Vịnh Tiên Yên là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn rất phát triển với diện tích lớn ở miền Bắc Việt Nam cùng với nguồn thủy sản dồi dào, nhiều loài có giá trị kinh tế và khoa học. Do vậy, vùng đất này thu hút nhiều nhà khoa học đến tìm hiểu, nghiên cứu ở các lĩnh vực sinh học, sinh thái học, đất ngập nước, địa chất môi trường, nuôi trồng thủy sản…
Năm 1996, trong nghiên cứu “Điều tra khảo sát đất ngập nước triều vùng biển ven bờ và các đảo đông bắc Việt Nam” do Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng thực hiện đã kiểm kê, phân loại ĐNN, xác định được giá trị tài nguyên, hiện trạng khai thác sử dụng và các đe dọa ĐNN trong đó có vịnh Tiên Yên từ đó đề xuất những định hướng chiến lược khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên. Năm 1996 – 1997, Sở thủy sản Quảng Ninh đã thực hiện đề tài “Điều tra môi trường chất đáy, sinh vật vùng ven biển Quảng Ninh”. Đến năm 2002, Phân viện Hải dương học tại Hải Phòng đã tiếp tục thực hiện khảo sát bổ sung tổng hợp điều kiện tự nhiên xã hội, tài nguyên và môi trường vịnh Tiên Yên – Hà Cối nhằm đề xuất hướng sử dụng hợp lý và PTBV. Từ năm 2002 – 2006 dự án SUMA – Bộ thủy sản kết hợp với tỉnh Quảng Ninh thực hiện các dự án Quy hoạch NTTS biển và nước lợ tại các huyện Tiên Yên, Vân Đồn, Hải Hà đến năm 2010 và xây dựng cơ sở khoa học cho việc sử dụng bền vững nguồn lợi sá sùng và bông thùa tỉnh Quảng Ninh. Các nghiên cứu này đã chỉ ra được những loài đặc sản tại các huyện trong khu vực nghiên cứu đồng thời
Phạm Thị Tuyết K18 Khoa học Môi trường 34
chỉ ra được định hướng quy hoạch hải sản bền vững trên khu vực, đây cũng là những yếu tố quan trọng trong quá trình xây dựng quy hoạch không gian biển khu vực nghiên cứu. Năm 2010, đề tài cấp nhà nước “Điều tra đánh giá tài nguyên môi trường các vũng vịnh trọng điểm ven bờ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường”, mã số: KC.09.05/06-10 do Mai Trọng Nhuận và nnk thực hiện đã lựa chọn vịnh Tiên Yên – Hà Cối là một trong hai vũng vịnh trọng điểm để nghiên cứu, đánh giá tài nguyên môi trường. Năm 2011, Dự án “Quy hoạch bảo vệ môi trường tổng thể và một số vùng trọng điểm tỉnh Quảng Ninh tính đến năm 2020” đã được Khoa Địa lý trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện. Công trình khoa học này có thể hỗ trợ quá trình ra quyết định về phát triển kinh tế xã hội và chính sách quản lý môi trường phù hợp nhằm đảm bảo sự PTBV không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh mà còn cho khu vực vịnh Tiên Yên. Các nghiên cứu kể trên đã góp phần làm sáng tỏ điều kiện tự nhiên, môi trường vịnh Tiên Yên, tuy nhiên để thực hiện được các nghiên cứu này đã tốn kém nhiều thời gian và kinh phí cho công tác khảo sát, lấy mẫu, đo đạc, quan trắc… và không đánh giá được xu thế biến động trong một thời gian dài, do vậy cần có một công cụ mới bằng việc giải đoán các ảnh viễn thám đa thời gian để góp phần đánh giá hiện trạng môi trường vịnh, cung cấp cơ sở khoa học cho các nhà quản lý địa phương thực hiện các kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế song song với sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Phạm Thị Tuyết K18 Khoa học Môi trường 35
CHƯƠNG 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU