Trong dạy học lịch sử muốn nâng cao hiệu quả bài học thì nhất thiết phải tăng cường trình bày hình ảnh và hình thành xúc cảm lịch sử cho học sinh. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân:
- Xuất phát từ quy luật chung của quá trình nhận thức cho thấy mọi sự hiểu biết của con người đều bắt đầu từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ quan sát hiện thưc khách quan để tạo nên hình ảnh trong nhận thức. - Quy luật nhận thức của học sinh lại mang những đặc
trưng riêng. Đó là sự nhận thức được làm đơn giản hóa, làm dễ đi dưới sự hướng dẫn tổ chức của giáo viên.
- Xuất phát từ đặc trưng của lứa tuổi học sinh, đó là mang tính gián tiếp, được hướng dẫn và được giáo dục. Tuy nhiên nó không đồng đều giữa các lứa tuổi. Lứa tuổi nhỏ thì tư duy trực quan là chủ yếu, lứa luổi càng lớn thì tư duy trừu tượng càng phát triển hơn.
- Xuất phát từ đặc điểm của quá trình nhận thức lịch sử đó là tính giáo dục và tính cụ thể.
- Do yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học đặc biệt là việc ứng dụng các phương pháp, phương tiện dạy học hiện đại, nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy học bộ môn
- Trong thực tế dạy học lịch sử ở trường phổ thông, một số giáo viên rất tích cực đảm bảo tính hình ảnh để tạo nên hiệu quả thực sự cho học sinh. Nhưng cũng không ít giáo viên không chú trong đến việc tạo tính hình ảnh trong dạy học lịch sử, không khai thác triệt để nguồn tư lệu trong sách giáo khoa, trong tài liệu tham khảo hoặc nếu có lại không khai thác đúng nguyên tắc. Có nhiều giáo viên chỉ chú trọng cung cấp sự kiện mà không tạo nên những điểm nhấn, không khắc sâu những hình ảnh về con người, thời gian, không gian làm cho giờ học trở nên nặng nề, khô khan, làm cho sự hiểu biêt về bức tranh quá khứ trở nên mờ nhạt, chung chung.
Như vậy, khi học lịch sử, học sinh phải khôi phục được những điều đã qua, không tái diễn trở lại. Vì vậy phải tạo được hình ảnh về sự kiện, con người trong quá khứ. Điều này có ý nghĩa to lớn đối với hiệu quả bài học.
Trước hết, hình ảnh khôi phục lại bức tranh lịch sử sinh động trong nhận thức của học sinh, tạo những biểu tượng lịch sử chân thưc, chính xác cụ thể về các sự kiện, hiện tượng lịch sử thế giới, dân tộc, làm cho học sinh như được tham gia chứng kiến sự kiện lịch sử đó. Do vậy nếu thiếu hình ảnh trong trình bày kiến thức thì không có hình dung cụ thể sự kiện quá khứ. Đồng thời, hình ảnh còn giúp học sinh hiện đại hóa lịch sử. Tính hình ảnh còn là nền móng giúp người học đi sâu vào bản chất bên trong để vận dụng trong bài học
Thứ hai, trình bày hình ảnh lịch sử qua khứ còn khơi gợi cho học sinh cảm xúc lịch sử như: căm ghét, phản đối hay đồng tình yêu mến, sự hồi hộp xúc động đối với các sự kiện, hiện tượng, nhân vật lịch sử càng làm tăng hứng thú học tập của học sinh. Đây chính là cơ sở hình thành nhân cách và giáo dục đạo đức và tình cảm cho các em.
Thứ ba, hình ảnh về quá khứ không chỉ là điểm tựa của nhận thức cảm tính mà còn là nguồn gốc của tư duy. Bởi vì sự có mặt của các phương tiện tạo hình trước mắt học sinh là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phân tích, so sánh, tổng hợp để hiểu bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử. Chính vì vậy có thể nói đảm bảo tính hình ảnh trong dạy học là hình thành xúc cảm cho học sinh là một biện pháp nâng cao hiệu quả bài học.
Để đảm bảo được tính hình ảnh đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức sâu rộng, chắc và có kiến thức liên môn tốt. Giáo viên phải sử dụng hợp lý, đa dạng hệ thống các phương pháp, phương tiện dạy học phù hợp, cần kết hợp một cách hài hòa giữa dạy học truyền thống với dạy học hiện đại, kết hợp sử dụng sách giáo khoa với tài liệu tham khảo và các tài liệu liên quan đến bài học như văn hóa, địa lý…
Cách truyền đạt của người giáo viên thể hện ở giọng nói phải phù hợp với nội dung lịch sử. Âm lựong, ngữ điệu phù hợp, diễn đạt trong sáng, ngắn gọn, xúc tích, thái độ, tâm thế phải phù hợp. Cách tổ chức truyền đạt của người giáo viên là nhân tố quan trọng nhất và quyết định nhất để tạo nên tính hình ảnh. Ví dụ khi giáo viên tường thuật lại một trận đánh thì giọng nói phải hùng hồn, mạnh mẽ, nhưng khi kể lại tấm gương hi sinh thì giọng phải trầm lắng, tiếc thương.
Ví dụ tạo hình ảnh về trận Đông Khê trong chiến dịch Biên Giới thu đông năm 1950, Giáo viên có thể tạo như sau:
“Đứng trên núi cao nhìn xuống, Đông Khê như một tuần dương hạm khổng lồ giữa biển rừng xanh biên giới. Đông Khê nằm giữa đường số 4, cách Cao Bằng 45 km, cách Thất Khê 24km, xung quanh có 7 vị trí kiên cố đóng trên đỉnh núi cao như một bức tường vững chắc bao bọc. Đồn Đông Khê có hàng chục lô cốt thấp sát mặt đất, nắp dày trên 1m, có hầm ngầm, tường cao, dây thép gai xung quanh. 6 giờ sáng ngày 16/9/1950, đạn pháo của ta nổ vang trên cứ điểm Đông Khê. Trận đánh mở màn chiến dịch bắt đầu.
Sau những cuộc chiến ác liệt, quân ta chiếm được các vị trí xung quanh nhưng cuộc tấn công lên đồi cao không thành. 17giờ ngày 17, các chiến sĩ của ta tấn công lần thứ hai lên đồi cao. Phía tây là đại đội bộc phá của Trần Cừ, phía đông là đại đội của La văn Cầu cùng xung phong mở đường cho xung kích tiến lên.
Mũi nhọn do Trần Cừ chỉ huy tiến lên mở hàng rào, bị đại bác của địch chặn đứng mọi đợt xung phong. 4 chiến sĩ xông lên đều bị thương vong, cả mũi nhọn nằm ùn lại trước mũi súng của kẻ thù. Trần Cừ trúng đạn ở ngực, trong khi lô cốt vẫn không ngừng nhả đạn. trời đã sáng rõ, xung kích vẫn chưa lọt vào được, mọi người đều lo lắng.
Lúc này Trần Cừ cố lê sát người, anh bị thương lần nữa, song vẫn cố nhoài người lên rồi gục xuống và lấy hết sức dùng thân mình bịt lỗ châu mai địch. Hỏa lực địch bị ngừng lại và xung kích tiếp tục xông lên. Lời hô “noi gương Trần Cừ”, “Trả thù cho Trần Cừ” vang lên, các chiến sĩ như nước vỡ bờ nhanh chóng tràn vào tiêu diệt lô cốt.
7h sáng ngày hôm sau, quân địch trong chiếc hầm cố thủ cuối cùng vẫn ngoan cố chống cự. Một quả bộc phá đánh sập chiếc hầm ngầm vững chắc đó. Những tên chỉ huy run sợ chui ra hàng. Sau hai ngày đêm chiến đấu dũng cảm, quân ta ở trận Đông Khê đã hoàn toàn thắng lợi”.