CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN
4.2.4 Ảnh hưởng của hàm khung lên răng trụ và vùng quanh răng
Theo bảng 3.16, sau 6 tháng theo dõi, các răng trụ mang móc dây uốn đều ở tình trạng ban đầu, không có răng nào bị sâu ổ tựa, lung lay hoặc bị tiêu thêm xương ổ răng.
Móc dây uốn kết hợp có cấu tạo gồm 1 tựa ở phía xa khoảng mất răng, cánh tay đối kháng phía trong, bản trượt phía xa răng trụ và móc dây uốn ở phía ngoài. Khi hoạt động chức năng, lực nhai sẽ truyền từ mặt nhai qua răng đến vùng quanh răng. Tựa mặt nhai được đặt sao cho lực truyền gần với trục của răng nhất để hạn chế lực có hại cho răng trụ. Dưới tác dụng của cùng một lực, răng trụ mang các tựa mặt nhai sẽ bị lún theo trục khoảng 0,1mm, tổ chức niêm mạc dưới nền hàm khung có thể lún xuống 0,4-2mm. Với thiết kế cánh tay móc dây uốn phía ngoài đàn hồi có tác dụng giúp nền hàm chuyển động độc lập, làm giảm sự nghiêng của răng trụ, ngăn ngừa sự tiêu xương của răng trụ mang móc. Ngoài ra, dưới tác dụng của các lực theo phương ngang lên răng trụ, cánh tay đối kháng có tác dụng chống lại lực đẩy ngang của tay lưu giữ, vật giữ gián tiếp giúp hàm khung không bị xoay quanh trục nối các tựa.
Sau 6 tháng theo dõi, không có trường hợp nào có hiện tượng tăng chỉ số lợi vùng răng trụ. Do móc dây uốn có khoảng hở ở vùng cổ răng, không ảnh hưởng đến niêm mạc. Trong nghiên cứu của Nguyễn Thu Hằng, có 4% răng trụ có tăng chỉ số lợi GI thêm 1 độ, gặp ở nhóm dùng móc T, do cánh tay móc chữ T dài, dễ gây mắc thức ăn.