Những phương hướng vừa nêu trên là những định hướng cơ bản, lâu dài đối với việc phát huy các giá trị của gia đình truyền thống, đặc biệt là những giá trị đạo đức để từ đó xác định hệ giải pháp xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Song cùng với những phương hướng đó, không thể không nhấn mạnh rằng, các giải pháp cần phải xuất phát từ việc nhận diện để khắc phục những nguyên nhân đã gây nên những biến đổi tiêu cực các giá trị đạo đức gia đình truyền thống ở nước ta.
Vậy những nguyên nhân đó là gì và cần phải xác định những giải pháp chủ yếu nào để khắc phục nó?
Nguyên nhân chủ yếu của sự biến đổi các giá trị đạo đức gia đình truyền thống Việt Nam hiện nay là: Về mặt khách quan: do sự tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hoá, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trong nước kéo dài và nền kinh tế kém phát triển, lạc hậu, lại gánh chụi hậu quả nặng nề của chiến tranh…nên chưa tạo ra những tiền đề kinh tế - xã hội cần thiết cho sự phát triển của gia đình đồng thời gìn giữ, phát huy những giá trị gia đình truyền thống. Về mặt chủ quan: do chúng ta chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của gia đình vì thế mà những giá trị của gia đình truyền thống chưa thật sự được quan tâm, chưa thấy hết và khai thác tốt tiềm lực kinh tế gia đình. Do đó, để phát huy các giá trị của gia đình truyền thống trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay cần chú ý đến những giải pháp chủ yếu sau:
2.2.2.1. Kế thừa những di sản đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam và tiếp thu những giá trị nhân văn của gia đình hiện đại trong xây dựng gia đình
Dân tộc nào, nền văn hoá nào cũng có truyền thống, có quá khứ. Biến đổi là quy luật của đời sống hay như người ta nói, đó là “chìa khoá” của sự tiến bộ. Nhưng biến đổi không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với tiến bộ cũng như vận động không phải bao giờ cũng đi tới phía trước. Sự biến đổi, vận động biến hoá hay phát triển không có nghĩa là xoá bỏ hết cái cũ. Thật ra truyền thống luôn có mặt ở hiện tại, cái cũ luôn luôn có mặt trong xã hội hiện tại. Việc không giải quyết thoả đáng mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại là nguyên nhân cơ bản gây nên sự đứt đoạn trong tính liên tục của đời sống xã hội, gây ra nhiều điều bất ổn trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên làm mai một bản sắc văn hoá dân tộc. Đặc biệt là, sự xa rời các giá trị truyền thống có nguy cơ dẫn đến sự suy đồi đạo đức trong quan hệ gia đình và xã hội. Truyền thống là một yếu tố động. Nó có thể biến đổi để tạo ra truyền thống mới - sự biến đổi của truyền thống
cho phù hợp với yêu cầu của thực tại gọi là “cách tân”. Mặt khác, hệ giá trị của gia đình truyền thống đã để lại những dấu ấn đậm nét trong mỗi người Việt Nam, cho nên cái mới, cái hiện đại chỉ có thể xây dựng từ đó, chỉ có thể phát triển trên cơ sở đó, điều đó có nghĩa là muốn xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay thì cần phải kế thừa được những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời kế thừa được những thành tựu của gia đình hiện đại cho phù hợp với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Thực tế cho thấy, gia đình Việt Nam đã và đang tiếp thu nhiều tinh hoa, giá trị tiên tiến của gia đình hiện đại như: tôn trọng tự do cá nhân; tôn trọng quan niệm và sự lựa chọn của mỗi người; tôn trọng lợi ích cá nhân; dân chủ trong mọi quan hệ; bình đẳng nam nữ; bình đẳng trong nghĩa vụ và trách nhiệm; bình đẳng trong thừa kế; không phân biệt đối xử đẳng cấp, thứ bậc giữa con trai và con gái, giữa anh và em…Mặt khác, những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống Việt Nam cũng đang được củng cố và xây dựng theo xu hướng hiện đại hóa: dân chủ, bình đẳng, tự do và tiến bộ.
Quan hệ giữa vợ chồng đã có sự bình đẳng và dân chủ hơn. Họ cùng đi làm, cùng lao động nuôi con cái, làm nội trợ gia đình. Nhưng đã là việc gia đình, là đời sống gia đình với vô vàn, những sự việc cụ thể, liên quan tới các mối quan hệ cụ thể trong gia đình và ngoài gia đình thì rất cần sự cảm thông, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm giữa các thành viên: vợ chồng, cha mẹ, con cái. Không nên quan niệm đó là sự phân công rạch ròi, cứng nhắc giữa vợ và chồng, mà cần có tinh thần tương trợ lẫn nhau cả về quyền lợi lẫn trách nhiệm. Vợ chồng phải cùng góp sức, tự nguyện, tự giác để đảm bảo cuộc sống ổn định, êm ấm của gia đình. Điều quan trọng là vợ chồng biết tôn trọng và kính nể nhau, quan tâm đến nhau (về sức khỏe, về sự hưởng thụ vật chất và tinh thần…) sống chung thủy với nhau, lấy tình nghĩa làm chỗ dựa, cùng phấn đấu xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Cha mẹ cần bảo đảm quyền tự do dân chủ của con cái, đồng thời phải giáo dục cho các con ý thức tôn trọng các chuẩn mực đạo đức, trách nhiệm và nghĩa vụ đối với gia đình và bố mẹ. Các bậc cha mẹ phải luôn có thái độ đúng mực, dù con còn nhỏ hay con đã lớn; biết chú ý lắng nghe ý kiến của con, cân nhắc đúng sai, không dùng uy quyền áp đặt một cách vũ đoán; đồng thời, làm đúng trách nhiệm của mình, giúp con cái nhận thức được cả hai mặt quyền lợi và trách nhiệm cá nhân đối với gia đình. Cá nhân không thể chỉ đòi hỏi quyền lợi của mình được thỏa mãn, mà còn phải có trách nhiệm đóng góp vào việc xây dựng sự ấm no, hạnh phúc chung của gia đình. Những yêu cầu ấy được đặt ra và thực hiện trên cơ sở tình thương yêu, sự tôn trọng, tin cậy lẫn nhau, thương yêu nhưng không nuông chiều, nghiêm khắc mà vẫn bao dung, nhân ái, vị tha và hy sinh nhưng không quên đòi hỏi mọi thành viên phải có nghĩa vụ quan tâm đến nhau.
Tình thương yêu và đức hy sinh là những tình cảm cao quý mà cha mẹ nào cũng thường dành cho những đứa con của mình. Nhưng tình cảm ấy nếu không đi liền với lý trí, không giáo dục và rèn luyện cho con ý thức quan tâm, đền đáp lại tình cảm và công ơn của cha mẹ thì vô hình chung lại nuôi dưỡng ở trẻ thói ích kỷ, thậm chí sự vô tâm…ảnh hưởng đến đạo đức và làm hỏng nhân cách của trẻ.
2.2.2.2. Đổi mới nội dung, phương pháp và tăng cường vai trò giáo dục của gia đình
* Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục gia đình:
Trong lĩnh vực giáo dục gia đình, ta thường có sự nhầm lẫn, sự ngộ nhận khi đem đối lập cái quá khứ, cái ta thường gọi là của xã hội cũ với cái hiện tại, cái ta thường gọi là của xã hội mới. Do đó, không phân biệt được cái biến đổi và cái ổn định. Như vậy, dễ dẫn tới cắt đứt hay đoạn tuyệt với truyền thống một cách rất sai lầm. Truyền thống luôn luôn và nhất thiết phải có mặt trong hiện tại. Nền giáo dục gia đình càng không thể xa rời truyền thống, vấn
đề chỉ còn là ở chỗ xử lí và khai thác những di sản của giáo dục truyền thống như thế nào trong gia đình hiện đại.
Nói đến vấn đề kế thừa và tiếp thu những di sản giáo dục của gia đình Việt Nam, truyền thống tức là hướng về những yếu tố tích cực, ổn định của nền giáo dục gia đình truyền thống. Đó là: Tinh thần trách nhiệm, ham học hỏi, sự thuỷ chung trong quan hệ vợ chồng, trọng đạo nghĩa, đạo lí, yêu chính nghĩa, trung thực, ghét gian tà, giả dối, đó là những di sản quý giá của nền giáo dục gia đình truyền thống. Nền giáo dục đó đã giữ vai trò quan trọng, chủ yếu trong việc đào tạo, rèn luyện nhân cách con người Việt Nam, duy trì bản sắc tốt đẹp, bền vững của dân tộc. Đó là những di sản mà gia đình hiện đại cần khai thác trong việc thực hiện chức năng giáo dục thế hệ trẻ.
Mỗi giai đoạn phát triển lịch sử, xã hội cần có một mô hình nhân cách đáp ứng yêu cầu xã hội trong giai đoạn lịch sử đó, gia đình có vai trò hình thành nhân cách, do đó giáo dục gia đình phải đáp ứng được yêu cầu mà xã hội mong đợi. Trong xã hội hiện đại, cuộc sống cá nhân được tôn trọng; nguyện vọng, nhu cầu, tương lai phát triển của cá nhân được bảo đảm. Nhưng lại cần có sự dung hòa hợp lý giữa cái riêng và cái chung. Cái riêng đúng đắn của cá nhân cần được gia đình quan tâm, thỏa mãn. Cái chung của các thành viên gia đình cần được mỗi cá nhân xem trọng và góp sức thực hiện.
Con người mà xã hội hiện nay mong đợi phải chăng đó là những con người vừa mang những đặc trưng của văn hoá dân tộc lại vừa tiếp thu được những tinh hoa văn hoá nhân loại, những con người vừa có đạo đức, trọng nhân nghĩa lại vừa thông minh sáng tạo, có văn hoá cao. Đặc biệt trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, đó phải là những con người luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm , có khả năng lập thân, lập nghiệp biết làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội bằng sức lao động và tài trí của mình trong khuân khổ của pháp luật. Cái mạnh của gia đình truyền thống là giáo dục đạo đức, lòng nhân nghĩa nhưng cái thiếu và yếu của
gia đình truyền thống là đào tạo con người thông minh, sáng tạo, năng động. Cái mạnh của gia đình truyền thống là con người có ý thức chấp hành, tuân thủ nhưng cái yếu, cái hạn chế của gia đình truyền thống là con người có sáng kiến riêng.
Như vậy, việc xây dựng nội dung giáo dục gia đình hiện nay vừa phải duy trì, bảo tồn những giá trị gốc, cốt lõi của gia đình Việt Nam truyền thống như tinh thần trách nhiệm, lòng vị tha, lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ, tình nghĩa anh em, họ hàng, làng xóm, thuỷ chung hoà thuận vợ chồng, sống có trật tự kỷ cương… vừa phải tăng cường các giá trị hiện đại như: tính năng động, sáng tạo, tinh thần dân chủ, bình đẳng, tôn trọng hiến pháp và pháp luật. Kết hợp giữa việc khai thác những di sản giáo dục gia đình Việt Nam truyền thống với việc đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục gia đình là điều kiện bảo đảm sự thành công của giáo dục gia đình hiện nay.
* Tăng cường vai trò giáo dục của gia đình:
Một trong những vấn đề bức xúc của gia đình Việt Nam hiện nay đó là việc buông lỏng giáo dục nề nếp gia phong cho các thành viên trong gia đình, nhất là đối với trẻ em đang lớn lên. Một con người muốn trưởng thành phải phát triển trong các môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình là môi trường đầu tiên và rất quan trọng đối với việc hình thành nhân cách cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là cho thế hệ trẻ - tương lai của đất nước.
Thường khi nói tới giáo dục gia đình, người ta chủ yếu nhấn mạnh vai trò của giáo dục gia đình đối với trẻ em. Thực tế việc giáo dục này không chỉ đối với trẻ em mà còn đối với người lớn nữa. Mặt khác trẻ em là người lớn trong tương lai, do đó giáo dục gia đình có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển cá nhân, có khi cả đời người. Điều này chứng tỏ giáo dục gia đình không chỉ quan trọng mà còn là cơ bản và lâu dài.
So với giáo dục nhà trường và xã hội thì giáo dục gia đình có nhiều ưu thế. Trước hết giáo dục gia đình xuất phát từ tình cảm và thông qua tình cảm mà tác động tới sự hình thành nhân cách của trẻ em. Sau nữa, giáo dục gia đình có nội dung và biện pháp phù hợp với trẻ em, nhất là phù hợp với nhu cầu tâm sinh lý của trẻ.
Giáo dục gia đình ngày nay nhằm mục tiêu đào tạo con người toàn diện: có sức khoẻ, có học vấn, có ý thức cá nhân, gia đình và cộng đồng do đó, giáo dục gia đình một mặt trang bị cho trẻ những kiến thức cần thiết của cuộc sống để trẻ sau này có thể tham gia hoạt động xã hội, mặt khác còn tạo ra ở trẻ đời sống tinh thần lành mạnh: có tình yêu thương, lòng nhân hậu, biết nhường nhịn, chia xẻ và có trách nhiệm với gia đình và xã hội, tức là tạo ra con người phát triển hài hoà cả lý trí và tình cảm.
Nhờ có giáo dục gia đình mà trẻ em biết yêu, kính cha mẹ, biết nhường nhịn và có trách nhiệm đối với anh chị em của mình. Cũng nhờ có giáo dục gia đình mà trẻ em biết đến tổ tiên, dòng họ…Vì thế thiếu giáo dục gia đình, trẻ em sẽ phát triển phiến diện. Thiếu gia đình, đó là một bất hạnh lớn của trẻ. Hiện nay, đang có sự giảm sút của giáo dục gia đình. Có nhiều gia đình quá mải lo công việc kinh doanh, mua bán nên có rất ít thời gian chăm sóc dạy dỗ con cái, do ít gần gũi dẫn đến việc không hiểu con và cha mẹ đã phó mặc việc dạy dỗ trẻ cho nhà trường và xã hội. Cha mẹ chỉ quan tâm đến con thông qua việc đáp ứng các nhu cầu vật chất của con như quần áo đẹp, cơm ngon, có tiền tiêu vặt…Trong một số gia đình lại có biểu hiện khác đó là sự thiếu gương mẫu của các bậc cha mẹ trong làm ăn sinh sống, ứng xử xã hội, ứng xử gia đình.
Hiện nay, thường có sự đứt đoạn trong quan hệ “cha truyền con nối” về nghề nghiệp: con cái phần lớn làm khác nghề của cha mẹ và họ tự do lựa chọn. Sự truyền đạt kinh nghiệm sống, các kiến thức giữa các thế hệ trong gia đình diễn ra theo hai chiều: từ cha mẹ đến con cái và ngược lại, từ con cái đến
cha mẹ. Ngày nay, không phải chỉ có cha mẹ là người hiểu biết nhiều nhất, là người giỏi nhất, là người thầy dạy duy nhất của các con. Lớp trẻ có điều kiện tiếp xúc với nhiều loại thông tin, sách báo nên dễ dàng thu nhận được nhiều kiến thức mới, đặc biệt là về kỹ thuật sản xuất hiện đại, các công nghệ thông tin… Bởi vậy, nhiều điều cha mẹ cần lắng nghe con, học tập ở con, mà không tự coi là điều gì mình cũng biết. Đặc biệt, khi con có ý kiến khác, cho mẹ phải lắng nghe con trình bày một cách bình tĩnh, điều gì con nói đúng cần tiếp thu, không giấu dốt; điều gì con nói sai phải thuyết phục bằng lý lẽ, không thể áp đặt một cách vũ đoan, gia trưởng.
Đặc biệt trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, để giáo dục con cái một cách hiệu quả thì trước hết cha mẹ phải gương mẫu để con cái noi theo. Cha mẹ giáo dục con không chỉ bằng tri thức, tình cảm, lời nói mà còn bằng chính việc làm của mình. Sự gương mẫu của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sự gương mẫu của con cái sau này.
Muốn tăng cường vai trò giáo dục của gia đình, đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm vun đắp tổ ấm gia đình, đều phải tham gia vào thực hiện các chức năng của gia đình, trách nhiệm đó, trước hết phải