Những giải pháp mang tính vĩ mô

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI ĐẾN HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU TẠI VIỆT NAM (Trang 43)

I. Xu hướng biến động của tỷ giá USD/VND trong thời gian tới

1. Những giải pháp mang tính vĩ mô

Tỷ giá là đề tài được nhiều người quan tâm, tỷ giá là bài toán khó đối với bất kỳ quốc gia nào. Về lý thuyết muốn duy trì tỷ giá ổn định phải cân đối được cung cầu ngoại tệ. Nói cách khác điều hành tỷ giá phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cán cân thương mại, cán cân vốn, cán cân vãng lai. Muốn điều hành tốt tỷ giá phải cân đối được nguồn vốn vào, nguồn vốn ra.

Ngày 24/2/1999, Thống đốc ngân hàng nhà nước đã có quyết định số 64/1999/QĐ/NHNN và quyết định số 65/1999/QQĐ/NHNN ban hành cơ chế điều hành tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, với nguyên tắc cơ bản là tỷ giá được xác định theo cung cầu thị trường, có sự điều tiết của nhà nước. Trong đó TGBQLNH của ngày hôm trước được áp dụng để các ngân hàng thương mại làm cơ sở xác định tỷ giá giao dịch trong ngày hôm sau. Ngân hàng nhà nước quy định biên độ giao dịch cho phép trong từng thời kỳ. Ngân hàng nhà nước trực tiếp can thiệp lên TTNTLNH để tác động lên TGBQLNH hàng ngày.

Từ năm 2008, trước tình hình suy thoái kinh tế quốc tế ảnh hưởng mạnh đến Việt nam, các dòng vốn vào Việt nam bị hạn chế, ngân hàng nhà nước đã chủ động điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng để tăng tính thanh khoản trên thị trường ngoại tệ, Tính đến 26/12/2008, ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh biên độ tỷ giá từ 2% lên 5%, điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ liên ngân hàng 5,16%.

Ngày 26/11/2009, ngân hàng nhà nước hạ biên độ tỷ giá từ mức 5% xuống 3%, đồng thời nâng tỷ giá liên ngân hàng thêm 5,44%, lên mức 17.961 VND/USD.

Ngày 10/2/2010, ngân hàng nhà nước quyết định điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng từ mức 17.941 VND/USD lên mức 18.544 VND/USD, đồng thời ấn định lãi suất tiền gửi tối đa bằng đôla Mỹ của các tổ chức kinh tế tại ngân hàng ở mức 1%. Các quyết định này là nhằm mục đích cân đối cung cầu ngoại tệ, tạo điều kiện kiểm soát cung tiền, khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngày 17/8/2010, cơ quan này thực hiện điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam với Đô la Mỹ áp dụng cho ngày 18/8/2010 từ mức 18.544 VND lên mức 18.932 VND (tăng gần 2,1%). Trong khi đó biên độ tỷ giá giữ nguyên ở mức +/-3%. Đây là giải pháp nhằm đảm bảo an toàn dự trữ ngoại hối quốc gia, tỷ giá linh hoạt hơn, phản ánh đúng hơn tình trạng cung cầu ngoại tệ thời điểm này.

Ngày 11/2/2011, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD với VND, từ 18.932 VND lên 20.693 VND (tăng 9,3%), cùng với đó là thu hẹp biên độ áp dụng cho tỷ giá của các ngân hàng thương mại từ +/-3% xuống còn +/-1%.

“Các biện pháp này sẽ tạo điều kiện để điều hành điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp với tình hình cung cầu ngoại tệ, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường, góp phần kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn”.

Có thể nói chính sách tỷ giá trong thời gian qua đã có sự điều chỉnh căn bản, đã nêu rõ nguyên tắc xác định tỷ giá, tính thị trường được thừa nhận, sự điều tiết của nhà nước là khá rõ, quyền tự chủ của ngân hàng thương mại được đề cao, ngân hàng nhà nước đã tôn trọng cơ chế thị trường và chủ động trong việc điều hành tỷ giá phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế. Chính sách tỷ giá điều hành dựa trên quan hệ cung cầu, có sự điều chỉnh linh hoạt là đúng đắn.

Đối với ý kiến cho rằng nên để đồng Việt nam mất giá nhiều hơn nữa để khuyến khích xuất khẩu.

Việc này Trung quốc đã làm thành công. Song qua nghiên cứu cho thấy đặc điểm của nền kinh tế Trung quốc năm 1994, năm Trung quốc thực hiện phá giá đồng nhân dân tệ không giống như Việt nam. Trước đó Trung quốc đã chuẩn bị những điều kiện tốt để phá giá tiền tệ. Từ việc định hướng phát triển của nền kinh tế dựa vào xuất khẩu, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất phụ trợ, cho đến việc kết hối ngoại tệ, cân đối ngoại tệ, cơ cấu mặt hàng xuất, nhập khẩu đều phù hợp với việc phá giá tiền tệ. Đối với Việt nam việc phá giá tiền tệ mạnh có thể liên quan đến 2 vấn đề, phá giá có lợi cho xuất khẩu song giá đồng USD cao không có lợi cho nhập khẩu, nhập khẩu giảm sẽ ảnh hưởng đến phát triển sản xuất, mặt khác cơ cấu thương mại của Việt nam quá phụ thuộc vào nhập khẩu, nhập khẩu giảm làm cho xuất khẩu giảm theo. Để làm rõ vấn đề này, cần tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân thâm hụt thương mại của Việt nam gia tăng trong những năm gần đây.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỘNG TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI ĐẾN HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU TẠI VIỆT NAM (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(50 trang)
w