- Môi trường kinh tế
Trong giai đoạn 2009-2011, nền kinh tế có những biến động khó lường. Việt Nam cũng như thế giới phải đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng năm 2008, suy thoái trên nhiều lĩnh vực làm nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập lâm vào tình trạng khó khăn hoặc phá sản. Trong điều kiện như vậy, công ty muốn tiêu thụ được sản phẩm của mình đã thực hiện những chính sách tín dụng thương mại làm cho khoản phải thu của công ty tăng nhanh.
Lạm phát tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp trong điều kiện quy mô không đổi làm tăng nhu cầu vốn lưu động, tiếp đến là giá sản phẩm bán ra cũng tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ.
Do đặc thù kinh doanh nhập khẩu từ nước ngoài nên việc sử dụng ngoại tệ trong thanh toán là tất yếu, tuy nhiện thị trường ngoại hối nước ta còn nhiều hạn chế. Có nhiều thời điểm, công ty khó tiếp cận được với nguồn ngoại tệ trên thị trường chính thức, cũng như những biến động không ngừng về tỷ giá đã gây khó khăn cho công ty trong việc thanh toán cho nhà cung cấp.
- Môi trường chính trị pháp luật
Chính phủ ban hành nhiều văn bản, quy chế liên quan tới hoạt động của ngành hàng tiêu dùng và không ngừng sửa đổi, hoàn thiện sao cho phù hợp với những đổi mới của nền kinh tế, nhưng thực sự hệ thống văn bản pháp luật này còn chưa đồng bộ. Đặc biệt trong hoạt động xuất nhập khẩu, thủ tục rườm rà, thời gian chờ đợi lâu. Do vậy đã kéo dài chu kỳ kinh doanh của công ty, trong khi lạm phát tăng mạnh thì đây là vấn đề nan giải cần giải quyết nhanh. Bên cạnh đó, chính sách
thuế của nhà nước cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Khi thuế nhập khẩu tăng sẽ làm cho giá vốn hàng bán tăng lên, giá bán trong nước tăng lên gây khó khăn cho công tác tiêu thụ.