2.3.1. Những kết quả đạt được
- Hoạt động tín dụng đóng vai trò nòng cốt thành công trong hoạt động kinh doanh của chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quận Hải An. Quy mô tín dụng tăng trưởng đều qua các năm kèm theo chất lượng tín dụng luôn được kiểm soát ổn định và nâng cao. Khối lượng tín dụng mở rộng đã đáp ứng được nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ gia đình góp phần vào tăng trưởng kinh tế của địa phương từng bước xây dựng phát triển hiện đại hoá nông thôn theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Ngoài đối tượng khách hàng phục vụ chính là hộ nông dân thì chi nhánh cũng đang quan tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là đối tượng khách hàng rất cần được sự hỗ trợ về vốn từ phía ngân hàng. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã thực sự phát huy hiệu quả giúp các doanh nghiệp có thể đổi mới công nghệ hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất. Các chỉ tiêu đánh giá chất lượng tín dụng như tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, tỷ lệ tổng dư nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 trên tổng dư nợ đều có xu hướng giảm dần qua các năm phản ánh chất lượng tín dụng tại ngân hàng có chuyển biến tích cực, từng bước được nâng cao.
- Ngân hàng xây dựng được chiến lược khách hàng tốt: ngân hàng có những chính sách, chiến lược thu hút khách hàng như phân loại khách hàng, chính sách ưu đãi áp dụng đối với những khách hàng có quan hệ kinh doanh lâu năm, uy tín đối với ngân hàng. Ngân hàng thường xuyên chỉ đạo bám sát khách hàng, chủ động phân tích tài chính nhằm sớm phát hiện những khoản nợ có vấn đề từ đó có kế hoạch biện pháp xử lý kịp thời hạn chế nợ quá hạn.
- Chi nhánh ngân hàng luôn coi trọng công tác thẩm định tín dụng và phân loại khách hàng. Thường xuyên tiếp cận với các hộ nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao dần khối lượng tín dụng trên cơ sở đảm bảo an toàn vốn của ngân hàng. Hiện nay chi nhánh ngân hàng đang cố gắng rút ngắn thời gian trong quá trình xử lý nghiệp vụ khi giao dịch với khách hàng, đặc biệt trong nghiệp vụ cấp tín dụng tạo điều kiện cho việc giải ngân nhanh nhậy, đáp ứng kịp thời vốn cho khách hàng. Từ đó giúp nâng cao uy tín vị thế của ngân hàng trên thị trường, giúp chi nhánh cạnh tranh được với các ngân hàng khác trên địa bàn.
- Chi nhánh đang xây dựng đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, ham học hỏi sáng tạo trong công việc.
- Chi nhánh luôn thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, chính sách của Chính phủ, Ngân Hàng Nhà nước, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
- Chi nhánh triển khai công tác tiếp cận, có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ vay vốn hợp lý, đúng quy định, nhằm tạo điều kiện hoàn thành sớm thủ tục vay nhanh chóng. Chi nhánh luôn gắn vai trò của mình đối với khách hàng thông qua vai trò tư vấn, thẩm định phương án sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp sử dụng vốn vay một cách có hiệu quả và tiết kiệm nhất.
2.3.2. Những hạn chế và khó khăn
- Trong giai đoạn năm 2008 - 2010 nền kinh tế thế giới cũng như nền kinh tế trong nước có nhiều bất ổn đã ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống ngân hàng nói chung cũng như hoạt động của chi nhánh nói riêng. Năm 2008 nhằm kiểm soát lạm phát Ngân Hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 16/2008/QĐ-NHNN về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam. Theo cơ chế lãi suất này các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh bằng đồng Việt Nam không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố định kỳ. Trong giai đoạn này hệ thống ngân hàng xảy ra tình trạng mất cân đối về vốn kinh doanh, thiếu hụt nguồn vốn trung dài hạn để cho vay. Chính vì vậy các ngân hàng thương mại thường sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, điều này dẫn đến tình trạng giảm tính thanh khoản của ngân hàng. Khi cơ chế lãi suất thoả thuận xoá bỏ NHNN điều hành lãi suất cơ bản do đó quy mô tín dụng giảm điều này ảnh hưởng tới thu nhập của ngân hàng. Hơn nữa trong điều kiện nền kinh tế khó khăn doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc hoàn trả nợ cho ngân hàng, vì vậy nợ rủi ro của chi nhánh có xu hướng tăng nhẹ.
- Số lượng các khoản vay của chi nhánh lớn tuy nhiên giá trị của khoản vay thường nhỏ, do đó công tác quản lý nợ không được chặt chẽ tốn kém thời gian và chi phí. Vẫn xảy ra tình trạng khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích như đã ký kết trong hợp đồng tín dụng, công tác đôn đốc đòi nợ gặp nhiều khó khăn.
- Dư nợ tín dụng trung dài hạn còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong trong tổng dư nợ chưa đáp ứng được nhu cầu vốn tín dụng trung, dài hạn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là đối tượng rất cần tới nguồn vốn tín dụng trung, dài hạn của ngân hàng. Nhờ có nguồn vốn tín dụng trung, dài hạn của ngân hàng giúp doanh nghiệp có thể mua được những dây chuyền công nghệ hiện đại, xây dựng nhà xưởng, tài trợ tài sản lưu động thường xuyên nhằm thực hiện mở rộng quy
mô sản xuất trong điều kiện tiềm lực tài chính có hạn. Hơn nữa việc huy động vốn trung, dài hạn trên thị trường tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn, do đó nguồn vốn tín dụng trung, dài hạn càng trở lên quan trọng.
- Cần giao khoán hạn mức tín dụng cho cán bộ tín dụng nhằm nâng cao trách nhiệm cũng như hiệu quả công việc của cán bộ tín dụng. Trong khâu thẩm định tín dụng cần có sự chuyên môn hoá, giao cho từng cán bộ phân tích từng mảng chuyên môn của mình. Có như vậy mới tránh được những sai sót khiếm khuyết trong nghiệp vụ đặc biệt là trong mảng phân tích thủ tục pháp lý của hồ sơ vay vốn và tài sản đảm bảo.
2.3.3. Một số nguyên nhân 2.3.3.1. Nguyên nhân chủ quan
- Trình độ phân tích của cán bộ tín dụng thẩm định chưa toàn diện, khả năng phân tích kỹ thuật của dự án và phân tích thị trường của cán bộ tín dụng còn hạn chế. Việc đánh giá khả năng cạnh tranh, khả năng tiêu thụ sản phẩm của dự án trên thị trường liên quan đến nhiều khía cạnh, đòi hỏi khả năng phân tích, tổng hợp, dự đoán nhạy bén của cán bộ tín dụng. Đây là một yêu cầu khó thực hiện đối với cán bộ tín dụng vì phần lớn không được đào tạo chuyên sâu toàn diện lĩnh vực này.
- Công tác xây dựng chiến lược cho vay trung dài hạn của ngân hàng chưa được quan tâm đúng mức, ngân hàng chưa có chiến lược phù hợp mở rộng cho vay trung, dài hạn.
- Trong hoạt động cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ngân hàng còn quá chú trọng tới tài sản đảm bảo, nhiều lúc coi đây là cơ sở để ra quyết định cấp tín dụng. Vẫn biết cho vay đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có độ rủi ro cao hơn các doanh nghiệp quốc doanh, tài sản đảm bảo như là biện pháp phòng vệ cho ngân hàng khi rủi ro tín dụng xảy ra. Tuy nhiên điều quan trọng có vai trò quyết định giúp nâng cao chất lượng tín dụng là việc thẩm định phương án sản xuất kinh doanh, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, lập kế hoạch trả nợ.
2.3.3.2. Nguyên nhân khách quan
- Trong giai đoạn năm 2008 – 2010 do môi trường kinh tế vĩ mô không ổn định, lạm phát còn cao, thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Ngân Hàng Nhà nước thực hiện “ thắt chặt”
tiền tệ, hoạt động ngân hàng nói chung đặc biệt là hoạt động tín dụng chịu sự giám sát chặt chẽ, điều này ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh cũng như thu nhập của ngân hàng.
- Nền kinh tế trong nước còn rất thiếu các ngành công nghiệp công nghệ cao, dây chuyền công nghệ sản xuất chủ yếu là nhập khẩu. Tuy nhiên một thực tế cho thấy có những doanh nghiệp đầu tư hàng triệu USD để nhập khẩu dây chuyền công nghệ sản xuất tuy nhiên sản phẩm sản xuất ra không thể cạnh tranh trên thị trường do bị lỗi thời do các sản phẩm mới trên thị trường có chất lượng cao hơn. Thiếu thông tin dẫn tới mua phải những dây chuyền lỗi thời, sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, doanh nghiệp phá sản không hoàn trả được vốn vay cho ngân hàng.
- Về phía các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc lập các phương án sản xuất kinh doanh khả thi, phương án trả nợ ngân hàng, không đủ vốn tự có tham gia vào phương án sản xuất kinh doanh, năng lực quản lý của ban lãnh đạo còn nhiều hạn chế:
+ Ngân hàng chỉ tài trợ cho phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi nhằm đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng. Một dự án có tính khả thi phải được xây dựng trên cơ sở khoa học, thông tin đầy đủ, phân tích đánh giá tình hình một cách chính xác. Vì vậy dự án phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc, phải do người có đầy đủ chuyên môn, kinh nghiệm, trách nhiệm xây dựng và thẩm định. Trong thực tế các doanh nghiệp không thể xây dựng các dự án, có những doanh nghiệp có ý tưởng xây dựng kế hoạch kinh doanh lớn nhưng lại không thể lập dưới dạng biểu bảng theo yêu cầu của ngân hàng. Cán bộ tín dụng nhiều khi phải giúp đỡ người vay tính toán lập phương án trả nợ, giúp doanh nghiệp lập vốn lưu chuyển trong năm để biết lượng tiền chu chuyển từ nguồn nào, cân đối thu chi để ngân hàng có cơ sở ấn định thời gian, số tiền giải ngân, thời hạn cho vay…
+ Không đủ vốn tự có tham gia vào phương án sản xuất kinh doanh: Ngân hàng tài trợ cho mỗi phương án sản xuất kinh doanh đều yêu cầu người vay vốn phải có một tỷ lệ vốn tự có nhất định tham gia. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thực hiện phương án sản xuất kinh doanh tuy nhiên không đáp ứng được yêu cầu về vốn tự có của ngân hàng.
Chương 3: GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆT NAM – CHI NHÁNH QUẬN HẢI AN – THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG