Phương hướng

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay (Trang 75)

2.2.1.1. Kế thừa và phát huy những giá trị của gia đình truyền thống nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế

Công cuộc đổi mới toàn diện ở nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đảng ta xác định “từ nay đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp” [6, tr.80].

Thực chất của công nghiệp hoá hiện nay ở nước ta là đẩy mạnh phát triển công nghệ, chuyển nền sản xuất xã hội từ trình độ thấp, mang nặng dấu ấn của nền nông nghiệp cổ truyền lên trình độ tiên tiến hiện đại. Những kinh nghiệm phát triển của thế giới trong nhiều thập kỷ qua cho thấy sự phát triển công nghệ ngày nay phải đặt trong sự thúc đẩy của yếu tố văn hoá, phải tìm động cơ, mục đích phát triển trong văn hoá.

Hiện nay ở nhiều nước đang phát triển, nhiều trường hợp không có sự phát triển hài hoà, thậm chí xung đột giữa việc tiếp thu công nghệ cao với văn hoá truyền thống của dân tộc. Vì vậy, các chính sách phát triển công nghệ phải tính đến những tác động lớn lao của yếu tố văn hoá truyền thống, đạo đức truyền thống.

Ở Việt Nam sự tác động của yếu tố văn hoá truyền thống nói chung cũng như đạo đức của gia đình truyền thống nói riêng thể hiện ở cả hai mặt.

Mặt tích cực: Người Việt Nam vốn coi trọng đạo lý, trọng nhân nghĩa, có tinh thần trách nhiệm và tính cộng đồng do đó sẽ thuận lợi trong việc truyền

bá tay nghề, kinh nghiệm, vốn sống, tạo dựng và phát triển cơ nghiệp, để vươn lên trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Người Việt Nam vốn tiết kiệm, có trách nhiệm với gia đình và các thế hệ mai sau do đó sẽ giúp ích cho việc tích luỹ, chịu đựng gian khổ để mở rộng, đổi mới công nghệ.

Mặt tiêu cực: Người Việt Nam coi trọng đối nhân xử thế, trọng kinh nghiệm, ít lý luận, ít tư duy khoa học nên khoa học công nghệ khó xâm nhập. Với lối sống cộng đồng, tiết kiệm trong sinh hoạt, hạn chế nhu cầu cá nhân nên vô hình chung đã kiềm chế luôn cả nhu cầu phát triển sản xuất và việc thoả mãn nhu cầu. Mặt khác, tinh thần cộng đồng làng xã dễ nảy sinh lối sống phường hội. Nghề nghiệp chủ yếu dựa trên cơ sở sao chép thiếu nền tảng lý thuyết của sáng tạo công nghệ.

Từ những điều này, vấn đề đặt ra là trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước phải biết kế thừa những giá trị tích cực của văn hoá, đạo đức truyền thống. Bên cạnh đó, chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải tính đến những đặc điểm văn hoá, đạo đức truyền thống trong đó có đạo đức gia đình. Để gia đình Việt Nam ngày càng giữ gìn, phát huy được những giá trị cao quý vốn có của mình, chủ động, tích cực tiếp thu được những tinh hoa, giá trị của gia đình các xã hội hiện đại; đồng thời, ngăn chặn một cách có hiệu quả sự tấn công của tệ nạn xã hội, những nguy cơ dẫn đến tan rã gia đình… Cần tập trung vào một số vấn đề sau: có hệ giải pháp thiết thực để thực hiện tốt nhất Chiến lược củng cố và xây dựng gia đình; có hệ chính sách hữu hiệu hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình; phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí; có chính sách tích cực tạo điều kiện để đoàn tụ gia đình, gắn bó các thành viên gia đình; đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo; tăng cường thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình; đẩy mạnh việc thực hiện nghiêm chỉnh hệ thống chính sách xã hội đối với các gia đình chính sách; tiếp tục mở rộng tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giới góp phần thiết thực tạo lập sự bình đẳng giới trong gia đình và xã hội.

Thực hiện tốt những vấn đề trên, chúng ta sẽ tạo ra những điều kiện tốt nhất để gia đình Việt Nam ngày càng được củng cố và phát triển theo xu hướng ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Gia đình Việt Nam hiện nay và trong tương lai vẫn sẽ thực sự là một thiết chế cơ bản của xã hội, là tổ ấm, nơi nương tựa quan trọng nhất của mỗi người. Gia đình Việt Nam là một nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đối với xã hội Việt Nam, gia đình bao giờ cũng gắn liền với xã hội, vì lẽ đó không thể có một xã hội phát triển nếu các gia đình bị suy sụp, khủng hoảng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “…nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt” [30, tr.523]. Xã hội ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ và toàn diện, đó là cơ sở để khẳng định gia đình Việt Nam cũng đang bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

2.2.1.2. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và giáo dục hệ giá trị gia đình truyền thống Việt Nam

Ở nước ta, từ xưa, “tam tòng tứ đức”, “chung thuỷ”, “trinh tiết” đã

từng là chuẩn mực và yêu cầu đạo đức đối với người phụ nữ; “hiếu”, “lễ” đã từng là quy định của đạo đức gia đình về quan hệ cha mẹ - con cái, anh chị em…Cùng với sự phát triển của đất nước, tư tưởng bình đẳng, công bằng, tình nghĩa, hôn nhân một vợ một chồng… cũng được coi là những giá trị của gia đình mới.

Để sự nghiệp xây dựng nền đạo đức mới thu được kết quả như mong muốn thì việc nâng cao trình độ học vấn và văn hoá của con người, tăng cường giáo dục con người là những yếu tố quan trọng trong việc hình thành những phẩm chất và hành vi đạo đức tích cực. Giáo dục có vai trò quan trọng trong xây dựng đạo đức gia đình. Cần phải cải tiến cách giảng dạy, truyền thụ nội dung hệ giá trị gia đình truyền thống cho học sinh ở các cấp học trong nhà trường. Đồng thời trong gia đình, các bậc làm cha làm mẹ cũng cần phải hiểu

biết sâu sắc hệ giá trị đạo đức đó để bản thân thực hiện và là tấm gương cho con cái noi theo. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng có vai trò tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục hệ giá trị đạo đức của gia đình truyền thống, từ các kênh thông tin này, các khán, thính giả đông đảo chịu ảnh hưởng tác động của những gương đạo đức gia đình lành mạnh, tiến bộ, góp phần lên án những quan niệm sai lệch, những hành vi phi đạo đức trong gia đình Việt Nam.

Để giữ gìn và phát huy các giá trị của gia đình truyền thống trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế, trước hết chúng ta phải giáo dục đạo đức trong gia đình, đây là công việc hết sức quan trọng nhằm tạo tiền đề xuất phát cho giáo dục đạo đức trong nhà trường và ngoài xã hội, bởi gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách cho mỗi công dân ngay từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Thực tế đã chứng mình rằng, gia đình hạnh phúc thì xã hội lành mạnh, gia đình càng giữ được “gia phong” thì kỷ cương xã hội mới nghiêm minh. Tiếp đến cần phải giáo dục đạo đức và nếp sống gia đình truyền thống cho mọi người trong xã hội nhưng cần đặc biệt tập trung vào thế hệ trẻ. Bởi lẽ một thực tế không thể phủ nhận được là do sự thiếu giáo dục và tuyên truyền sâu rộng về đạo đức trong nhà trường nên những hiểu biết của thế hệ trẻ về các giá trị đạo đức không đầy đủ, thậm chí còn sai lệch ở một số thanh thiếu niên. Mục đích của việc giáo dục đạo đức gia đình truyền thống cho mọi người nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - lãng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; sự tinh tế trong ứng xử, lối sống giản dị; tiếp thu có chọn lọc những cái hay trong đạo đức, văn hoá của các dân tộc đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong các phong tục, tập quán. Trong quá trình xây dựng đất nước, nếu chúng ta chỉ quan tâm tới tăng trưởng kinh tế mà không chú ý đến việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức truyền thống thì sự phát triển của xã hội

sẽ trở nên lệch lạc, không bền vững. Bởi vậy, không những chúng ta phải quan tâm và làm tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức trong gia đình, nhà trường mà còn phải làm tốt cả nhiệm vụ giáo dục đạo đức ngoài xã hội.

2.2.1.3. Tạo lập những điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi cho việc phát huy những giá trị của gia đình truyền thống

Về kinh tế:

Xây dựng nền kinh tế thị trường ở nước ta, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực chất của cơ chế thị trường có điều tiết của nhà nước là ở chỗ, nhà nước quản lý điều tiết thị trường bằng pháp luật, chính sách, kế hoạch và các đòn bẩy kinh tế nhằm kích thích tính năng động của con người trong hoạt động làm giàu cho bản thân và xã hội, đồng thời khắc phục tối đa những bất bình đẳng trong kinh tế. Sự khắc phục tối đa những bất bình đẳng trong kinh tế nhờ sự điều tiết theo định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ là cơ sở cho sự phát triển cùng chiều giữa đạo đức và kinh tế, lợi ích cá nhân không đối lập, không tách rời mà gắn liền với lợi ích xã hội, lúc đó tình cảm đạo đức, ý thức cộng đồng, lương tâm, nghĩa vụ, trách nhiệm…do vậy mà phát triển cùng với sự hoàn thiện của cơ chế thị trường.

Về pháp luật:

Tăng cường vai trò điều tiết của pháp luật với tính cách là một giải pháp hỗ trợ cho việc xây dựng đạo đức, xét đến cùng bị quy định bởi chính mối quan hệ giữa đạo đức và pháp luật.Trong quan hệ với đạo đức, pháp luật là sự pháp chế hoá những yêu cầu đạo đức tối thiểu của xã hội. Người ta thường nói, pháp luật là đạo đức tối thiểu là theo nghĩa rộng. Trong khi thực hiện chức năng mang tính cưỡng chế của mình, pháp luật góp phần khẳng định những chuẩn mực đạo đức, biến nó thành thói quen trong đời sống xã hội và cá nhân. Khi đã trở thành thói quen thì sự thực hiện các chuẩn mực mất dần tính cưỡng chế, con người tự giác thực hiện các yêu cầu, các chuẩn mực đó, từ chỗ là các chuẩn mực pháp lý mang tính cưỡng chế, các yêu cầu xã hội

sẽ chuyển thành các chuẩn mực đạo đức mang tính tự giác, tự nguyện. Chính vì vậy, trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, nhiều quốc gia đã mở rộng hành lang pháp lý, hoàn thiện, cụ thể hoá hệ thống pháp luật để trong bất kỳ lĩnh vực nào con người cũng có thể sống và hành động theo đúng pháp luật.

Các giá trị đạo đức vốn có sức mạnh điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội thông qua dư luận xã hội lành mạnh. Cần có một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với một hệ thống pháp luật ngày càng đầy đủ, gắn với nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật để ngăn ngừa những hành vi làm tổn hại đến lợi ích cộng đồng và tạo môi trường thuận lợi kích thích mọi người suy nghĩ và hành động theo các chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của gia đình và xã hội. Các giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình cần chuyển thành những quy phạm pháp luật, điều đó rất cần thiết trong xây dựng hệ thống pháp luật nói chung, trong luật hôn nhân và gia đình nói riêng.

Về văn hoá

Trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế, đất nước ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao. Ở mỗi người dễ nảy sinh tâm lý hưởng thụ, làm giàu bằng mọi cách. Do vậy, khả năng phát triển đạo đức theo hướng tích cực không phải tự nhiên có ngay được, mà cần phải đấu tranh với những thói hư tật xấu bằng pháp luật, bắt buộc mọi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi đạo đức của mình. Thực tiễn cho thấy, ngày nay, thứ toà án dư luận không còn nhiều vị thế trong xã hội, do đó ở đâu buông lơi về pháp luật đối với những hành vi vi phạm đạo đức thì ở đó các hiện tượng tiêu cực sẽ ngày càng gia tăng. Ngay việc thoả mãn nhu cầu tinh thần rất đa dạng của con người được trợ giúp bằng những phương tiện kỹ thuật tại nhà đã làm giảm hình thức sinh hoạt cộng đồng trong việc sử dụng thời gian nhàn rỗi. Việc hình thành các căn

hộ khép kín đã dẫn đến mối quan hệ láng giềng theo kiểu “nhà nào biết nhà nấy” làm nảy sinh chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, thờ ơ với những gì xung quanh mình. Để khắc phục tình trạng đó, chúng ta cần tăng cường mô hình sinh hoạt tập thể dưới nhiều hình thức như mở các câu lạc bộ sinh hoạt tập thể phù hợp với từng lứa tuổi để tăng cường tính tập thể, tính cộng đồng, tính trách nhiệm và sự quan tâm giúp đỡ những người xung quanh của mỗi người.

Chính vì lẽ đó, việc kế thừa và phát huy các giá trị của gia đình truyền thống trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế cần phải có sự kết hợp hài hoà giữa các chủ thể gia đình - nhà trường - xã hội, giữa giáo dục đạo đức và thi hành luật pháp. Nếu chỉ áp dụng thuần tuý phương pháp giáo dục, tuyên truyền sẽ không thể chiến thắng được sức mạnh của thói quen, coi thường và phớt lờ dư luận. Do đó, cần phải dựa vào cả biện pháp pháp luật để tác động đến ý thức, suy nghĩ của con người trong quá trình xây dựng những giá trị đạo đức mới và đấu tranh với những hành vi đi ngược lại với các chuẩn mực xã hội. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức, thực hành văn hoá giao tiếp làm cho mỗi người tuân thủ những chuẩn mực và quy tắc đạo đức mới một cách tự nhiên và dần dần trở thành nhu cầu, thói quen trong cuộc sống hàng ngày.

Một phần của tài liệu Phát huy giá trị gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập hiện nay (Trang 75)