Những quan niệm chủ yếu của C.Mác về tha hoá

Một phần của tài liệu Quan niệm của C. Mác về tha hóa và ý nghĩa của nó đối với phát triển con người Việt Nam hiện nay (Trang 54)

Mác quan tâm đến vấn đề tha hoá từ rất sớm, ngay từ những tác phẩm thời kỳ chưa chuyển sang lập trường duy vật chủ nghĩa, Mác đã đề cập đến những hình thức biểu hiện khác nhau của hiện tượng tha hoá. Lý luận về tha hoá không phải là trọng tâm của học thuyết Mác, tuy nhiên đây lại là vẫn đề gắn liền với những quan niệm duy vật lịch sử của Mác có mục tiêu cuối cùng là giải phóng và phát triển toàn diện con người. Trong phần này mục đích của chúng tôi là khái lược những nghiên cứu của Mác về vấn đề tha hoá qua một số tác phẩm tiêu biểu, để từ đó phân tích sâu quan niệm của Mác về bản chất những hình thức tha hoá chủ yếu ở phần sau.

2.1.1. Quan niệm của C. Mác về tha hoá qua một số tác phẩm tiêu biểu từ năm 1844 trở về trước

Vấn đề về tha hoá đã được đề cập từ khá sớm trong lịch sử triết học, dưới hình thức tha hoá chính trị - xã hội, tha hoá tư tưởng, ý thức. Mác cũng như những người cùng thời với ông, cũng bắt đầu từ sự tha hoá của ý thức, tuy nhiên ông không chỉ dừng ở đó mà đi sâu phân tích khái niệm tha hoá trên bình diện mới - tha hoá trong lĩnh vực kinh tế. Những nghiên cứu lý luận thuần tuý về tha hoá được Mác tiến hành chủ yếu trong một số tác phẩm ở thời kỳ đầu của sự hình thành chủ nghĩa Mác, mà trọng tâm là tác phẩm “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”.

Ngay trong loạt bài đăng trên tờ “Báo mới vùng Ranh”, Mác đã đề cập đến thái độ bái vật giáo của con người đối với các quan hệ kinh tế hiện thực và đến tính chất bái vật giáo của tiền tệ. Tiếp theo trong tờ “Niên giám Pháp -

Đức”, Mác tiến gần đến tư tưởng về tính chất bái vật giáo hàng hoá, coi những ảo tưởng tôn giáo cũng là một dạng tha hoá.

Trong tác phẩm “Về vấn đề Do thái”, khái niệm tha hoá đã được Mác phác thảo khá rõ nét. Ở đó, Mác đã đề cập đến các thứ bậc khác nhau của tha hoá. Mác tiến hành phê phán tha hoá tôn giáo và gắn liền với nó là sự tha hoá xã hội - chính trị - nền tảng “thế tục” của tôn giáo. Từ đó, Mác đặt vấn đề về mối quan hệ giữa giải phóng chính trị và giải phóng con người, và đi đến tư tưởng nhân đạo về sự giải phóng con người khỏi sự tha hoá chính trị. Trong tác phẩm này, Mác chưa đi đến tư tưởng về tha hoá kinh tế, nhưng ở đây những hiện tượng bái vật giáo hàng hoá đã được hiểu như là những hiện tượng phái sinh từ những quan hệ thuần tuý kinh tế, còn bái vật giáo hoá tiền tệ được lý giải như là “bản chất đã tha hoá của lao động và của tồn tại con người ra khỏi con người” [77, tr. 564] thông qua các quan hệ của sự vật “sự tha hoá của các vật là thực tiễn của sự tha hoá của con người” [77, tr. 567].

Trong tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen” (1843), Mác đã đưa ra tư tưởng về tha hoá xã hội - chính trị. Ở tác phẩm này vấn đề tha hoá nhà nước - biểu hiện tập trung của tha hoá xã hội - chính trị - được Mác khảo sát trên cơ sở phê phán quan niệm nhà nước pháp quyền của Hêghen. Tư tưởng của Mác bắt đầu đối lập với quan niệm của Hêghen trong việc lý giải nguồn gốc của nhà nước, không phải nhà nước là nền tảng của xã hội công dân, mà theo Mác, ngược lại xã hội công dân mới là nền tảng của nhà nước. Và như vậy, sự tha hoá nhà nước biểu hiện chính ở sự tách rời giữa xã hội công dân và nhà nước chính trị. Sự tách rời đó biểu hiện ở sự rạn nứt nội tại diễn ra trong cùng một con người khi nó phải giữ hai vai trò, nhưng dưới một hình thức duy nhất và như nhau: như thành viên của “tổ chức công dân” và như thành viên của “tổ chức nhà nước”. Tư tưởng về sự tha hoá nhà nước gắn liền với tư tưởng của Mác sau này về sự tiêu vong của nhà

nước, về xã hội cộng sản chủ nghĩa không còn nhà nước (với tư cách bộ máy bạo lực). Tác phẩm này sẽ mở đường cho việc xem xét tha hoá chính trị như là kết quả của các quá trình kinh tế.

Như vậy, trong những tác phẩm thời kỳ trước năm 1844, khái niệm tha hoá đã được Mác phác thảo khá rõ nét, các thứ bậc tha hoá cũng đã được ông khảo sát cùng với sự chuyển biến lập trường thế giới quan của ông, từ tha hoá tôn giáo đến tha hoá xã hội-chính trị. Những nghiên cứu của Mác ở giai đoạn này mới chỉ là bắt đầu, nó là tiền đề cho việc đi sâu nghiên cứu nền tảng của mọi dạng tha hoá, nhất là tha hoá lao động trong tác phẩm “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”.

Trước khi viết tác phẩm nêu trên, Mác đã khảo cứu tha hoá lao động trong cuốn “Tóm tắt quyển sách “Những nguyên lý của khoa kinh tế chính trị học” của Giêm - XơMin”. Trong đó tha hoá được thể hiện dưới hình thức sùng bái tiền tệ. Theo Mác, thay vì bản thân con người làm trung gian đối với con người, sự có mặt của tiền – vật trung gian xa lạ - dẫn đến chỗ con người coi ý chí của bản thân mình, hoạt động của mình, quan hệ của mình với những người khác là một lực lượng độc lập đối với con người và với những người khác. Chính sự sùng bái tiền tệ đã làm cho

… địa vị nô lệ của con người đạt tới đỉnh điểm. Vì vật trung gian là

quyền lực thực tế đối với cái mà nó làm trung gian với tôi, nên rõ ràng

là vật trung gian ấy trở thành vị thần thực tế. Việc sùng bái vị thần đó trở thành mục đích tự thân [91, tr. 32].

Tiền tệ chính là biểu hiện sự tha hoá của sở hữu tư nhân:

Quan hệ xã hội của sở hữu tư nhân với sở hữu tư nhân đã là mối quan hệ mà trong đó sở hữu tư nhân đã tha hoá khỏi chính mình. Vì vậy, sự tồn tại độc lập của mối quan hệ đó - tiền tệ - là sự tha hoá của sở hữu tư

nhân, là sự trừu tượng hoá bản chất, đặc thù, cá nhân của nó [91, tr. 33].

Đồng thời Mác cũng phê phán quan niệm của các nhà kinh tế học tư sản đã coi sự phát triển của hệ thống tín dụng, hệ thống ngân hàng là những nấc thang khắc phục sự tách rời của con người với vật, của tư bản với lao động, của sở hữu tư nhân với tiền tệ, của tiền tệ với con người, của con người với con người... Mác cho rằng đó chỉ là vẻ bề ngoài của sự khắc phục tha hoá, “đó càng là sự tha hoá, sự phi nhân hoá hèn hạ hơn và cực đoan hơn” [91, tr. 36]. Ở đây Mác đã đi đến tư tưởng về tha hoá lao động, về mối quan hệ của nó với sở hữu tư nhân.

Lao động của tôi sẽ là biểu hiện tự do của đời sống và vì thế là việc

hưởng thụ đời sống. Với tiền đề sở hữu tư nhân, nó là sự tha hoá của

đời sống, vì tôi lao động để sống, để kiếm phương tiện sinh sống cho

mình, lao động của tôi không phải là đời sống của tôi… Trong lao động, tôi sẽ khẳng định đời sống cá nhân của tôi và do đó sẽ khẳng định sự độc đáo riêng của tính cá biệt của tôi… Với tiền đề sở hữu tư nhân, tính cá biệt của tôi bị tha hoá khỏi tôi đến mức hoạt động đó trở

nên đáng ghét đối với tôi, đối với tôi đó là sự đau khổ và nói đúng hơn,

chỉ là cái vẻ hoạt động. Vì thế, ở đây lao động cũng chỉ là hoạt động

bất đắc dĩ và được trút lên tôi dưới áp lực hoàn toàn chỉ của nhu cầu

ngẫu nhiên bên ngoài, chứ không phải do nhu cầu tất yếu nội tại [91, tr. 57].

Trong tác phẩm này Mác cũng đề cập đến những hình thức phái sinh khác của tha hoá lao động như tha hoá tôn giáo, tha hoá xã hội trong khuôn khổ của sở hữu tư nhân. Kết quả của mọi hình thức tha hoá chính là dẫn đến sự tha hoá con người làm cho con người trở nên ích kỷ, “ít chất xã hội”, con người tha hoá khỏi bản chất xã hội của mình.

Những tư tưởng về tha hoá lao động và những hình thức tha hoá phái sinh của nó tiếp tục được ông luận giải sâu sắc hơn trong tác phẩm “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”.

Tác phẩm này thực sự có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của chủ nghĩa duy vật lịch sử và phép biện chứng duy vật. Tác phẩm cũng đánh dấu bước nhảy vọt về chất trong quan niệm về tha hoá từ Hêghen đến Mác. Mác đã không dừng lại ở sự phê phán tha hoá tôn giáo và tha hoá xã hội - chính trị, mà cùng với việc hình thành quan niệm duy vật lịch sử, Mác tìm ra cơ sở của mọi dạng tha hoá là tha hoá kinh tế. Mác tập trung xem xét nhân tố cơ bản của tha hoá kinh tế là tha hoá lao động, và chỉ ra bản chất, hậu quả của tha hoá lao động là dẫn đến tha hoá bản chất loài của con người và sự xa lạ của con người với con người. Mác coi tha hoá lao động là phạm trù cơ bản để khảo sát mối quan hệ nội tại giữa tích luỹ tư bản và bần cùng hoá công nhân. Ông cho rằng những của cải mà nhà tư bản tích luỹ được là sự bóc lột sản phẩm lao động của công nhân; tình trạng dốt nát và bần cùng hoá của công nhân được “bắt nguồn từ bản chất của chính lao động hiện tại” [92, tr. 81]. “Sự bần cùng của công nhân tỷ lệ thuận với sức mạnh và quy mô sản phẩm của anh ta” [92, tr. 126]. Mác xem xét quá trình tha hoá lao động của người vô sản như là sự dần dần đạt tới cực đỉnh tha hoá lao động của người lao động nói chung, còn ranh giới về chất giữa tha hoá trong các hình thái tư bản chủ nghĩa và tiền tư bản chủ nghĩa mới chỉ được ông bước đầu lưu tâm tới. Trên cơ sở đó, Mác luận chứng cho sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp vô sản. Điều đó cho thấy, Mác gắn liền hữu cơ giữa giải phóng con người khỏi mọi tha hoá với sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản.

Trong tác phẩm này, Mác chưa đề cập nhiều đến giá trị lao động, nhưng ông đã chỉ ra một cách sâu sắc rằng, trong nền kinh tế dựa trên chế độ tư hữu, các phạm trù hàng hoá, tiền tệ, chẳng qua là hình thức biểu hiện được

quy định bởi hai yếu tố cơ bản: chế độ tư hữu và sự tha hoá lao động. Quan hệ giữa các vật tự nhiên được biểu hiện trong trao đổi hàng hoá, trên thực tế chỉ là sự phản ánh của các quan hệ giữa những chủ tư hữu hàng hoá; quan hệ tiền tệ được hình thành trên thực tế do “bản chất có tính loài của con người... bị biến thành một bản chất xa lạ với con người”.

Trong tác phẩm “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”, khi phân tích khái niệm lao động tha hoá Mác đã phê phán quan niệm của kinh tế chính trị học tư sản, quan niệm tha hoá của Hêghen và Phoiơbắc. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Phê phán phép biện chứng của Hêghen, Mác đã phát biểu chống lại quan niệm duy tâm của Hêghen về tha hoá khi ông ta coi toàn bộ lịch sử của sự tự tha hoá và toàn bộ việc xoá bỏ sự tha hoá chẳng qua là lịch sử của sự sản xuất ra tư duy trừu tượng, nghĩa là tư duy tuyệt đối, tư duy lôgíc, tư biện. Theo quan niệm của Hêghen thì tự nhiên là cái ở bên ngoài đối với tư duy, là sự tự mất đi của tư duy trừu tượng, là tư duy trừu tượng đã bị tha hoá. Và những hình thức tha hoá khác nhau mà Hêghen trình bày cũng chỉ là những hình thức khác nhau của ý thức và tự ý thức.

Cho nên đối với con người, mọi sự tha hoá của bản chất con người

chẳng qua là sự tha hoá của tự ý thức. Sự tha hoá của tự ý thức không

được coi là biểu hiện được phản ánh vào trong ý thức và tư duy, của sự tha hoá hiện thực của bản chất con người. Trái lại sự tha hoá hiện thực

có tính chất thực tại, xét theo thực chất che dấu rất sâu bên trong nó - và chỉ do triết học vạch ra - chẳng qua là biểu hiện của sự tha hoá của bản chất người chân chính, của tự ý thức [92, tr. 229].

Hệ vấn đề tha hoá, đối tượng hoá và vật hoá trong tác phẩm này đã được Mác chú ý đến. Vật hoá có nghĩa là hoạt động của chủ thể, tức là hoạt động sản xuất vật chất của con người, tạo ra một sản phẩm hoặc một đối tượng nào đó. Vật hoá là lao động sản xuất - hoạt động cơ bản, quan trọng

hàng đầu của loài người vì sự sinh tồn của mình, do đó là hiện tượng mà bất cứ xã hội nào cũng có. Trong quá trình lao động con người đã thực hiện sự đối tượng hoá hoạt động của mình. Còn tha hoá là hiện tượng sinh ra trong những điều kiện nhất định, là hệ quả của chế độ tư hữu, trong đó người lao động bị chính sản phẩm lao động của mình, bị chính hoạt động của mình nô dịch.

Trong tác phẩm này, Mác cũng chú ý phân tích mối liên hệ nhân quả giữa lao động tha hóa và sở hữu tư nhân, từ đó chỉ ra tính tất yếu của việc xoá bỏ sở hữu tư nhân và lao động bị tha hoá. Nhưng Mác cũng chỉ mới phác thảo biện pháp xoá bỏ lao động tha hoá là xoá bỏ sở hữu tư nhân và xây dựng chủ nghĩa cộng sản, còn những tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện nó chưa được ông phân tích cụ thể.

Tóm lại: Phạm trù tha hoá được Mác sử dụng trực tiếp như khái niệm công cụ trong một số tác phẩm thời kỳ đầu, đặc biệt những luận giải về tha hoá được ông phác thảo khá chi tiết trong tác phẩm “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”. Có thể nói trong tác phẩm này Mác đã phác thảo đầy đủ các loại hình tha hoá và bản chất của chúng. Trong những tác phẩm sau này, Mác không sử dụng “tha hoá” như những khái niệm công cụ mà chủ yếu đi sâu phân tích cội nguồn cũng như cơ chế của hiện tượng đó để chỉ ra con đường xoá bỏ chúng thực hiện mục tiêu giải phóng con người.

2.1.2. Quan niệm của C. Mác về tha hoá qua các tác phẩm tiêu biểu thời kỳ sau năm 1844

Sau tác phẩm “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844” gắn liền với sự hình thành, phát triển của quan niệm duy vật lịch sử, cũng như những nghiên cứu của Mác trong lĩnh vực kinh tế học, Mác đi sâu phân tích cội nguồn và cơ chế kinh tế của sự phát sinh hiện tượng tha hoá. Có thể bắt gặp những tư tưởng của ông về vấn đề tha hoá trong tất cả mọi tác phẩm nhưng tập trung

nhất cho sự luận giải về nó là trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”; “Tuyên ngôn Đảng cộng sản” và “Tư bản”.

Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”(1845) Mác và Ăngghen vẫn duy trì quan niệm về tha hoá như là một trong “những nhân tố chủ yếu của lịch sử nhân loại”. Ở đây các nhà kinh điển mácxít vẫn tiếp tục quan niệm về tha hoá như trong “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”. Tuy nhiên, từ tác phẩm này “tha hoá” không còn được Mác dùng như một khái niệm tự thân, mà đã chuyển sang ngôn ngữ của cuộc sống hiện thực. Giờ đây, thuật ngữ “tha hoá”

Một phần của tài liệu Quan niệm của C. Mác về tha hóa và ý nghĩa của nó đối với phát triển con người Việt Nam hiện nay (Trang 54)