Chính sách thị trường

Một phần của tài liệu ĐẦU TƯ CỦA KHU VỰC TƯ NHÂN ĐỐI VỚI SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM (Trang 30 - 33)

Đưa ra các chính sách và thông tin về thị trường một cách chính xác, đầy đủ và kịp thời cũng là một chức năng quản lý kinh tế vĩ mô rất quan trọng của nhà nước, đặc biệt đối với khu vực tư nhân.

Sự cần thiết của các chính sách thị trường đối với hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân xuất phát từ những khó khăn của khu vực này trong vấn đề thị trường. Nguyên nhân chủ yếu của những khó khăn này là khả năng cạnh tranh của các đơn vị kinh tế tư nhân còn rất thấp, công nghệ sản xuất còn lạc

hậu. Đây không chỉ là vấn đề của khu vực tư nhân mà còn là vấn đề của các doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, nhân tố thị trường quyết định sự tồn tại và phát triển của mọi đơn vị sản xuất kinh doanh. Vì vậy để tạo điều kiện cho sự phát triển của nền sản xuất trong nước nói chung và các hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực tư nhân nói riêng, nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ thích đáng về thị trường.

Các biện pháp đó bao gồm:

- Bảo đảm về thị trường trong nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, nhà nước có một công cụ rất hữu hiệu là chính sách bảo hộ bằng thuế quan và hạn ngạch. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ không thể kéo dài trong xu thế hội nhập với nền kinh tế thế giới và khi lịch trình thực hiện AFTA sắp đến gần. Do đó cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực để tạo cho mình một chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước.

- Cung cấp thông tin định hướng về thị trường trong nước và quốc tế. Thực tế trong thời gian qua, nhà nước ta chưa thực hiện tốt công tác này, do đó đã gây ra xu hướng đầu tư không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Sự thất bại của những người nông dân trồng cà phê là một ví dụ cho sự yếu kém đó.

- Hỗ trợ cho các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại với sự phân công lao động xã hội ngày càng sâu sắc đã tạo cho hàng hoáViệt Nam những cơ hội mở rộng thị trường. Khi các nước phát triển đã đạt tới nền văn minh tri thức, rất nhiều hàng hoá tiêu dùng không còn được sản xuất tại các nước này nữa mà được nhập khẩu. Đó là lý do tại sao mà thực phẩm, hàng may mặc do Trung Quốc, Thái Lan... sản xuất trở nên rất phổ biến ở các nước phát triển. Những loại sản phẩm đó Việt Nam cũng có khả năng sản xuất với chất lượng tương đương. Song để có được chỗ đứng như Thái Lan, Trung Quốc, vai trò của nhà nước là rất to lớn, kinh nghiệm của các nước này cho thấy điều đó.

Những phân tích trên cho thấy nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của khu vực tư nhân. Nhà nước không chỉ là người khuyến khích, hỗ trợ và bảo đảm cho hoạt động đầu tư của khu vực tư nhân, thiện chí của nhà nước đối với khu vực này còn là nhân tố quyết định trong việc xoá bỏ những sự đối xử bất bình đẳng mà khu vực tư nhân đã và đang phải gánh chịu.

KẾT LUẬN

Khu vực tư nhân tuy mới hình thành và phát triển từ sau Đổi mới song hoạt động đầu tư của khu vực này đã tăng trưởng không ngừng và có vai trò ngày càng quan trọng hơn đối với nền kinh tế nước ta. Những đóng góp của hoạt động đầu tư của khu vực này đối với nền kinh tế không chỉ là sự gia tăng về lượng mà còn góp phần tạo nên những biến đổi về chất, tức là tạo ra sự phát triển của nền kinh tế.

Nhận thức được vai trò ngày càng quan trọng của khu vực này đối với nền kinh tế, nhà nước ta đã có rất nhiều biện pháp, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tiến hành đầu tư. Tuy các biện pháp còn có hạn chế, còn chưa đủ mạnh, song nó thể hiện rất rõ quan điểm khuyến khích của nhà nước ta đối với khu vực này. Trong tương lai, khi những hạn chế được khắc phục, những chính sách mới được đưa ra, khu vực tư nhân sẽ có nhiều điều kiện hơn nữa để thực hiện vai trò của mình trong giai đoạn quá độ, xây dựng nền tảng vật chất cho sự ra đời của xã hội xã hội chủ nghĩa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.PTS Nguyễn Ngọc Mai, Kinh tế đầu tư, NXB Giáo dục, 1998

2. David Begg, Stanley Fisher, Rudiger Dornbusch, Kinh tế học tập I, II, NXB Giáo dục, 1995

3. Khoa Kinh tế phát triển, ĐH KTQD, Kinh tế phát triển, NXB Thống kê, 1999

4. Tạp chí Kinh tế và phát triển

5. Tạp chí Phát triển kinh tế

6. Tạp chí Kinh tế và dự báo

7. Tạp chí Những vấn đề kinh tế thế giới 8. Thời báo kinh tế Việt Nam

9. MIDI, Chuyên đề nghiên cứu kinh tế tư nhân

10. World bank, Việt Nam tiến vào thế kỉ XXI

11. Văn kiện Đại hội Đảng IX 12. Niên giám thống kê

Một phần của tài liệu ĐẦU TƯ CỦA KHU VỰC TƯ NHÂN ĐỐI VỚI SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM (Trang 30 - 33)