ý phụ hoặc dùng để xây dựng phân đoạn. Trong chương này, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu các loại suy tư nhờ quan sát và suy tư nhờ liên tưởng.
1. SUY TƯ NHỜ QUAN SÁT
Quan sát các sự việc trong thiên nhiên, chúng ta thấy mọi việc xảy ra và diễn biến theo một chiều hướng rất trật tự: từ trước đến sau, từ gần ra xa, từ hẹp đến rộng. Các định luật của sự vật thiên nhiên cũng là định luật của tư tưởng tâm trí ta. Bắt chước những hiện tượng ấy, chúng ta có thể suy tư bằng ba cách:
a. Suy tư quan sát nhân quả
Đó là suy tư một vấn đề dưới ba khía cạnh:
Nguyên nhân phát sinh: Trước kia nó là gì?
Hiện trạng: Bây giờ nó như thế nao?
Kết quả: Sau này nó sẽ ra sao? Ví dụ: Suy tư về lòng nhân ái:
Nguyên nhân: Lòng nhân ái phát sinh từ những tâm hồn vị tha quảng đại.
Hiện trạng: Lòng nhân ái khiến ta quên mình và chỉ mong cho người xung quanh được hạnh phúc. Người có lòng nhân ái quí mến, cảm thông, sẵn sàng, hy sinh, giúp đỡ và chia sẽ vui buồn cùng kẻ khác. Họ cũng dễ dàng tha thứ lỗi lầm của anh em và ngay cả sự gian ác của kẻ thù.
Kết quả: Lòng nhân ái đem lại cho tâm hồn bình an vui sướng. Nó quả là một đoá hoa trong vườn nhân loại.
b. Suy tư quan sát bành trướng
Vấn đề được suy tư từ phạm vi hẹp sang phạm vi rộng hoặc từ gần ra xa.
Thứ tự thông thường được áp dụng: Cá nhân – gia đình – quốc gia – nhân loại. Ta cũng có thể đảo lộn thứ tự nếu cần.
Ví dụ: Ý chính: làm người phải sống theo một lí tưởng nghĩa là theo đuổi, phụng sự một mục đích tốt đẹp.
Ý phụ: Nên đem hết tài ba, can đảm, nghị lực ra thực hiện mục đích tốt đẹp đó. Các vĩ nhân trên thế giới đều sống theo một lí tưởng như vậy: Người vì gia đình, kẻ vì dân tộc, người khác vì cộng đồng nhân loại. Tất cả đều quên mình để mưu ích cho tha nhân.
Tiểu kết: Đó thật là mục đích cao cả.
c. Suy tư quan sát luỹ tiến
Suy tư một vấn đề từ thấp đến cao. Các thứ tự thông thường:
Thứ tự I: Vật chất - tinh thần – đạo đức.
Thứ tự II: Khoáng vật – thực vật – động vật.
Trong phân đoạn dưới đây, tác giả đảo lộn thứ tự với dụng ý làm nổi bật ý chính...
Ví dụ: Ý chính: sự làm việc là một công lệ của đời sống.
Ý phụ: Các loài vật từ con ong con kiến cho đến chim muông cầm thú cũng phải khó nhọc lắm mới kiếm được miếng mồi sinh sống. Ngay đến loài cây cỏ vô tri vô giác cũng làm việc không ngừng để đâm chồi nảy lộc: Nhựa sống lưu thông không ngớt trong lớp vỏ thảo mộc – phương chi con người càng cần phải làm việc mới có thực phẩm để ăn và vật dụng để dùng.
2. SUY TƯ DO LIÊN TƯỞNG
Liên tưởng là suy nghĩ từ một ý này sang ý khác gần đó. Có 3 loại: a. Suy tư liên tưởng tiếp giáp: Đi từ một sự việc sang một sự việc khác tiếp theo.
Ví dụ: Từ việc ăn uống, ta nghĩ đến việc tiêu hoá, bồi dưỡng gìn giữ sức khoẻ, phân loại đồ ăn và phân chất thức ăn.
Ý chính: Ẩm thực là một việc rất thông thường của loài người, từ đứa bé mới lọt lòng mẹ cho đến những kẻ ngu si tàn tật, cũng có thể làm được.
Ý phụ: Nhưng muốn biết được cơ nguyên sự tiêu hoá trải qua các giai đoạn nào thì phải học qua sinh lý học, hoá học… Cho đến nay, có biết bao
nhà bác học chuyên môn khảo cứu khoa ăn uống mà vẫn chưa biết hết được lý do và giá trị của những thực vật rất thông thường mà con người đã dùng ngay từ thời thượng cổ.
b. Suy tư liên tưởng tương đồng
Từ một ý tưởng trừu tượng, ta có thể tìm một hình ảnh cụ thể giống nhau.
Ví dụ: “Nghị lực” là một khả năng nơi con người có tính cách trừu tượng, chúng ta nghĩ đến một con ngựa có sức mạnh.
Ý chính: Nghị lực của thanh niên mới thực là có sức sống.
Ý phụ: sức sống nhiều phen lồng lộn như ngựa bất kham. Ngựa hay thì sườn núi vượt mà không nguy hiểm, dòng thác lội cũng dễ dàng. Ngựa không hay thì lắm khi nguy hiểm cho kỵ sĩ: đường muốn rút ngắn hoá đường dài, dốc nhỏ muốn trèo lên mà trèo chẳng nổi.
c. Suy tư liên tưởng tương phản
Từ một ý tưởng đã có, chúng ta có thể nghĩ đến một ý tưởng trái ngược để tìm thêm ý.
Ví dụ: Ý chính: Học là gì? Học là từ những điều mình nghe thấy, trông thấy mà mình muốn bắt chước hay muốn suy nghĩ thêm ra, cho mình được vui vẻ sung sướng.
Ý phụ: Thế thì học với chơi cũng không khác gì nhau, nhưng tại sao một đàng thì ham mê, một đàng thì biếng nhác? Thực ra, chỉ vì cái gì con người nghe hiểu, lấy làm hay làm thích thì con người vui vẻ mà đam mê, không đợi ai phải dạy, nhưng tự nó trông thấy mà bắt chước mà làm ngay như: nhảy dây, đá cầu, thả diều, nhảy cầu, chơi thuyền…
BÀI TẬP
1. Đọc kỹ ba đoạn văn và xem mỗi đoạn văn được gợi ý theo loại suy tư nào: quan sát nhân quả, luỹ tiến hay bành chướng?
Người ta ở đời ai cũng đổ mồ hôi lấy chén cơm thì một lẽ công bằng xã hội. Có làm việc để nuôi thân, ta mới tạo được cuộc sống tự lập với nhân phẩm cao quý.
Trong gia đình, mỗi người tuỳ tài tuỳ sức, vui vẻ và hăng hái làm việc, thì gia đình sẽ được thịnh vượng và hạnh phúc. Mọi công dân đều phải có bổn phận chịu khó làm việc.
Quan trọng nhất trong cuộc sống xây dựng quốc gia, người nông dân có dầm mưa dãi nắng ngoài đồng ruộng, giới thợ thuyền có lam lũ ngoài công trường, trong hầm mỏ hay xưởng máy thì nhân dân mới có cơm ăn áo mặc, nhà ở và mọi tiện nghi nhu cầu khác.
b. Chủ đề: Liên lạc với người đồng thời
Chúng ta còn là kẻ cùng chịu khó nhọc và chung sức làm việc với người sống cùng thế hệ với ta. Trong cuộc sống phức tạp và khó khăn, không ai có thể sống lẻ loi được. Từ những nhu cầu vụn vặt hằng ngày đến những công cuộc tổ chức đời sống sao cho trật tự an vui, mọi sự chúng ta đều nhờ xã hội.
Muốn làm tròn bổn phận ấy, trước hết chúng ta cần phải luyện tập thân thể khoẻ mạnh, học tập mở mang kiến thức dồi dào và rèn luyện đạo đức thanh cao. Sau đó, mỗi người có một nghề tinh thạo và hành nghiệp chu đáo để góp phần xây dựng xã hội cách thiết thực.
c. Chủ đề: Phụ nữ xây dựng gia đình
Thật vậy, nhờ tài đảm đang, sự khôn ngoan và đức hạnh của người phụ nữ, gia đình có thể được hạnh phúc. Tài nội trợ và sắp đặt khéo léo của người phụ nữ đem lại cho gia đình những bữa cơm dẻo canh ngọt và làm cho nhà cửa gọn gang, vui mắt. Sự phân khối khéo léo những khoản chi tiêu phù hợp với lợi tức kiếm được bảo đảm mức sống no ấm cho gia đình và tránh cho chồng con khỏi cảnh nợ nần tai tiếng. Đức tính hiền dịu, nét mặt vui tươi của người mẹ là tấm gương sáng cho con cái. Cử chỉ niềm nở, lời nói dịu dàng của người vợ dịu hiền là những liều thuốc thần dịu để an ủi và khuyến khích chồng con trên con đường tranh đấu. Quan trọng hơn cả, sự hy sinh tận tuỵ của người vợ hiền có thể gây dựng sự nghiệp vinh hiển cho chồng con.
2. Đọc kỹ đoạn văn sau đây và xem mỗi đoạn văn ấy được gợi ý nhờ lối suy luận liên tưởng nào: tiếp giáp, tương đồng hay tương phản?
a. Chủ đề: kiên nhẫn: Việc đời cũng vậy, cho dù công việc khó khăn đến đâu, nhưng nếu ta quyết tâm bền chí và gắng sức thực hiện thì cũng sẽ đạt được kết quả mong muốn. Ai cũng biết rằng sợi dây nhỏ, cây gỗ lớn… Thế mà dây cứa mãi gỗ cũng đứt. Con kiến nhỏ, tổ kiến to, thế mà kiến tha lâu ngày tổ cũng đầy. Vì vậy, người ta định làm việc gì nếu dốc lòng hết sức và nhẫn nại theo đuổi thì ắt sẽ thành công.
b. Chủ đề: Làm việc: Tổ quốc được hùng cường và dân tộc được vẻ vang đều nhờ công sức đóng góp của những người lao động trí óc và chân tay. Trong quốc gia nếu không có họ mà chỉ có những kẻ cầu an hưởng nhàn, ăn không ngồi rồi, thì cái họa sụp đổ và cái hố diệt vong đã hiện ra trước mắt dân tộc ấy.
c. Chủ đề: nhiệm vụ phụ nữ khi quốc biến. Có nhiệm vụ khi quốc biến, người phụ nữ cần phải biết rõ vai trò của mình như thế nào trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Sự góp phần hữu hiệu nhất là trực tiếp cầm khí giới tiểu trừ bọn xâm lược hay phiến loạn. Người phụ nữ cũng có thể gia nhập các tổ chức lo việc canh phòng, tiếp tế, cứu thương hoặc ủy lao các thương binh và gia đình chiến sĩ.
Chương VI: PHƯƠNG PHÁP LÝ LUẬN