Giàn anten cho phép sử dụng phương pháp lọc không gian, phương pháp này được áp dụng cho cả bên thu cũng như bên phát để giảm nhiễu đồng kênh. Khi phát, anten được sử dụng để tập trung năng lượng phát xạ nhằm tạo ra một búp sóng có hướng trong vùng có bộ thu. Điều này có nghĩa là có ít nhiễu hơn trong các hướng khác mà búp sóng không hướng đến. Nhiễu đồng kênh bên phát có thể giảm bằng cách hình thành những nút sóng trong hướng của các bộ thu khác. Mục đích của sơ đồ này là giảm năng lượng phát trong hướng của các bộ thu đồng kênh và do đó cần những thông tin về quyền ưu tiên vị trí của chúng.
2.3.4. Tăng dung lượng hệ thống
Ưu điểm nổi bật của việc sử dụng anten thích nghi trong thông tin di động chính là cho phép tăng dung lượng hệ thống. Hệ thống di động ở vùng đông dân cư thường bị giới hạn bởi nhiễu, nghĩa là nhiễu từ những người dùng (nhiễu CCI và ACI) là nguồn tác động chính đối với hệ thống. Điều này cũng có nghĩa là tỷ số tín/nhiễu (SIR) lớn hơn nhiều so với tỷ số tín/tạp âm nhiệt (SNR). Anten thích nghi sẽ cân bằng ở mức trung bình, bằng cách tăng đồng thời mức độ tín hiệu thu có ích và giảm mức độ nhiễu, như vậy tỷ số SIR sẽ tăng. Đặc biệt, giàn thích nghi sẽ cho một sự cải thiện đáng kể. Kết quả thực nghiệm cho thấy có thể tăng mức SIR trung bình lên tới 10 dB trong khu vực đô thị.
Trong hệ thống TDMA, ý nghĩa của tăng tỷ số SIR chính là giảm khoảng cách tái sử dụng tần số. Ví dụ được chỉ ra ở Hình 2.11, trong đó cụm 7 tế bào thông thường được giảm xuống thành cụm 3 tế bào. Như vậy sẽ làm cho dung lượng tăng 7/3 lần vì tất cả các tế bào sẽ được cấp phát tổng số lượng sóng mang nhiều hơn.
Hình 2.11: Tăng dung lượng bằng cách giảm khoảng cách tái sử dụng tần số
Hệ thống CDMA, như trong IS-95 hoặc UMTS, cần hạn chế nhiễu nhiều hơn so với hệ thống TDMA. Nguồn tạp âm chính trong hệ thống này chủ yếu là nhiễu từ những người dùng khác do có những mã trải phổ trực giao không lý tưởng. Có nghĩa là việc tăng dung lượng đối với hệ thống CDMA còn phải lớn hơn so với TDMA. Đối với CDMA thì dung lượng tăng lên 5 lần.