2.1. Các quy định chung
Theo thông lệ quốc tế, trước khi giao dịch các sản phẩm phái sinh như hoán đổi, quyền chọn hay tương lai, các bên tham gia phải ký kết với nhau bản thoả thuận chung của Hiệp hội các nhà kinh doanh phái sinh và hoán đổi quốc tế ISDA. Thoả thuận này bao gồm các điều khoản và điều kiện nhằm quy định phạm vi giao dịch, loại công cụ giao dịch, nghĩa vụ của các bên tham gia; quy định các vấn đề về giải quyết tranh chấp, toà án hay các vấn đề xử lý khi có bên tham gia bị mất khả năng thanh toán...
Quy định về việc thực hiện giao dịch quyền chọn tiền tệ được quy định ở Quyết định số 1452/2004/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN ngày 10 tháng 11 năm 2004 về Giao dịch hối đoái của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối:
Đối tượng được tham gia giao dịch hối đoái bao gồm tổ chức tín dụng (TCTD) được phép, tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân và NHNN Việt Nam.
TCTD được phép được duy trì tổng giá trị hợp đồng quyền lựa chọn không có giao dịch đối ứng tối đa là 10% so với vốn tự có.
Các TCTD được phép không được mua quyền lựa chọn của tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân mà họ chỉ được phép bán quyền chọn cho các đối tượng này mà thôi.
Kỳ hạn của các giao dịch kỳ hạn, hoán đổi, quyền lựa chọn. Kỳ hạn của các giao dịch kỳ hạn, hoán đổi giữa Đồng Việt Nam với các ngoại tệ: từ 3 (ba) đến 365 (ba trăm sáu mươi lăm) ngày.Kỳ hạn của các giao dịch kỳ hạn, hoán đổi, quyền lựa chọn giữa các ngoại tệ với nhau: do TCTD được phép và khách hàng tự thoả thuận. Các bên xác định và ghi rõ ngày đến hạn thanh toán chuyển tiền trong hợp đồng giao dịch.
Về xuất trình chứng từ, Giao dịch quyền chọn mua ngoại tệ bằng VNĐ không cần xuất trình chứng từ chứng minh mục đích sử dụng. Ngược lại,
giao dịch giao ngay và kỳ hạn cần chứng từ thể hiện mục đích, số lượng và loại ngoại tệ, thời điểm cần ngoại tệ…
Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2010 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 về kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối, sản phẩm phái sinh của NHTM (Điều 105):
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, NHTM được kinh doanh, cung ứng dịch vụ cho khách hàng ở trong nước và nước ngoài các sản phẩm ngoại hối; phái sinh về tỷ giá, lãi suất, ngoại hối, tiền tệ và tài sản tài chính khác theo quy định của pháp luật về ngoại hối. NHNN quy định cụ thể về phạm vi kinh doanh, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận cho NHTM thực hiện cung ứng các dịch vụ này.
2.2. Sơ lược quyền chọn ngoại tệ với ngoại tệ
Các giao dịch quyền chọn được thực hiện đầu tiên ở Việt Nam là quyền chọn tiền tệ, bắt đầu từ năm 2004 theo quyết định số 1452/2004/QĐ-NHNN ngày 10/11/2004 của thống đốc NHNN Việt Nam. Tại Quyết định này, giao dịch quyền chọn tiền tệ chỉ bao gồm giao dịch giữa các ngoại tệ (không liên quan đến VND). Đối tượng được tham gia giao dịch quyền chọn tiền tệ bao gồm TCTD được phép giao dịch hối đoái, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, cá nhân, và NHNN Việt Nam. Tuy vậy, các TCTD không được mua quyền chọn của tổ chức kinh tế, tổ chức khác và cá nhân mà họ chỉ được bán quyền chọn cho các đối tượng này. Thời hạn của hợp đồng quyền chọn không bị hạn chế mà hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận giữa các bên tham gia. TCTD chỉ được phép duy trì tổng giá trị hợp đồng quyền chọn không có giao dịch đối ứng tối đa là 10% so với vốn tự có.
Ngay sau quyết định cho phép của NHNN, giao dịch quyền chọn tiền tệ đã được triển khai thí điểm từ tháng 10/2005 tại VCB, VIB, Eximbank, chi nhánh ngân hàng Citibank. Tiếp đó, từ tháng 12/2005, tại các ngân hàng BIDV, Techcombank, MB, ACB và Agribank cũng được triển khai nghiệp vụ này. Hiện nay các ngoại tệ được sử dụng nhiều trong giao dịch quyền chọn là USD, EUR, GBP, JPY, AUD, CHF...
Trong giai đoạn thí điểm, các ngân hàng thương mại (NHTM) muốn thực hiện giao dịch quyền chọn ngoại tệ phải là ngân hàng đã được phép kinh doanh ngoại hối, có vốn tự có tối thiểu là 200 tỷ VNĐ kinh doanh ngoại tệ có lãi trong ít nhất 5 năm gần nhất và doanh số mua bán ngoại tệ của năm trước tối thiểu là 1 tỷ USD. Ngoài ra, NHTM phải lập ra quy trình nghiệp vụ quyền chọn ngoại tệ và trình cho thống đốc ngân hàng nhà nước (NHNN) chấp thuận bằng văn bản cho thực hiện thí điểm.
Hiện nay quyền chọn ngoại tệ không phổ biến tại Việt Nam bằng các giao dịch phái sinh ngoại tệ khác. Các doanh nghiệp thường không lựa chọn phương thức này để phòng ngừa rủi ro. Hơn nữa, các TCTD chỉ được phép mua quyền chọn từ phía các doanh nghiệp trong nước rồi tìm đối tác nước ngoài để tái bảo hiểm. Trong quá trình đó, các TCTD sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng 10% trên khoản phí thu từ phía đối tác trong nước nhưng lại không được khấu trừ khoản thuế này khi trả phí cho đối tác nước ngoài. Điều
này khiến các TCTD chịu khoản lỗ 10% ngay từ ban đầu.
TRÍCH :
“CÔNG VĂN CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 14290TC/TCT NGÀY 06/12/2004 VỀ THUẾ ĐỐI VỚI GIAO DỊCH QUYỀN CHỌN MUA/BÁN NGOẠI TỆ
- Về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với giao dịch quyền chọn mua/bán ngoại tệ: giao dịch quyền chọn mua/bán ngoại tệ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
- Đối với các dòng ngoại tệ thanh toán giữa khách hàng Việt Nam, Ngân hàng Việt Nam với Ngân hàng nước ngoài (không kể phí quyền chọn và các khoản thanh toán do đánh giá lại):
Đây chỉ là dòng thanh toán trao đổi ngoại tệ, không phát sinh thu nhập hoặc giá trị tăng thêm nên không phát sinh nghĩa vụ nộp thuế.
- Về thuế thu nhập khấu trừ tại nguồn đối với khoản phí quyền chọn và thu nhập từ giao dịch quyền chọn mua/bán ngoại tệ : Hiện nay, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, xem xét việc áp dụng thuế thu nhập khấu trừ tại nguồn
trong trường hợp Ngân hàng hoặc tổ chức ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có phát sinh thu nhập từ thực hiện giao dịch quyền chọn mua/bán ngoại tệ tại Việt Nam.”
2.3. Sơ lược quyền chọn tiền Đồng Việt Nam
Quyền chọn tiền đồng đã được thực hiện vào năm 2005. Ban đầu có ba ngân hàng được phép thực hiện theo chương trình thí điểm của NHNN là BIDV, ACB và Techcombank. Đầu tháng 9/2005, NHNN cho phép thêm VCB và VIB. Nguyên tắc chính của loại option này là các doanh nghiệp và cá nhân được quyền đặt mua hay bán USD hoặc một ngoại tệ khác với VND thông qua một tỷ giá do khách hàng tự chọn, được gọi là tỷ giá thực hiện. (Tỷ giá thực hiện được quy định là tỷ giá không được vượt quá tỷ giá kỳ hạn USD/VND cùng thời hạn hoặc tỷ giá giữa ngoại tệ khác với VND do khách hàng và tổ chức tín dụng tự thoả thuận). Đồng tiền giao dịch là VND và USD hoặc các ngoại tệ tự do chuyển đổi khác (EUR, JPY, CHF, GBP, AUD, CAD…).
Dịch vụ opiton tiền đồng có đặc thù là không có vế đối ứng (TCTD không thể tái bảo hiểm sản phẩm của mình ở một đơn vị thứ ba, vì vậy rủi ro đối với bên bán là rất lớn). Điều này khiến các ngân hàng phải tự tính toán cân đối thu nhập, chi phí và tự bảo hiểm bằng đồng tiền nào cho phù hợp. Tại Việt Nam dịch vụ này chủ yếu là phục vụ các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và phần lớn là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thông thường, quy mô hợp đồng tối thiểu đối với ngoại tệ khác là 100.000 USD hoặc tương đương. Điều này khiến các cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu bảo hiểm tỷ giá cho một lượng ngoại tệ nhỏ hơn không thể tham gia nghiệp vụ này. Mức phí quyền chọn tiền đồng mà các TCTD đưa ra cho doanh nghiệp được nhận định còn cao, chưa hợp lý và không mang tính khuyến khích sử dụng.
Cùng với công văn 1820/NHNN – QLNH của NHNN ngày 18/3/2009 thì nghiệp vụ quyền chọn tiền đồng dừng thí điểm từ 23/3/2009.
2.4. Sơ lược quyền chọn vàng
Cùng với sản phẩm quyền chọn ngoại tệ và quyền chọn tiền đồng, quyền chọn vàng đã xuất hiện vào cuối năm 2004. Ngoài 3 ngân hàng lớn thực hiện
quyền bằng vàng là Vietcombank, Agribank và BIDV thì một số NHTM cổ phần đã triển khai mạnh dịch vụ quyền chọn, trong đó ACB là ngân hàng triển khai sớm nhất từ cuối năm 2004, tiếp đến là Techcombank, VIB Bank, Sacombank, Eximbank... Tuy nhiên đến nay, quyền chọn vàng vẫn còn khá mới mẻ đối với cả các ngân hàng cung cấp và các nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam.
Về đối tượng giao dịch, quyền chọn vàng được áp dụng đối với các cá nhân và tổchức có nhu cầu muốn bảo hiểm rủi ro sự biến động của vàng. Tuy nhiên, cũng như các loại quyền chọn khác, khách hàng chỉ là người mua quyền chọn chứ không phải là người bán. Thực tế cho thấy lượng khách hàng giao dịch quyền chọn vàng chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh vàng, sử dụng quyền chọn vàng để phòng ngừa rủi ro cho hoạt động nhập vàng hoặc mua bán vàng là chính. Mục đích đầu cơ không phổ biến ở Việt Nam khi các chủ thể chưa am hiểu về tình hình thị trường vàng thế giới và trong nước cũng như thiếu khả năng phân tích, dự đoán về biến động giá vàng tương lai.
Khách hàng muốn thực hiện quyền chọn vàng phải giao dịch vàng tối thiểu 50 lượng và mức trả phí khá cao. Vì vậy, trên thị trường vàng, hợp đồng quyền chọn vàng đang dần bị thay thế bởi các nghiệp vụ mua bán giao ngay hoặc kỳ hạn 3 đến 6 tháng do phí phải trả trong hợp đồng kỳ hạn thấp hơn nhiều so với dịch vụ quyền chọn vàng và phù hợp với khách hàng có thu nhập ổn định và nhu cầu thanh toán thực sự.
Tháng 11/2011, Tại công văn số 8492 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc siết chặt vấn đề huy động vốn và cung ứng dịch vụ ngân hàng liên quan đến vàng: NHNN cấm các ngân hàng thương mại không được kinh doanh, cung ứng cho khách hàng các sản phẩm phái sinh về vàng bao gồm hợp đồng kỳ hạn, tương lai, quyền chọn và hoán đổi.
2.5. Sơ lược quyền chọn lãi suất
Phần lớn nguồn vốn tài trợ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam là nguồn vay nợ từ bên ngoài, đặc biệt từ ngân hàng. Đối với các
doanh nghiệp có các hợp đồng tín dụng trung, dài hạn với giá trị lớn và lãi suất cố định luôn phải đối mặt với nguy cơ rủi ro lãi suất rất lớn. Từ nhu cầu phòng ngừa rủi ro như vậy quyền chọn lãi suất ra đời tại Việt Nam.
Bắt đầu từ ngày 07/09/2004, NHNN thực hiện chương trình thí điểm 1 năm cho phép NHTM thực hiện nghiệp vụ quyền chọn lãi suất. Các NHTM phải có quy trình nghiệp vụ quyền chọn lãi suất phù hợp với thông lệ quốc tế và không trái pháp luật Việt Nam, trong đó có các biện pháp phòng ngừa rủi ro. Số vốn gốc hợp đồng quyền chọn lãi suất tối đa bằng 15% vốn tự có của ngân hàng. Tổng số vốn gốc tối đa của tất cả các hợp đồng quyền chọn lãi suất trong thời gian thí điểm không quá 50% vốn tự có.
Theo quy định hiện nay, các giao dịch quyền chọn lãi suất được phép thực hiện tại Việt Nam đối với những khoản cho vay và đi vay trung hạn (dưới 5 năm) bằng USD hoặc bằng EUR. Đối tác thực hiện giao dịch quyền chọn lãi suất là các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, các NHTM hoạt động tại Việt Nam được NHNN cho phép và các ngân hàng nước ngoài.