Diện mạo của Nho giáo thời Lý Trần

Một phần của tài liệu Những đặc điểm của Nho giáo Việt Nam thời Lý Trần (Trang 30)

7. Kết cấu của luận văn

1.2.2. Diện mạo của Nho giáo thời Lý Trần

Dưới các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, mặc dù những cơ sở kinh tế, giai cấp của chế độ phong kiến ngày càng được củng cố, nhưng biểu hiện của Nho giáo là không đáng kể. Nho, Phật, Lão dưới các triều đại này vẫn song song tồn tại, nhưng trong ba “giáo” đó, Phật giáo có thế lực hơn cả. Hệ thống chùa chiền được xây dựng thêm nhiều, số tăng ni, phật tử phát triển về số lượng và có ở khắp nơi. Phật giáo không chỉ ảnh hưởng tới đông đảo quần chúng nhân dân mà còn ảnh hưởng tới triều đình. Nhiều sư tăng cũng đồng thời là giới trí thức của giai cấp phong kiến, họ vừa am hiểu Phật giáo vừa am hiểu cả Nho giáo, được triều đình phong kiến trọng dụng, ban thưởng. Không những mộ Phật giáo, các triều đại này còn mộ Đạo giáo. Nhiều đạo sĩ được nhà vua trọng dụng, trọng đãi. Trong khi Phật giáo, Đạo giáo là chỗ dựa của giai cấp phong kiến thì Nho học lại không có một bước phát triển nào. Sự biểu hiện của Nho giáo là hết sức mờ nhạt trong xã hội cũng như trong triều đình. Bộ máy quan liêu chặt chẽ với chế độ khoa cử dựa trên tầng lớp sĩ phu chưa được thiết lập. Tầng lớp trí thức của xã hội không phải là các nho sĩ mà là các vị cao tăng.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, những hiện tượng được xem là trái đạo trời, vi phạm nguyên tắc chính danh,... theo tinh thần Nho giáo xảy ra ở ngay chốn cung đình đã chứng tỏ Nho giáo chưa có một ảnh hưởng, vai trò gì nhiều. Dưới triều Ngô, đó là việc bề tôi Dương Tam Kha đuổi con đích của vua để cướp ngôi, phạm tội bất nghĩa, phản nghịch; việc hai anh em Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn cùng xưng vương và cùng trông coi chính sự, phạm vào nguyên tắc “một nước chẳng thể có hai vua”; rồi tình trạng trong nước không có chủ (năm 967) do loạn 12 sứ quân. Các ông vua thời Đinh - Tiền Lê tuỳ tiện sử dụng hình luật, không biết giáo hoá dân và cai trị

bằng lễ nhạc. Như vua Đinh Tiên Hoàng trong khi tông miếu chưa xây, nhà học chưa dựng, lễ nhạc không sửa sang... nhưng lại sử dụng hình luật vô cùng tàn khốc (đặt vạc, nuôi hổ) trong việc cai trị và bảo vệ ngai vàng; việc ông vua này lập một lúc 5 bà hoàng hậu và bỏ con trưởng lập con thứ làm Thái tử vì tình riêng là bỏ đạo thường; việc con trưởng của vua (là anh) giết con thứ của vua (là em) là làm cho “thiên đạo nhân luân mất hết”. Việc Lê Hoàn nhiếp chính, làm công việc như Chu Công nhưng lại cướp ngôi của vua Phế Đế (con thứ của vua Đinh Tiên Hoàng) để lập vua là trái đạo làm tôi, trái với phép của sách Xuân Thu; khi đã lên làm vua, ông tuy có “kén dùng hiền tài, dựng mở trường học”, nhưng “làm lắm việc thổ mộc, gây nhiều việc can qua, coi nhân dân không khác cỏ rác”; việc ông vua này thông dâm với vợ vua Đinh Tiên Hoàng rồi lập làm hoàng hậu, là vi phạm đạo vợ chồng - đầu mối của nhân luân, dây mối của vương hoá. Việc Lê Long Đĩnh giết anh là Lê Long Việt (tức vua Lê Trung Tông) tự lập làm vua là bất nghĩa, bất trung; những hành động bạo ngược của ông vua này với dân chúng để thoả lòng hung ác, hiếu sát của mình (ngược dân, mê đắm tửu sắc, thương tổn sinh linh, lấy việc giết người làm trò tiêu khiển) là trái đạo vua - tôi, trái với mệnh trời, là vi phạm đạo thân dân...

Như vậy là, dưới các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam đã từng bước được xác lập. Tuy nhiên, tình hình trật tự, kỷ cương xã hội vẫn chưa thật sự ổn định, những nguy cơ bất ổn, đe doạ sự thống nhất đất nước vẫn chưa mất đi, nạn ngoại xâm vẫn thường xuyên xảy ra. Do vậy, nhiệm vụ chủ yếu của Nhà nước phong kiến thời kỳ này là phải tập trung vào việc ổn định trật tự, kỷ cương của xã hội, duy trì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, cũng vì vậy mà việc võ bị là cần thiết hơn cả việc văn. Cho nên, Nho giáo chưa có điều kiện và chưa có một

cơ sở kinh tế - xã hội để phát triển và có một vai trò nhất định đối với tiến trình phát triển của chế độ phong kiến Việt Nam trong thời gian này.

Bước sang thế kỷ XI khi vương triều Lý được thành lập đã tạo ra một sự chuyển biến về chất, một bước ngoặt lịch sử trong tiến trình phát triển nhiều mặt của chế độ phong kiến và quốc gia Đại Việt. Việc củng cố chế độ phong kiến và phát triển nền văn hoá dân tộc trở thành một yêu cầu cấp bách, vì vậy, giai cấp phong kiến thời Lý - Trần đã đề cao Nho giáo và sử dụng nó như một lợi khí sắc bén trên lĩnh vực chính trị, văn hoá và tư tưởng trong sự kết hợp với Phật giáo và Đạo giáo, chủ yếu là với Phật giáo. Như vậy, Nho giáo đã bám vào những yêu cầu của xã hội và của nhà nước phong kiến mà vươn lên.

Mặc dù dưới thời Lý, Nho giáo được nhà nước chấp thuận là một thành tố của hệ tư tưởng Nho - Phật - Đạo; mở mang nền giáo dục khoa cử Nho học và như GS Trần Văn Giầu khẳng định, “nhà Lý ngày càng dựa vào Nho giáo” [29, t2, tr.64], nhưng Nho giáo vẫn giữ một vị trí khá khiêm tốn. Tuy nhiên, theo thời gian, Nho giáo ngày càng có vị trí, vai trò nhiều hơn trong đời sống tinh thần của con người và xã hội Việt. Nếu như lúc đầu, Nho giáo mới chỉ được triều đại phong kiến chấp nhận trên nguyên tắc để trị nước thì đến cuối triều Trần, nó đã trở thành ý thức hệ đang trên đà thống trị xã hội. Đến giữa thế kỷ XIV, Nho giáo đã chiếm được ưu thế trong cung đình và đi sâu vào sinh hoạt tinh thần của nước Đại Việt trên nhiều mặt.

Chúng ta có thể thấy được sự phát triển của Nho giáo thời kỳ Lý - Trần thông qua việc khảo sát ảnh hưởng ngày một sâu rộng của nó trên các lĩnh vực của đời sống xã hội lúc bấy giờ.

* Tiến trình khẳng định vai trò Nho học trên lĩnh vực giáo dục, khoa cử, theo PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc thì, “Thời Lý - Trần, Nho học phát triển từ trên xuống dưới” [63, 99]. Năm 1070, Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn

Miếu thờ Chu Công, Khổng Tử và các vị tiên hiền. Đây cũng là nơi dành riêng để dạy học cho các Hoàng Thái tử. Năm 1076, nhà Lý cho lập Quốc Tử Giám ngay giữa kinh thành. Từ đây, nền đại học nước ta được khai sinh. Tuy nhiên, cũng chỉ có các quý tộc, quan liêu và con em họ mới được theo học. Nhìn chung, việc giáo dục Nho học ở thời Lý còn khá hạn chế. Trường học mới chỉ có ở Thăng Long, chưa mở đến các phủ huyện. Nền giáo dục Nho học lúc này chỉ dành cho quý tộc, con quan. Số lượng nho sĩ so với thời Bắc thuộc tăng nhưng vẫn chưa có nho sĩ xuất thân từ bình dân. Sang đến nhà Trần, Quốc tử viện được lập cũng không phải dành cho tất cả các đối tượng mà chỉ dành cho con em các văn quan và tụng quan vào học mà thôi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa đông, tháng 10, cho Phạm Ứng Thần làm thượng thư tri Quốc tử viện, trông nom cho con em các văn quan và tụng quan vào học” [54, 448]. Việc cho con em các văn quan và tụng quan học Nho giáo lúc này cốt là đào tạo người kế tục sự nghiệp của các thế hệ đi trước. Song, cùng với sự phát triển của dân tộc, nhu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước đòi hỏi phải từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương, cho nên giáo dục Nho học đã không chỉ dừng lại ở đối tượng con em các quan trong triều nữa mà đến năm 1253, cùng với việc thành lập Quốc học viện, thì đối tượng vào học đã là tất cả các đối tượng trong nước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 6, lập Quốc học viện, tô tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh, vẽ tượng 72 người hiền để thờ…Tháng 9, xuống chiếu cho các nho sĩ trong nước đến Quốc học viện giảng học tứ thư lục kinh” [54, 463]. Về trường học, ngoài Quốc học viện ở kinh đô và nhà học ở phủ Thiên Trường (lập năm 1281) do Nhà nước quản lý, còn có các trường dân lập khá nổi tiếng như trường của Chiêu quốc

vương Trần Ích Tắc, trường Cung Hoàng của nho sĩ Chu Văn An (trước đó đã từng giữ chức Tư nghiệp Quốc tử giám) cũng thu hút được nhiều học sinh từ các nơi đến học. Ở các trường này cũng có nhiều người có đạo đức, có thực lực Nho học, đỗ đạt cao, được bổ nhiệm làm quan. Sử chép:

An (người huyện Thanh Đàm), tính người cương trực, ít giao du, sửa mình trong sạch, bền giữ tiết tháo, không cầu danh lợi hiển đạt, ở nhà đọc sách, học vấn tinh thuần, tiếng đồn gần xa, học trò đầy cửa; thỉnh thoảng học trò đỗ đại khoa, vào chính phủ, như Phạm Sư Mạnh, Lê Bá Quát đã làm hành khiển mà đều giữ lễ học trò [54, 660].

Trường của Chiêu Quốc vương từng được mở ở bên hữu phủ đệ, thu hút các văn sĩ bốn phương đến học tập:

Ích Tắc là con thứ của Thượng hoàng, thông minh, chăm học, thông hiểu kinh sử và lục nghệ, văn chương nhất đời…Từng mở trường học ở bên hữu phủ đệ, họp các văn sĩ bốn phương cho học tập, cấp cho ăn mặc, dạy bảo nên tài, như bọn Mạc Đĩnh Chi ở Bàng Hà, Bùi Phóng ở châu Hồng 20 người, đều được dùng cho đời [54, 482-483].

Đến năm 1397, vua Trần Thuận Tông chính thức sai đặt nhà học và chức học quan (được nhà nước trợ cấp ruộng công thu hoa lợi) ở các lộ phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông với chức năng là giáo hóa dân chúng, giữ gìn phong tục, dạy bảo học trò thành tài nghệ, chọn người ưu tú tiến cử lên triều đình. Nhà vua này đã ra chiếu viết:

Đời xưa, nước có nhà học, đảng có nhà tự, toại có nhà tường, là để tỏ rõ giáo hoá, giữ gìn phong tục, ý trẫm rất mộ.

Nay quy chế ở kinh đô đã đủ mà ở châu huyện thì còn thiếu, làm thế nào mở rộng giáo hoá cho dân được? Nên hạ lệnh cho các lộ phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông, đều đặt một học quan, cho ruộng công theo thứ bậc khác nhau, phủ châu lớn thì 15 mẫu, phủ châu vừa thì 11 mẫu, phủ châu nhỏ thì 10 mẫu, để cung chi phí cho nhà học. (Một phần để cúng ngày mồng một, một phần về nhà học, một phần về đèn sách). Quan lộ và quan đốc học dạy bảo học trò cho nên tài nghệ, cứ đến cuối năm chọn người nào ưu tú tiến cử lên triều đình, trẫm sẽ thân hành thi để lấy dùng [54, 717].

Qua đó chúng ta thấy, việc giáo dục ở địa phương vào cuối thời Trần đã được đề ra một cách quy củ và được triều đình quan tâm không chỉ đối với các quan lại phụ trách việc dạy học mà còn rất chú trọng đến việc tuyển người tài giỏi ở các địa phương cho triều đình. Như vậy, việc mở rộng trường học phản ánh sự phát triển về quy mô đào tạo của nền giáo dục Nho học thời Trần. Thời kỳ này, Nhà nước phong kiến chỉ nắm giữ một bộ phận công việc tổ chức trường học, còn phần nhiều trường học lại nằm trong dân chúng.

Cùng với giáo dục, khoa cử ở Đại Việt đã có từ thời Lý. Khoa thi đầu tiên được nhà Lý tổ chức vào năm 1075 gọi là “Minh Kinh bác sĩ và Nho học tam trường” đã chính thức khai sinh cho lịch sử thi cử Nho giáo lâu dài ở nước ta. Khoa thi ấy, Lê Văn Thịnh (người Bắc Ninh) đỗ đầu Thái học sinh (Tiến sĩ sau này), được cho vào hầu vua học, sau này được thăng đến chức Thái sư. Năm 1086, triều đình lập Hàn lâm viện, nho sĩ Mạc Hiển Tích trúng tuyển, được bổ làm Hàn lâm học sĩ. Năm 1152, nhà Lý tổ chức thi điện. Năm 1156, Lý Anh Tông lại cho lập miếu riêng để thờ Khổng Tử.

Điều đó thể hiện khuynh hướng muốn dựng Nho giáo thành một giáo lý độc tôn, đem Khổng Tử từ bậc tử (thầy) như các Chư Tử lên bậc Thánh Khổng vậy. Các kỳ thi tiếp theo được tổ chức vào năm 1165, 1185, 1193 và 1195. Cả triều Lý đã tổ chức được 6 khoa thi, lấy đỗ 27 người. Với việc tổ chức khoa cử, nhà Lý đã mở đầu cho lịch sử khoa cử của nước Việt ta kéo dài hơn 800 năm, qua đây tuyển chọn những người tài cho bộ máy nhà nước, nêu cao vị trí của Nho học, thúc đẩy việc truyền bá và phát triển Nho giáo. Tuy vậy, ở thời Lý, việc học tập và thi cử chưa được tổ chức thường xuyên, chưa có quy chế rõ ràng và do đó số nho sĩ được đào tạo ra hãy còn ít. Sang đời Trần, do yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, yêu cầu tuyển lựa nhân tài để bổ dụng cho bộ máy quan liêu, giáo dục Nho học được đẩy mạnh, số người tiến thân bằng con đường cử nghiệp ngày càng nhiều hơn, giới nho sĩ đông đảo hơn trước.

Chỉ một năm sau khi nắm chính quyền, tức năm 1227, nhà Trần mở khoa thi Tam giáo. Từ đó, các khoa thi được tổ chức đều đặn và thường xuyên hơn thời Lý. Năm 1232, nhà Trần mở khoa thi Thái học sinh, lần đầu tiên chia thành ba hạng (tam giáp). Đỗ đệ nhất giáp là Trương Hanh, Lưu Diễm, đệ nhị giáp là Đặng Diễn, Trịnh Phẫu, đệ tam giáp là Trần Chu Phổ. Khoa thi thái học sinh năm 1239 Lưu Miễn và Vương Giát đỗ đệ nhất giáp, đệ nhị giáp là Ngô Khắc, đệ tam giáp là Vương Thế Lộc. Đến năm 1246 định lệ thi tiến sĩ cứ 7 năm thi một khoá. Song trên thực tế, nhà Trần gần như không thực hiện được định kỳ 7 năm kể từ khi quy định đó được ban hành. Năm 1247, nhà Trần mở khoa thi tiến sĩ, lần đầu tiên chia thành tam khôi (người đỗ đầu là trạng nguyên, người đỗ thứ hai là bảng nhãn, người đỗ thứ ba là thám hoa lang, sau này có đặt thêm một học vị cấp cao nữa là hoàng giáp). Khoa ấy Nguyễn Hiền đỗ trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ bảng

nhãn (sau này là người soạn Đại Việt Sử Ký và là sử gia đầu tiên của Việt Nam), Đặng Ma La đỗ thám hoa lang; 48 người đỗ thái học sinh, xuất thân theo các thứ bậc khác nhau (Cùng năm ấy, triều đình lại mở khoa thi Tam giáo). Các khoa thi sau được tổ chức liên tục vào các năm 1256, 1266, 1275, 1304, 1314, 1345, 1374, 1381, 1384 và 1393. Đặc biệt phải kể đến khoa thi năm 1304, lần đầu tiên, triều đình phong kiến đã tôn vinh cả về mặt học vấn lẫn danh dự cho những thí sinh trúng tuyển bằng việc cho “dẫn ba người đỗ đầu ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố ba ngày”. Năm 1374, vua Trần Duệ Tông đổi khoa thi Thái học sinh thành Tiến sĩ. Đến cuối thời Trần, năm 1396, vua Thuận Tông thêm khoa thi Cử nhân theo lệ cứ năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội rồi vào thi Đình để chọn Tam khôi. Cả thời Trần có tất cả 14 khoa thi (10 khoa chính thức và 4 khoa phụ), số người đỗ đạt khá nhiều và đều được tặng học vị Thái học sinh. Khoa thi năm 1247 lấy đỗ 48 người; khoa thi năm 1256: 43 người; khoa thi năm 1266: 47 người; khoa thi năm 1275: 27 người; khoa thi năm 1304: 44 người…Nhiều danh nho nổi tiếng tài giỏi và được triều đình trọng dụng. Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn khoa thi năm 1247. Ông là người chấp bút viết bộ sử đầu tiên của nước ta là bộ Đại Việt sử ký. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa xuân, tháng giêng, Hàn Lâm viện học sĩ kiêm Quốc tử viện giám tu là

Một phần của tài liệu Những đặc điểm của Nho giáo Việt Nam thời Lý Trần (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)