A. NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA VĂN NGHỊ LUẬN
Mối thể văn có mục đích và đặc tính riêng. Với mục đích thuyết phục người đọc, văn nghị luận có các đặc tính như: Chính xác, gọn gàng, giản dị, tự nhiên, linh động, thanh nhã, khiêm tốn, súc tích, vững chắc, hùng hồn, đanh thép.
1. Chính xác
Khác với lối văn mô tả cần uyển chuyển nhịp nhàng như văn tả người, tả cảnh, lối văn nghị luận càng rõ ràng chứng nào càng hay chừng ấy.
Ví dụ: Câu văn viết thiếu chính xác như: Vì tình nghĩa, người ta lưu luyến nhau và không thể bỏ nhau được.
Câu văn viết chính xác hơn: Chính vì tình người ta đã lưu luyến nhau, nhưng vì nghĩa người ta không thể bỏ nhau được.
2. Gọn gàng giản dị
Trong khi nhiều lối văn khác cần cầu kỳ hoa mỹ, bay bướm… thì lối văn nghị luận cần gọn gàng giản dị, để cho người đọc dễ nhận thấy những tình tiết tỉ mỉ, sự lập luận khúc chiết tỏng câu văn.
Ví dụ: Câu văn viết chưa gọn gàng, giản dị: Con thuyền quốc gia lúc bấy giờ gặp cơn sóng gió, khi dâng lên, khi chìm xuống, người trong thuyền chỉ biết kêu khóc hay cầu nguyện, riêng có bậc anh hùng là bình tay giữ chèo, hay giữ lái cho qua lúc ba đào nguy hiểm.
Câu văn viết gọn gàng giản dị hơn: Trong lúc tổ quốc lâm nguy, người dân thường chỉ biết phàn nàn hay lo lắng. Riêng có bậc anh hùng là bình tĩnh nhận định tình hình, tìm mưu kế giúp non sông thoát hiểm.
Có nhiều lối văn phải chải chuốt, khoa trương như văn diễn thuyết. Lối văn nghị luận cần tự nhiên, linh động cho bài văn nhẹ nhàng dễ hiểu hơn.
Ví dụ: Câu văn thiếu tự nhiên, linh động: Người chiến sĩ đã đem máu đào, đem xương trắng ra đổi lấy từng tấc ruộng xanh, từng bông lúa vàng cho dân tộc, bỏ tất cả cha mẹ vợ con xóm làng theo tiếng gọi của núi sông. Ôi cao quí thay! Ôi đẹp đẽ thay! Những người con yêu của tổ quốc.
Câu văn viết cho tự nhiên, linh động hơn: Thật là cao quí khi người chiến sĩ đem xương máu đền nợ nước, quên tất cả lạc thú, gia đình để phụng sự dân tộc.
4. Thanh nhã khiêm tốn
Khác với lối văn mô phạm có tính cách khuyên răn người đời, lối văn nghị luận, nhất là trong bài luận văn của người học sinh, cần phải thanh nhã khiêm tốn. Chúng ta nên nhớ rằng: sự lập luận vững vàng đanh thép không hề gây trở ngại cho việc viết câu văn thanh nhã khiêm tốn.
Ví dụ: Câu văn thiếu thanh nhã khiêm tốn hơn: Phàm người ta sinh ra ở đời, ai lại chẳng biết một cách chắc chắn rằng tính hay nói dối đã đem lại nhiều hậu quả xấu xa.
Câu văn viết thanh nhã, khiêm tốn hơn: Trong cuộc sống hằng ngày, thiết tưởng ai cũng có thể tin rằng tính hay nói dối đem lại nhiều hậu quả không hay.
5. Súc tích, vững chắc
Trong lối văn nghị luận, chúng ta nên tránh sự dài dòng, miên man và cố gắng súc tích, vững chắc.
Câu văn viết chưa súc tích, vững chắc như: Kết quả của sự thành công ấy thật là rực rỡ huy hoàng, đem lại nhiều lợi ích cho thân nhân trong gia quyến cũng như mọi người trong nước.
Câu văn viết súc tích vững vàng hơn: Sự thành công rực rỡ ấy đã đem lại lợi ích cho nhà nước
Văn có hùng hồn đanh thép hay không là do sự lập luận, diễn ý nhiều hơn là ở một vài tiếng đưa đẩy nghe thật kêu một cách khoa trương, nhưng rút lại không thêm được ý gì cho câu văn. Cũng vì vậy một cây văn vừa hùng hồn, vừa đanh thép là câu văn hay, trong khi một câu văn vừa lủng củng vừa nặng nề, vừa dài dòng là câu văn dở.
Ví dụ: Câu văn viết chưa hùng hồn, đanh thép: Chính bởi vì lý do thành công một cách quá ư dễ dàng, cho nên nhiều người không biết kiên nhẫn và cố gắng, do đó chính họ lại là những người nhận lấy thất bại nếu gặp trường hợp khó khăn. Bởi thế nên chúng ta luôn phải kiên tâm bền chí, mặc dù gặp những điều ngang trái.
Câu văn viết hùng hồn, đanh thép hơn: Chình vì thành công quá dễ dàng, nhiều người không biết kiên nhẫn và cố gắng sống, nên đã thất bại khi gặp khó khăn. Chúng ta nên lấy đó làm gương sửa mình.
B. CÂU VĂN CỤ THỂ VÀ CÂU VĂN TRỪU TƯỢNG 1. Về phương diện văn phạm, chúng ta phân biệt
Câu văn cụ thể khi có chủ từ là tiếng cụ thể.
Ví dụ: Học sinh đến trường làm việc chăm chỉ để cuối năm hy vọng thi đậu.
Câu văn trừu tượng có chủ từ là tiếng trừu tượng
Ví dụ: Sự làm việc chăm chỉ của người học sinh ở trường có thể dẫn đến kết quả thi đậu cuối năm.
2. Trong một bài luận thuộc lối văn nghị luận, câu văn trừu tượng dùng để diễn tả ý trong đoạn văn lập luận là phần căn bản của bài văn nghị luận dùng để diễn ý trong đoạn văn dẫn chứng hay giới thiệu
Tuy nhiên có nhiều trường hợp người viết những câu văn cụ thể nhưng có giá trị trừu tượng. Lối viết này có ưu điểm vừa giữ được vẻ sáng sủa, dễ hiểu của câu văn cụ thể. Đồng thời vừa giữ được thâm trầm, kín đáo của câu văn trừu tượng.
Ví dụ: Vị dân biểu hùng hồn lớn tiếng ở nghị trường, bác nông phu cặm cụi đổ mồ hôi trên luống cày, người thợ miệt mài trong xưởng máy, kẻ đi
buôn xuôi ngược sớm hôm, các chiến sĩ hiên ngang ôm súng nới chiến địa… chúng ta sẽ hỏi ai giúp ích cho xã hội hơn ai?
Câu văn cụ thể này có thể tóm tắt thành một câu văn trừu tượng như sau: Sĩ, nông, công, thương, binh nghề nào có ích cho xã hội hơn cả?
Cũng có những câu văn trừu tượng mà giá trị như những câu văn cụ thể. Lối viết này cũng có ưu điểm như lối viết ở trên, lại làm cho người đọc thêm phần chú ý hơn.
Ví dụ: Sự đói rét, tật bệnh và ngu dốt là những u nhọt đang tàn phá cơ thể xã hội. Chúng là vi trùng len lỏi vào trong từng tế bào, tiêu hủy từng bộ phận, làm tê liệt cả khối óc lẫn con tim của nhân loại.
Câu văn trừu tượng này có thể viết thành một câu văn cụ thể sau: Khi bị đói rét, tật bệnh và ngu dốt, một cá nhân cũng như một tập thể không biết gì là trái phải là yêu thương.
Ví dụ: Sự dịu dàng có vai trò như lá cây ngụy trang trong chiến tranh. Rất nhiều khi nó chỉ nhằm che giấu chiến thuật yêu thương.
Trong tình yêu người ta thường dùng thái độ dịu dàng để che giấu tâm tình yêu thương sôi nổi.
Sau đây là một đoạn văn trích trong tác phẩm “Nghĩa vụ là gì” của Phạm Quỳnh, trong tạp chí Nam Phong. Chúng ta có thể lấy làm ví dụ để nhận định rõ vai trò của câu văn cụ thể và câu văn trừu tượng trong một bài văn nghị luận.
Đại thể các xã hội ngày xưa lấy nghĩa trọng hơn lợi. Không những thế, mà hai quan niệm về nghĩa vụ và quyền lợi, người xưa chỉ biết nghĩa vụ mà không hề nghĩ đến quyền lợi. Lại không những thế, trong một xã hội, những người vì địa vị của mình được có quyền lọi đối với người khác, cũng coi quyền lợi ấy là nghĩa vụ, vua đối với tôi, cha đối với con, chồng đối với vợ, đều có quyền lợi riêng. Vua có quyền lợi trị dân, nhưng cái quyền ấy tức là lo cho dân được an lạc. Cha có quyền dạy con, nhưng cái quyền ấy là phải gây dựng cho con được nên người. Chồng có quyền khuyên vợ, nhưng cái quyền ấy là phải mưu cho gia đình được thuận hòa vui vẻ. Nói tóm lại thì ngày xưa quan niệm quyền lợi thuộc về “tiêu cực” mà quan niệm về nghĩa vụ thì thuộc về “tích cực”. Ngày nay tựa hồ như
phải trái lại: “tiêu cực” chuyển ra “tích cực” và “tích cực” chuyển ra “tiêu cực”, quyền lợi xem ra trọng hơn nghĩa vụ.
Sự chuyển dịch ấy khởi ra tự Châu Âu. Các nước Tây Âu xướng ra nhân quyền, làm kinh thiên động địa vì hai chữ “quyền lợi”. Vua có quyền lợi đối với dân, nhưng dân cũng có quyền lợi đối với vua. Cha có quyền lợi đối với con, nhưng con cũng có quyền lợi đối với cha. Chồng có quyền lợi đối với vợ, nhưng vợ cũng có quyền lợi đối với chồng. Bấy nhiêu quyền lợi tranh giành xung đột nhau, khởi lên như giáo dựng, thì phân định làm sao cho được? Ai cũng có quyền lợi cả, mà duy chỉ có quyền lợi tối yếu là quyền quyết định mọi sự cạnh tranh thì không thuộc về ai!
II. PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG MỘT PHÂN ĐOẠN 1. XÂY DỰNG MỘT PHÂN ĐOẠN LÀ GÌ?
Xây dựng một phân đoạn là đặt câu dùng chữ để xây dựng thành một đoạn văn.
Căn cứ vào phương pháp chung, các nhà văn thường xây dựng một đoạn văn gồm 4 phần như sau: ý chính, lí luận, dẫn chứng, tiểu kết. Ví dụ:
Ý chính: có kiên nhẫn cố gắng làm việc thì mới thành công.
Lí luận: Các vĩ nhân trên thế giới sở dĩ thành nên sự nghiệp đều do chí kiên nhẫn và sức cố gắng mà ra cả.
Dẫn chứng: nhà bác học trong phòng thí nghiệm, nhà văn trong bàn viết, người mẹ trong gia đình, người y tá trong bệnh viện, người thợ trong xưởng máy… tất cả đều phải gắng sức kiên nhẫn mới giúp ích cho đời.
Tiểu kết: Cuộc đời là nơi chiến đấu, đòi hỏi ta phải kiên nhẫn và gắng sức tới cùng. (Theo Nguyễn Văn Trung)
Cũng có những trường hợp vì lí lẽ minh bạch và sự thật hiển nhiên, ta chỉ cần lí luận mà không cần dẫn chứng. Ví dụ:
Ý chính: Nhưng cũng có những thứ tình cảm hỗn loạn, đưa người ta vào con đường xấu xa tội lỗi.
Lí luận: Đó là những tình cảm ủy mị đưa tới các thứ tình ái bất chính dâm ô, hoặc những tình cảm thái quá đưa tới sự hiềm khích tranh giành.
Tiểu kết: những kẻ không kìm hãm và làm chủ được tình cảm hộn loạn của mình như vậy sẽ phải gánh lấy hậu quả rất tai hại. (Theo Nguyễn Nam Châu)
Trên đây là hai ví dụ đơn giản và điển hình trong việc xây dựng một phân đoạn. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này kĩ hơn trong chương về các phương pháp suy tư và lí luận.
2. VÀI ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN KIỂU MẪU
a. GIÁ TRỊ CON NGƯỜI
Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hóa, nhưng là một cây sậy có tư tưởng.
Cần gì cả vũ trụ phải tòng hành nhau mới đè bẹp được cây sậy ấy? Một chút hơi, một giọt nước cũng đủ làm chết người được. Nhưng dù vũ trụ có đè bẹp người ta, người ta so với vũ trụ vẫn cao hơn vì khi chết thì biết rằng mình chết chứ không như vũ trụ kia khỏe hơn người nhiều mà không tự biết rằng mình khỏe.
Vậy thì giá trị chúng ta là ở tư tưởng. Ta tự cao dựa vào tư tưởng chứ đừng cậy ở không gian, thời gian là hai thứ chúng ta không bao giờ làm đầy hay đọ kịp. Ta nên rèn tập để viết tư tưởng cho hay, cho đúng. Đó là nền tảng của nhân luân.
Tôi không căn cứ vào không gian để tìm lấy giá trị của tôi, mà trông cậy vào sự quy định tư tưởng một cách hoàn toàn, dù tôi có bao nhiêu đất cát cũng chưa phải là “giàu hơn”, vì trong phạm vi không gian này, vũ trụ nuốt tôi như một điểm con, nhưng trái lại, nhờ ở tư tưởng, tôi quan niệm, bao trùm được vũ trụ. (Nghiêm Toản dịch theo Pascal)
b. CHÍ THÀNH
Thành nghĩa là gì? Thành nghĩa là thật lòng, không dối mình dối người, không giả nhân, giả nghĩa; việc phải dù tính mệnh cũng không từ, việc phi nghĩa dù phú quý cũng không tưởng.
Đem lòng thành ấy mà ở với cha mẹ thì nên con thảo. Đem lòng thành ấy mà ở với nước thì nên tôi trung. Suy ra anh ở với em, vợ ở với chồng, chúng bạn ở với nhau, ở với người đồng loại, ở với hết mọi loài, cũng nên người có nhân có nghĩa, có tín có huệ. Thánh, hiền, tiên, phật cũng bởi cái lòng thành ấy mà nên.
Những người có tài mà hay khinh bạc, lời nói vẫn hay, việc làm vẫn giỏi, đến khi hoạn nạn hay đổi lòng, gặp lúc kinh quyền hay biến tiết cũng vì không có chí thành làm bản lĩnh.
Chí thành cũng có lúc xử trí, có lúc dụng mưu. Nếu cứ chắc như đười ươi, thẳng như ruột ngựa, như thế gọi là ngu thành, chỉ đủ cho người ta đánh lừa hay người ta nói dối.
Người ta thường nói: “Không biết nói dối, không buôn bán được. Cứ giữ thật thà, không ra ngoài được.” Ấy là lời nói của những người quen lèo lái hàng chợ. Cho nên người nước ta ở với nhau không có đoàn thể, ra đến ngoài không có người tin, cũng vì tập nhiễm những câu hủ bại ấy mà mới mất hẳn cái đạo chí thành đi.
Người có chí thành mới là người có giá trị; như ông tượng gỗ, vàng son rực rỡ là đồ trang sức bên ngoài, mà thân mình cảm ứng là cái chí thành ở trong. Nếu không có thần minh cảm ứng, thì có ai thờ chi ông tượng gỗ.
(Trích “Lời khuyên học trò”của Nguyễn Bá Học trong Nam Phong tạp chí số 25)
BỐ CỤC BÀI “GIÁ TRỊ CON NGƯỜI”
1. Nêu đại ý bằng cách trưng hai ý tưởng tương phản
a. Người là vật yếu nhất trong tạo hóa. b. Người có tư tưởng
Hai ý đối chọi nhau bởi chữ “nhưng”.
2. Tác giả chứng minh hai ý trên
a. Người yếu: một giọt nước, một chút hơi có thể giết được người.
b. Người có tri giác nên hơn vũ trụ vô giác vô tri. Hai phần cũng dùng chữ “nhưng”để nói hai ý đối lập.
3. KẾT LUẬN
a. Tóm ý: Giá trị con người là ở tư tưởng.
b. Hệ luận: Nền tảng luân lý là sự rèn tập tư tưởng... c. Tác giả áp dụng vào bản thân.
Toàn bài có thể nhất quán, chứng minh tình trạng mâu thuẫn giữa sự cực thấp và cực cao của con người. Mấy chữ “nhưng” và “vậy thì” cho ta thấy lập luận của Pascal rất chặt chẽ.
BỐ CỤC BÀI “CHÍ THÀNH”
1. Định nghĩa chí thành 2. Công dụng của chí thành
a. Khi có chí thành thì làm được những điều cần thiết trong đạo xử thế, tu thân.
b. Khi không có chí thành thì hai đạo như thế nào dù lời hay, việc giỏi.
3. Chí thành cần được bổ túc bằng mưu trí
4. Đả phá những lời ngụy biện bác bỏ chí thành trong một vài trường hợp
Các ý trong bài này xếp theo hình chóp hay vòng đồng tâm mà đỉnh chóp hay tâm điểm là chữ “chí thành”.
Thực vậy, đúng về toàn thể, tác giả đi dần dần từ định nghĩa đến công dụng tích cực, tiêu cực, rồi suy ra chí thành cần bổ túc bằng mưu trí và cần được duy trì trong vài trường hợp người ta thường bác bỏ, đã kết thúc với một hình tượng cụ thể, tỏ rõ giá trị con người xây dựng trên đạo chí thành.
CHÚ Ý: Cách viết một câu cụ thể có giá trị trừu tượng sang câu trừu
tượng.
Giai đoạn 1: Phải hiểu ý tổng quát toàn câu đó.
Giai đoạn 2: Tìm tiếng trừu tượng làm chủ từ hay chủ từ cụ thể.
Cuối cùng xét ý nghĩa toàn câu mới xem còn tương đương với câu cũ không.
Ví dụ: “Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hoá, nhưng là một cây sậy có tư tưởng.” Câu này có thể viết thành câu trừu tượng bằng nhiều cách:
Sự yếu đuối của con người giống như cây sậy, nhưng giá trị độc đáo của con người là do khả năng tư tưởng.