Mekong Enterprise Fund ra đời vào tháng 4 năm 2002, đặt trụ sở tại đảo
Cayman. Công ty quản lý quỹ là Mekong Capital. Hiện nay, quỹ chưa được
niêm yết trên thị trường chứng khoán. Với số vốn đầu tư 18,5 triệu USD, quỹ
tập trung vào đầu tư cổ phần của các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam, Lào,
Campuchia. Đầu tư cổ phần bao gồm có thể cổ phần phổ thông, cổ phần ưu
đãi, trái phiếu chuyển đổi và các loại chứng khoán liên quan đến cổ phần khác.
Quỹ đặt mục tiêu đạt được mức lợi nhuận thu được cao nhất có thể đối với các
khoản đầu tư của mình và đồng thời tạo được tác động tích cực đến sự phát
triển của các doanh nghiệp tư nhân tại vùng Mekong. Quỹ hướng đến việc đạt
được các mục tiêu của mình bằng cách đưa ra những sự trợ giúp đáng kể cho
các công ty mà quỹ đầu tư, đặc biệt trong việc giúp họ phát triển hệ thống
quản lý như quản trị nhân sự, quản lý tài chính, quản lý thông tin… dựa trên
những thông lệ quốc tế tốt nhất.
Thay vì tập trung vào các công ty có vốn đầu tư nước ngoài hay các công
ty nhà nước cổ phần hoá, quỹ chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp thuộc
khu vực tư nhân do các nhà doanh nghiệp tại địa phương thành lập. Tuy nhiên
quỹ chỉ tập trung đầu tư vào các công ty tận dụng được các lợi thế cạnh tranh
trong vùng liên quan đến chi phí nhân công, nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Quỹ tập trung đầu tư vào việc mở rộng kinh doanh hoặc tái cơ cấu của các
doanh nghiệp đang hoạt động. Quỹ thường không đầu tư vào các công ty mới
thành lập, yêu cầu các công ty phải có thời gian hoạt động tối thiểu là một năm
và phải đạt được những thành tựu rõ ràng để có thể được xem là khoản đầu tư
tiềm năng của quỹ. Chiến lược đầu tư của quỹ chủ yếu tập trung vào các
ngành sử dụng nhiều nhân lực và kinh doanh theo hướng xuất khẩu. Hiện nay,
quỹ đang tập trung đầu tư vào những ngành sau: - Chế biến nông nghiệp, bao gồm chế biến hải sản. - Sản xuất đồ gỗ, bàn ghế và thủ công mỹ nghệ.
- Công nghiệp nhẹ, bao gồm may mặc, giày dép và nhựa. - Phát triển và gia công phần mềm.
- Tích hợp hệ thống và tích hợp mạng.
- Các dịch vụ chuyên môn như công ty quảng cáo, luật và tư vấn. - Phân phối và vận chuyển.
Tuy nhiên, quỹ không chỉ giới hạn đầu tư vào những ngành này mà có
thể đầu tư vào những lĩnh vực khác. Nói chung, quỹ ưu tiên những công ty sử
dụng nhiều nhân công trong hoạt động kinh doanh của mình, và những công ty
có lợi thế cạnh tranh rõ ràng hay có năng lực cạnh tranh đặc biệt. Quỹ dự định sẽ đầu tư trong khoảng từ 250.000 USD đến 1.850.000 USD
cho mỗi công ty. Như vậy khoản đầu tư trung bình vào khoảng 1.000.000
USD. Khoản đầu tư trung bình này nhỏ hơn các quỹ khác nên quỹ có thể đầu
tư vào các công ty nhỏ hơn. Quỹ có thể nắm giữ tối đa 30% trong tổng số cổ
phần đã phát hành của một công ty tại thời điểm đầu tư. Khi quỹ đầu tư, quỹ
thường yêu cầu được quyền chỉ định một đại diện vào hội đồng quản trị của
công ty. Vai trò của người đại diện này sẽ không liên quan đến việc quản lý
hàng ngày của công ty. Thay vào đó, người giữ vai trò này sẽ giám sát khoản
đầu tư, tư vấn và trợ giúp công ty nhằm tạo ra giá trị cho công ty. Quỹ có thể
đầu tư vào các doanh nghiệp quốc doanh cổ phần hoá. Tuy nhiên, quỹ chỉ có
thể đầu tư vào các công ty mà nhà nước nắm giữ ít hơn 35% tổng số cổ phần
của công ty sau khi quỹ đầu tư.
Quỹ dự kiến sẽ hoạt động trong thời gian 10 năm kể từ ngày khai trương
22/04/2002. Quỹ chỉ có thể tiến hành các hoạt động đầu tư trong 5 năm đầu.
Khi đầu tư, quỹ dự định sẽ nắm giữ khoản đầu tư từ 5 đến 8 năm. Thời gian
nắm giữ khoản đầu tư sẽ có thể ngắn hơn hoặc dài hơn tuỳ thuộc vào từng
trường hợp.
Kể từ khi hoạt động tới nay, Mekong Enterprise Fund đã thực hiện được
ba dự án đầu tư. Công ty đầu tiên nhận được đầu tư của quỹ là công ty nhựa
Tân Đại Hưng với số tiền đầu tư là 1,6 triệu USD. Đây là một trong những
công ty tư nhân hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất túi nhựa PP.
Quỹ hiện đang nắm giữ 28,5% cổ phần của công ty. Trong tháng 3 năm 2003,
quỹ đầu tư vào công ty cổ phần kiến trúc xây dựng AA và đến tháng 10 này,
quỹ đã đầu tư 745.000 USD vào công ty máy tính Lạc Việt. Lạc Việt là một
trong những công ty dẫn đầu trong công nghệ mạng với nhiều khách hàng lớn
như Citibank, ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng nông nghiệp và phát
triển nông thôn, Ngân hàng đầu tư phát triển…