III. Đánh giá chung về đầu tư xóa đói giảm nghèo ở Sơn La:
1. Những kết quả hiệu quả đạt được:
Sơn La là một tỉnh miền núi vùng cao Tây Bắc của Tổ quốc, có tỷ lệ hộ đói nghèo cao, chủ yếu là các hộ dân tộc ít người ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hiện nay Sơn La có 86 xã và 23 trung tâm cụm xã (TTCX) được công nhận thuộc diện đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng biên giới. Sơn La đã được đầu tư 327 tỷ đồng, bình quân mỗi xã đặc biệt khó khăn gần 4 tỷ đồng (không kể vốn của các chương trình, mục tiêu khác). Tỷ lệ hộ nghèo của 86 xã trong diện đầu tư của CT 135 từ 35% giảm xuống còn 21%.
Với sự tham gia tích cực của các chương trình kinh tế - xã hội và sự nỗ lực vươn lên của chính hộ nghèo đến năm 2005 đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11% tương đương với giảm 17.000 hộ nghèo. Năm 2005 Chính Phủ công bố tiêu chí hộ nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 46,03%. Toàn tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo giảm 5,03% hộ nghèo đưa tỷ lệ hộ nghèo năm 2006 của tỉnh xuống còn 41% so với tổng số hộ trong toàn tỉnh, 6.933 hộ nghèo được hỗ trợ cải thiện nhà ở, cơ bản xoá nhà ở dột nát cho người nghèo.
Trong 7 năm Sơn La đã sắp xếp lại 76 điểm dân cư, đưa 814 hộ dân về các điểm mới theo quy hoạch, để ổn định sản xuất và đời sống (đó là các hộ sống trong khu rừng đặc dụng Xuân Nha (Mộc Châu), các vùng hẻo lánh, nơi có thể bị ảnh hưởng của lũ quét, lở đất). Vận động bà con chuyển đổi cây trồng để tạo nông sản hàng hóa, bố trí 20 trạm khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm khu vực phục vụ sản xuất. đã mở mới, nâng cấp 1.251 km đường giao thông nông thôn, hoàn toàn xóa xã trắng không có đường ô tô đến xã (dù mới vào được mùa khô). Xây dựng mới 73 công trình thủy lợi, chủ động tưới tiêu cho 1.640 ha ruộng, hỗ trợ khai hoang 780 ha ruộng bậc thang cho 3.140 hộ người dân tộc Khơ mú, Xinh mun, Hmông; xây dựng 1.950 ha nương có bờ, định canh cho 2.390 hộ.
Từ vốn của CT 135, ngành điện đã xây dựng 10 công trình điện hạ thế, phục vụ 48 xã được dùng điện lưới quốc gia; xây mới 309 công trình nước sạch phục vụ hàng trăm ngàn người; 113 trường học (nhà cấp 4, cấp 3); năm phân viện y tế, tại 23 trung tâm cụm xã đã được xây dựng các công trình được phê duyệt, các trung tâm xã cũng có những công trình xưa nay chưa có như trụ sở, trường học, trạm xá, bưu điện văn hóa xã khang trang, giảm nhanh sự khác biệt với các xã vùng I, vùng II.
Từ tác động của CT 135 Sơn La đã có đường giao thông đi lại khá hơn, giao lưu kinh tế, văn hóa được mở rộng, cơ cấu cây trồng ở 86 xã vùng III được chuyển đổi khá nhanh, cây thuốc phiện bị loại trừ, chăn nuôi đại gia súc phát triển, những cây trồng mới như ngô lai, măng bát độ, chè, sơn tra được trồng phổ biến, nhiều nơi an ninh lương thực được đảm bảo.
Sau 7 năm (1999-2005) thực hiện Chương trình 135 giai đoạn I, tình hình kinh tế- xã hội tại các xã, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của tỉnh Sơn La đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, nhiều bản vùng cao, biên giới tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao, kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thiếu thốn. Để giúp đồng bào vươn lên, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế- xã hội các xã ĐBKK vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2006-2010 (gọi tắt là Chương trình 135 giai đoạn II). Giai đoạn 2006-2008, tỉnh được đầu tư 315 tỷ 778 triệu đồng, trong đó:
Chỉ tiêu 2006 2007 2008
Vốn đầu tư được chính phủ cấp 84,740 tỷ 97,314 tỷ 133,724 tỷ - Hỗ trợ phát triển sản xuất 6,580 tỷ 7,570 tỷ 10,478 tỷ - Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 38,310 tỷ 42,910 tỷ 89,400 tỷ
- Đào tạo cán bộ 2,510 tỷ 2,880 tỷ 3,990 tỷ
- Hỗ trợ dịch vụ nâng cao đời
sống nhân dân 13,230 tỷ 15,227 tỷ 22,063 tỷ
- Thanh toán các công trình
trung tâm 2,910 tỷ 3,550 tỷ 4,640 tỷ
- Quản lý chi phí công trình 150 triệu 180 triệu 240 triệu
.
Đối với dự án hỗ trợ sản xuất, đến nay, tỉnh đã đầu tư hỗ trợ các loại giống, vật tư, cây trồng, vật nuôi cho 7.332 hộ để phát triển sản xuất; xây dựng 436 mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Thanh toán 69 công trình dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chuyển tiếp năm 2007 với tổng vốn 15 tỷ 768 triệu đồng. Xây dựng mới 360 công trình với tổng vốn đầu tư 113 tỷ 631 triệu đồng, gồm các công trình đường giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sinh hoạt, lớp học, nhà văn hóa, điện hạ thế, hạ tầng kỹ thuật, cầu treo, trạm y tế xã. Các công trình được giao cho cộng đồng quản lý, khai thác, sử dụng, đang tiếp tục phát huy hiệu quả góp phần phát triển kinh tế- xã hội của từng xã, bản; thêm 81 bản có đường ô tô, 8 bản có điện sinh hoạt, 131 bản có công trình nước sinh hoạt, 13 bản có nhà văn hóa, 45 bản có công trình thủy lợi, 41 bản có lớp học cắm bản, 7 bản có cầu treo đi lại thuận lợi. Mở 167 lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 13.235 lượt cán bộ xã, bản; đào tạo nghề cho 3.696 lượt cán bộ xã, bản và cộng đồng ở 4 huyện: Mộc Châu, Sông Mã, Phù Yên và Quỳnh Nhai. Trợ giúp pháp lý, hỗ trợ các hoạt động văn hóa trị giá 284 triệu đồng cho 71 xã; thành lập 27 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý trên địa bàn các xã thuộc chương trình 135 của tỉnh; hỗ trợ 49 tỷ 550 triệu đồng cho học sinh ở các xã, bản ĐBKK trong năm học 2007- 2008 và học kỳ I năm học 2008-2009.
Có thể nói, Chương trình 135 được đầu tư cơ bản đúng địa bàn, đúng đối tượng, đúng chế độ, chính sách, đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng cơ sở, đẩy mạnh sản xuất, giúp đồng bào vùng ĐBKK ổn định cuộc sống, niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng thêm bền chặt
Nhờ các biện pháp trên, tình hình kinh tế, đời sống văn hóa của nhân dân được nâng lên, củng cố thêm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm, các xã bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới đã được dùng nước sạch hợp vệ sinh; giảm số xã chưa có đường ô tô với TT xã từ 43 xã năm 1999 đến nay chỉ còn 3 xã; 9/23 TTCX có đường nhựa hóa và được xây dựng đủ 6 hạng mục công trình (đường giao thông, điện, trường học, nhà khuyến nông, chợ, phòng khám đa khoa
khu vực, hỗ trợ san ủi mặt bằng...), nhiều xã có trường PTCS, PTTH, hầu hết các xã được phổ cập tiểu học, đội ngũ giáo viên được củng cố, tỷ lệ các em được huy động tới trường chiếm 90%, con em các dân tộc vùng 3 thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học ngày một tăng. Đào tạo 4.279 lượt học viên (thành phần cán bộ xã, trưởng bản, cán bộ khuyến nông, khuyến lâm); Tổ chức sắp xếp, ổn định ĐCĐC cho 985/3.927 hộ có điều kiện phát triển sản xuất; tỷ lệ dân được xem truyền hình chiếm 50-60%, các xã đều có nhà văn hóa xã và đang đẩy mạnh phong trào xây dựng bản làng văn hóa toàn diện. Nhiều xã có điện lưới quốc gia và số hộ được dùng điện chiếm tới 49,3% (các xã ĐBKK là 32%); tỷ lệ người được nghe đài chiếm 75% và xem truyền hình 35%, mọi người dân được chữa bệnh kịp thời, 100% số bản đều có túi thuốc chữa bệnh và y tế bản.