Những phương pháp dạy học có thể khai thác vận dụng trong dạy học nhằm phát triển tư duy logic cho sinh dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN tư DUY LOGIC CHO học SINH dân tộc THIỂU số TỈNH KON TUM QUA dạy học đại số 10 (Trang 28 - 31)

nhằm phát triển tư duy logic cho sinh dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum

Vấn đề GV lên lớp như thế nào có một ý nghĩa to lớn đối với HS. Kết quả của các mục đích giáo dục, của bộ môn cùng với sự tiến bộ của HS cũng như sự ham mê học tập của các em đều phụ thuộc vào vấn đề giảng dạy trên lớp. Nhà giáo nhân dân Phạm Văn Hoàn khuyên rằng:

Để giúp học sinh có thể hiểu, nhớ lâu, tiến bộ nhanh một điều cực kỳ quan trọng là phải hiểu đối tượng học sinh và dạy sát đối tượng. Cần phải xuất phát từ tình hình thực tế học sinh, dựa vào các đặc điểm phát triển tâm lí, sinh lí của các em, dựa vào vốn hiểu biết của các em, mặt mạnh, mặt yếu… mà tìm cách dạy thích hợp… "đóng giày theo chân" chứ không thể "khoét chân cho vừa giày" [3 tr.33].

HSDTTS sinh ra và lớn lên trong cộng đồng, chịu sự tác động của điều kiện tự nhiên và xã hội, mang trong mình những đặc tính tâm lý, văn hóa và lối sống cộng đồng. Do đó giảng dạy cho các em cần có những đặc thù riêng, những chiến lược, biện pháp, cách thức tiến hành phù hợp. Kết hợp với những phân tích về ảnh hưởng của đặc điểm tâm lý, tính cách đến việc phát triển tư duy logíc cho HSDTTS, chúng tôi đề xuất một số phương pháp dạy học có thể khai thác vận dụng trong giảng dạy đối tượng học sinh này.

2.2.1. Phương pháp học nắm vững (chú trọng thực hành và rèn luyện)

Theo nghiên cứu của Gloria Lapson Billings về các giáo viên dạy học có hiệu quả (cho các nhóm HSDTTS) thì giáo viên không phải chờ đón HS thể hiện được các kỹ năng mà giáo viên phải giúp HS phát triển những kỹ năng cần thiết [1, tr.46].

Việc dạy học mà được sắp xếp theo một trật tự liên tục, có logic và khớp nối với những tư liệu và các hoạt động đối với những nhu cầu cũng như khả năng cá nhân là có hiệu quả nhất trong việc củng cố quá trình học tập của HS. Với HSDTTS phương pháp học nắm vững là cần thiết. Việc dạy học đảm bảo HS học đủ và nắm vững các khái niệm, kỹ năng nhất định là cơ sở của phương pháp học nắm vững và thường thông qua thực hành và rèn luyện.

Thời lượng chương trình dành cho môn Toán theo chương trình giáo dục THPT môn Toán lớp 10 là 3 tiết/ tuần nhưng với các trường THPT-DTNT lại là 5 tiết/ tuần, trong đó 2 tiết gọi là tiết dãn nhằm giúp HS thực hành và rèn luyện. Việc thực hành và rèn luyện nhiều giúp HS nắm được nội dung và những kỹ năng cơ bản trước khi chuyển sang những nội dung tiếp sau. Thực hành kế tiếp sự hiểu biết và có thể nâng cao sự hiểu biết. HS sẽ học dễ dàng hơn và sẽ nhớ lâu hơn nếu các em được thực hành những cái mà các em hiểu hay đã biết thông qua giờ học trên lớp. Tuy nhiên quá trình thực hành và rèn luyện của HS phải được GV giám sát chặt chẽ và GV cần cung cấp những tình huống đa dạng, các mục rèn luyện có liên hệ với những kinh nghiệm và hứng thú của HS. Thực hành phải được tổ chức để GV và HS có hồi âm ngay lập tức nhằm giúp các em nắm vững tư liệu. Thực hành phải được cá thể hóa. Các bài tập phải được tổ chức để các HS có thể làm việc độc lập theo khả năng riêng của từng người. Theo cách này những HS học chậm có thể dành nhiều thời gian hơn vào các mục khó đối với các em, còn những HS học khá giỏi có thể tiến lên không cần phải đợi các bạn khác.

2.2.2. Dạy học với câu hỏi trắc nghiệm khách quan (TNKQ)

Thường những câu hỏi TNKQ dùng để kiểm tra đánh giá kết quả học tập, đồng thời phân loại trình độ HS. Song câu hỏi TNKQ cũng có thể không nhằm kiểm tra đánh giá kết quả học tập hay phân loại trình độ HS mà có thể sử dụng để rèn luyện năng lực tư duy logic cho HSDTTS. TNKQ có thể giúp HS ghi nhớ đầy đủ, chính xác các định nghĩa, khái niệm, tiên đề, công thức, hiểu ý nghĩa của từng công thức, biết cách áp dụng,… Ngoài ra nó còn hình thành cho HS những khả năng phân tích, suy luận, đặc biệt là tính quyết đoán và sự nhanh trí.

Phương pháp TNKQ được sử dụng hiệu quả trong các giờ dạy trực tiếp hay thực hành rèn luyện có thể khắc phục một số nhược điểm hạn chế quá trình học tập của HSDTTS. Câu hỏi TNKQ là dạng câu hỏi kiểm tra mang tính khách quan phổ biến nhất đặc biệt là ở cấp độ trung học và một số HS cho rằng những câu hỏi đó trả lời rất thú vị. Việc lựa chọn đáp án có sẵn giúp các em khắc phục được những hạn chế về khả năng diễn đạt của các em. Những phương án nhiễu bên cạnh phương án đúng giúp GV khắc sâu cho HS những sai lầm có thể dễ mắc phải với nội dung kiến thức đó.

2.2.3. Dạy học với việc đặt những câu hỏi hướng dẫn thích hợp

Dạy tốt bao gồm cả đặt câu hỏi hay. Hỏi hay vừa là một phương pháp vừa là một nghệ thuật. Những câu hỏi giá trị có thể kích thích sự tò mò của HS, kích thích trí tưởng tượng của các em và tạo động cơ để các em tìm ra những kiến thức mới.

Những câu hỏi nhấn mạnh vào trí nhớ và nhớ lại thông tin có thể củng cố việc học, đặc biệt với HSDTTS, hệ thống kiến thức nền bị hổng, những câu hỏi đơn giản gợi trí nhớ giúp xây dựng sự tự tin và kiến thức nền cho các em.

Việc đặc câu hỏi phù hợp với HS, những câu hỏi tương xứng với khả năng của các em, GV có thể khuấy động sự hứng thú của HS, có thể lôi cuốn các em vào quá trình xây dựng bài học. Thường xuyên khuyến khích HS tham gia phát biểu để qua đó GV có thể hướng dẫn, rèn luyện cho các em về cách diễn đạt và phát triển ngôn ngữ nói giúp các em chủ động, tự tin với ý kiến của mình.

Khi GV đặt câu hỏi và HS được kỳ vọng là cho câu trả lời đúng (dẫn đến sự đồng tình của GV). Thật vậy, cái có giá trị và được mong đợi là câu trả lời đúng bởi vì GV được ấn định và chấp thuận câu trả lời đúng. Nhưng với GV giảng dạy HSDTTS thì câu trả lời sai cũng quan trọng như câu trả lời đúng. Vì khi HS trả lời sai các em chỉ cho GV biết các em nghĩ gì, khi đó thay vì bát bỏ câu trả lời sai của các em, GV có thể hỏi HS, các em đã tạo ra nó như thế nào. Chính vì vậy mà việc HS trả lời như thế nào được mong đợi nhiều hơn là việc HS trả lời đúng hay sai.

2.2.4. Học hợp tác nhóm

Mục đích của học hợp tác theo nhóm nhỏ là:

+) Thúc đẩy sự giao tiếp và tăng cường mối liên hệ giữa các HS với nhau. +) Củng cố việc học bằng cách trình bày lại nó cho người khác hiểu. +) Thu hút các thỏa thuận khôn ngoan để giải quyết vấn đề.

Theo quan điểm này, những bài học được xây dựng trên các hoạt động và có dùng các nhóm nhỏ dường như có thể giúp HS vượt qua được các nhầm lẫn khái niệm và thúc đẩy các em học khái niệm tốt hơn.

Việc chia HS thành những nhóm nhỏ dường như mang lại cơ hội cho HS tham gia tích cực hơn vào hoạt động học tập và giúp GV theo dõi tiến bộ ở HS tốt hơn. Việc cho HS hoạt động theo nhóm nhỏ có thể tăng cường các kỹ năng xã hội và sự tương tác trong HS. Giảng dạy theo nhóm nhỏ có thể mang lại những kết quả

thú vị, cho phép HS tiến bộ theo những tốc độ riêng của mình, tạo ra một tình huống an toàn về tâm lý để HS nắm bắt kiến thức và khuyến khích các em đóng góp vào các hoạt động trên lớp.

Với HSDTTS việc học theo nhóm nhỏ có tác dụng khắc phục một số nhược điểm về thói quen tâm lý, tính cách… Như học nhóm theo đôi, một HS đã nắm vững bài học được ghép đôi với một HS cần giúp đỡ. Việc trao đổi bài học với bạn hay đặt câu hỏi cho bạn thoải mái hơn nhiều so với làm việc đấy cùng GV. Các em có thể hỏi đi hỏi lại một vấn đề hay một ý tưởng nhiều lần với bạn mà không sợ bị chỉ trích hay lo lắng bị coi là ngốc nghếch. Mặt khác đôi khi một vài từ lóng mà HS thường dùng với nhau làm cho một khái niệm khó trở nên dễ hiểu hơn. Và vấn đề được diễn đạt theo cách lĩnh hội của HS với nhau giúp các em nhận thức tốt hơn. Ở phương diện của người hướng dẫn bạn học, HS có thể phát triển khả năng diễn đạt, giải thích các ý tưởng hay bài toán thành kỹ năng và hoạt động giao tiếp của các em cũng được nâng lên.

Việc học tập theo nhóm nhỏ giúp HS tăng cường tính đoàn kết, tinh thần trách nhiệm và quan trọng nhất là giúp các em trao đổi thảo luận ý kiến của mình mà không sợ bị sai hay sợ bị chế nhạo. Tạo cơ hội cho các em đặt câu hỏi, giúp các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp và sự tự tin.

Một phần của tài liệu PHÁT TRIỂN tư DUY LOGIC CHO học SINH dân tộc THIỂU số TỈNH KON TUM QUA dạy học đại số 10 (Trang 28 - 31)