BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ
I. Kiến nghị
1. Kiến nghị đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
* Tiếp tục quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường không khí.
Để hoàn thành tốt được công việc này, Đảng và Nhà nước ta cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường pháp chế về vấn đề bảo vệ môi trường nói chung, môi trường không khí nói riêng. Đó chính là việc hoàn thiện hệ thống các văn bản QPPL về bảo vệ môi trường không khí theo hướng quy định rõ hơn về những quyền lợi, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.Và cần phải ban hành các chế tài pháp luật cụ thể để xử lí những trường hợp vi phạm, từ đó nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.
• Ở Việt Nam, hầu như chỉ có các văn bản dưới luật về bảo vệ môi trường không khí, mà giá trị của các văn bản này không cao. Vì vậy, cần xây dựng các văn bản có giá trị cao hơn về bảo vệ môi trường không khí.
• Ở nước ta, các vi phạm về gây ô nhiễm không khí chưa vụ nào bị khởi tố. Việc chưa có vụ vi phạm nào bị xử lý hình sự khiến nhiều doanh nghiệp coi thường pháp luật. Tình trạng này là do chưa có những hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý vi phạm. Mặc dù chương XVII Bộ luật Hình sự năm 1999, các tội phạm về môi trường đã được sửa đổi nhưng mới chỉ có tội hủy hoại rừng và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm là có hướng dẫn. Các tội còn lại, khái niệm “ô nhiễm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”… chưa được giải thích cụ thể. Vì vậy, rất khó cho việc định tội danh và xét xử.
• Muốn khởi tố người gây ô nhiễm môi trường cũng không dễ, vì người vi phạm thường là doanh nghiệp. Ở nước ta và nhiều nước trên thế giới,
hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm môi trường không chỉ do các cá nhân mà còn do tổ chức thực hiện. Điều này đối với tội phạm môi trường mang tính phổ biến. Các hành vi xâm hại môi trường của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam chỉ bị xử lý bằng các biện pháp khác ( phạt tiền, di dời cơ sở sản xuất, khắc phục hậu quả) mà không thể xử lý bằng các biện pháp hình sự. Do đó, tính cưõng chế không cao, việc giải quyết các vi phạm không triệt để.
Trở lại vụ việc của Công ty Tung Kuang, mỗi lần xả thải, doanh nghiệp này “tiết kiệm” được 100 triệu đồng. Tính từ thời điểm xả thải ra môi trường (năm 2008), DN này đã “tiết kiệm” được một số tiền không hề nhỏ.
Trong khi đó, chiểu theo Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, thì mức xử phạt “kịch trần” chỉ là 500 triệu đồng. Trước đó, mức xử phạt cao nhất được quy định tại Nghị định 81/2006/NĐ-CP chỉ có 70 triệu đồng.
Hiện tại, Bộ luật Hình sự Việt Nam chưa thiết lập chế định xử lý hình sự đối với pháp nhân, nên các cơ quan chức năng không thể xử lý về mặt hình sự được. Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, ở nhiều nước, khi phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với lãnh đạo doanh nghiệp mà chưa cần đề cập đến hậu quả, trong khi ở Việt Nam phải xem xét đến hậu quả của hành vi vi phạm mới có căn cứ đưa ra mức xử lý. Vì vậy, cần hình sự hóa hành vi vi phạm của chủ doang nghiệp để đảm bảo tính răn đe.
* Bổ sung luật mới
Hiện Việt Nam đã có Luật Bảo vệ Môi trường (năm 1994), Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân (năm 1989), Bộ luật Hình sự (năm 1999) (điều 182 về các tội phạm gây ô nhiễm không khí). Đồng thời, Việt Nam đã tham gia, ký kết các điều ước quốc tế (Công ước Vienna năm 1994 về bảo vệ tầng ozone, Công ước về Biến đổi khí hậu năm 1994 của Liên Hợp Quốc, và Nghị định
thư Kyoto năm 1998 về giảm phát thải khí nhà kính). Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết quốc tế và đưa pháp luật vào cuộc sống lại chưa được tích cực. Quốc hội cần sớm cho ra đời một loạt văn bản mới như hệ thống quản lý chất lượng không khí, chính sách về thuế phát thải, về buôn bán quyền phát thải, cung cấp thông tin thực tế cho công chúng về tình hình phát thải và ô nhiễm không khí và nhất là luật về không khí sạch.
* Đẩy mạnh quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế về hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường không khí.
Môi trường không khí là một môi trường bao phủ toàn bộ mặt trái đất, không có sự phân tách ranh giới giữa các quốc gia. Vì thế, vấn đề bảo vệ môi trường không khí của Việt Nam cũng sẽ gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường không khí trong khu vực và trên toàn thế giới thông qua quá trình xây dựng hệ thống pháp luật môi trường đồng bộ và phù hợp với các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam kí kết hoặc tham gia.
2. Kiến nghị về việc xây dựng tiêu chuẩn môi trường không khí
* Đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về kiểm soát ô nhiễm không khí:
Các cơ quan này được quy định khá đầy đủ và hệ thống. Qui định về thẩm quyền khá rõ ràng trong luật môi trường cũng như các văn bản khác. Về mặt thẩm quyền : Các cơ quan có những thẩm quyền khá rõ ràng trong các hoạt động cụ thế, ví dụ như trong hoạt động đánh giá tác động môi trường được qui định tại điểu 21 LBVMT và cụ thể tại khoản 5 điều 1 NĐ 21/2008/NĐ-CP qui định về chức năng, nhiệm vụ thẩm định báo cáo ĐTM của các cơ quan quản lí môi trường.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyền hạn và trách nhiệm của mình, bản thân các cơ quan này đôi khi còn buông lỏng quản lí, tạo cơ hội cho việc vi phạm được thực hiện.
- Ví dụ : Buông lỏng công tác thẩm định ĐTM tạo điều kiện để các dự án không thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong báo cáo ĐTM đã phê duyệt.
Các cán bộ của cơ quan này còn thiếu kinh nghiệm chuyên môn và cơ sở vật chất. Không chỉ yếu về chất mà còn hạn chế về lượng với số lượng cán bộ khiêm tốn so với các nước trên thế giới: Việt Nam là : 4 cán bộ /1 triệu dân, Campuchia là 55 người/ 1 triệu dân, Trung Quốc là 20người/1triệu dân.
Hoạt động của các cơ quan còn thiếu chính xác do cơ chế và chính sách chưa đầy đủ và thích hợp, đa phần các bộ ngành có liên quan như Bộ Giao Thông Vận tải, bộ Y tế, Bộ xây dựng đều có cơ quan theo dõi tình hình môi trường thuộc lĩnh vực của mình nhưng riêng trách nhiệm quản lí về không khí thì ít được ưu tiên và phần nhiều không rõ ràng.
=> Muốn thực hiện tốt chức năng của mình, bản thân hệ thống các cơ quan này cần kiện toàn hơn nữa hệ thống của mình từ trung ương đến địa phương, xây dựng cơ chế giữa các ban ngành có liên quan, tăng cường số lượng cũng như chất lượng đối với các cán bộ của cơ quan nhà nước trong hoạt động này.
* Phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm và mức xử phạt các hành vi vi phạm về kiểm soát ô nhiễm không khí:
Một đặc điểm của lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí là nguồn gây ô nhiễm không khí rất đa dạng và môi trường không khí lại có đặc tính khuyếch tán rất rộng nên việc xác định chủ thể và mức độ nguy hiểm của hành vi rất khó khăn. Tuy Bộ Luật Hình sự 1999 cũng đã có quy định về tội gây ô nhiễm không khí tại điều 182 nhưng có nhiều trường hợp hậu quả của hành vi phạm tội này lại không xảy ra ngay, những khí thải độc hại lại có thể phát tác sau
nhiều năm, vì thế rất nhiều trường hợp trong thực tế không thể áp dụng được loại trách nhiệm pháp lý này.
Hơn nữa mức xử phạt hành chính cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân gây ô nhiễm môi trường còn nhẹ. Có thể đưa ra một ví dụ là việc đầu tư hệ thống xử lý khói bụi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp sản xuất xi măng, thép... cũng không được chú trọng nhiều. Số lượng nhà máy có hệ thống xử lý khói bụi mới “đếm trên đầu ngón tay”, bởi để đầu tư một hệ thống này, doanh nghiệp phải chi 7 - 10 tỷ đồng. Rõ ràng, so với việc đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng hệ thống xử lý môi trường, thì việc xả thải và chấp nhận nộp vài chục triệu đồng tiền phạt được không ít DN lựa chọn. Thế nên mới có chuyện, có những DN sản xuất hầu như năm nào cũng “vui vẻ” chịu phạt vi phạm môi trường.
=> Việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí còn mang tính hình thức, các biện pháp chế tài chưa đủ răn đe để ngăn chặn có hiệu quả. Vì vậy, để ngăn chặn có hiệu quả hành vi vi phạm pháp luật môi trường, chúng ta cần đưa ra và áp dụng các mức phạt nghiêm khắc để các chủ thể không dám vi phạm chứ không phải là tăng cường kiểm tra phát hiện hành vi vi phạm để rồi xử lý một cách nhẹ nhàng, linh động.
3. Các kiến nghị khác