2.3.1. Quan niệm về tình yêu thương
Tình yêu là một tình cảm đặc biệt của mỗi người. Đó là thứ tình cảm vô vị lợi, được hình thành một cách tự nhiên và gắn liền với bản chất người. Trong quan niệm đạo đức Công giáo, tình yêu thương không chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ, mà rộng hơn, đó là tình yêu thương đồng loại.
Theo Kinh Thánh, Thiên Chúa là tình yêu và “ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong người ấy” (1Ga. 4, 16). Mọi hành vi thiện của con người đều xuất phát từ tình yêu ấy. Thế nên con người phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và mọi loài thụ tạo. Một tình yêu luôn luôn
67
phải được đáp lại bằng một tình yêu. Do đó, tình yêu được coi là ơn gọi đầu tiên của một con người có hơi của sự sống. Hơi của sự sống đây chính là thần khí của Thiên Chúa, là linh hồn nơi con người. Thiên Chúa yêu thương con người và Người muốn con người đáp trả lại tình yêu này.
Sau khi đã nhắc lại lời sách Đệ Nhị Luật: “Người phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”, Chúa Giêsu kết luận: Đó là giới răn lớn nhất và là giới răn hàng đầu (Xin xem Mt. 22, 34 – 38). Chúa đã đặt giới răn yêu mến Thiên Chúa lên trên hết. Đối với các giới răn khác, giới răn yêu mến Thiên Chúa vượt trên tất cả vì nó là nền tảng mọi giới răn khác: tất cả Lề Luật và các Tiên tri đều tuỳ thuộc vào giới răn đó (Xin xem Mt. 22, 40). Với Chúa Giêsu, chính tình yêu là nguyên tắc hướng dẫn tất cả luật luân lý. Mọi luật lệ đều phụ thuộc vào luật bác ái. Vì thế có thể lỗi luật nghỉ ngày Sabát để chữa người bại tay (Xin xem Mc. 3, 4). Và Chúa không nhận lễ vật của người có điều bất bình với anh em trước khi giao hoà với nhau (Xin xem Mt. 5, 23 – 24).
Chúa đã nhắc lại luật đã ghi trong sách Lêvi: “Hãy yêu mến đồng loại như chính mình” (Lv. 19, 18), nhưng đã nâng tinh thần luật đó lên cao và mở rộng ngoại diên mới cho khái niệm yêu thương.
Đồng loại mà luật trong sách Lêvi dạy phải yêu mến theo quan niệm thông thường của người Do Thái thời bấy giờ, được hiểu là người Do Thái hay người Do Thái ngoại đạo mà thôi. Trái lại, đối với Chúa Giêsu, mọi người đều là đồng loại, là người thân cận của chúng ta, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo. Nhiều học giả công nhận rằng: Chúa Giêsu là Đấng đầu tiên đã dạy cho nhân loại biết coi mọi người là thân nhân của mình và yêu thương hết mọi người.
Yêu tha nhân cũng chính là yêu Chúa. Yêu mến tha nhân là sự cụ thể hoá tình yêu đối với Thiên Chúa. Không yêu thương mọi người thì không phải
68
yêu mến Thiên Chúa, bởi “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy nói dối, vì ai không yêu thương anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga. 5, 20). Nhưng thực tế, yêu mến tha nhân mà Chúa truyền dạy là gì? Chắc chắn không phải là một tình cảm suông, cũng như yêu mến Chúa không phải chỉ là tình cảm suông. Lòng yêu mến tha nhân như Chúa dạy có tính cách tích cực. “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt. 7, 12) – đó là khuôn vàng thước ngọc mà Chúa đã dạy: phải quảng đại, có khi phải hy sinh chính bản thân mình nữa.
Người yêu mến tha nhân là người không những chỉ chào hỏi người thân thuộc như người ngoại vẫn làm (Xin xem Mt. 5, 47), mà còn là người mời những người nghèo khó, bần cùng đến dự tiệc (Xin xem Lc. 14, 12 – 4); là người làm phúc bố thí một cách kín đáo, không cho tay trái biết được tay phải làm (Xin xem Mt. 6, 3 – 4); không giận anh em, không coi họ là người ngu ngốc dại khờ (Xin xem Mt. 5, 22); không chống lại người khác, sẵn sàng giơ má trái khi bị người ta vả má phải, và vui lòng cho cả áo choàng khi người ta muốn lấy áo trong (Xin xem Mt. 5, 39 – 40); không xét đoán ai (Xin xem Lc. 6, 37). Người thật sự yêu mến tha nhân là người biết sửa lỗi người khác một cách kín đáo (Xin xem Mt. 18, 15); luôn sẵn sàng tha thứ cho người khác vì biết rằng Chúa chỉ tha tội cho ta nếu ta biết tha nợ cho kẻ khác (Xin xem Mt. 6, 12); là người yêu mến sự bình an và cố gắng làm cho người khác hòa thuận với nhau (Xin xem Mt. 5, 9); giúp đỡ người lâm nạn như người Samari nhân hậu (Xin xem Lc. 10, 30); cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho người rách rưới ăn mặc, cho khách trú nhờ, viếng thăm tù nhân và những người đau yếu (Xin xem Mt. 25, 35 – 46).
Chính những việc thương xót kể trên, theo lời Chúa Giêsu sẽ là đối tượng của cuộc phán xét chung. Ai thực thi những điều đó vì lý do bác ái như
69
Chúa dạy: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt. 25, 40) – sẽ được vào Nước Chúa, ai không làm sẽ bị loại ra. Trên đây chỉ nhắc đến một số việc bác ái (điều đó không có nghĩa là loại bỏ những việc khác phải làm đối với Chúa, với tha nhân và với chính mình).
Theo Luca, Chúa luôn yêu thương những người nghèo khó. Hạnh phúc thật là của người nghèo, người đói, người đau khổ (Xin xem Lc. 6, 20). Sau khi chết, kẻ khó Lazarô được ở với Abraham, còn người giàu hoang phí phải xuống hoả ngục (Xin xem Lc. 16, 19). Nếu người giàu có muốn đãi tiệc, nên mời những người nghèo khó què quặt, mù loà, người đó sẽ được phần thưởng đời sau (Xin xem Lc. 14, 13). Người ta phải biết dùng của cải vật chất để sắm lấy kho tàng trên trời (Xin xem Lc. 16, 1; 18, 18), phải từ bỏ của cải và phân phát cho những người nghèo (Xin xem Lc. 12, 33). Thậm chí, Thiên Chúa khuyên con người yêu cả kẻ thù của mình. Con người phải biết yêu thương lẫn nhau, đó lòng bác ái cao cả mà Thiên Chúa dạy cho con người. “Hãy cầu nguyện cho những kẻ bách hại anh em” (Mt. 5, 44). Chúa Giêsu còn dạy phải cầu nguyện cho địch thù, hơn nữa phải yêu thương họ trong tư tưởng, lời nói và việc làm: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc. 6, 27 – 28). Tại sao? Vì Chúa dạy phải yêu thương mọi người, không loại trừ bất kỳ ai. Đó là nghĩa vụ, đồng thời cũng là trách nhiệm của mỗi người.
Có thể thấy, trong đạo đức Công giáo, tình yêu là phẩm chất được đặt lên hàng đầu, là chuẩn mực cho mọi hành động của con người. Tình yêu không phải là một khái niệm chung chung, trừu tượng, chỉ được nhắc đến như một lề luật mà phải được hiện thực hoá thành những hành động cụ thể, phải đem ra thực hành trong cuộc sống thường ngày. Chúa Giêsu kết nối con người bằng tình yêu thương và Người muốn mọi người đối xử với nhau bằng tình
70
yêu thương đó. Giới răn yêu thương có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi Kitô hữu, vì đó là Lời của Thiên Chúa, là yêu cầu của Thiên Chúa. Vì vậy, người Công giáo dễ dàng đón nhận và thực hành điều răn đó trong cuộc sống. Và khi thực hành giới răn yêu thương, người ta sẽ không vi phạm các điều răn khác. Điều đó, tạo nên một lối sống lành mạnh trong cộng đồng tín hữu Kitô. Tuy nhiên, hạn chế trong quan niệm về tình yêu Công giáo là ở chỗ, nó làm giảm ý chí đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu, khuyên con người cam chịu, nhẫn nhục để được trọn vẹn tình yêu với Thiên Chúa.
3.3.2. Quan niệm về trách nhiệm
Trách nhiệm là hệ luận tất yếu của nghĩa vụ. Trách nhiệm là việc buộc phải trả lời về các hành vi đã thực hiện và sẵn sàng chịu mọi hậu quả của hành vi đó.
Theo quan điểm của Công giáo, Chúa tạo ra con người là những người tự do về mặt đạo đức, bản thân họ quyết định họ có suy đồi đạo đức hay không: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Nhưng nếu anh em cắn xé nhau, anh em hãy coi chừng, anh em tiêu diệt lẫn nhau đấy! Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy, anh em sẽ không còn thoả mãn đam mê của tính xác thịt nữa. Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn. Nếu anh em để cho Thần Khí hướng dẫn, thì anh em không còn lệ thuộc Lề Luật nữa.” (Gl. 5, 13 – 18)
Vì là một chủ thể tự do nên con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình. Tự do chọn lựa được thể hiện ở chỗ: muốn hay không muốn,
71
chọn lựa cái này thay vì cái khác, ngay cả trường hợp chọn cái tốt hoặc cái xấu. Do đó, con người phải chịu trách nhiệm về những hành vi mình đã thực hiện với ý thức, tự do và ý chí. Ý thức trách nhiệm khiến con người cảm thấy mất tự do vì không thể làm mọi sự như ý mình muốn. Cuộc đời mỗi người bị gò bó bởi những trách nhiệm đối với chính mình, với tha nhân và xã hội, khiến con người lo âu. Nhiệm vụ càng cao, càng lớn thì con người càng lo lắng. Tuy nhiên đó cũng chính là lúc con người nhận ra được sự cao cả của mình. Ý thức trách nhiệm giúp con người vượt thắng chính mình để mỗi ngày được trở nên hoàn thiện hơn trong nhân cách và góp phần tích cực hơn trong việc xây dựng và phục vụ xã hội. Con người cần phải có một lối sống “Người” chứ không phải lối sống thú vật, tức là con người là một thực thể có trách nhiệm, có lương tâm, vì họ là thực thể duy nhất có tự do và năng lực chịu trách nhiệm về tự do (suy nghĩ, hành động, cũng như hệ quả của chúng) của mình. [31, tr. 21].
Cũng giống như các tôn giáo khác, vấn đề trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng, dân tộc, quốc gia, quốc tế ít được Công giáo trực tiếp đề cập đến. Tôn giáo này đặt trọng tâm vào vấn đề cuộc sống sau khi chết, vào vấn đề Thiên Đường – nước Chúa. Tuy nhiên, đọc Phúc Âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu có đề cập đến nước trần thế và trách nhiệm của người lãnh đạo chính quyền. Người không đồng tình với sự cầm quyền chuyên chế, đàn áp nhân dân của giới cầm quyền thời bấy giờ. Chúa Giêsu khuyên các môn đồ không được bắt chước những người được coi là thủ lĩnh các dân “dùng uy mà thống trị dân”, “lấy quyền mà cai quản dân”. Nhân dân có nghĩa vụ phục tùng, đóng thuế cho nhà nước, vậy nên chính quyền phải có trách nhiệm với dân. Trách nhiệm của nhà cầm quyền phải là đầy tớ của nhân dân: “ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em, ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ phục vụ mọi người”. Bản thân Chúa Giêsu là gương sáng cho
72
tinh thần, trách nhiệm phục vụ, hy sinh vì người khác: “Con Người đến không phải là để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc. 10, 42 – 45). Có thể thấy, quan niệm về trách nhiệm của giới cầm quyền đối với nhân dân của Chúa Giêsu là một quan niệm tiến bộ.
Như trên đã trình bày, con người phải có nghĩa vụ tin, cậy, mến Thiên Chúa. Song để thực hiện nghĩa vụ đó, mỗi người Công giáo có trách nhiệm cầu nguyện hàng ngày. Chúa Giêsu đã nhấn mạnh đến sự cần thiết “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc. 18, 1). Người Công giáo tin rằng, nhờ lời cầu nguyện, họ có thể có được tất cả những điều họ xin. Với lời cầu nguyện, họ xin Chúa ban cho họ biết điều Chúa muốn và xin Chúa ban cho họ điều họ ước ao.
Các tác giả Phúc Âm, nhất là Thánh Luca đã cho ta thấy từ khi chịu phép rửa ở sông Gioócđan đến khi chịu chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã sống đời cầu nguyện. Hơn nữa, có thể khẳng định rằng, cuộc đời công khai của Chúa chỉ gồm có hai việc: giảng dạy dân chúng và cầu nguyện trong vắng lặng.
Sự vâng phục thánh ý Chúa Cha là một trong những yếu tố căn bản của lời cầu nguyện của Người, cả khi Người cầu nguyện trong cơn hấp hối tại vườn Ghếtsêmani: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha... Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha.” (Mt. 26, 39 – 42). Một yếu tố khác nữa là lòng tin tưởng vô biên nơi Chúa Cha, lòng tin tưởng đã làm cho Người phải kêu lên, trước khi cho Lazarô sống lại: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhận lời con” (Ga. 11, 41).
Sự vâng phục và lòng tin tưởng đó, Chúa Giêsu cũng truyền dạy các môn đệ của Người. Tất cả phần thứ nhất kinh Lạy Cha, kinh mà Chúa đã dạy các môn đệ như là mẫu của mọi lời nguyện: xin cho ý Chúa không gặp chống đối
73
nơi người ta nhưng được thể hiện trung thành ở dưới đất cũng như trên trời cùng với lời xin cho danh Chúa được vinh hiển và Nước Chúa mau đến.
Phần thứ hai của kinh Lạy Cha nói lên lòng tin tưởng chắc chắn rằng Thiên Chúa không bao giờ từ chối ban cho con người lương thực hằng ngày, tha thứ những lỗi lầm và cứu con người thoát khỏi mọi sự dữ trong hiện tại và tương lai. (Xin xem Mt. 6, 9 – 13).
Với dụ ngôn người bạn quấy rầy, cuối cùng xin được ba chiếc bánh (Xin xem Lc. 11, 5 – 8) và dụ ngôn người đàn bà goá xin được vị quan toà bất chính xử kiện cho (Xin xem Lc. 18, 1 – 8), Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ của Ngài lòng tin tưởng chắc chắn Chúa Cha sẽ nhận lời họ xin. Nếu trong dụ ngôn người bạn đã cho bạn mình bánh không phải vì cảm tình mà để khỏi bị quấy rầy, và nếu người thẩm phán không kính sợ Chúa, cũng chẳng kiêng nể ai, đã xử kiện cho bà góa để khỏi bị phiền hà, thì Thiên Chúa rất mực yêu thương và công bình, chắc chắn sẽ nhận lời các con cái xin. “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cho” (Mt. 7, 7). Lời này nói lên lòng quảng đại vô biên của Cha trên trời. Do đó hãy kiên tâm và tin tưởng trong lời cầu nguyện, vì “tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý.” (Mc. 11, 24).
Như vậy, cầu nguyện không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm hàng ngày của mỗi người, mà nó còn là một cách thức giúp con người giao tiếp với Thiên Chúa. Cùng với hành vi cầu nguyện hàng ngày thì tín đồ Công giáo cũng có trách nhiệm xưng tội hàng năm. Sự xưng tội là hành vi thú nhận tội lỗi của mỗi người trước Chúa. Thú nhận tội lỗi là việc con người nhìn thẳng vào các tội lỗi mà mình đã phạm chiếu theo lề luật và các điều răn của Chúa để nhận trách nhiệm về các tội lỗi đó; qua đó, họ mở tâm hồn đón nhận Thiên Chúa. Người Công giáo tin rằng, qua xưng tội trước Chúa, những tội lỗi của họ sẽ được Chúa tha thứ, từ đó họ được thanh thản lương tâm: “Lời cầu nguyện do
74
đức tin sẽ cứu người bệnh; và Chúa sẽ nâng người ấy dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy xưng tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được chữa lành. Vì lời cầu xin tha thiết của người công