Luật đất đai năm 2003 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực ngày 01 tháng 7 năm 2004. Để hướng dẫn việc bồi thường GPMB theo quy định của Luật đất đai năm 2003, một số văn bản sau đã được ban hành:
- Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất;
- Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất;
- Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty Nhà nước thành công ty cổ phần;
- Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
- Thông tư số 69/2006/TT-BTC ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Về cơ bản, chính sách bồi thường GPMB theo Luật đất đai 2003 đã kế thừa những ưu điểm của chính sách trong thời kỳ trước, đồng thời có những đổi mới nhằm góp phần tháo gỡ các vướng mắc trong việc bồi thường GPMB hiện nay.
Tuy nhiên để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường GPMB ngày 25-5-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định bổ sung về việc cấp GCNQSDĐ, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai; Thông tư 06 Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 84/2007/NĐ-CP, Thông tư 145/2007/TT-BTC Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/204/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất; Thông tư liên tịch số 14/2008/TTLT/BTC-BTNMT ngày 31 tháng 01 năm 2008 Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp GCNQSDĐ, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.
Về Nghị định 84/2007/NĐ/CP tập trung vào việc làm rõ, bổ sung Nghị định 197/2004/NĐ-CP và Nghị định số 17/2006/NĐ-CP về một số những vấn đề cơ bản chính sách bồi thường, trình tự thủ tục cấp GCNQSDĐ, trình tự thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Nguyên tắc xuyên suốt của Nghị định 84/2007/NĐ-CP là đảm bảo quyền và lợi ích của người sử dụng đất, thực hiện hài hòa 3 lợi ích: Người sử dụng đất, nhà đầu tư và quyền của nhà nước theo quy định của pháp luật.
Nghị định 69/2009/NĐ - CP ngày 13/8/2009 ra đời ―quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư‖. Nghị định 69/2009 được đánh giá là cởi mở, có nhiều điểm mới tháo gỡ vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Việc ban hành Nghị định số 69/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ đã giải quyết được nhiều tồn tại, vướng mắc trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phù hợp với tình hình biến động của xã hội, lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất, đặc biệt là người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và bị thu hồi đất ở phải di chuyển đến chỗ ở mới.
- Nội dung của Nghị định đã quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; thủ tục lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thủ tục phê duyệt dự án đầu tư; giải quyết được nhiều bất cập trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo một bước cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
- Nghị định do Chính phủ ban hành đã điều chỉnh hợp lý các chính sách, tạo nên sự công bằng trong xã hội, giảm tâm lý tiêu cực của người dân khi Nhà nước thu hồi đất, đảm bảo việc thuận lợi trong công tác thực hiện giải phóng mặt bằng và lợi ích của Chủ đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án và phát triển kinh tế xã hội địa phương.
- Thực hiện các quy định của Nghị định số 69/2009/NĐ-CP đã loại bỏ các doanh nghiệp kém năng lực để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.