MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU GẠO CỦA VIỆT NAM.
3.2.1. Củng cố thị trường hiện có và mở thêm thị trường mới:
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nước về xuất khẩu gạo như hiện nay và các năm tới, để hạt gạo Việt Nam ngày càng đi xa hơn và gây được nhiều tiếng tăm trên thế giới, Việt Nam nhất thiết phải có hệ thống các giải pháp hữu hiệu về thị trường tiêu thụ và xuất khẩu gạo. Đó là:
Để củng cố và mở thêm thị trường mới, Việt Nam cần tăng năng suất và chất lượng sản xuất lúa gạo trong nước để giảm chi phí đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lao động xã hội, từng bước tham gia vào công cuộc hợp tác quốc tế, thực hiện chính sách thương mại mở.
Trên cơ sở tăng cường công tác tiếp thị, không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ lúa gạo ngoài nước. Đối với thị trường truyền thống đặc biệt là thị trường các nước Châu Á có mối quan hệ tốt đối với nước ta (Inđônêsia, Ấn Độ…) và một số nước Trung Đông (Iran, Irắc) Việt Nam cần nâng cao sức cạnh tranh của gạo Việt Nam. Với thị trường Châu Phi, tuy có nhu cầu lớn về gạo nhưng khả năng thanh toán lại có hạn và một phần còn dựa vào nguồn vốn viện trợ quốc tế để thanh toán, do đó ta sẽ bán gạo cho Châu Phi qua phương cách khai thác các nguồn vốn viện trợ quốc tế. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu gạo sang những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, thì bên cạnh việc tiếp thị thì Việt Nam cần phải sản xuất, chế biến các loại gạo phù hợp với yêu cầu của thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng, chỉ bán gạo ở thị trường cao cấp thì mới có hiệu quả cao do bán được giá cao.
Cần đa dạng hoá các kênh lưu thông với các cấp độ lưu thông lúa gạo, chú trọng các hình thức lưu thông vừa và nhỏ tương ứng với quy mô cung- cầu ở thị trường từng vùng và cơ sở hạ tầng, đồng thời xây dựng các kênh và cấp độ lớn nhằm thúc đẩy mở rộng và thống nhất thị trường toàn quốc, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam nhằm đáp ứng thị trường thế giới. Ngoài ra trong tương lai cần giảm bớt và dần dần đi đến chấm dứt việc bán gạo qua trung gian, đẩy mạnh bán trực tiếp để tăng khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam.
Tóm lại để tăng sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trong bối cảnh hiện nay còn phải có nhiều giải pháp đồng bộ hơn, bên cạnh việc mở rộng và ổn định thị trường theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá cần đảm bảo chữ tín với khách hàng, tăng cường tiếp thị, đầu tư nghiên cứu và dự báo thị trường…..bỏ Quota xuất khẩu gạo, mở rộng và khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào hoạt động xuất khẩu gạo, tiến tới thành lập các tập đoàn xuất khẩu gạo lớn có quan hệ với các tập đoàn xuất khẩu gạo của Thái Lan. Việc thực hiện đồng bộ các biện pháp trên sẽ xây dựng được thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.