Thanh niên là một lực lượng đông đảo trong xã hội. Vì vậy, thanh niên là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành thuộc khoa học xã hội. Nên tùy thuộc vào nội dung tiếp cận, góc độ nghiên cứu hay cấp độ đánh giá mà người ta đưa ra các định nghĩa khác nhau về thanh niên.
Về mặt sinh học các nhà nghiên cứu coi thanh niên là một giai đoạn xác định trong quá trình “tiến hóa” của cơ thể.
Dưới góc độ kinh tế học, thanh niên được xem là một lực lượng lao động xã hội, nguồn bổ sung cho đội ngũ lao động trên tất cả các lĩnh vực.
Dưới góc độ xã hội học, thanh niên là một khái niệm xã hội học dùng để chỉ nhóm nhân khẩu – xã hội với một độ tuổi xác định, với những đặc điểm tâm sinh lý đặc thù và có vai trò đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tùy thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, đặc điểm truyền thống, tuổi thọ bình quân…mà mỗi quốc gia có quy định độ tuổi thanh niên khác nhau. Hầu hết các nước trên thế giới đều thống nhất tuổi thanh niên bắt đầu từ 15 hoặt 16. Còn thanh niên kết thúc ở tuổi nào thì có sự khác biệt. Có nước quy định là 25 tuổi, có nước quy định là 30 tuổi và cũng có nước cho đó là 40 tuổi. Những xu hướng chung là nâng dần giới hạn kết thúc của tuổi thanh niên.
Liên hợp quốc định nghĩa thanh niên là nhóm người từ 15 đến 24 tuổi chủ yếu dựa trên cơ sở phân biệt các đặc điểm về tâm sinh lý và hoàn cảnh xã hội so với các nhóm lứa tuổi khác.
Ở Việt Nam một thời gian khá dài tuổi thanh niên được hiểu gần như đồng nhất với tuổi đoàn viên (15 đến 28 tuổi). Ngày nay, do điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội phát triển, thời gian học tập, đào tạo cơ bản của tuổi trẻ dài thêm, cùng với nhiều đặc điểm khác mà chúng ta cho thanh niên là những người độ tuổi từ 16 đến 30.
Dưới góc độ tâm lý, để đánh giá nhìn nhận thanh niên một cách tương đối toàn diện, có thể bao hàm được các nội dung, ý nghĩa nêu trên, trông phạm vi đề tài này, thanh niên được hiểu là một giai đoạn phát triển nhất định được bắt đầu khi kết thúc tuổi dậy thì và được kết thúc khi bắt đầu tuổi trưởng thành.