Ngoài một số điểm chung của bài học, mỗi bài học lịch sử có cấu trúc riêng, phụ thuộc vào nội dung, nhiệm vụ, mục đích và loại hình của nó. Thông thường một bài học có cấu tạo gồm các bước sau: kiểm tra bài cũ, dẫn dắt vào bài mới, trình bày bài mới, kiểm tra củng cố kiến thức hướng dẫn học sinh về nhà tự học. Cấu trúc bài học như vậy đảm bảo trình tự giáo dục, phát huy vai trò của giáo viên và tính tích cực học tập của học sinh.
Nhưng trong thực tê dạy học thì cáu trúc bài học cần phải đa dạng và phong phú. Đó là sự linh hoạt của giáo viên trong cấu trúc bài học, sự sáng tạo của giáo viên và việc tránh công thức, rạp khuôn khi soạn giảng bài là yếu tố góp phần vào thành công của bài học, bên cạnh việc cải tiến nâng cao nội dung và phương pháp dạy học.
Ví dụ có thể thay đổi trình tự các bước lên lớp, hoặc xen kẽ nhau. Kiểm tra bài cũ kết hợp dẫn dắt vào bài mới hay trong quá trình giảng bài mới…Việc củng cố kiến thức đang học không nhất thiết ở bài nào cũng để ở cuối tiết học mà có thể tiến hành trong quá trình nghiên cứu bài mới..
Ví dụ trong bài “Xã hội nguyên thủy” ở lớp 10, sau mỗi mục cần củng cố ngay kiến thức về “người tối cổ”, “bầy người nguyên thủy”, “người tinh khôn”, “thị tộc”, “bộ lạc”…để kiến thức trước làn nền cho hiểu biết kiến thức sau.
Trong các bước dạy học trên, giáo viên không thể trình bày, kiểm tra kiến thức mà phải chú ý hướng dân học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, nêu và giải quyết một số vấn đề được đặt ra.
Vận dụng lý luận dạy học chung, ta thấy rằng, bài học lịch sử cần có những yếu tố sau:
- Nêu mục đích bài học dưới dạng nhiệm vụ nhận thức để học sinh theo dõi giờ học.
- Trình bày bài mới chú ý đến việc hướng dẫn hoạt động nhận thức của học sinh trong khi trình bày bài mới, xen vào đó việc kiểm tra kiến thức.
- Củng cố kết quả học tập. - Hướng dẫn tự học ở nhà.
Trình tự các công việc trên được thực hiện tùy theo nội dung, điều kiện cụ thể của việc dạy học, sự sáng tạo của giáo viên, nhiệm vụ giáo dục, mục đích, loại bài…