Bản chất và nguyên nhân của tha hoá

Một phần của tài liệu Quan niệm của C. Mác về tha hóa và ý nghĩa của nó đối với phát triển con người Việt Nam hiện nay (Trang 87)

2.3.1. Bản chất của tha hoá

Từ hai phương diện trên đây của hành vi tha hoá của hoạt động thực tiễn của con người, tức là của lao động, Mác đưa ra quan niệm về tha hoá bản chất tộc loại của con người như hệ quả tất yếu của sự tha hoá lao động. Đồng thời sự phân tích quan niệm của Mác về các hình thức tha hoá trong tôn giáo, trong xã hội - chính trị đã cho thấy đó chính là những biểu hiện của sự tha hoá chính bản chất con người. Từ đó có thể thấy trong quan niệm của Mác thì tha hoá là sự tự tha hoá.

Theo Mác, con người cũng như con vật sống bằng giới tự nhiên vô cơ. Giới tự nhiên không chỉ cung cấp cho con người các tư liệu sinh hoạt, mà còn là đối tượng của hoạt động tinh thần của con người, là “giới tự nhiên tinh thần vô cơ của con người”. Như vậy, đời sống tinh thần và thể xác của con người gắn liền với giới tự nhiên. Giữa con người và tự nhiên có sự gắn bó khăng khít không thể tách rời, Mác viết:

Giới tự nhiên - cụ thể là cái giới tự nhiên trong chừng mực bản thân nó không phải là thân thể của con người - là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là

quá trình thường xuyên giao tiếp để tồn tại. Nói rằng đời sống thể xác và tinh thần của con người gắn liền với giới tự nhiên, nói như thế chẳng qua chỉ có nghĩa là giới tự nhiên gắn liền với bản thân giới tự nhiên, vì con người là một bộ phận của giới tự nhiên [92, tr. 135].

Lao động bị tha hoá dẫn tới giới tự nhiên chỉ còn là phương tiện để duy trì sự tồn tại thân xác của con người. Lao động bị tha hoá làm cho lao động trở thành đối lập với giới tự nhiên, lao động không còn là hoạt động cải tạo tự nhiên, chiếm lĩnh tự nhiên phục vụ cho đời sống con người và thông qua đó mà còn người hoàn thiện chính mình nữa. Lao động tha hoá, khiến cho con người vì là một sinh vật có ý thức, chỉ biến chính hoạt động sinh sống của mình, bản chất của mình thành phương tiện để duy trì sự tồn tại thân xác của con người, mọi hoạt động tinh thần khác bị loại khỏi đời sống con người. Như vậy lao động tha hoá đã biến cái thế hơn của con người so với con vật thành cái tiêu cực đối với con người. Do vây lao động tha hoá dẫn đến kết quả:

Bản chất có tính loài của con người - giới tự nhiên cũng như tài sản tinh

thần có tính loài của con người - bị biến thành một bản chất xa lạ với con người, thành phương tiện duy trì sự tồn tại cá nhân con người. Lao động bị tha hoá làm cho thân thể của bản thân con người, cũng như giới tự nhiên ở bên ngoài con người, cũng như bản chất tinh thần của con người, bản chất

nhân loại của con người, trở thành xa lạ với con người [92, tr.138].

Kết quả trực tiếp của việc con người bị tha hoá với sản phẩm lao động của mình, với hoạt động sinh sống của mình, là sự xa lạ, đối lập của chính con người với con người. Lao động bị tha hoá làm “tha hoá bản chất có tính loài của con người với con người, có nghĩa là một người này bị tha hoá với người khác và từng người trong số họ bị tha hoá với bản chất người” [92, tr. 138-139].

Hoạt động lao động là hoạt động bản chất của con người, thông qua hoạt động đó con người tạo lập nên các mối quan hệ xã hội và qua đó mà

khẳng định và thể hiện bản chất người của mình. Trong xã hội có sự phân chia giai cấp, đặc biệt trong xã hội tư bản chủ nghĩa thì lao động bị tha hóa, chính sự tha hoá lao động dẫn đến tha hoá bản chất con người, biến cái vốn có của con người thành cái bị tách khỏi con người, đứng đối lập với con người như một cái xa lạ. Đồng thời sự tha hoá lao động cũng dẫn đến sự xa lạ, đối lập của mỗi người với người khác, Mác viết:

Nếu sản phẩm của lao động không thuộc về công nhân, nếu nó đối lập với công nhân như một lực lượng xa lạ, thì điều này chỉ có thể xảy ra do chỗ sản phẩm thuộc về người khác, người không phải công nhân. Nếu hoạt động của công nhân là nỗi khổ dày vò bản thân anh ta thì hoạt động đó nhất định phải mang lại khoái lạc và thú vui cho một người khác nào đó. Không phải thần thánh và giới tự nhiên, mà chỉ chính ngay con người mới có thể là lực lượng xa lạ, thống trị con người [92, tr. 140].

Như vậy, hiện tượng tha hoá có liên hệ chặt chẽ với hiện tượng bóc lột trong xã hội có sự phân chia giai cấp đối kháng. Chính sự bóc lột, sự nô dịch giữa con người với con người (thống trị và bị trị) đã làm cho người lao động bị tha hoá. Khi phân tích sự tha hoá con người trong chủ nghĩa tư bản, Mác cho rằng chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa không chỉ làm cho người công nhân bị mất nhân tính mà bản thân nhà tư bản cũng mất nhân tính, cũng bị tha hoá, Mác viết: Sự tha hoá thể hiện ở chỗ tư liệu sinh hoạt của tôi thuộc về người khác, ở chỗ đối tượng mong muốn của tôi là vật sở hữu của người khác mà tôi không với tới được, cũng như ở chỗ bản thân mỗi vật hoá ra là một

cái khác với bản thân nó, ở chỗ hoạt động của tôi hoá ra là một cái khác

nào đó và cuối cùng - điều này cũng đúng với nhà tư bản - lực lượng

không phải người nói chung thống trị tất cả [92, tr.196].

Mác cho rằng việc nhà tư bản hưởng lạc của cải không làm mà có, coi lao động của người khác, “mồ hôi đẫm máu của người khác” là miếng mồi cho

lòng thèm muốn của mình và do đó coi bản thân con người (cả bản thân mình) là một sự hy sinh nhỏ mọn. Việc đó cùng với sự lãng phí của nhà tư bản, một sự lãng phí ngạo mạn, mà phần lãng phí đó có thể duy trì hàng trăm sinh mệnh con người là thể hiện một sự khinh bỉ con người. Như vậy vô hình chung người công nhân thực hiện hoạt động lao động - hoạt động hiện thực hoá những lực lượng bản chất con người - chỉ như là sự thực hiện những ý muốn “quái đản” và “những ý ngông lạ lùng kỳ quái”. Vậy là con người trở thành xa lạ với con người, đối địch với đồng loại của mình. Đối với bản thân nhà tư bản, khi chỉ nghĩ đến việc hưởng lạc mà không lao động thì chính anh ta trở thành nô lệ cho của cải, lúc đó của cải cũng trở thành một lực lượng hoàn toàn xa lạ, đứng trên bản thân anh ta. Sự phân tích của Mác cho thấy bản thân nhà tư bản cũng làm nô lệ cho chính sở hữu của mình, cho tư bản của mình, nó trở thành một lực lượng xa lạ với chính anh ta. Việc đặt lợi nhuận lên trên hết đã biến nhà tư bản trở thành những kẻ thực dụng, lạnh lùng, khiến mối quan hệ giữa người với người chỉ còn là mối quan hệ tiền nong đơn thuần. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, tư bản và tiền tệ trở thành “chủ thể” đối lập với người lao động và ngay cả đối với cá nhân nhà tư bản. Tư bản trở thành một chủ thể đích thực “chỉ huy” ngay chính những người được gọi là chủ sở hữu của nó. Chính tư bản sở hữu những kẻ sở hữu mình. Nói cách khác “Cái phi nhân” cũng trở thành số phận của giai cấp thống trị. Trong xã hội tư bản chủ nghĩa, con người (tư sản) sống vị kỷ, luôn tìm cách làm nảy sinh một lực lượng bản chất xa lạ nào đó thống trị người khác. Trong điều kiện của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa khi khối lượng sản phẩm càng tăng lên thì “vương quốc của những bản chất xa lạ” mà con người khuất phục càng lớn lên. Mỗi sản phẩm mới là một khả năng mới để con người lừa dối lẫn nhau và cướp đoạt lẫn nhau. Trong điều kiện đó “con người ngày càng nghèo khổ với tính cách là con người” - con người bị tha hoá.

Trong xã hội tư bản chủ nghĩa cả người lao động và giai cấp tư sản đều bị tha hoá, từ địa vị “chủ thể” họ trở thành “khách thể” bị chi phối, bị thống trị.

Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, Mác cho rằng, chính việc xã hội tách khỏi những cá nhân thành một cái gì độc lập, chính “sự dã man hoá” - sự tha hoá của xã hội đã dẫn đến hệ quả: “Kẻ thực lợi” - giai cấp tư sản trở thành tầng lớp mang những quy định “dã thú”, “vô công rồi nghề”, và “người có bản chất vốn có đang bị thoái hoá”; đồng thời cũng dẫn đến tình trạng của giai cấp vô sản là rơi vào “sự sa sút của bản chất vốn có của con người do tình trạng căng thẳng và kiệt sức” và việc “buộc phải làm việc như cái máy”. Theo Mác, đến xã hội tư bản chủ nghĩa thì hiện tượng tha hoá là “gay gắt nhất” và “phổ biến nhất”. Từ đó ông đi đến tư tưởng mang tính nhân đạo:

Trong thời đại hiện nay, sự thống trị của những quan hệ khách thể đối với cá nhân, sự khống chế của tính ngẫu nhiên đối với cá tính đã mang một hình thức gay gắt nhất, phổ biến nhất, do vậy đã đặt ra trước những cá nhân đang tồn tại một nhiệm vụ hoàn toàn rõ ràng. Sự thống trị đó đã đặt ra trước họ nhiệm vụ sau đây: Xác lập sự thống trị của cá nhân đối với tính ngẫu nhiên và những quan hệ để thay thế cho sự thống trị của những quan hệ và của tính ngẫu nhiên đối với cá nhân [81, tr. 643]. Như vậy, thực chất mọi hình thức tha hoá đều là biểu hiện của sự tha hoá bản chất con người. Vì vậy tha hoá là quá trình tự tha hoá. Sự tha hoá bản chất con người được Mác phân tích ở hai khía cạnh: sự xa lạ của con người với giới tự nhiên và sự xa lạ của con người với chính con người. Kết quả là

con người trở thành xa lạ với chính thế giới mà con người đang sống.

Sự phân tích của Mác về các hình thức tha hoá và hệ quả của mọi sự tha hoá trên đây đã lột tả khá sâu sắc quan niệm của ông về bản chất của tha hoá. Điều đó thể hiện sự khác biệt về chất trong quan niệm về tha hoá của

Mác với quan niệm của những nhà triết học trước, và ngay cả với của Hêghen là nhà triết học ngay trước ông.

Thuật ngữ “tha hoá” – entfremdung (Tiếng Đức), hiểu theo nghĩa chung nhất là trở thành xa lạ với chính mình. Bản thân Hêghen, Phoiơbắc và Mác đã không đưa ra một khái niệm chung nhất về “tha hoá” với tư cách một phạm trù phản tư. Theo nghĩa chung nhất đó của thuật ngữ “tha hoá” các ông đã cụ thể hoá nó theo quan niệm của mình.

Thuật ngữ “tha hoá” - entfremdung được Hêghen dùng để diễn tả quá trình tha hoá và lột bỏ tha hoá của tinh thần. Tha hoá là quá trình tinh thần trở thành giới tự nhiên là cái đối lập với nó và sau đó vượt bỏ sự tha

hoá đó để trở về chính mình. Đó cũng là quá trình tinh thần tự nhận thức

về chính bản thân mình theo hướng ngày càng hoàn thiện. Hêghen dùng thuật ngữ “entfremdung” đi liền với thuật ngữ “entausserung” (hiểu là sự khách quan hoá hay đối tượng hoá, theo dịch giả Bùi Văn Nam Sơn nó được dịch là sự xuất nhượng). Từ cách luận giải của Hêghen thì mọi sự khách quan hoá đều là tha hoá. Theo tinh thần đó của Hêghen thì rõ ràng tha hoá là một hiện tượng tất yếu vì đó chính là một mắt khâu trong quá trình tự vận động, phát triển của “ý niệm tuyệt đối”. Từ đó, có thể hiểu trong triết học Hêghen, tinh thần tuyệt đối tha hoá mình và tước bỏ tự do khỏi mình để nhận thức mình trong tồn tại khác, bằng cách đó cũng vượt qua sự tự tha hoá, quay trở về mình và có được tự do tuyệt đối.

Theo sự luận giải của mình, Phoiơbắc nhận ra bản chất của tôn giáo ở chỗ, cá nhân tha hóa tộc loài của mình khỏi bản thân và chuyển những phẩm chất của mình cho sinh linh tối cao là Thượng đế.

Mác lấy hai từ Entausserung và Entfremdung từ Hêghen để diễn tả hiện tượng phổ biến trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Nhưng Mác đã phân biệt khá rõ ràng mối quan hệ giữa hai thuật ngữ này. Theo Mác mọi sự tha hoá đều là sự

khách quan hoá, sự chuyển hoá cái ban đầu vốn thuộc về bản thân sự vật ra

khỏi sự vật và trở thành xa lạ thậm chí thống trị lại sự vật đó. Tuy nhiên, theo

Mác thì không phải mọi sự khách quan hoá đều là tha hoá. Trong quá trình lao động, con người đối tượng hoá hoạt động của mình, và chỉ trong những điều kiện xã hội nhất định khi những sản phẩm lao động, tư liệu lao động bị tách rời và trở thành xa lạ với người lao động thì khi đó mới có sự tha hoá. Như vậy, tha hoá mang tính xã hội. Đối với Mác tha hoá chỉ có khi những cá nhân hay giai cấp bị nô dịch bởi những lực lượng xã hội (giai cấp, quan hệ sở hữu, nhà nước, thiết chế, tôn giáo…) thống trị họ, cho dù họ đã tạo ra chúng.

Động từ tha hoá - entfremden là động từ phản thân và trong tư tưởng của cả Hêghen và Mác thì sự tha hoá về cơ bản là sự tự tha hóa. Xét sâu về bản chất thì tự tha hoá là bị tách khỏi bản chất của mình, nghĩa là bị bó buộc phải sống một cuộc sống mà bản chất của nó không khi nào được thỏa mãn hay trở thành hiện thực. Theo đó thì tha hoá là hiện tượng làm cho cái vốn có của sự vât bị tách khỏi sự vật, đối lập, thống trị sự vật.

Dựa trên quan niệm của Mác về tha hóa, rất lâu sau, qua nhiều lần chỉnh sửa, các nhà triết học Xô Viết đã đưa ra định nghĩa chung về tha hóa như sau:

Tha hóa là quá trình xã hội mà đặc trưng của nó là biến đổi hoạt động người và

kết quả của hoạt động đó thành một lực lượng độc lập thống trị lại chính con

người và trở thành thù địch với con người” [159, tr. 456] (Chúng tôi nhấn mạnh).

Định nghĩa trên đây, theo chúng tôi có thể coi là khái niệm chung về tha hoá được rút ra từ việc nghiên cứu quan niệm của Mác về vấn đề đó. Trên thực tế, bản thân Mác đã không còn dừng ở việc sử dụng “tha hoá” như một khái niệm trừu tượng của tư duy mà đi vào phân tích những cá nhân hiện thực trong sự tha hoá hiện thực của họ và những điều kiện kinh nghiệm của sự tha hoá ấy. Trọng tâm nghiên cứu của Mác là “tha hoá lao động” trong chủ nghĩa tư bản mà bản chất của nó đã được phân tích ở phần trên. Theo đó, lao động

là phương thức tồn tại và phát triển của con người, lao động là thuộc tính khách quan, nội tại của con người; chính trong lao động mà con người thể hiện được bản chất người của mình. Tuy nhiên, trong xã hội tư bản chủ nghĩa, lao động trở thành gánh nặng của con người, cả hoạt động và sản phẩm lao động trở thành xa lạ với con người; trong lao động con người bị đánh mất bản chất người của mình – con người bị tha hoá.

Như vậy, tha hoá là hiện tượng phổ biến trong xã hội tư bản, nó là một quá trình khách quan và biểu hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Một phần của tài liệu Quan niệm của C. Mác về tha hóa và ý nghĩa của nó đối với phát triển con người Việt Nam hiện nay (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(198 trang)