Nhân vật – phi nhân vật

Một phần của tài liệu Dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện đại trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 58)

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2 Nhân vật – phi nhân vật

Trong tiểu thuyết của Thuận, nổi bật là thủ pháp tẩy trắng, xóa bỏ nhân vật. Theo chúng tôi, sự xóa bỏ nhân vật là không xác lập sự tồn tại của nhân vật đó. Theo một cách hiểu khác, xóa bỏ nhân vật trong tác phẩm là xây dựng các nhân vật – không nhân vật. Xóa bỏ nhân vật không phải là không còn tồn tại nhân vật, chủ thể, mà là sự loại bỏ những phương thức xây dựng nhân vật truyền thống.

Kiểu nhân vật này liên quan đến một khái niệm khác- không- nhân vật hay phản- nhân vật “Kiểu nhân vật văn học bị mất đi những nét thực sự của một nhân vật, nhưng lại chiếm vị trí trung tâm trong tác phẩm và tác giả tỏ ra tin cậy ở mức độ nhất định (...). Phản- nhân vật đồng nhất với không- nhân vật khi nhân vật đã mất hết nhân tố riêng biệt của nó” [5;246].

Trong tiểu thuyết truyền thống, tên tuổi, diện mạo, tính cách, nghề nghiệp… của nhân vật chính thường hiện lên ở các góc độ khác nhau. Chúng tập hợp lại để tạo

nên một “đường viền nhân thân” sắc nét, gây ấn tượng khó quên trong người đọc và khu biệt nhân vật này với nhân vật khác.

Trong tiểu thuyết của Thuận xuất hiện một kiểu nhân vật bị hoàn cảnh dồn ép, truy đuổi, đến mức nhân vật (vô tình hay chủ đích) đã ra đi (sự ra đi về mặt địa lý, hoặc cũng có thể là sự mất tích, thoát khỏi bề mặt văn bản tác phẩm). Đó là hình ảnh của Thụy (Chinatown), của các nhân vật trong “câu chuyện bé” I'm yellow, hay hình ảnh của T trong T mất tích.

Thụy trong Chinatown là một người đặc biệt. Nói là đặc biệt bởi dù đã không còn hiện hữu trong hiện tại từ rất lâu, thì cái bóng của nhân vật này vẫn còn đổ dài trong câu chuyện, ám ảnh “tôi” và trở thành nhân vật chính trong dòng kể của “tôi”. Thụy bước ra khỏi cuộc đời “tôi” đã được mười hai năm, đằng đẵng thời gian, vời vợi không gian nhưng chưa bao giờ trong tâm trí “tôi” hình bóng của Thụy bị xoá mờ, Thụy có mặt trong những giấc mơ, trong từng hành động, từng suy nghĩ, và cả trong cơn mộng về tương lai, Thụy vẫn là nguyên nhân và là diễn viên chính. Thụy chưa bao giờ xuất hiện trực tiếp ở thực tại trong văn bản tác phẩm. Nhân vật này chỉ hiện diện trong thì quá khứ.

Thụy được “tôi” khẳng định sự tồn tại trước hết là qua nỗi nhớ. Từ nỗi nhớ của người ngày niên thiếu học cấp hai với một lần ngả đầu vào vai vô tình của cậu bạn, đến những ngày sang Leningrad, rồi cuộc hôn nhân ngắn ngủi được một năm, và bây giờ nỗi nhớ ấy hiển hiện lên qua sản phẩm tình yêu giữa hai người: thẳng Vĩnh, năm nay nó cũng lên mười hai tuổi và ngày ngày chờ mong sự trở về của bố nó vào sinh nhật năm nay. Thằng Vĩnh “Mười hai tuổi nó cao bằng Thuỵ lúc mười sáu tuổi... Tóc

nó cũng cắt cao như tóc Thụy. Mắt nó cũng xếch như mắt Thụy” [106;10]. Mỗi hành

động, mỗi thói quen của Vĩnh đều được “tôi” liên tưởng đến Thụy: “Bữa trưa nó ăn

căngtin ở trường (...). Buổi trưa Thụy ăn cơm ở nhà. Thụy đi học về là vào bếp nấu cơm” [106;11]. Thụy hiện lên thông qua hình ảnh của những con người hiện tại: “Cô

Feng Xiao họ Âu. Quê cô ở Tứ Xuyên (..) Thụy không có quê. Cụ tổ Thụy sinh ở Hồ Nan. Cụ cố Thụy sinh ở Hồ Nan. Ông nội Thụy sinh ở Hồ Nan. Nhưng Thụy sinh ở Yên Khê” [106;23].

Tên đầy đủ của Thụy là Âu Vĩnh Thụy. “Thụy kể Thụy sinh ở Yên Khê. Chúng

tôi sinh cùng năm. Thụy trước tôi ba tháng hai ngày” [106;7]. “Thụy không có quê”;

“Thụy bảo Thụy thích “Tội ác và trừng phạt” [106;33]... Tên của Thụy được nhắc đến 668 lần trong tác phẩm rành rọt, rõ ràng và ngắn gọn, không qua một đại từ nào: chồng tôi, bố tôi, anh ấy, người đàn ông Trung Hoa ấy. Thụy có một cái tên và “tôi” hoàn toàn tôn trọng cái tên ngắn gọn đó.

Nhưng điều làm nhân vật này đặc biệt hơn trong tác phẩm này là nhân vật được khẳng định sự tồn tại không chỉ ở quá khứ mà còn ở thể phủ định: “Không bao giờ

Thụy viết thư cho tôi” [106;35]; “Cả Thụy lẫn tôi đều không có mùi gì đủ thơm để nhớ tận bây giờ” [106;37], “Nước Nga buồn và lạnh (...) Tôi không có một tin tức nào của Thụy. Sau này tôi hay hỏi Thụy sao Thụy không viết thư. Thụy cười không nói”

[106;39]; “Những ngày ấy thằng Vĩnh mới một tháng. Nó biết lẫy. Biết bò. Biết đi.

Không thấy Thụy đâu. Nó đau răng. Cai sữa. Lên sởi. Không thấy Thụy đâu. Nó bị kiến lửa đốt vào tai 39 độ một tuần liền. Không thấy Thụy đâu. Nó nuốt phải hột chôm chôm cấp cứu (...). Không thấy Thụy đâu. Nó bị thằng bạn cùng nhà trẻ cắn rách mũi (...). Không thấy Thụy đâu. Không thấy Thụy đâu” [106;30].

“Thụy không...”; “không... Thụy”; “không bao giờ Thụy ...” ; “Thụy không bao giờ...” - một nhân vật vừa ám ảnh khôn nguôi những con người hiện tại, nhưng lại bị phủ định nhẹ nhàng đến gay gắt như thế, anh ta là ai? Nếu Thụy chết, thì có lẽ băn khoăn về Thụy đã có thể không cuộn trào như thế, bởi mọi thắc mắc sẽ được hoá giải và những người hiện tại có thể sẽ kể về anh ta với giọng điệu khác “”Con rể tôi”; “Chồng tôi...”; “Bố tao...”. 4/5 cuộc đời “tôi” có mặt Thụy, thì 4/5 trong đó, Thụy hiện diện với dạng phủ định. Nhưng mặc cho những suy nghĩ trái chiều hay thuận chiều,

Thụy vẫn là hình ảnh chính trong câu chuyện, của tác phẩm. Đó là nguyên nhân của hạnh phúc, là ngọn nguồn của đau đớn và băn khoăn. Tên Thụy tràn trề trong từng trang văn của “tôi”, ám ảnh trong từng hành động, lời nói, suy nghĩ, miên man trong dòng liên tưởng của người kể chuyện. Thụy là quá khứ không thể chối bỏ. Các mối quan hệ của “tôi” cũng liên quan đến Thụy: bố mẹ “tôi” không ưa Thụy “Có vấn đề

tất nhiên không bao giờ được bố mẹ tôi chấp nhận”; bố mẹ Thụy tin “tôi” không bao

giờ bỏ Thụy; cô Feng Xiao họ Âu, cùng họ với Thụy; hắn không để cho “tôi” nhớ đến Thụy... Thụy ám ảnh tất cả khoảnh khắc hiện tại của “tôi”: “Mười hai năm nay, các giấc mơ của tôi, buồn rầu một chút hay vui nhộn suốt đêm, luôn có thằng Vĩnh, có tôi, có Thụy”. Và đây là sự xuất hiện của Thụy trong đoạn tiếp nối những tưởng tượng của

“tôi” rằng Thụy sẽ có mặt trong lần sinh nhật này của thằng Vĩnh: “Căn thứ tư tối cứ

thế lao vào. Ánh đèn bàn đủ chiếu sang một căn phòng vuông kín như bưng, chính giữa là cái giường đôi trải nệm trắng muốt, trắng đến nỗi tôi cởi ngay áo mưa, thả dép lê rồi lán ra giường, quay ba vòng, đạp chăn xuống đất. hai chiếc gối bông mềm mại tôi giữ lại là một giấc ngăn ngắn đợi Thụy. Thụy xuống đường mua thuốc lá. Ba bao thủ đô còn thừa hôm đám cưới, Thụy dành dụm hút được tháng rưỡi (...). Thụy

phấn khởi đóng cái bàn nhỏ, tôi ngồi đọc sách thỉnh thoảng ngước lên chỉ thấy lưng Thụy lấp ló sau đám khói ngoằn ngoèo bít chì kẹp ở tai. Tôi chợp mắt một lúc mà Thụy vẫn chưa thấy về. Không còn ăn cơm chung với nhau được lần nào, không dẫn nhau ra được công viên Belleiville thì cũng phải gặp nhau năm mười phút trước khi Thụy nề. Thụy bảo thế nên tôi cố đợi (...). Tôi nằm đếm từ một đến ba mươi chín. Đếm đi đếm lại ba mươi chín lần. Cái tủ con cạnh đầu giường và cái tủ đứng trong góc phòng tôi không viết phải mở cái nào trước, tôi không biết Thụy để cái gì trong đó. Tôi lại nằm xuống đợi. Thụy xuống đường đạp xe. Ngồi đóng bàn ghế mãi, Thụy chồn chân, Thụy không chịu nổi (...). Tôi ngồi dậy (...). Tôi lại nằm xuống đợi” [106;239].

Thụy ám ảnh trong quá khứ, miên man trong hiện tại và điều đó đã tạo nên một ảo ảnh trong tương lai của “tôi”.

Trong tiểu thuyết lớn Chinatown, tồn tại một tiểu thuyết nhỏ: I'm yellow (từ

trang 39 đến 49, tiếp tục từ trang 125 đến 151). Đó là câu chuyện của một người đàn ông ngày mai được 39 tuổi, làm hoạ sĩ và sống ở Việt Nam. Câu chuyện là dòng hồi tưởng của anh khi anh đang trên chuyến tàu để ra đi. “Tôi” đã hoàn thành rất xuất sắc nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong các bản “hợp đồng” đã ký. Thế nhưng rồi anh ta ghê tất cả, và anh đã tự lựa chọn ra đi, chìa khoá cho việc quay trở lại, anh vứt xuống cống nằm im ở đó. Chính xác hơn, sự ra đi này là cuộc trốn chạy quá khứ kinh hoàng bởi cuộc hôn nhân với Loan- con người có niềm tin vào sự bất tử và chính những tính toán của Loan cũng hướng tới sự bất tử. Loan là ràng buộc, là gông cùm của “tôi”. Vì thế bứt phá khỏi Loan là bứt phá những ràng buộc để kiếm tìm một cái gì cao hơn thế. Đó là tự do. Và trên chuyến tàu trên ga Hàng Cỏ đó, “tôi” gặp “chị ta”- một con người có những điểm chung với nhân vật “tôi” trong Chinatown. Cuộc đời

của “tôi”, của “chị ta” là hành trình của những chuyến đi xa. Nếu trong quá khứ, “tôi” đã nhiều lần nhảy tàu, từ Bắc chí Nam, không miền nào xa hơn miền nào, không giọng nào khó nghe hơn giọng nào; thì giờ đây, “tôi” đã vứt bỏ hoàn toàn những thứ của hiện tại bất động để bước quay lại với cái mà anh tin là có thể không bị ám ảnh bởi những hối hận cũng bằng cách ra đi, nhưng lần này là sự ra đi mãi mãi. Xét cho cùng, Thụy hay “tôi” hay “chị ta”, bản thân mỗi người đều có một số phận riêng, nhưng họ đều gặp một mặc cảm riêng: Thụy bị gia đình vợ “không chấp nhận được”, bị nhà trường, thầy cô và bạn bè tẩy chay; “tôi” gặp phải một người vợ “ghê tởm” và kinh doanh trên chính công sức của chồng. Họ đều có chung mục đích, đều chung một lý tưởng tự do, và họ đã có những sự lựa chọn cho riêng mình. Họ ra đi chỉ để thoát khỏi những sắp đặt của số phận, ra đi để không biến mình thành con rối bị ngừơi đời giật dây. Cuộc sống quá nhiều điều “quá sức” đối với họ, quá nhiều đòi hỏi, quá nhiều sự “bóc lột” và yêu cầu, nhưng bản thân họ không thể thoả mãn cuộc sống đó, chính xác hơn, họ không muốn tồn tại ở cuộc sống đó nữa. Nhưng cũng có thể, chính họ đã bị cuộc sống đào thải, họ không còn cách nào khác là rút vào hậu trường, vào

đằng sau cánh gà để có thể tìm lối đi cho mình. Liệu những đứa bé như thằng Vĩnh (con trai Thụy và “tôi”), rồi đứa con của “tôi” trong I'm yellow- cảnh sát của bản hợp đồng giữa “tôi” và Loan, chúng có bị ảnh hưởng bởi tính cách và suy nghĩ của bố mẹ? Rồi chúng sẽ hành động như thế? Rồi lại có những cuộc ra đi tiếp theo, những sự mất tích để ẩn dật theo cách chúng muốn? Những Thụy, những “tôi”, những “chị ta”... bản thân họ sống trong cuộc sống gia đình, tưởng chừng là của mình, nhưng thực ra họ hoàn toàn xa lạ với chính những người thân ruột thịt, thậm chí nhân vật “tôi” trong

Chinatown (trong cuộc sống với bố mẹ khi cô nghĩ tương lai của cô, những gì của cô

đều là của bố mẹ cô) cũng vậy.

Một nhân vật khác trong thế giới nhân vật của Thuận cũng chung một hoàn cảnh mất tích trên bề mặt văn bản đó là T (T mất tích). Cứ theo tên tuổi và vị trí (tên nhân vật được đặt làm tên tác phẩm hoặc một phần trong tên tác phẩm) thì T hứa hẹn sẽ là nhân vật chính với nhiều mối quan hệ, vô vàn các sự kiện lý thú kèm theo, bởi bản thân tên tác phẩm: T mất tích đã gợi mở một hướng suy nghĩ của độc giả về một cuốn tiểu thuyết trinh thám cuốn hút. Nhưng sự thật thì đã không như thế.

“T mất tích là cuốn tiểu thuyết về những quan hệ đã mất đi nhân tố quan trọng nhất có khả năng xâu chuỗi những yếu tố khác, nhân tố trung tâm. (...). Cái tên T vừa xuất hiện là ngay lập tức có những yếu tố khác đẩy nó đi ra xa” [16], Cao Việt Dũng đã nhận xét như thế trong lời giới thiệu cho cuốn tiểu thuyết có kết cấu nhại truyện trinh thám này. Sự kiện T - người phụ nữ Việt Nam có chồng quốc tịch Pháp làm kế toán trong một công ty dược phẩm- mất tích sau sáu năm chung sống được “tôi”- người chồng- đón nhận một cách bình tĩnh, thậm chí là bình thản. Từ đầu đến cuối truyện, sự kiện này không hề lấy đi một chút băn khoăn, lo lắng, hay suy nghĩ của “tôi”. Đó thật sự là điều bất hạnh và đáng thương cho bất cứ người vợ nào theo đúng logic tâm lý và lý luận gia đình. Kể từ lời “bố cáo” của người chồng về sự kiện này ngay lời đầu tiên câu chuyện, T xuất hiện trong lời kể của người đàn ông này qua

những chi tiết rất nhỏ, gián tiếp: khi anh ta phải trình báo “lịch làm việc” của vợ mình cho sở Cảnh sát: “T thường rời công sở lúc 5giờ15, đến mẫu giáo đón Hanah con gái

của chúng tôi lúc 6 giờ kém 5 vì đúng 6 giờ là trường đóng cửa” [108;12]; khi băn

khoăn vì sao sếp Brunel có thể phát âm âm “T” chuẩn đến thế và từ đó nghĩ đến các hội thoại của hai vợ chồng, thì: “Các hội thoại của T và tôi trống không (...). T hầu như chỉ gật và lắc. Tên riêng của tôi, T chưa gọi bao giờ. Cô ấy có thói quen đang nói

ngang chừng thì dừng lại” [108;58]; khi người chồng đề cập đến việc trong khi các vị

đồng hương của mình săm soi ngôi nhà của mình, thì: “T không khó tính” [108;63]; khi anh chồng tâm sự rằng anh ta không lãng mạn do bệnh nghề nghiệp (anh ta làm kế toán) nhân một lần cùng con gái vào quán ăn ở khu Châu Á mà “ngày mới quen, đôi

khi tôi cũng đi theo T” [108;77] để theo dõi Brunel, thì: “T không lãng mạn. Cô ấy không rưng rưng đòi tôi đưa đến các buổi lễ lạt đồng hương” [108;78]; khi tiếp tục

công cuộc theo dõi sếp, người chồng vô tình quen được “chị người làm Mã Lai”; và trong một thoáng có ý định so sánh vợ mình với chị ta, thì: “Tóc đen thì đương nhiên

rồi. Nhưng tóc chị ta ngắn và có mái ngang trước trán, còn tóc T dài, hoàn toàn tự nhiên. Chị ta béo hơn T phải chục cân là ít, nhưng thấp hơn, da đậm màu hơn”

[108;89]; khi anh chồng quan hệ tình ái với Anna, một cô y tá anh quen khi về miền Nam đám tang bố mình, thì: “Anna là một bạn tình tuyệt vời (...). Với T tôi chưa có cảm giác ấy. Cô ấy kín đáo và tuy không nói ra tôi cũng biết là T không thích thú với những chuyện này” [108;162]; và đặc biệt khi anh chồng say sưa và đắm mình trong

cơn mơ ban ngày với những cảm giác đê mê tình ái với bao người phụ nữ trước đây, thì hình ảnh của T hiện lên rõ ràng hơn cả nhưng rất ngắn gọn: “Với T mọi việc lại

khác. Cô ấy có thân hình gợi cảm, đường nét mềm mại, nước da mịn, vòng hông nhỏ, bộ ngực nhu nhú. Và mái tóc đen thả dài” [108;189].

Rõ ràng, mỗi chi tiết về T không phải được miêu tả một cách trực tiếp và cụ thể mà trái lại, qua mỗi biến cố, mỗi sự kiện, mỗi hành động của bản thân anh chồng, hay

của một ai khác có quan hệ với anh, T được nhắc đến thoáng qua và đơn giản và không xúc cảm rồi từ đó, “tôi” tiếp tục với sự quan sát, với những suy luận, tưởng tượng hay hành động của mình. Sự mất tích của T dường như không thu hút được sự quan tâm chú ý của bất kỳ ai. Cảnh sát từ chối điều tra vì chưa đủ bốn mươi tám tiếng.

Một phần của tài liệu Dấu ấn chủ nghĩa hậu hiện đại trong tiểu thuyết của nhà văn Thuận (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(98 trang)