Sau các đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông và Nghi Dân, nền kinh tế đất nước bắt đầu được phục hồi và từng bước phát triển. Ngay sau khi lên ngôi Thánh Tông đã ban hành các chính sách phát triển kinh tế, đặc biệt với tư tưởng trọng nông ức thương, thì ruộng đất trở thành vấn đề trung tâm của cải cách kinh tế.
Chính sách ban cấp ruộng lộc cho quý tộc, quan lại với chế độ lộc điền
Khác hẳn với các triều Lý, Trần, nhà Lê thực hiện chính sách lộc điền, đem ruộng đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước ban cấp cho tầng lớp quan lại cao cấp. Chế độ lộc điền được thi hành ngay từ những triều vua đầu tiên của nhà Lê nhưng chưa trở thành quy chế. Đến thời vua Thánh Tông mới được quy định và ban hành thống nhất trong cả nước.
Ruộng đất dùng để ban cấp chủ yếu gồm 2 loại ruộng đất công làng xã. Lộc điền gồm 2 loại: một loại cấp vĩnh viễn gọi là ruộng đất thế nghiệp, một loại cấp tạm thời trong một đời, sau khi chết 3 năm phải hoàn trả lại cho nhà nước. Theo quy định năm 1477, tổng diện tích ruộng đất cấp cho thân vương là 2090 mẫu, trong đó có 640 mẫu cấp vĩnh viễn, tòng tứ phẩm được cấp 39 mẫu.
Chế độ lộc điền là hình thức ban cấp ruộng đất quy mô của nhà Lê nhằm ưu đãi tầng lớp quý tộc quan lại cao cấp, biến họ trở thành những địa chủ lớn. Chế độ lộc điền đã góp phần củng cố và phát triển chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất cũng như góp phần xác lập quan hệ sản xuất địa chủ, tá
điền và chế độ bóc lột địa tô phù hợp với bước phát triển mới của chế độ sở hữu tư nhân lớn về ruộng đất và của những quan hệ sản xuất phong kiến.
Chính sách quân điền đối với ruộng đất công làng xã.
Cũng như chính sách lộc điền, chính sách quân điền đã được thực hiện lẻ tẻ ngay từ những triều vua Thái Tổ, Thái Tông. Đến đời vua Thánh Tông từ năm 1477, chính sách quân điền mới được chính thức ban hành và từ năm 1481, đã thực hiện thống nhất trên quy mô cả nước theo nguyên tắc:
- Tất cả mọi người từ quan tam phẩm đến cô nhi quả phụ đều được chia ruộng công. Những gia đình nông dân thường đã có ruộng đất riêng đầy đủ thì không được cấp
- Ruộng xã nào chia cho dân xã ấy, xã nào ruộng quá nhiều, người ít thì cho phép lấy bớt ruộng xã nhiều chia cho xã bên cạnh ruộng ít, người nhiều.
- Dân trong xã tùy theo thứ hạng được cấp phần ruộng đất khác nhau. Quan tam phẩm được 11 phần, ngũ phẩm được 9,5 phần…Cô nhi, quả phụ được 3 phần.
- Ruộng công làng xã cứ 6 năm chia lại một lần. Mọi người cày cấy ruộng công đều phải nộp tô cho nhà nước. Riêng quan tứ phẩm trở lên do lộc điền ít nên không phải nộp tô.
Chính sách quân điền của thời Hồng Đức là một đòn tấn công mạnh mẽ nhằm phủ định quyền chi phối ruộng đất công của làng xã theo tục lệ, buộc làng xã phải tuân thủ những nguyên tắc quy định về phân chia và hưởng thụ bộ phận ruộng đất công- là bộ phận ruộng đất quan trọng nhất, lớn nhất của nhà nước, làng xã lệ thuộc chặt chẽ vào nhà nước, trên nguyên tắc, ruộng đất công làng xã không được đem mua bán, chuyển nhượng, quyền đó thuộc nhà nước trung ương, nhà vua.
Nhà nước trung ương, nhà vua với chính sách quân điền đã trở thành người chủ lớn nhất trong cả nước và nông dân làng xã trở thành tá điền của nhà nước, làng xã rơi xuống địa vị là người quản lý ruộng đất cho Nhà nước trung ương và nhà vua.
Có thể tóm gọn các chính sách lớn về ruộng đất và nông nghiệp dưới thời Lê Thánh Tông nhằm thực hiện những mục tiêu:
- Khuyến khích tiềm năng lao động trong nông nghiệp, chủ yếu là những người nông dân nghèo, ít ruộng và gắn bó với lợi ích của họ với nhà nước phong kiến, biến họ thành thần dân của mình.
- Ưu đãi đối với những đối tượng tạo nên bệ đỡ chính trị của triều Lê (quý tộc, quan lại, binh lính…)
- Khẳng định quyền sở hữu tối cao của nhà nước về ruộng đất, hoàn thành quá trình khuất phục các làng xã, đồng thời bảo vệ công điền, ngăn chặn quá trình tư hữu hóa ruộng đất.
- Luật pháp hóa mọi quan hệ liên quan đến ruộng đất, nhằm hạn chế những tranh chấp và ngăn chặn những rối loạn do quan hệ đất đai dẫn tới và do đó, ruộng đất tư hữu được pháp luật bảo vệ chắc chắn hơn.
- Tăng cường các biện pháp cải thiện công tác trị thủy và thủy lợi, nhờ đó diện tích canh tác được mở rộng.
- Phát triển loại hình ruộng đất do nhà nước sở hữu trực tiếp. Kết hợp chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp với yêu cầu tăng cường lực lượng quân đội.
Hơn ai hết, Lê Thánh Tông xác định lương thực, cái ăn là trời của dân nên đã rất quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, và luôn có tư tưởng “trọng nông, ức thương”
Theo phương châm “bất vi nông thời” (không làm trái thời vụ của nhà nông) và “sử dân dĩ thời” (sai khiến dân thì phải chú ý đến nông vụ), nhằm tăng cường sức lao động cho nông nghiệp vào vụ cần kíp, nhà nước thời Lê Thánh Tông không chỉ cho quân đội được thay phiên nhau về làm ruộng, mà còn huy động cả các lực lượng “phi nông nghiệp” khác cho mùa vụ. Sắc chỉ năm 1466 ghi rõ: “Đương mùa làm ruộng, các quân nhân ứng dịch ở thường ban thì cho ở lại túc trực và làm các việc giữ cửa nhà, kiếm cỏ lợp nhà, cắt cở nuôi voi, còn những người ứng dịch ở các sảnh viên cục và thợ bách tác thì lưu lại một nửa làm việc, còn thì cho về làm ruộng.
Những việc xây dựng, tu sửa không được huy động sức dân vào lúc đương mùa vụ. Thậm chí thời Lê còn quy định chỉ cho phép chuộc ruộng vào các tháng 3, tháng 6 là những tháng rỗi rãi. Nếu giữa kì làm ruộng mà cưỡng đòi chuộc thì theo luật, người vi phạm bị đánh 80 trượng và bị tội đồ.
Năm 1461 Lê Thánh Tông ra chỉ dụ xác định và “khuyên bảo quân dân đều chăm nghề nghiệp sinh nhai, để đủ ăn mặc, không nên bỏ nghề gốc theo nghề ngọn, không được giả thác đi buôn bán và làm kĩ nghệ để chơi bời dông dài. Người nào có ruộng đất mà không chăm cấy trồng thì quan tư cai quản bắt trình trị tội” Đây là lần đầu tiên trong văn bản chính thức của nhà nước xuất hiện sự phân biệt “nghề gốc” (làm ruộng, trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa) với “nghề ngọn” (buôn bán và làm nghề thủ công). Các chiếu dụ tiếp theo đều nhắc lại nhiệm vụ của các quan phủ châu huyện khuyên nhủ nhân dân làm ruộng trồng dâu, giữ gìn phong tục cho được thuần hậu (các chiếu dụ năm 1469, 1471, 1485…)
Ở trong nước việc nhập cư và đi lại buôn bán từ các nơi về thành Đông Kinh bị hạn chế và ngăn cấm. Nhà nước chỉ cho phép mở các chợ ở làng quê để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp trong từng vùng miền. Có thể nói tư tưởng trọng nông ức thương được xuất hiện và thi hành triệt để từ thời Lê Thánh Tông.
Nhà Lê rất chăm lo đến thủy lợi, đê điều. Các thừa tuyên đều có chức quan hà đê chuyên phối hợp với các quan phủ, huyện trông nom, sửa đắp đê điều. Năm 1498, mỗi xã phải cử một xã trưởng chuyên trách việc đê điều và khuyến nông. Trường hợp đê vỡ, triều đình lập tức cử quan đi khám xét, huy động nhân dân, quân lính, công tượng, học sinh Quốc tử giám đi sửa đắp, cứu hộ.
Việc đào kênh, khơi ngòi được tổ chức ở nhiều nơi vừa có lợi cho vận chuyển, vừa tạo nguồn nước “tưới ruộng cho dân”. Từ năm 1438, nhà nước cho dân khai lại các kênh ở Trường Yên, Thanh Hóa, Nghệ An. Năm 1449 khai sông Bình Lỗ (Kim Anh- Vĩnh Phúc). Năm 1467, Lê Thánh Tông khai thêm một số kênh ở Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa…Nhà nước còn luôn luôn khuyến khích nhân dân đắp bờ giữ nước, khơi thông những chỗ úng thủy, phòng hạn hán…xe tát nước được phổ biến.
Ngoài ra, nhà nước còn quy định mọi công trình xây dựng cần điều động dân phu đều phải tiến hành ngoài thời vụ cày cấy, gặt mùa, “hễ công việc gì có hại cho nghề nông thì không được khinh động sức dân”. Pháp luật nhà Lê bảo vệ chặt chẽ sức kéo trong nông nghiệp. Tội ăn trộm trâu bò bị trừng phạt nặng. Năm 1489, Thánh Tông ra lệnh cấm giết trâu bò ban đêm.
Trong những năm khó khắn, hạn hán, lụt lội, nhà vua thường lập đàn cầu đảo, hoặc ra chiếu khuyến nông, động viên nhân dân khắc phục khó khăn đảm bảo sản xuất. Chính sách trọng nông của nhà Lê sơ thực sự đạt kết quả tốt. Theo ghi chép của sử cũ, trong 38 năm cầm quyền của Lê Thánh
Tông, chỉ có 4 lần hạn hán, 1 lần vỡ đê, một năm đói kém…Tất nhiên đây cũng là công sức của nhân dân và đặc biệt là của vua Lê Thánh Tông
Chính sách khẩn hoang và đồn điền.
Xuất phát từ yêu cầu nhanh chóng phục hồi nền kinh tế nông nghiệp sau một thời gian dài chiến tranh, nhà nước Lê sơ ngay từ rất sớm, đã có những chính sách khuyến khích nông dân các làng xã khai hoang lập làng, đặc biệt dưới thời Lê Thánh Tông.
Điều 349 trong bộ luật Hồng Đức quy định việc khai hoang, khai thác hết diện tích cày cấy thành pháp lệnh của nhà nước . Nhiều chỉ dụ của nhà vua được ban hành nhằm đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang, lập làng và hợp pháp hóa việc khai hoang, lập làng trong nhân dân, góp phần giải quyết tình hình lưu vong trong xã hội.
Song song với chính sách khai hoang, lập làng, Lê Thánh Tông còn đẩy mạnh việc khai hoang lập đồn điền. Chính sách này được bắt đầu thi hành từ thời Thái Tổ và được mở rộng dưới thời Thánh Tông. Chỉ dụ năm 1481 nêu rõ mục đích lập đồn điền của nhà nước “để khai thác hết sức nông nghiệp, mở rộng nguồn súc tích cho nước”. Nhiều sở đồn điền được thành lập chuyên lo việc mộ dân lưu vong khẩn hoang. Lực lượng được huy động ở nhiều hình thức khai hoang này bao gồm cả quân lính đồn trú, tù binh, tội nhân. Nhà nước đặt ra cơ quan chuyên trách công việc khai hoang, lập đồn điền do các chức quan chánh, phó sứ đồn điền phụ trách. Theo Thiên Nam dư hạ tập, bấy giờ cả nước có tất cả 43 sở đồn điền. Các đồn điền này được đặt ở các vùng Bắc (30 sở), Thanh Hóa (5 sở), Nghệ An (4 sở), Thuận Hóa (2 sở), Quảng Nam (2 sở). Các viên chánh, phó đồn điền sứ có nhiệm vụ mộ dân nghèo không ruộng lưu tán đến đây khai hoang và phân chia ruộng đất cho họ cày cấy.