu ngày càng có nhiều cơ hội tham chính trong bộ máy nhà nước từ thời Lý sang cuối thời Trần thì thành quy củ. Thời kỳ này sự nghiệp giáo dục và thi cử hết sức nghiêm minh. Chúng ta chưa thấy tư liệu nào cho biết tình trạng gian lận trong thi cử hoặc có thể đỗ đạt bằng cách mua bằng tiền (điều mà chúng ta từng thấy “sinh đồ 3 quan” ở những thế kỷ XVII, XVIII). Hơn nữa, xuất phát từ công việc mà đối xử, triều đình phong kiến trọng dụng những người thực tài mà không kể đến đường xuất thân. Phan Huy Chú nhận xét rằng:

Triều Trần dùng người thật là công bằng. Tuy đã đặt khoa mục mà việc kén dùng chỉ cốt tài là được, cho nên những Nho sĩ có chí hướng thì thường được trổ tài của mình, không đến nỗi bị bó buộc hạn chế vì tư cách, như khoảng đời Hưng Long (1293), Đại Khánh (1314) nhân tài có rất nhiều, mặc áo triều, ở ngôi trọng, học sinh với khoa giáp ngang nhau, lịch duyệt trên đường làm quan chưa hề khác nhau (làm quan ở triều bấy giờ duy có Đĩnh Chi, Trung Ngạn là người khoa giáp, còn bọn Hán Siêu, Sư Mạnh, Lê Quát, Phạm Mại đều do học sinh xuất thân), chỉ cần người dùng được, chứ không câu nệ ở đường xuất thân [16, 639].

Có niềm tin vào thực tài, thực tâm con người, phóng khoáng trong cách dùng người, thời đại Lý - Trần đã giúp cho người ta giữ được tinh thần “vô uý”, giúp cho mỗi con người trong thời đại đó phát huy hết bản lĩnh sống của mình, và có thể khẳng định mà không sợ nhầm lẫn rằng, đây là một thời kỳ lịch sử ít nhắm mắt tin theo các giáo điều sách vở nhất, trái lại dám

sáng tạo thông qua mọi tri thức thực tiễn mà đưa ra những chủ kiến chỉ riêng mình có. Nhiều nhà nho lúc bấy giờ, hoặc trực tiếp tham gia vào bộ máy nhà nước, hoặc không trực tiếp, nhưng họ là những người có uy tín với triều đình. Tuỳ theo uy tín và địa vị xã hội, có người dám đưa ra những kiến nghị táo bạo, có người lại dùng hình thức can gián khéo léo, song nhìn chung, họ có trách nhiệm cao với xã hội, dám đề đạt nguyện vọng với vua, với mong muốn xây dựng một nhà nước phong kiến lớn mạnh. Nhìn chung, trạng thái tư tưởng của tầng lớp nho sĩ thời Lý - Trần đã ở trong một thế cân bằng ổn định, mang những yếu tố tích cực. Trong mối thống nhất giữa danh và thực, lý tưởng và hiện thực, lý thuyết và hành động, các nho sĩ thời kỳ này đã giữ được “phẩm hạnh thanh cao…làm rạng rỡ sử sách, không thẹn với trời đất”.

* Để củng cố bộ máy nhà nước phong kiến, vấn đề xây dựng quân đội thường trực cũng rất được các nhà Nho - các nhà tư tưởng Việt Nam quan tâm chú ý. Đây là một nét khác biệt với những quan điểm trong Nho giáo. Nho giáo không trực tiếp bàn về vấn đề xây dựng, tổ chức quân đội. Với

Một phần của tài liệu Những đặc điểm của Nho giáo Việt Nam thời Lý Trần (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)