Nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan

Một phần của tài liệu Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ theo luật hình sự Việt Nam (Trang 83)

công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề bình đẳng giới

Điều 5 Luật Cán bộ, công chức quy định, một trong năm nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức là thực hiện bình đẳng giới. Ngoài ra, Điều 18 của Luật Cán bộ, công chức quy định về những việc cán bộ, công chức không được làm, liên quan đến đạo đức công vụ, trong đó có việc không được phân biệt đối xử vì lý do dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

Thực tế cho thấy, việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là áp dụng biện pháp xử phạt hành chính còn gặp nhiều khó khăn, do nhận thức của một bộ phận cán bộ chính

quyền, đoàn thể ở cơ sở và cộng đồng làng xóm, nhất là bản thân các nạn nhân về quy định của pháp luật liên quan, cũng như trách nhiệm của họ trong việc phòng chống, ngăn chặn nạn bạo lực gia đình rất hạn chế. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới còn thiếu và chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn về giới, bình đẳng giới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hiện nay, cán bộ làm công tác về bình đẳng giới vừa thiếu, lại vừa yếu. Tại 63 Sở Lao động thương bình và Xã hội có 98 cán bộ làm công tác bình đẳng giới, tính trung bình mỗi Sở Lao động thương bình và Xã hội có 1,5 cán bộ làm công tác này, song hầu hết vẫn là kiêm nhiệm. Riêng Thành phố Hồ Chí Minh, Phòng bình đẳng giới thuộc Sở Lao động thương bình và Xã hội được giao chỉ tiêu biên chế là 7 cán bộ; ở cấp huyện có chỉ tiêu 2 biên chế chuyên trách công tác bình đẳng giới; ở cấp xã có 1/2 định biên chuyên trách công tác này.

Đáng chú ý, hầu hết các cán bộ làm công tác bình đẳng giới đều chưa được đào tạo bài bản về kiến thức, kỹ năng công tác bình đẳng giới. Còn về phía những người làm chính sách, do sự hạn chế về kiến thức giới, kỹ năng lồng ghép giới của cán bộ làm công tác tham mưu hoạch định chính sách dẫn đến việc triển khai trên thực tế còn nhiều khó khăn, lúng túng và chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Một số địa phương chưa phân công cán bộ chuyên trách về bình đẳng giới, do vậy việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức và vẫn do Hội phụ nữ thực hiện là chủ yếu. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức và nhân dân nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số còn có những hạn chế, định kiến giới còn nhiều. Vì vậy, cần bổ sung kiến thức về giới và bình đẳng giới, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác này. Đồng thời, tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý lĩnh vực, cán bộ chuyên trách, các cộng tác viên chuyên nghiệp thực hiện công tác bình đẳng giới.

Tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn về giới và bình đẳng giới cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các ban ngành, đoàn thể, cán bộ Hội phụ nữ các cấp, những cán bộ trực tiếp tiến hành các hoạt động liên quan đến việc bảo đảm và thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ. Thông qua các khóa đào tạo, tập huấn này mà góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ, giúp họ có khả năng lồng ghép các chính sách về giới vào các chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương có hiệu quả hơn. Các nội dung đào tạo, tập huấn cần cung cấp cho đội ngũ cán bộ này các kiến thức mang tính toàn diện khách quan về bình đẳng giới. Cần phân tích thực trạng bất bình đẳng giới đang tồn tại ở nước ta hiện nay đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội để họ có được nhận thức và hành động đúng đắn hơn trong việc lồng ghép giới vào phát triển kinh tế - xã hội ở từng ngành, từng địa phương đạt hiệu quả

Các Bộ, ngành và địa phương cần coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về giới, phân tích giới, lồng ghép giới cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới ở trung ương và địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hòa giải về hôn nhân và gia đình, thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng tình làng nghĩa xóm, quan tâm, giúp đỡ các gia đình khó khăn, hoạn nạn, người cao tuổi cô đơn, người tàn tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền sâu rộng kiến thức pháp luật, trong đó có Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng, chống bạo lực gia đình các văn bản khác liên quan đến bình đẳng nam nữ trong gia đình. Sớm kiện toàn và phân công cán bộ (chuyên trách, kiêm nhiệm) làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới tại các bộ, ngành, địa phương.

Cần nghiên cứu đưa nội dung về giới, lồng ghép giới vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của Chính phủ để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về vấn đề này. Tổ chức tập huấn kiến thức về giới và kỹ năng lồng ghép giới cho cán bộ, công chức nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Hoàn thiện khung chương trình và tài liệu đào tạo cán bộ tham gia công tác

phòng, chống bạo lực gia đình, đội ngũ giáo viên, cán bộ tư vấn, công an viên, hòa giải viên cho các nạn nhân bạo lực và người gây bạo lực. Nội dung tài liệu gồm: chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, các kiến thức cơ bản về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, kỹ năng tư vấn, hòa giải, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và người gây bạo lực; sàng lọc, tiếp nhận và chăm sóc nạn nhân, kỹ năng thu thập, xử lý số liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; kỹ năng giám sát, quản lý các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới và các kỹ năng nghiệp vụ phòng, chống tội phạm liên quan đến bình đẳng giới cho các cán bộ tư pháp trong các cơ quan tiến hành tố tụng (Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán) để họ có điều kiện giải quyết kịp thời, chính xác các vụ án về các tội phạm liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu những vấn đề lí luận và thực tiễn về tội phạm xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ theo quy định tại Điều 130 Bộ luật hình sự cho phép đưa ra một số kết luận chung sau:

Tội phạm xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định tại Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự cố ý hoặc vô ý thực hiện bằng hành vi dùng vũ lực hoặc hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa, xã hội.

Hành vi xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau (bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần) và diễn ra trong các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, xã hội, lao động…

Thực tiễn cho thấy tội phạm liên quan đến vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đang diễn ra rất phổ biến, đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho đối tượng bị xâm hại và xã hội. Tuy nhiên, tính đến nay vẫn chưa có vụ án nào được đưa ra xét xử về tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ theo quy định của Điều 130 Bộ luật hình sự. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến nhận thức và áp dụng luật.

Để khắc phục tình trạng đó và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống và xử lý tội phạm liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, tiến tới loại bỏ hoàn toàn loại tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội cần phải tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật hình sự và các quy định pháp luật có liên quan cũng như thực hiện các giải pháp hỗ trợ khác.

Trên cơ sở nghiên cứu các vấn đề lí luận, thực tiễn về tội phạm xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ, tác giả luận văn đã đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật hình sự về tội phạm này. Bên cạnh đó là một số giải pháp khác

như: tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến pháp luật; nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến vấn đề bình đẳng giới.

Những kết quả của luận văn đã thể hiện sự nỗ lực của bản thân cũng như sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, gia đình và bạn bè, đồng nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện nghiên cứu và khả năng của bản thân có hạn, chắc chắn luận văn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót nhất định, tác giả luận văn rất mong được sự tiếp tục chỉ dẫn của các thầy cô, của bạn bè để luận văn có nội dung hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ theo luật hình sự Việt Nam (Trang 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)