Đây là một trong nhiều nội dung đã được Ph. Ăng-ghen trình bày trong tác phẩm “Chống Đuy-rinh”. Nghiên cứu vấn đề này là cơ sở xem xét tính thống nhất giữa phép biện chứng duy vật với lý luận nhận thức và logic biện chứng.
(2) C. Mác và Ph. ng-ghen: Sđd, 1994, t.20, tr.38.Ă
Trong chương IX: “Đạo đức và pháp quyền. Chân lý vĩnh cửu”. Ph. Ăng-ghen đã dành một phần tranh luận với Đuy-rinh về cái gọi là “những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng” hay về “tính xác thực tuyệt đối của nhận thức”.
Những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng, theo Đuy-rinh, là những chân lý đối với mọi thế giới, mọi thời đại. Quan niệm trừu tượng về chân lý như thế là biểu hiện đầu tiên của tính chất siêu hình trong lý luận nhận thức, bởi lẽ nó không dựa trên lịch sử vận động và phát triển của tri thức nhân loại. Nêu ra chân lý tuyệt đỉnh, vĩnh cửu (tuyệt đối hoá khả năng nhận thức của con người), Đuy-rinh đã buộc phải đối diện với tình huống sau đây: nếu nhân loại đạt tới chỗ chỉ vận dụng toàn những chân lý vĩnh cửu, những kết quả của tư duy có giá trị tối cao và có quyền tuyệt đối về chân lý, thì điều đó có nghĩa là nhân loại đã đạt tới điểm tận cùng của tri thức, điểm đã cùng kiệt, xét về hiện thực lẫn tiềm năng, và không còn khát vọng lẫn hứng thú khám phá nữa!
Ph. Ăng-ghen vạch rõ, phần lớn các tri thức về thực tiễn của nhân loại đều là tương đối, cũng như trình độ nhận thức của con người luôn cần được hoàn thiện. Nhưng chúng mang tính chân lý, khách quan, phản ánh đúng khía cạnh nào đó của cuộc sống. Mặc dù chúng bị hạn chế, khập khiễng xét trong quá trình nhận thức lâu dài. Tri thức tuyệt đối cũng tồn tại, chúng sẽ không bị loại trừ đi bởi sự phát triển của khoa học. Đuy-rinh đã không nhìn thấy mối liên hệ lẫn nhau giữa các khía cạnh tương đối và tuyệt đối trong quá trình nhận thức. Khi phê phán Đuy-rinh, Ph. Ăng-ghen cho rằng, cần xem xét nhận thức một cách biện chứng, nghĩa là không phải như kết quả cứng đờ, khuôn mẫu, mà như quá trình vận động từ chưa biết đến biết, từ kiến thức tương đối đến kiến thức tuyệt đối. Quan điểm như thế đã nói lên tính mâu thuẫn của nhận thức, và có thể có câu trả lời đúng đắn về tính độc lập của nhận thức (tuyệt đối và tương đối). Nó độc lập bằng bản chất của mình, bằng chức năng, khả năng, mục đích lịch sử cuối cùng, nó không độc lập (lệ thuộc) và có giới hạn bằng sự thể hiện riêng lẻ, bằng trình độ nhận thức cụ thể có được ở một thế hệ nhân loại nhất định.
Ph. Ăng-ghen viết: “… Tư duy của con người vừa là tối cao vừa là không tối cao, và khả năng nhận thức của con người vừa là vô hạn, vừa là có hạn. Tối cao và vô hạn là xét theo bản tính, sứ mệnh, khả năng và mục đích lịch sử cuối cùng; không tối cao và có hạn là xét theo sự hực hiện riêng biệt và thực tế trong mỗi một thời điểm nhất định”(1).
Ph. Ăng-ghen dựa vào lịch sử khoa học để chỉ ra mối quan hệ giữa chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối, thông qua đó, phê phán cách hiểu một chiều về chân lý vĩnh cửu như cái đã diễn ra, cái hiển nhiên, tức chân lý sự kiện và các công thức chính xác. Ông nhắc lại phương pháp phân chia khoa học trong truyền thống thành ba nhóm và lược khảo tình hình phát triển của chúng, bằng cách ấy chứng minh quan điểm biện chứng về chân lý cụ thể và quan hệ giữa tuyệt đối và tương đối trong tri thức. Nhóm khoa học thứ nhất là khoa học nghiên cứu giới tự nhiên vô sinh và ít nhiều dùng phương pháp toán học để xử lý (toán, thiên văn học, cơ học, vật lý, hoá học) vốn được gọi là khoa học chính xác. Nhưng ngay ở đây, cùng với sự phát triển của tri thức, sự tìm kiếm chân lý và khám phá cũng luôn xuất hiện nhiều sai lầm, và có cả vô số giả thuyết đang chờ được thẩm định. “Ở đây, những chân lý tuyệt đỉnh… ngày càng trở nên hiếm có một cách lạ lùng”(2). Ở nhóm khoa học thứ hai - khoa học về những cơ thể sống, tính chất nhiều vẻ của những quan hệ khiến cho một vấn đề vừa được giải quyết lập tức nảy sinh hàng loạt vấn đề mới. “Nhu cầu hệ thống những mối quan hệ được nghiên cứu cũng luôn luôn buộc chúng ta phải dựng lên cả một rừng giả thuyết dày đặc xung quanh những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng”(3). Đối với nhóm khoa học thứ ba - những khoa học lịch sử, theo Ph. Ăng-ghen, tính chất tương đối của chân lý gắn liền với sự phong phú trong hoạt động của nhân tố chủ quan. Sự đề xuất cái gọi lag chân lý vĩnh cửu, chính nghĩa vĩnh cửu theo những chân lý tuyệt đối, những tri thức chính xác hoàn toàn là sự hạ thấp lịch sử con người và xã hội loài người.
(1) C. Mác và Ph. ng-ghen: Sđd, 1994, t.20, tr.127.Ă
(2) C. Mác và Ph. ng-ghen: Sđd, 1994, t.20, tr.128.Ă
Tính chất siêu hình và máy móc trong lý luận nhận thức của Đuy-rinh còn thể hiện ở sự tách biệt, đối lập chân lý và sai lầm. Đối với Đuy-rinh hoặc chân lý, hoặc sai lầm, bất chấp mọi điều kiện và tính khuynh hướng của sự vận động tri thức. Nếu là chân lý thì đó là chân lý tuyệt đối. Tuy nhiên, sự vận động của tri thức thể hiện sự vận động của lịch sử, khiến cho cái hôm qua được gọi là chân lý, hôm nay có thể trở thành cái cá biệt, cái sai lầm; và ngược lại, cái hôm qua là sai lầm, hôm nay có thể trở thành cái đối lập với nó. Chân lý và sai lầm, do đó “chỉ có giá trị tuyệt đối trong một phạm vi cực kỳ hạn chế”(1). Trong lĩnh vực đạo đức, theo Ph. Ăng-ghen, tương quan đó cũng dễ xác định: “Từ dân tộc này sang dân tộc khác, từ thời đại này sang thời đại khác, những quan niệm về thiện và ác đã biến đổi nhiều, đến mức chúng thường trái ngược hẳn nhau”(2).
Qua những phác thảo tư tưởng ấy, Ph. Ăng-ghen đã đưa ra một số chỉ dẫn có giá trị đối với việc giải quyết các vấn đề phức tạp của lý luận nhận thức, tránh những biểu hiện của cả chủ nghĩa giáo điều lẫn chủ nghĩa hoài nghi.