giáo dục đạo đức, xây dựng nâng cao đạo đức cán bộ, đẩy mạnh đấu tranh và phòng chống tham nhũng
Những nội dung giáo dục đạo đức cho cán bộ đảng viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với Việt Nam hiện nay. Thực tiễn những năm qua đã cho ta nhiều bài học kinh nghiệm về quản lý, giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ đảng viên. Tình trạng tha hóa biến chất của một lực lượng cán bộ đảng viên trong các cơ quan nhà nước gây ra tình trạng tham ô, tham nhũng làm thất thoát ngân sách nhà nước như các vụ việc của tổng công ty Vinasin, Vinaline, các “quan tỉnh” đánh bài, sát phạt nhau mỗi ván bài tiền tỷ… Thực tế đó là tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta trong quá trình phát triển kinh tế, quản lý tổ chức xã hội và giáo dục tư tưởng đạo đức đối với cán bộ đảng viên trong giai đoạn hiện nay.
Yêu cầu tuân thủ pháp luật và phù hợp với đạo đức xã hội là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật. Hàng loạt các văn bản pháp luật từng bước cụ thể hóa nguyên tắc quản lý xã hội bằng pháp luật kết hợp với đạo đức. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp đã trở thành nghĩa vụ pháp lý và đạo đức của mỗi người.
Vận dụng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, vấn đề đặt ra là thường xuyên tiến hành xây dựng ý thức và lối sống tuân theo pháp luật kết hợp với giáo dục lối sống phù hợp với đạo đức xã hội. Cần đạt tới nhận thức cao trong nhận thức và hành động về những nguyên tắc pháp lý mà nhà nước ta đã xác định trong các văn bản pháp luật gần đây như xử sự của công dân phải phù hợp với pháp luật và không được trái với đạo đức xã hội.
Trong tình hình hiện nay, xây dựng và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là đạo đức tư pháp là vô cùng cấp bách. Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của cán bộ, Người coi họ là nhân tố quyết định cho sự thành bại của cách mạng, là cái gốc của mọi công việc, là tiền vốn của đoàn thể, là cái dây chuyền của bộ máy, là người đầy tớ trung thành của nhân dân, có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã có những đánh giá đúng và chính xác thực trạng đội ngũ cán bộ. Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ” và “Hoàn thiện chế độ công vụ, quy chế cán bộ công chức”.
Qua theo dõi dư luận của quần chúng nhân dân thì hiện nay có nhiều vấn đề đặt ra nhưng chưa được giải đáp thỏa đáng trong đó nổi lên là việc trọng dụng nhân tài. Có lẽ chúng ta chưa có một cơ chế đủ mạnh, một giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này. Hiện nay, nước ta vẫn còn khá phổ biến tình trạng như Hồ Chí Minh đã phê phán: “Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của người là đạo (trộm) vị.” [36, tr.641]
Tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho tập thể, không dám chịu trách nhiệm, thiếu tinh thần phụ trách trước nhân dân cũng chưa có cơ chế xử lý đúng mức. Chúng ta phải luôn ghi nhớ những chân lý mà Hồ Chủ tịch đã nêu ra: “Phải đào tạo một mớ cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc, có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bội nhát gan, dễ bảo “đập đi hò đứng” không giám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng” [36, tr.281].
Việc nhấn mạnh xây dựng đạo đức của người cán bộ trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền hiện nay không có nghĩa là xem nhẹ tài năng, nhưng do trong điều kiện đổi mới đất nước, mở cửa hội nhập và phát triển nền kinh tế thị trường, bên cạnh những thành tựu thì nhiều vaans đề về đạo đức được chú trọng. Nghị quyết của Đảng khóa VII đã thẳng thắn chỉ rõ: sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ,
trong đó có cả cán bộ có chức, có quyền, cán bộ trung, cao cấp. Nạn tham nhũng, dùng tiền của nhà nước, tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đọa chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ địa phương, bè phái, mất đoàn kết khá phổ biến. Riêng tham nhũng thì 'chứng minh bao nhiêu cũng chưa đủ, càng nói càng thấy đau xót". Phải khẳng định rằng, bệnh đã nặng, cho nên phải chữa tận gốc, chữa một cách cơ bản.
Từ thực trạng đó, vấn đề xây dựng phẩm chất đạo đức của người cán bộ trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt ra hết sức bức thiết. Những yêu cầu, đòi hỏi về phẩm chất đạo đức của người cán bộ trong điều kiện hiện nay đó là:
Một là, có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước.
Muốn đạt được điều đó, mỗi cán bộ, công chức phải thực sự tin tưởng vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của Bác Hồ là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tuyệt đối tin tưởng vào sự tất thắng của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, như Bác Hồ đã khẳng định: chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ, đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người và đem lại công bằng, bình đẳng, bác ái cho toàn xã hội.
Hai là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, có ý thức tổ chức kỷ luật, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.
Trong bất cứ việc gì, ở cương vị nào, chúng ta cũng phải có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, chống quan liêu, tham nhũng; không vụ lợi cá nhân, xây dựng một lối sống lành mạnh, lạc quan, yêu đời, có nếp sống giản dị, khiêm tốn, có tình cảm chan hòa, cởi mở, quan tâm đến mọi người, học tập
bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp. Về cần, kiệm, liêm chính, chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: cán bộ. công chức làm việc trong các công sở có ít nhiều quyền hành, nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.
Ba là, có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, khoa học công nghệ phát triển rất nhanh, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trình độ học vấn của nhân dân ngày càng được nâng cao, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức phải học tập vươn lên không ngừng. Thực hiện phương châm "Học, học nữa, học mãi". Vừa say mê học tập, vừa đổi mới phương pháp và phong cách làm việc gắn liền với thực tiễn, học phải đi đôi với hành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước.
Các tiêu chuẩn đó quan hệ mật thiết với nhau. Coi trọng cả đức và tài, đức là gốc.
Để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức "vừa hồng vừa chuyên", phải tăng cường pháp luật đi đôi với giáo dục đạo đức cách mạng, phát huy tinh thần phục vụ nhân dân, phụng sự tổ quốc; Đảng và Nhà nước phải thường xuyên chăm lo xây dựng, giáo dục và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ về mọi mặt; làm tốt công tác cán bộ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong nhà nước cũng như ngoài xã hội, xử lý nghiêm minh, công bằng những cán bộ thoái hóa biến chất, vi phạm pháp luật, mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực, tự giác trong học tập và rèn luyện về đạo đức cũng như về tri thức, coi trong việc tự học, tự rèn luyện; thực hiện thường xuyên và nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình; phát huy dân chủ và dựa vào nhân dân để xây dựng, giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức...
Bên cạnh đó cần chú ý tới các giải pháp thực tế:
- Hoàn thiện chế độ công vụ, quy chế cán bộ công chức, coi trọng cả năng lực và đạo đức. Cán bộ công chức chỉ được làm những việc nhà nước cho phép và luôn nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, làm tròn bổn phận “công bộc của nhân dân”.
- Tổ chức thi tuyển công chức, cán bộ nghiêm túc, trung thực theo đúng quy định của nhà nước.
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý về đường lối chính sách, về kiến thức và kỹ năng quản lý hành chính nhà nước. Khắc phục tình trạng đào tạo, bồi dưỡng thiên về chuyên môn, coi nhẹ phẩm chất chính trị, đạo đức; thiên về lý thuyết, coi nhẹ rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ.
- Phát huy manh mẽ vai trò và trách nhiệm của Đảng viên và chi bộ Đảng, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng trong việc giám sát kiểm tra cán bộ, công chức, phát hiện tố cáo, lên án các phần tử tham nhũng. Thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức về chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho mục đích lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Thực hiện nghiêm những điều cấm đối với cán bộ, đảng viên, công chức trước hết là cán bộ chủ chốt và cán bộ quản lý theo quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm và pháp lệnh cán bộ công chức.
- Cán bộ các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện kê khai tài sản cá nhân và gia đình tự giác, theo pháp luật. Kịp thời kiểm tra, xử lý những cán bộ công chức có tài sản bất minh.
- Cải cách chế độ tiền lương, nâng cao đời sống của những cán bộ công chức, chống đặc quyền, đặc lợi. Có biện pháp cụ thể bảo vệ và khen thưởng những người kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng.
- Xử lý nghiêm theo pháp luật và Điều lệ Đảng những đảng viên, cán bộ, công chức ở bất cứ cấp nào, lĩnh vực nào lợi dụng chức quyền để tham nhũng, kể cả bao che cho tham nhũng. Xem xét trách nhiệm hình sự, có hình thức kỷ luật thích đáng những người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra những vụ tham nhũng lớn gây hậu quả nghiêm trọng.
Để những biện pháp chống tham nhũng thực sự phát huy được tác dụng thì điều quan trọng là phải hành động, nói đi đôi với làm, không một ai đứng ngoài cuộc. Chống tham nhũng là một cuộc đấu tranh cách mạng, phải biết chống và dám chống thì mới ngăn chặn và đẩy lùi được. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải luôn đi đầu trong cuộc đấu tranh, nêu gương liêm khiết, nghiêm minh, công tâm, kiên quyết. Đồng thời trong giới hạn cho phép phải thực hiện công khai ở mức nhiều nhất, rộng rãi nhất những vấn đề về công việc, về thủ tục hành chính, phí và lệ phí, về thu chi các nguồn tài chính, các loại quỹ, các khoản nhân dân đóng góp; về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức; tuyển dụng lao động… Thực hiện công khai đúng đắn các vấn đề trên là biện pháp hết sức quan trọng để đấu tranh bài trừ tham nhũng có hiệu quả. Đấu tranh chống tham nhũng không thể chủ quan, nôn nóng. Vì chống giặc “nội xâm” vô cùng khó khăn gian khổ.
Hệ quả của một nền hành chính với nhiều thủ tục rườm rà là một trong những nguyên nhân gây ra tệ nạn tham nhũng, quan liêu, tham ô, cửa quyền, lãng phí. Tất cả những điều đó có liên quan với nhau và gây ra sự bất bình lớn trong nhân dân.
Tham nhũng là một tệ nạn có ảnh hưởng xấu tới lợi ích của Nhà nước và của nhân dân. Tệ tham nhũng thường xảy ra ở những cán bộ có chức, có quyền nhưng thoái hóa về đạo đức và lối sống. Những tội phạm này nhiều khi còn được bao che, bưng bít vì một số người quan niệm rằng nếu công khai đưa ra xét xử sẽ ảnh hưởng tới uy tín của Đảng và Nhà nước ta.
Hồ Chí Minh đã thấy trước nguy cơ của nạn tham nhũng nên ngay khi cách mạng tháng Tám vừa thành công Người đã nhắc nhở: Tham ô, lãng phí, quan liêu là kẻ thù của nhân dân ta, của bộ đội, của chính phủ, nó là kẻ thù khá nguy hiểm vì nó là kẻ thù không mang súng gươm, nó nằm trong tổ chức của ta. Tham nhũng nguy hại ở chỗ nó là nguy cơ trực tiếp quan hệ đến sự tồn vong của hệ thống chính trị. Đảng ta đã xác định đây là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt, phức tạp và là một thách thức lớn đối với Đảng và Nhà nước ta. Trên cơ sở đó đã quyết định những biện pháp tích cực để tiến hành một cách liên tiếp, thường xuyên để chống lại nạn tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Kết hợp với các ngành, các cấp, phối hợp với những biện pháp có tính chiến lược lâu dài nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, chấn chỉnh công tác quản lý, kiện toàn tổ chức, kịp thời xử lý nghiêm mọi vi phạm và tội phạm đấu tranh ngăn chặn tiến tới đẩy lùi tệ nạn tham nhũng.