xã hội Việt Nam trong các thế kỷ XV- XVI
a, Về kinh tế
Chính sách quân điền góp phần quan trọng vào sự xác lập và thống trị của những quan hệ sản xuất phong kiến: quan hệ sản xuất địa chủ- tá điền trong xã hội ở thế kỉ XV.
Chính sách này còn có tác dụng giải quyết vấn đề ruộng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện củng cố nền kinh tế tiểu nông, thúc đẩy sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế nông nghiệp trong cả nước.
Cùng với chính sách quân điền, chính sách lộc điền đã tiến công một bước mạnh mẽ vào chế độ chiếm hữu ruộng đất công của làng xã, khẳng định tính chất phong kiến của chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất. Chế độ lộc điền có tác dụng củng cố bộ máy quan liêu, củng cố cơ sở xã hội của nhà
nước phong kiến (giai cấp địa chủ) đánh dấu một bước tiến trong quá trình hình thành và xác lập chế độ phong kiến Việt Nam.
Nhờ những biện pháp tích cực, cho đến nửa năm sau thế kỉ XV, diện tích ruộng đất khai hoang đã được khôi phục, tăng thêm diện tích sản xuất, tăng thêm nguồn thu nhập của nhà nước; bộ phận nông dân tư hữu, tự do tăng lên, điều hòa mâu thuẫn giai cấp, ổn định xã hội, nền kinh tế nông nghiệp nhanh chóng được phục hồi và có bước phát triển. Nhiều làng xóm ở vùng ven biển Sơn Nam, Thanh Hóa, Nghệ An đã ra đời. Để giúp cho công cuộc khai hoang này, Thánh Tông đã đắp một hệ thống đê biển mang tên đê Hồng Đức.
Chính sách đồn điền của Lê Thánh Tông có tác dụng tích cực, thiết thực trong việc mở rộng diện tích sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp.
Tuy nhiên trong phát triển kinh tế, vua Lê Thánh Tông lại quá coi trọng nông nghiệp mà không chủ trương phát triển cả thượng nghệp và thủ công nghiệp, kìm hãm sự phát triển của kinh tế hàng hóa. Mặt khác chính sách quân điền của Lê Thánh Tông cũng chứa đựng sâu sắc tính chất giai cấp và còn bộc lộ những mặt tiêu cực và hạn chế, chứa đựng những mâu thuẫn nan giải, đã trói buộc người nông dân vào ruộng đất để bóc lột tô thuế và chịu mọi gánh nặng sưu dịch của nhà nước trong lúc sự củng cố nền kinh tế tiểu nông lại tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của chế độ tư hữu ruộng đất đã thắng thế trong xã hội.
b, Về bộ máy quan lại và hành chính.
So với những triều vua đầu và thời Lý, Trần thì hệ thống hành chính quốc gia thời Lê Thánh Tông thể hiện một bước tiến rất cơ bản. Có thể nói, nó đã đạt đến đỉnh cao của mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế- quan liêu. Vua tuy vẫn giữ những chức năng cơ bản của thời trước ( Lê Thánh Tông đã phong chức, phong tước cho những người có công lớn, tiếp đãi các
sứ thần nước ngoài, chỉ huy quân đội trong chiến tranh với champa) nhưng với quyền lực tập chung hơn và quyết đoán hơn. Trong các kỳ thi hội vua là người trực tiếp ra đề thi đình, sắp xếp thứ bậc cho các tiến sĩ. Tính chuyên chế tăng lên, song không vì thế mà vua bỏ qua hay không cần đến sự góp ý của các đại thần.
Hệ thống các cơ quan hành chính được sếp đặt rõ ràng, có phân công cụ thể không dẫm đạp lên nhau. Đây là một điểm rất quan trọng trong cơ chế vận hành, vừa xác định rõ chức năng của các bộ, nhất thể hóa quy chế bổ dụng quan chức, đảm bảo quyền lực của chính quyền trung ương. Các bộ cũng chịu trách nhiệm trực tiếp trước vua, các cơ quan chính quyền địa phương cũng có mối liên hệ dọc với chính quyền cấp trên ở trung ương, đảm bảo quyền lực của nhà vua và sự thống nhất chính trị của cả nước.
Có nhà học giả nước ngoài cho rằng, hệ thống hành chính quốc gia thời Lê Thánh Tông dập khuôn mô hình nhà nước Minh ở Trung Quốc, không có gì mới và đặc sắc. Không phủ nhận những phần mô phỏng của nhà Minh, nếu chúng ta nghiên cứu, so sánh cụ thể các cơ quan hành chính của hai bên, chúng ta sẽ thấy Lê Thánh Tông rất ý thức về sự sáng tạo và tính dân tộc của mình. Ở trung ương, Lê Thánh Tông không đặt nội các như nhà Minh. Ở địa phương, Lê Thánh Tông thay thế Án sát sứ ti bằng Hiến sát sứ ti có chức năng khác hẳn. Bên cạnh đó là Thừa tuyên sứ ti chứ không phải là Tuyên chính sứ ti, cũng có nhiệm vụ khác. Thậm chí, những việc làm của Lê Thánh Tông không những đa dạng hơn mà còn mang đậm tính dân tộc. Học tập mô hình của một nước tiên tiến bên cạnh mình, đặc biệt là Trung Quốc là một nét quen thuộc, bình thường của giai cấp thống trị Đại Việt đương thời, nhưng vẫn khẳng định tính sáng tạo, tự chủ, dân tộc của một nhà nước quân chủ thời Lê Thánh Tông và mong muốn vươn lên tiên tiến nhất của người chủ trì của cuộc cải cách hành chính đó.
Hệ thống hành chính thời Lê Thánh Tông thể hiện được tính chất tập trung từ dưới lên trên, từ địa phương đến trung ương, đề cao quyền hành toàn diện của người đứng đầu nhà nước. Điều này rất quan trọng với một quốc gia thống nhất trên cơ sở nông nghiệp, kinh tế hàng hóa chưa phát triển, giao thông liên lạc còn khó khăn. Đồng thời nó cũng thể hiện mong muốn của người cải cách: “Các chức lớn nhỏ cùng ràng buộc nhau, nặng nhẹ cùng giũ gìn nhau, lẽ phải của nước không bị chuyện riêng, việc lớn của nước không đến lung lay, khiến mọi người có thói quen tốt làm hợp đạo đúng phép”.
Những ưu điểm của hệ thống hành chính thời Lê sơ là lý do chính khiến nó được duy trì suốt cho đến thế kỷ XVIII (với một số thay đổi do tình thế). Sau này, dưới thời Nguyễn nó vẫn là cái khung cơ bản.
c, Về văn hóa, tư tưởng.
Những chính sách về giáo dục thi cử của Lê Thánh Tông đã góp phần đào tạo ra hệ thống quan lại trí thức- quan liêu có tài và đủ năng lực để phục vụ cho triều đình và bộ máy chính quyền địa phương.
Chính sách phát triển đạo Nho, đưa nho giáo lên địa vị độc tôn có tác dụng giúp vua củng cố nền thống trị của mình vững chắc hơn. Song việc hạn chế Phật giáo lại gây nên những mâu thuẫn trong giới những người theo đạo. Vì điều đó nó vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân.
Những chính sách cải cách của Lê Thánh Tông đã làm cho đất nước ta phát triển hùng mạnh nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Tuy có một số hạn chế nhưng thành công vẫn là căn bản. Những chính sách cải cách của Thánh Tông không chỉ có ý nghĩa đối với thời đại mà còn để lại nhiều bải học cho dân tộc sau này. Các cuộc cải cách sau này của Quang Trung, Minh Mệnh cũng đều học tập một số điểm tiến bộ của Lê Thánh Tông.