Nếu như lập nghiệp là lý tưởng lớn nhất của bạn sau khi đã suy nghĩ kỹ và tích lũy
được một kiến thức xã hội nhất định thì chắc chắn ai cũng sẽ ủng hộ bạn. Trước khi quyết định dấn thân, bạn cần xác định trước rằng “hố nước” mang tên lập nghiệp rất sâu, bạn phải tính toán thật kỹ trước mỗi bước tiến. Vẫn còn một lựa chọn khác cho bạn là đi làm công ăn lương trước, tích lũy cho mình một nền tảng kinh nghiệm và các mối quan hệ hữu ích rồi mới lập nghiệp? Xuất phát nhanh hay chậm đôi khi không quá quan trọng, quan trọng là bạn có đủ ý chí để kiên trì đi đến cuối con đường hay không mà thôi.
Ở quốc gia dân chủ và sáng tạo cao như Mỹ, lập nghiệp cũng không phải là một việc dễ dàng gì. Còn ở Việt Nam, bạn phải đối diện với nhiều khó khăn hơn nữa. Trước hết, bạn phải đối mặt với một môi trường bảo vệ về tài sản tri thức yếu ớt và tính phức tạp trong các mối quan hệ làm ăn. Đây là hai cản trở lớn nhất khi bạn chưa đủ dạn dày và trải nghiệm.
Theo quan niệm của các bạn sinh viên, lập nghiệp không gì khác là thành lập công ty. Nên nhớ rằng những đồng tiền đầu tiên mà các nhà khởi nghiệp nhận được không phải nhờ việc lập ra công ty A hay doanh nghiệp B mà nhờ đi làm trong các công ty khác. Đó là quãng thời gian không chỉ đem về vốn liếng mà còn cả kinh nghiệm và các mối quan hệ. Khi đã tập hợp được một đội ngũ gồm những người cùng chung chí hướng, có những kỹ năng có thể bổ trợ cho nhau, bạn mới đủ mạnh để gây dựng nên sự nghiệp riêng. Tất cả các yếu tố này gần như là con số 0 khi bạn vừa tốt nghiệp đại học.
Thực ra, những người ước muốn đạt được thành tựu hay khai sáng sự nghiệp ở một lĩnh vực nào đó đều được gọi là người lập nghiệp. Vì vậy, lập nghiệp không có nghĩa là nhất định phải thành lập công ty, có cửa hàng ngoài mặt đường hay kinh doanh buôn bán; những người âm thầm phấn đấu, người lập nên các hoạt động công ích từ thiện… đều được gọi là người lập nghiệp.
Để xác định xem mình có năng lực lập nghiệp hay không, các bạn có thể tham gia một số cuộc thi hoặc hội thảo lập nghiệp dành cho sinh viên để tự đánh giá bản thân.
Sau đó từng bước lên kế hoạch rèn luyện kiến thức xã hội, tăng cường các kỹ năng lập nghiệp cần thiết, xây dựng các mối quan hệ mới, tìm kiếm những người bạn có chung chí hướng… để hiện thực hóa mong muốn của mình.
Nói tóm lại, lập nghiệp là một “cửa ải” đòi hỏi bạn phải có nguồn vốn, cái nhìn tổng quan, khả năng đánh giá nhiều mặt, cũng như kỹ năng gây dựng đội ngũ và các mối quan hệ cần thiết. Những yêu cầu này không thể có trong ngày một ngày hai mà phải trải qua một quá trình học hỏi và kiên trì tích lũy. Khi mọi thứ ở bạn vẫn còn “non”, tốt nhất nên tìm cho mình những cơ hội trải nghiệm, nhờ đến sự trợ giúp từ các mối quan hệ. Hãy nhớ rằng “Có vấp ngã thì mới có thành công”, đừng quá kỳ vọng rằng lập nghiệp lần đầu là sẽ có thành công ngay, điều quan trọng nhất là bạn phải kiên định với mục tiêu của chính mình.
24. Chúng ta học gì từ những người thành công?
“Bốn ý tưởng hay cho cuộc sống: Nhìn lại phía sau & Có kinh nghiệm! Nhìn lên phía trước & Thấy hy vọng! Tìm được thực tại! Nhìn vào bên trong & Tìm thấy chính
mình!”