Đối với các nguồn gây ô nhiễm

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng chất lượng nước dưới đất, đề xuất biện pháp khắc phục và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất phục vụ sinh hoạt trên địa bàn thành phố nha trang (Trang 72 - 74)

a. Nước thải nông nghiệp

- Tiến hành xây dựng các hệ thống thoát nước và cấp nước đúng quy định, đúng tiêu chuẩn; xây dựng các công trình xử lý nước thải sinh hoạt, nước rỉ rác từ bãi chôn lấp phải đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường.

- Đối với các khu vực dân cư cạnh các nghĩa trang, bãi rác hạn chế sử dụng các giếng khoan dân dụng để khai thác nước nhằm đảm bảo chất lượng nước dưới đất trong khu vực.

- Đối với hộ gia đình ven thành phố, đặc biệt là ở các đảo, nước mưa có thể được hứng thông qua các mái che sẵn có tại gia đình và chứa vào lu, bể, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho ăn uống sinh hoạt. Về lâu dài để tận dụng được nguồn nước mưa chuyển thành lượng nước bổ cập cho nước dưới đất, đồng thời giảm lượng nước thất thoát ra biển, cần thiết kế hệ thống các bể ngầm thu nước mưa.

- Bên cạnh đó cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm, bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung.

b. Nước thải công nghiệp

- Tùy đặc thù từng ngành mà UBND tỉnh Khánh Hòa có các văn bản pháp quy riêng. Các cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải phải được trang bị các thiết bị, hệ thống xử lý nước thải, chất thải đạt yêu cầu trước khi xả thải ra môi trường.

- Thay đổi công nghệ, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, dùng nước khép kín, giảm lượng phát thải.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước thải trước khi xả thải ra môi trường. Cần có những biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời đối với các doanh nghiệp, cơ sở làm trái quy định.

- Tiến hành thu thuế sử dụng tài nguyên nước theo quy định nhằm bảo vệ và khai thác hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên quý báu này.

Đặc biệt đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nằm gần khu phát triển dân cư, trên vùng bổ cập nước ngầm mà hoạt động của chúng làm ô nhiễm tầng chứa nước thì nên có kế hoạch thực hiện di dời; hạn chế phát triển công nghiệp tại khu vực nội thành mới phát triển; sắp xếp công nghiệp theo chuyên ngành và thu hút đầu tư các xí nghiệp công nghiệp sạch, hiện đại có hàm lượng khoa học cao, giá trị gia tăng lớn, sử dụng ít lao động phổ thông và không gây ô nhiễm môi trường theo quy hoạch chung của thành phố.

c. Nước thải nông nghiệp

- Hoạt động trồng trọt chủ yếu đưa vào nguồn nước các dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Do đó trước khi bón phân, phun thuốc cần phải cày xới kỹ càng; kiểm tra chất lượng của từng loại đất để cung cấp đủ lượng hóa chất cần dùng tránh dư mà cũng tránh thiếu.

- Nên áp dụng, nghiên cứu dùng thử các loại phân sinh học không gây ô nhiễm môi trường, cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc tự nhiên.

- Ngoài ra nên chọn các giống cây có tính kháng bệnh cao, áp dụng các biện pháp bảo vệ mùa màng bằng biện pháp sinh học nhằm giảm lượng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật.

- Cần thu gom tập trung chất thải, không xả thải bừa bải ra môi trường, tăng cường việc nghiên cứu để biến chất thải thành các sản phẩm như phân bón vi sinh.

- Cần lập nên những hội khuyến nông riêng, từng bước giúp nhau trong hoạt động chăn nuôi. Qua đó nâng cao nhận thức người dân về hoạt động chăn nuôi gia súc gia cầm, hướng dẫn sử dụng lượng thức ăn vừa đủ, loại thuốc sử dụng thích hợp.

- Khuyến khích người dân tạo các hố bioga nhằm thu gom và xử lý phân gia súc vừa làm giảm lượng ô nhiễm từ hoạt động chăn nuôi ra môi trường vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng chất lượng nước dưới đất, đề xuất biện pháp khắc phục và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất phục vụ sinh hoạt trên địa bàn thành phố nha trang (Trang 72 - 74)