Giải pháp hành chính

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng chất lượng nước dưới đất, đề xuất biện pháp khắc phục và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất phục vụ sinh hoạt trên địa bàn thành phố nha trang (Trang 70 - 71)

Để quản lý, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, cho đến nay Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp quy như:

- Luật tài nguyên nước (1998) có hiệu lực từ ngày 01/10/1999.

- Nghị định của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước số 149/2004 NĐ – CP ban hành ngày 27/07/2004.

- Nghị định của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước số 34/2005 NĐ – CP ban hành ngày 13/03/2005.

- Nghị định số 68/1998/NĐ – CP ngày 03/09/1998 của Chính Phủ quy định chi tiết thi hành pháp lệnh thuế tài nguyên trong đó có nước thiên nhiên bao gồm nước mặt và nước dưới đất.

- Luật bảo vệ môi trường (29/11/2005) có hiệu lực từ ngày 01/07/2006.

- Quyết định số 15/2008/QĐ – BTNMT ban hành ngày 31/12/2008 quy định về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất.

Trên địa bàn thành phố Nha Trang, để các văn bản pháp quy này thực sự có hiệu quả cần chú ý, tập trung vào những vấn đề sau:

- Thực hiện việc rà soát, kiểm tra thường xuyên, phát hiện các tổ chức, cá nhân khoan, thăm dò, khai thác nước dưới đất chưa có giấy phép hoặc chưa đăng ký; giải quyết dứt điểm việc đăng ký, cấp phép đối với các công trình khai thác nước dưới đất để quản lý theo luật định. Các tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất không được vượt quá lưu lượng được cấp phép và phải có thiết bị, đồng hồ đo kiểm soát lưu lượng khai thác.

- Xây dựng và thực hiện chương trình thanh tra, kiểm tra hàng năm, kết hợp với công tác kiểm tra đột xuất, chú trọng đối với các tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng nước dưới đất với trữ lượng và quy mô lớn; kiên quyết xử lý các vi phạm như không thực hiện xử lý trám lấp lỗ khoan không sử dụng, không thực hiện các biện pháp bảo vệ nước dưới đất theo quy định.

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm soát việc thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ xử lý, trám lấp các giếng không sử dụng đối với tất cả các hoạt động theo quy định để hạn chế, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm, xâm nhập mặn các tầng chứa nước, nhất là tầng chứa nước quan trọng Holocen (qh).

- Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực quản lý tài nguyên nước ở cấp xã, phường; tăng cường trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra, bổ sung cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn phù hợp, có kỹ năng quản lý và giải quyết các vấn đề thực tiễn.

- Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc thăm dò, khai thác sử dụng tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước; xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông phổ biến kiến thức về tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng sử dụng nước; tạo các môi trường, cơ chế, chính sách thích hợp để khuyến khích sự tham gia của toàn cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Lồng ghép các vấn đề về bảo vệtài nguyên nước vào chương trình đào tạo của ngành giáo dục, y tế sức khỏe cộng đồng.

Một phần của tài liệu Đánh giá hiện trạng chất lượng nước dưới đất, đề xuất biện pháp khắc phục và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất phục vụ sinh hoạt trên địa bàn thành phố nha trang (Trang 70 - 71)