Vua Lê Thánh Tông rất quan tâm đến giáo dục để đào tạo đội ngũ trí thức nho học và đội ngũ quan lại có năng lực.
Năm 1462, vua Thánh Tông đặt lệ “Bảo kết thi hương” quy định rõ thủ tục giấy tờ của những người ứng thí. Sau đó cứ 3 năm, nhà nước mở 1 kì thi. Vua khuyến khích việc học tập thi cử bằng cách đặt lệ xướng danh, treo bảng, ban áo mũ, phẩm tước, dựng bia tiến sĩ và lệ vinh quy bái tổ. Những biện pháp nói trên đã góp phần quan trọng phát triển giáo dục trong nước. Khoa thi hội năm 1463 có 1400 thí sinh. Tính riêng trong 38 năm dưới triều vua Lê Thánh Tông nhà nước đã mở 12 khoa thi hội, lấy đỗ 501 tiến sĩ, trong đó có 9 trạng nguyên.
Năm 1467, Thánh Tông đặt chức bác sĩ dạy 5 kinh, mỗi người nghiên cứu 1 kinh để giảng dạy. Hàng năm nhà nước cho in và ban cho các trường ở phủ các sách Ngũ kinh, Tứ thư, Đăng khoa lục, Ngọc đường văn phạm, Văn kiến thông thảo, Văn tuyển…
Vua Thánh Tông cho xây dựng lại Văn Miếu, mở rộng Thái học viện, mở thêm Tú lâm cục và Sùng văn quán để bồi dưỡng con em quý tộc, quan lại cao cấp… Nội dung học tập được quy định đầy đủ rõ ràng, các học quan được tuyển chọn cẩn thận.
Có thể xem thời Lê sơ, đặc biệt là triều vua Lê Thánh Tông là thời kì phát triển cực thịnh của giáo dục thi cử phong kiến.
Nhà sử học Phan Huy Chú nhận xét: “khoa cử các đời, thịnh nhất là đời Hồng Đức (1470-1497). Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau càng không thể theo kịp… Trong nước không để sót nhân tài, triều đình không dùng lầm người kém”.
Nội dung giáo dục chủ yếu là Nho giáo qua các sách Tứ thư, Ngũ Kinh, Bác sử, Thơ phú…nhưng qua các kì thi Văn sách hay thi Đình, người học trình bày được năng lực chính trị và sự hiểu biết thực tiễn của mình. Từ
giáo dục, thi cử đã xuất hiện nhiều nhà nho, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà sử học nổi tiếng làm rạng danh đất nước một thời.
Thời Lê sơ đã đưa Nho giáo lên địa vị độc tôn. Vua Lê Thánh Tông đã đưa các giáo lý nhà nho vào các huấn điều trong bản 24 huấn điều của Lê Thánh Tông. Các xã trưởng có nhiệm vụ hàng năm đọc và giảng cho xã dân. Những quy định khắt khe của Nho giáo cũng được đưa vào luật Hồng Đức.
Lê Thánh Tông hạn chế Đạo giáo và Phật giáo chặt chẽ hơn. Năm 1461, nhà nước cấm quan lại, nhân dân không được xây thêm chùa quán mới, không được tự tiện đúc chuông, tô tượng. Hoạt động của bọn thầy cúng, thầy bói, đạo sĩ bị ngăn cấm. Các nhà sư uống rượu, ăn thịt đều bị bắt hoàn tục, phạm tội dâm ô thì bị lưu đày. Năm 1471, Thánh Tông đặt ti Tăng lục và Đạo lục chuyên trách Phật giáo và Đạo giáo. Một số chùa quán được tu bổ.