Nghệ thuật trần thuật

Một phần của tài liệu Cuộc sống người lính trở về sau chiến tranh trong tiểu thuyết Phố của Chu Lai : KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP (Trang 53 - 59)

7. Cấu trúc khoá luận

3.3. Nghệ thuật trần thuật

Văn học sau năm 1975, chuyển đổi từ tư duy sử thi sang tư duy tiểu thuyết, kéo theo sự mới mẻ trong quan niệm nghệ thuật về con người. Do đó mà có sự thay đổi trong phương diện ngôn ngữ tác phẩm.

Tiểu thuyết Chu Lai mang một dấu ấn rất riêng của phong cách nhà văn. Ông đã tận dụng triệt để các yếu tố ngôn ngữ đời thường, không cầu kỳ trau chuốt nhưng cũng không kém phần sắc sảo, quyết liệt. Dấu ấn riêng này không chỉ thể hiện ở cách xây dựng nhân vật mà còn thể hiện ở giọng điệu của chính

tác giả trong kể và tả. Cách kể này kéo người trần thuật và người đọc lại gần nhau hơn. Người kể chuyện dường như đang trò chuyện cùng độc giả.

Cũng có khi ông mở giọng tâm tình thủ thỉ với độc giả về sự lãng mạn, hào sảng cả nỗi trăn trở nhọc nhằn, cả điều thiện lẫn điều ác của chiến tranh vẫn mãi là cái nền, cái giá đỡ tinh thần cho nhịp thơ hiện nay.

Ngôn từ và giọng điệu là một trong những yếu tố quan trọng làm nên phong cách nhà văn. Chu Lai ý thức rất rõ điều đó. Ông tạo cho mình một giọng văn đặc biệt, mang chất ngang tàng, kiêu bạc. Ông lựa chọn cho mình một thứ ngôn từ mạnh. Ít tìm thấy ở ông sự nhè nhẹ, lâng lâng. Đối với ông động bút là không được nhạt, không thấy nhạt. Cách tả con người cũng như huống cảnh con người bao giờ cũng mạnh mẽ, rõ ràng không bao giờ có hiện tượng lưng chừng nước lợ. Sở dĩ như vậy vì Chu Lai luôn đẩy số phận nhân vật đến tận cùng nỗi đau, miêu tả chiến tranh khốc liệt như chính bản chất của nó. Ngôn từ trong tiểu thuyết của ông như đi đến mọi ngóc ngách của vấn đề, đưa đến cho người đọc những phát hiện thú vị.

Đồng thời nhà văn sử dụng luân phiên các điểm nhìn, khi là điểm nhìn của nhân vật khi là điểm nhìn của người kể chuyện. Điểm nhìn của người kể chuyện, tạo ra cái nhìn chung khái quát các sự kiện, điều khiển sắp xếp các chi tiết, hành động. Còn khi nhà văn trao điểm nhìn trần thuật cho nhân vật tức là hướng ngòi bút để nhân vật tự giãi bày gan ruột của mình, lúc này nhân vật hiện lên với bản chất vốn có. Và rất nhiều lần, nhà văn đã cố tình xóa nhòa ranh giới giữa người kể chuyện và nhân vật trong các tình huống miêu tả một nhân vật nào đó hoặc đánh giá về một sự việc nào đó. Chính vì vậy mà cách miêu tả trong tiểu thuyết chu Lai trở nên khách quan và chân thực hơn. Trong cách miêu tả ngôn ngữ trần thuật của nhà văn sử dụng liên hoàn những từ ngữ cùng trường nghĩa, tạo cho câu văn tính nhạc bỗng trầm, kết cấu hài hòa, cân đối.

Bên cạnh, cách miêu tả thực trong bút pháp nghệ thuật, ngôn ngữ người kể chuyện trong tiểu thuyết của Chu Lai còn mang phong cách khỏe khoắn, sắc cạnh, gân guốc, phong cách ngôn ngữ này phù hợp với Lãm „„im mẹ cái mồm đi ! đã làm lính mà hèn thế thì làm lính làm cái đéo gì ?’‟[7,121], hay như Linh

trong Vòng tròn bội bạc, ta không thể quên được lời kết tội đanh thép của anh đối với lão Quách : “Đây là toàn bộ những chứng cớ về hành động tồi tệ của anh! Cầm lấy! Cầm lấy mà lo đối phó, lo xuyên tạc như bản chất anh vốn có.” [5,395], hoặc như ngôn ngữ của Dũng khi nói với Lãm „„ Ê, buồn mẹ gì ! mọi cái sự buồn so với chín năm chó nằm trong cũi của tao đều là vớ vẩn hết. Làm lại, con trai Hà Nội không được quyền uỷ mị’‟, Có lúc ngôn ngữ kể chuyện lại bụi bặm, nhạo đời : “Hết chiến tranh thằng lính mất giá nhưng bộ đồ lính vẫn có giá lắm đấy chị ạ! Từ ông lão cày ruộng đến cậu sinh viên, từ kẻ trấn lột trên tàu đến kẻ trộm phân đêm, từ thằng buôn xe máy đến con phe phẩy... tất cả đều mặc tuốt như một thứ bảo hành nhân phẩm bên trong”.[7,160].

Trong Ăn mày dĩ vãng khi xuất hiện nhân vật Hai Hùng với sự miêu tả về hình dáng : “Cao một thước bảy mươi nhưng chỉ nặng có bốn mươi nhăm cân”. [1, 7]. Chu Lai miêu tả Hai Hùng với một thứ ngôn ngữ hơi quái đản nhằm thể hiện dụng ý nghệ thuật của mình. Ông muốn tạo nên một cách nhìn cuốn hút tạo sự tò mò về một con người đi “ăn mày dĩ vãng”.thật đặc biệt để đối lập với một Hai Hùng trong quá khứ ngoài ra còn thể hiện sự đối lập giữa hình hài và tính cách của nhân vật này. Con người này thay đổi hình hài một cách ghê gớm nhưng tấm lòng thì một lòng sắt son không bao giờ thay đổi dù thời gian có trôi qua, cuộc đời dù có đen bạc như thế nào đi nữa thì anh vẫn một lòng thủy chung với quá khứ.

Yếu tố tạo nên những âm hưởng chủ đạo của ngôn ngữ người kể chuyện trong tiểu thuyết Chu Lai là lối văn đau đớn đầy nội tâm, giàu triết lý. Ngòi bút của nhà văn thấm đượm chất triết lý, suy nghiệm rút ra từ cuộc sống, chính vì vậy mà nó gần gũi với độc giả.

Hình ảnh người lính trong tiểu thuyết Phố của Chu Lai chủ yếu là sự đan cài thời gian không gian giữa quá khứ và hiện tại. Bởi vậy, ngôn ngữ người kể chuyện không thể là đơn tuyến. Giọng văn với nhiều những cảm xúc do âm điệu ngôn từ mang lại đã tạo nên một nét riêng trong ngôn ngữ tiểu thuyết của Chu Lai. Nó góp phần làm nên sự thành công trong sự nghiệp sáng tác của ông.

Tiểu kết

Việc xây dựng hình tượng người lính thời hậu chiến trong các tiểu thuyết của Chu Lai, đã đạt được những thành công đáng kể và trong những yếu tố làm nên thành công đó không thể không nhắc đến nghệ thuật thể hiện hình tượng người lính. Cụ thể đó là thể hiện thành công trên các phương diện: xây dựng nhân vật đối lập nhau, xây dựng nhân vật qua đối thoại và nghệ thuật trần thuật đặc sắc, ngoài ra Chu Lai còn sử dụng nhiều thủ pháp đặc sắc khác.

Về phương diện kết cấu tiểu thuyết, Chu Lai đã thể hiện một lối kết cấu đặc biệt của tiểu thuyết hiện đại đó là kết cấu lịch sử tâm hồn, mạch câu chuyện sẽ đi theo dòng suy nghĩ của nhân vật vì thế nó kéo theo sự chuyển đổi về không gian và thời gian. Không gian, thời gian của câu chuyện có sự đan xen giữa quá khứ và hiện tại. Lối kết cấu này, cho ta khám phá nhân vật trong cái nhìn nhiều chiều, nhiều vẻ và tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt lôi cuốn người đọc.

Ngoài ra, Chu Lai còn cho ta thấy tài năng của ông trong một nghệ thuật khác khá đặc sắc đó là nghệ thuật xây dựng nhân vật. Ông đã thành công trong việc xây dựng nhân vật điển hình trong những cặp nhân vật đối lập tạo nên sự đối nghịch hai thế lực trong truyện, tạo nên sức dẫn cuốn hút người đọc. Ngoài ra, nó còn cảnh tỉnh chúng ta phải hết sức tỉnh táo trong cuộc sống hôm nay. Chu Lai xây dựng nhân vật thành công một phần nữa là do ông đã biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại của nhân vật, qua đó góp phần thể hiện rõ nhất phẩm chất của người lính thời hậu chiến.

Yếu tố làm nên sự thành công trong những tiểu thuyết sáng tác của nhà văn Chu Lai, ta không thể không nhắc tới nghệ thuật trần thuật độc đáo, tạo nên một sức cuốn hút lạ kỳ cũng như thể hiện một phong cách Chu Lai độc đáo riêng biệt so với các nhà văn cùng thời trong mảng đề tài quen thuộc này.

KẾT LUẬN

1. Hơn nửa thế kỷ cuộc cách mạng của nhân dân đã trôi qua, đề tài chiến tranh và người lính cách mạng vẫn là dòng chảy chủ đạo , là nguồn cảm hứng dồi dào, là đề tài không cạn kiệt thu hút sự quan tâm chú ý của thế hệ các nhà văn.Tiểu thuyết Chu Lai viết về người lính thời hậu chiến cho ta một cái nhìn toàn diện và sâu sắc nhất về người lính trong thời mở cửa. Lúc này mọi góc khuất của tâm hồn người lính được thể hiện một cách chân thực cụ thể nhất.

2. Qua cách thể hiện như vậy, nhà văn Chu Lai cho thấy một cái nhìn mới về số phận những người lính trở về sau chiến tranh. Những người lính trở về có người nhạy bén, may mắn thành công trong cuộc sống, đưa lại sự khởi sắc trong làng lính sau chiến tranh. Một số khác trở về không hoà nhập được với nhịp sống mới rơi vào trạng thái cô đơn, bơ vơ lạc lõng trong cuộc đời. Một số người bị đày ải trong những tấn bi kịch cho đến lúc chết vì một lòng sắt son không chịu dung hoà với cái ác. Bên cạnh những người lính trở về một lòng giữ gìn nhân phẩm truyền thống của mình thì một số khác lại bị cuốn vào vòng xoáy đồng tiền mà bán rẻ lương tâm cho quỷ dữ, giẫm đạp lên tất cả để đạt được mục đích của mình. Nhìn một cách tổng thể về số phận những người lính trở về sau chiến tranh, ta nhận thấy đa số họ đều gặp phải cộc sống bất hạnh, bi kịch.

3. Thông qua việc thể hiện số phận những người lính trở về sau chiến tranh với những số phận khác nhau, Chu Lai muốn gửi đến chúng ta một bức thông điệp: Hãy trân trọng những giá trị thiêng liêng mà lớp cha anh đã gây dựng nên và hãy trân trọng những người đã ngã xuống cho mình cuộc sống ngày hôm nay. Đồng thời thông qua số phận người lính, Chu Lai muốn nhắc nhở, cảnh báo chúng ta rằng: Kinh tế thị trường đưa lại cuộc sống hiện đại nhưng kéo theo nó là các giá trị truyền thống bị phá vỡ, cái xấu lên ngôi, trắng đen lẫn lộn. Ông kêu gọi hãy luôn giữ vững ý chí chiến đấu đừng bao giờ chùn bước, thoả hiệp với cái xấu. Và qua đó cho thấy, một thái độ nhân văn đáng trân trọng của ông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Tác phẩm

1. Chu Lai (1994), Ăn mày dĩ vãng, Nxb Hội nhà văn.

2. Chu Lai (2000), Ba lần và một lần, Nxb Quân đội nhân dân. 3. Chu Lai (2002), Cuộc đời dài lắm, Nxb Quân đội nhân dân. 4. Chu Lai (Z994), Út Teng, Nxb Hội nhà văn.

5. Chu Lai (1990), Vòng tròn bội bạc, Nxb Thanh Niên. 6. Chu Lai (2003), Truyện ngắn Chu Lai, Nxb Văn học. 7. Chu Lai (1999), Phố, Nxb Văn học.

II. Sách tham khảo

1. Bùi Việt Thắng (1996), Những biến đổi trong cấu trúc thể loại tiểu thuyết sau 1975, năm mươi năm Văn học Việt Nam sau cách mạng tháng Tám, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội.

2. Bích Thu (1997), Những nỗ lực sáng tạo của tiểu thuyết Việt Nam từ sau đổi mới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Nhiều tác giả (1996), “Năm mươi năm văn học Việt Nam sau Cách Mạng tháng Tám”, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

III. Bài báo, tạp chí

1. Hồng Diệu (1991), Vấn đề của tiểu thuyết “Vòng tròn bội bạc”, Tạp chí

Vănnghệ Quân độisố 5.

2. Hồng Diệu (1994), “Chiến tranh và người lính qua một số truyện ngắn”, Tạp chí tác phẩm mới số 16.

3. Phan Cự Đệ (2001), “Tiểu thuyết Việt Nam những năm đầu đổi mới”, Tạp chí Văn nghệ quân đội số 03.

4. Nguyễn Hương Giang (2001), “Người lính sau hoà bình trong tiểu thuyết chiến tranh thời kì đổi mới”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 04.

5. Trần Quốc Huấn (2005), “Người chiến sĩ viết văn hôm nay, đội ngũ kế tục những nhà văn chiến sĩ”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 12.

6. Chu Lai (1987), “Vài suy nghĩ về phản ánh sự thật trong chiến tranh” Tạp chí văn học số 04.

7. Chu Lai (1992) “Trao đổi về tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng”, báo Văn nghệ số 29.

8. Bùi Việt Thắng (1994), “ Những dấu hiệu đổi mới của tiểu thuyết nhìn từ cấu trúc và thể loại”, Tạp chí Tác phẩm mới số 16

9. Bùi Việt Thắng (1995), “ Một đề tài không cạn kiệt”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 02.

10. Xuân Thiều (1994) “Điểm qua các tác phẩm được giải thưởng văn học về đề tài chiến tranh và lực lượng vũ trang của Hội nhà văn”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 5.

11. Lý Hoài Thu (2001), “Tiểu thuyết tầm vóc hiện thực và con người”, Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 02.

12. Nguyễn Thanh Tú (2002), Cuộc đời dài lắm - một tiểu thuyết có sức hấp dẫn, Văn nghệ Quân đội tháng 01.

13. Việt báo.vn, Nhà văn Chu Lai và những ám ảnh của người viết. .

Một phần của tài liệu Cuộc sống người lính trở về sau chiến tranh trong tiểu thuyết Phố của Chu Lai : KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP (Trang 53 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(59 trang)