Những chuyển biến mạnh mẽ của đời sống xã hội thông qua quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế quốc tế đã tác động mạnh mẽ đến gia đình ở nước ta hiện nay. Trong khuân khổ của luận văn, tác giả chỉ khái quát một số nét cơ bản nhằm nhận diện xu hướng vận động của gia đình trong giai đoạn mới.
* Về tình hình hôn nhân
Mặc dù quyền tự do kết hôn được đề cao trong xã hội ta nhưng cho đến nay ở Việt Nam hôn nhân với sự thoả thuận về mặt pháp lý, có sự chấp thuận của cha mẹ, họ hàng với các nghi lễ mang tính truyền thống vẫn rất cao. Trong những năm gần đây, ở nước ta có khá nhiều công trình nghiên cứu xung quanh những chuẩn mực và giá trị về hôn nhân, những yếu tố góp phần củng cố sự bền vững của hôn nhân, vấn đề tự do lựa chọn bạn đời... Tuy nhiên vẫn chưa có những công trình nghiên cứu chuyên biệt mang tính thống kê tổng hợp về tình trạng hôn nhân ở nước ta hiện nay.
Thông qua các cuộc điều tra dân số và gia đình, mang tính quốc gia chúng ta có thể thu thập những số liệu, thông tin có liên quan đến vấn đề hôn nhân. Khai thác những số liệu trên, chúng ta có thể nhìn thấy một bức tranh tổng quát về tình hình hôn nhân ở Việt Nam.
Tỷ lệ những người ly hôn không thực sự cao, chỉ chiếm khoảng 0,79% số người từ 13 tuổi trở lên. Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa thật chuẩn bởi để dễ hình dung vấn đề hơn, nó phải được so sánh với tỷ lệ những người đã kết hôn chứ không phải với tổng số người trên 13 tuổi. Cuộc điều tra mức sống hộ gia đình năm 2002 cũng cho thấy tình trạng hôn nhân chia theo độ tuổi thì những người đang có vợ/chồng chiếm 57,6% cả nước, chủ yếu ở độ tuổi từ 20 trở lên nhưng cũng có một phần không nhỏ từ 15-19 tuổi và đặc biệt vẫn còn tình trạng tảo hôn ở lứa tuổi 13-14 chiếm 0,11% [16, tr.189]. Số người đã có vợ có chồng ở độ tuổi từ 35-39 chiếm tỷ lệ cao nhất, chiếm 91% số người ở độ tuổi này đã có vợ có chồng. Đây cũng chính là độ tuổi có gia đình ổn định nhất, ít ly hôn hoặc ly thân.
Cuộc điều tra biến động dân số và nguồn lao động ngày 1-4-2003 cũng có thu thập thông tin về tình trạng hôn nhân hiện tại cho độ tuổi từ 13 trở lên. Tuy nhiên do có rất ít người lập gia đình trước tuổi 15, Với dân số từ 15 tuổi trở lên, 65% nam đã có vợ nhưng tỷ trọng nam chưa vợ cao hơn 6% so với tỷ trọng nữ chưa chồng. Còn ở độ tuổi trẻ, nữ có xu hướng kết hôn nhiều hơn nam. Ở độ tuổi trẻ nhất từ 15-19, tỷ trọng đã từng kết hôn ở nữ cao hơn gấp ba lần của nam. Nhưng bắt đầu từ nhóm 30-34, tỷ trọng đã từng kết hôn của nam cao hơn của nữ. Tỷ lệ chưa kết hôn hoặc sống độc thân ở độ tuổi từ 30- 34 trở lên ở nước ta hiện nay cũng ở mức rất thấp so với nhiều nước trên thế giới. Điều đó chứng tỏ, trong xã hội ta mọi người rất coi trọng vấn đề hôn nhân và gia đình.
Tình trạng kết hôn ở tuổi vị thành niên cũng là một hiện tượng đáng lo ngại. Trong phạm vi toàn quốc vào năm 2003 có tới 2% nam và gần 7% nữ ở độ tuổi từ 15-19 đã từng kết hôn. Trong đó, tỷ lệ người kết hôn ở tuổi vị thành niên cao nhất là khu vực Tây Bắc, lên tới 9% số người ở độ tuổi [16, tr.192- 193].
Kết quả điều tra cho thấy, có tới 85,7% số phụ nữ đã có chồng đang làm những công việc có thu nhập. Trong số này, nhóm phụ nữ đã có chồng ở đô thị đang làm việc có tỷ lệ là 75,2%, thấp hơn so với nhóm này ở nông thôn (có tỷ lệ là 89,4%). Trong nhóm phụ nữ đang có chồng cũng có tới 11% số người chỉ làm công việc nội trợ trong gia đình. Điều đáng chú ý là chỉ riêng nhóm phụ nữ ở nhà làm công việc nội trợ ở đô thị đã lên tới 19,9%, tức là cứ năm người vợ sống ở đô thị thì có một người chỉ ở nhà làm nội trợ. Tỷ lệ phụ nữ có chồng đang đi học là rất thấp chỉ chiếm 0,1%, tức là cứ một nghìn phụ nữ đang có chồng mới có một người đang đi học. Đây là một chỉ báo rất đáng chú ý, phải chăng khi phụ nữ đã có chồng, do những hoàn cảnh gia đình bắt buộc, họ đã ít quan tâm đến việc học tập, nâng cao trình độ văn hoá và chuyên môn. Có sự khác biệt trong hoạt động của phụ nữ ở khu vực thành thị và nông thôn. So với phụ nữ ở nông thôn, phụ nữ ở thành thị có xu hướng làm việc ít hơn, đi học nhiều hơn, làm công việc nội trợ nhiều hơn.
Các số liệu điều tra cũng cho thấy, số lượng các cặp vợ chồng sống với
nhau không có giấy đăng ký kết hôn là khá cao. Theo kết quả nghiên cứu ở
Hà Nội, có khoảng 2% các cặp vợ chồng thuộc diện này [16, tr.195-196]. Theo báo cáo của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, “số vụ vợ chồng xin ly hôn đã tăng từ 22.000 vụ năm 1991, lên 44.000 vụ năm 1998. Theo thống kê của toà án nhân dân tối cao, năm 2000 có 54.226 vụ, năm 2002 có 56.487 vụ. Từ ngày 01/01/2003 đến ngày 30/8/2003, có 41,326 vụ” [48, tr.30]. Sau đây tổng hợp tình hình ly hôn từ năm 2000 đến tháng 8 năm 2003.
Bảng 2.1: Số vụ vợ chồng xin ly hôn qua các năm
Năm 2000 2001 2002 Tháng 1-8/2003
Số vụ ly hôn 51.361 54.226 56.478 41.236
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ ly hôn cao nhất nước.
Năm 1995, tính bình quân cứ năm đôi kết hôn thì có 2 đôi xin ly hôn. Nếu tính bình quân trong 5 năm từ 1985-1990, mỗi năm có 4.376 vụ xin ly hôn thì trong 5 năm từ 1990- 1995, con số này tăng lên 6.339 vụ mỗi năm. Ở Hà Nội theo thống kê của Toà án nhân dân thành phố, chỉ riêng năm 1997 có 3.044 cặp vợ chồng xin ly hôn [37, tr.56-57]. Các vụ ly hôn tăng nhanh ngày càng tạo nên những vấn đề xã hội nghiêm trọng. Không thể phủ nhận rằng, những thiếu thôn tình thương cũng như thiếu thốn về vật chất của nhiều gia đình sau ly hôn đã đẩy biết bao em bé bước vào con đường phạm tội. Không chỉ là những vết thương, những nỗi đau tinh thần nơi tâm hồn con trẻ mà ngay cả chính những người trong cuộc cũng khó có thể xoá nhoà. Ly hôn như một kết quả tất yếu của sai lệch về nhận thức, sự sai lệch này bắt nguồn từ trước khi kết hôn cho đến khi kết hôn và chung sống, đến bất hoà và ly hôn. Nhiều bạn trẻ hiện nay không tìm hiểu đầy đủ đối tượng về tính tình, sở thích, mong muốn, nghề nghiệp, gia đình của người bạn đời đã vội vã kết hôn với ý nghĩ cứ kết hôn rồi sẽ hiểu nhau và yêu nhau. Vì thế, khi chung sống, có những độ vênh nhất định về văn hoá, cách ứng sử, thói quen...khi mỗi người thực hiện các vai trò của mình. Nếu không kịp thời điều chỉnh những trục trặc đó có thể trở thành đầu mối cho những sai lệch sau này: đánh đập, cãi cọ, ngoại tình...
Sự thay đổi trong định hướng giá trị cũng làm cho cá nhân nhận thức sai, lệch lạc. Quan niệm mới về hôn nhân như tiêu chuẩn chọn bạn đời, tuổi kết hôn, tình dục trong hay trước hôn nhân... đã làm cho mô hình hôn nhân thay đổi. Với mô hình hôn nhân truyền thống, cha mẹ là người chọn lựa bạn đời cho con theo tiêu chí “môn đăng họ đối”, theo sự đức hạnh và trinh trắng của các cô gái...
Mô hình hôn nhân thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế đã có những thay đổi về các quan niệm và giá trị cũ. Thật là khó có thể đưa ra một mô hình chuẩn cho thời kỳ mở cửa vì nó khá đa dạng và phong phú. Nhưng nhìn chung, người được lựa chọn thường là người ở trong các gia đình nề nếp, việc
làm ổn định. Trong gia đình, có thể người đàn ông là trụ cột, hoặc là bình đẳng, chia sẻ trách nhiệm và người phụ nữ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong gia đình.
Trong cơ chế thị trường, bị ảnh hưởng bởi lối sống gấp, hưởng thụ… nhiều người coi ngoại tình như một thứ mốt, biểu hiện cho lối sống hiện đại, coi thường hôn nhân - gia đình. Bị hấp dẫn bởi những trò giải trí, cùng sự bất lực bởi những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về nghề nghiệp, học vấn, thêm vào đó là sự không đáp ứng được những mong muốn của người bạn đời về vị thế, vai trò, lối sống của bản thân trong gia đình và xã hội, nên nhiều người đã lao vào con đường cờ bạc, rượu chè, ngược đãi bạn đời… Đây không chỉ là vấn đề xã hội mà chính là hành vi của mỗi cá nhân trong từng gia đình. Chính những lệch lạc trong nhận thức về giá trị, chuẩn mực đã dẫn không ít gia đình đến sự tan vỡ. Ly hôn có xu hướng không ngừng tăng lên trên phạm vi cả nước bởi đã nảy sinh nhiều quan niệm khác nhau về giá trị của tình yêu - hôn nhân và gia đình trong bản thân các cặp vợ chồng và thế hệ trẻ đang lớn lên và hàng ngày hàng giờ chịu tác động của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay. Trong một số gia đình, các thế hệ thành viên cũng có những quan niệm khác nhau, ở người này coi tình yêu là sự tôn thờ, lòng thuỷ chung thì ở người kia lại cho là tư tưởng lạc hậu, cổ hủ không hợp mốt.
Trong chừng mực nào đó, kinh tế đầy đủ của nhiều gia đình cũng làm cho ly hôn tăng lên, bởi sự đầy đủ đó đã làm phát sinh các nhu cầu vượt quá những giới hạn cho phép. Không thể không nhắc đến một yếu tố từng được nhiều người cho là một tác nhân quan trọng làm gia tăng tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn hiện nay. Đó là việc người phụ nữ ngày càng độc lập về kinh tế, ít phụ thuộc vào nam giới.
Khi phụ nữ tạo ra thu nhập hoặc kiếm tiền ngang nam giới, thì quan hệ trong gia đình thường dân chủ hơn, nhưng cũng vì thế đôi khi lại làm yếu đi
chóng làm nảy sinh sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội. Ở nhiều địa phương đã nảy sinh tình trạng ép duyên con cái vì mong muốn gặp gia đình môn đăng họ đối, hoặc quay lại các hủ tục mê tín dị đoan, gả bán con, cản trở hôn nhân tự nguyện hoặc buộc con cái phải ly hôn theo mong muốn ích kỷ của một số bậc cha mẹ.
Ly hôn do bất cứ nguyên nhân nào đều kéo theo những hậu quả đáng buồn, gây nên nỗi đau khổ của cả vợ và chồng trước thất bại của cuộc hôn nhân, gây ra stress về tâm lý, đặc biệt là hậu quả để lại của cuộc ly hôn đối với con cái. Thông thường, người phụ nữ phải gánh chịu nuôi con một mình, việc lập lại gia đình gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi đã lớn tuổi và có vài đứa con. Những đứa trẻ là những nhân vật phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất, thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của cả cha và mẹ có nhiều thiệt thòi và chịu nhiều khủng hoảng về tâm lý, tình cảm. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu trong nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bỏ nhà đi lang thang và rơi vào con đường phạm tội.
Như vậy, ly hôn tự nguyện gắn liền với hôn nhân tự do, tiến bộ là điều được Luật hôn nhân và gia đình nước ta công nhận và bảo vệ. Vì vậy, chúng ta không thể lên án ly hôn hay coi ly hôn là vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội. Bởi ly hôn cũng là cứu cánh, là giải thoát cho những cặp vợ chồng có cuộc sống bế tắc, không có hạnh phúc, đặc biệt là khi đã có sự đàn áp, bạo lực của một phía vợ hoặc chồng
* Cấu trúc gia đình
Quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhiều gia đình Việt nam nhưng nó cũng đang làm biến đổi sâu sắc về cấu trúc và chức năng của gia đình Việt Nam.
Quá trình đô thị hoá cùng với kết quả của chương trình sinh đẻ có kế hoạch đang làm giảm đáng kể số lượng gia đình mở rộng, thay vào đó là dạng
gia đình hạt nhân ngày càng gia tăng. Mức độ tăng thêm số lượng hộ gia đình chậm lại, quy mô gia đình ngày càng nhỏ đi. Đời sống gia đình hiện nay đang xảy ra nhiều mâu thuẫn với mức độ ngày càng phức tạp. Tình trạng kết hôn bất hợp pháp, bạo lực gia đình, ly thân, ly hôn... đang có chiều hướng gia tăng. Các kiểu sống gia đình không bình thường so với lối sống truyền thống đang nảy sinh và trở thành vấn đề xã hội nan giải, như sống chung không kết hôn, không muốn sinh con, lối sống thử, sống độc thân. Đặc biệt là ở nước ta hiện nay đã có hiện tượng kết hôn đồng tính mà hậu quả của nó đã để lại nhiều tiêu cực đối với việc ổn định thiết chế gia đình. Mặc dù ở Việt nam việc kết hôn đồng tính không được cho phép và dư luận xã hội cũng không chấp nhận.
Trong xã hội hiện đại, vị thế của người phụ nữ nói chung đã được xã hội xác nhận trên cơ sở bình đẳng giới nhờ vào kết quả của phong trào nữ quyền. Cùng với tiến bộ xã hội, ngày càng có nhiều công cụ và các điều kiện giúp con người giảm nhẹ sức lao động, nhưng phụ nữ vẫn phải gánh vác công việc chính trong gia đình. Một nghịch lý đang tồn tại là việc nội trợ, nuôi dưỡng con cái, chăm sóc các thành viên trong gia đình của phụ nữ thường bị coi là không có giá trị kinh tế. Ngoài ra, phụ nữ còn là nạn nhân của sự phân biệt đối xử, phải gánh chịu những lạm dụng về thể xác, tinh thần từ phía người đàn ông.
Việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em là nhiệm vụ rất quan trọng của gia đình và xã hội. Trong khi đó, những biến động về các mặt kinh tế - xã hội cùng với lối sống công nghiệp khiến các thành viên trong gia đình ngày càng có ít thời gian bên nhau. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến các mối quan hệ trong gia đình đang có xu hướng lỏng lẻo hơn. Vai trò làm cha mẹ trong cuộc sống hiện đại cũng đang có biểu hiện suy giảm ở nhiều gia đình vì những lo toan thái quá trong làm kinh tế mà ít chú ý đến việc giáo dục nhân cách cho con cái.
Đời sống được cải thiện thì tuổi thọ con người ngày càng cao, số lượng người cao tuổi sẽ ngày càng lớn. Nhiều người cao tuổi hiện đang sống trong tâm trạng là "người thừa" trước con cháu, bởi vì tuổi trẻ có xu hướng muốn sống độc lập và các dịch vụ giúp việc gia đình đang thay thế phần việc trước đây thường do người cao tuổi đảm nhận. Tình trạng này dẫn đến mâu thuẫn giữa các thế hệ khá gay gắt và sẽ còn tiếp tục phát triển.
Sự tồn tại của gia đình mở rộng ngày trước gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp, một nền kinh tế chủ yếu dựa trên sức mạnh to lớn của cơ bắp để chống lại thiên tai, địch hoạ, sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Các gia đình mở rộng thường có thể là “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường”, tức là có từ ba, bốn thế hệ cùng chung sống với nhau trở lên. Thực tế lịch sử