Chính sách tiền tệ

Một phần của tài liệu ĐẦU TƯ CỦA KHU VỰC TƯ NHÂN ĐỐI VỚI SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM (Trang 29 - 30)

Chính sách tiền tệ là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô của nhà nước. Chính sách này tác động đến mức cung tiền, làm thay đổi lãi suất của nền kinh tế. Có ý kiến cho rằng, mức lãi suất hiện nay còn khá cao, chưa đủ sức khuyến khích đối với hoạt động đầu tư, do đó là một lực cản đối với việc huy động các tiềm năng của khu vực tư nhân cho hoạt động đầu tư.

Thật vậy, như đã phân tích trong phần lý luận về các nhân tố ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư của khu vực tư nhân, quy mô đầu tư tỷ lệ nghịch với mức lãi suất vốn vay vì lãi suất càng lớn thì lợi nhuận do hoạt động đầu tư đem laị càng nhỏ. Do đó, các nhà đầu tư không dám vay vốn để đầu tư. Hơn nữa, mức lãi suất cao như hiện nay, cao hơn rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, sẽ góp phần làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Mức lãi suất cho vay cao như vậy là do lãi suất tiết kiệm cao. Có một nghịch lý là lãi suất tiết kiệm cao thì sẽ huy động được nhiều vốn nhàn rỗi trong dân cư nhưng lại làm cho lãi suất cho vay cao nên không khuyến khích được người đi vay. Đây là nguyên nhân của tình trạng ứ đọng vốn trong các ngân hàng thời gian qua.

Làm thế nào giải quyết được nghịch lý trên để vừa huy động được vốn tiết kiệm, vừa khuyến khích được các hoạt động đầu tư? Giải pháp là từng bước giảm lãi suất và chuyển sang huy động vốn tiết kiệm bằng các biện pháp khác. Việc giảm lãi suất không những tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vay vốn để đầu tư mà còn giảm dần thói quen gửi tiết kiệm, tạo thói quen đầu tư trong công chúng. Các biện pháp huy động vốn ngân hàng khác bao gồm việc

khuyến khích các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trả lương bằng chuyển khoản vào các tài khoản ngân hàng, khuyến khích các giao dịch bằng séc...

Lãi suất sẽ giảm khi nhà nước phát hành tiền, điều này làm tăng tỷ lệ lạm phát. Song kinh nghiệm thực tiễn thời gian qua cho thấy, một tỷ lệ lạm phát vừa phải sẽ có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế hơn là mức lạm phát quá thấp như trong năm 1999.

Một phần của tài liệu ĐẦU TƯ CỦA KHU VỰC TƯ NHÂN ĐỐI VỚI SỰ TĂNG TRƯỞNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NỀN KINH TẾ VIỆT NAM (Trang 29 - 30)